Các quan chức Bắc Kinh bị điều tra về việc bức hại cha mẹ của sinh viên đại học
Các quan chức Bắc Kinh ở Úc đã phải đối mặt với sự điều tra của chính phủ Úc về cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với những người ủng hộ nhân quyền và những người theo tín ngưỡng tôn giáo Trung Quốc, trong đó có cha mẹ của sinh viên đại học Leah Quách (Leah Guo) bị mất tích sau khi họ bị bắt hồi tháng Hai.
Cô Quách, hiện đang theo học tại Đại học Griffith ở Gold Coast, lo sợ rằng cô sẽ không bao giờ được gặp lại mẹ mình, bà Quách Hiểu Vận (Guo Xiaoyun), 48 tuổi và cha, ông Hoàng Ích Cần (Huang Yiqin), 51 tuổi, sau khi họ bị các quan chức Trung Quốc giam giữ bất hợp pháp vào Ngày Lễ Tình Nhân (14/02/2023).
Cha mẹ cô được cho là đã bị bắt sau khi họ thực hiện việc đặt các tờ rơi quảng bá Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) vào hộp thư khu phố trên khắp một vùng của thành phố Thái Châu, miền nam Trung Quốc.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua các bài tập thiền định khoan thai và sự thanh lọc nội tâm, cùng các giáo lý tâm linh tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Những người theo môn tu luyện này ở Trung Quốc đã phải đối mặt với một chiến dịch bức hại vẫn đang diễn ra do chính quyền bảo trợ trong hơn 20 năm qua. Chiến dịch này đã khiến khoảng 70 đến 100 triệu người Trung Quốc phải chịu nhiều hình thức ngược đãi khác nhau, bao gồm sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện, lao động cưỡng bức, tra tấn tàn bạo, và thu hoạch nội tạng, nhằm buộc họ phải từ bỏ môn tu luyện này.
Cô Quách cho biết nơi ở cuối cùng được biết đến của cha mẹ cô là tại Nhà tù thành phố Thái Châu (tỉnh Giang Tô) và cô rất lo ngại không biết họ bị đối xử như thế nào trong lúc bị giam giữ.
“Tôi đã gọi điện cho trại tạm giam Trung Quốc hơn 12 lần, nhưng không ai cho tôi nói chuyện với cha mẹ tôi, và cuối cùng, họ hoàn toàn ngừng trả lời các cuộc gọi. Họ chỉ tuyên bố rằng họ sẽ đối xử ‘hợp pháp và công bằng’ với cha mẹ tôi, nhưng cuối cùng các học viên Pháp Luân Công đều bị kết án trong các trường hợp trước đây,” cô nói. “Tôi được biết họ có thể bị phạt tù tới hai năm.”
Cô quyết định sẽ liên hệ với chính phủ Úc để được giúp đỡ, mặc dù biết rằng, là một sinh viên quốc tế, cô không được bảo đảm rằng lãnh sự quán sẽ có bất kỳ sự trợ giúp nào.
Cô nói: “Tôi nghe nói rằng khi các chính phủ ngoại quốc nêu lên các trường hợp cụ thể của các học viên Pháp Luân Công với Trung Quốc, thì việc làm đó có thể dẫn đến họ sẽ được thả hoặc ngừng bị tra tấn vì đảng cộng sản biết rằng thế giới đang chú ý sát sao.”
Bộ Ngoại giao và Thương mại nêu lên vấn đề này với các quan chức Trung Quốc
Niềm tin của cô Quách vào chính phủ Úc đã được đền đáp, với việc Bộ Ngoại giao quyết định giúp đỡ bằng cách nêu lên vụ việc này với đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra.
Một phát ngôn viên cho biết trong một cuộc trao đổi với cô Quách hôm 06/04, “Thay mặt giám đốc bộ phận các vấn đề pháp lý của Trung Quốc, bà Victoria Young, tôi muốn thông báo với cô rằng chúng tôi đã có cơ hội nêu lên trường hợp của cha mẹ cô Leah với Đại sứ quán Trung Quốc.”
“Chúng tôi đã cho họ biết những mối quan tâm rộng lớn hơn của chúng tôi liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng, đồng thời cũng nêu ra những trường hợp cụ thể liên quan đến cha mẹ của cô Leah và giới thiệu họ xem những bản tin trên truyền thông, bao gồm cả hãng thông tấn Courier-Mail tại Brisbane.”
“Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ mang lại một số thay đổi khả quan.”
Ông John Andress, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp chi nhánh Queensland tại Úc, tin tưởng rằng sự trợ giúp của Liên bang Úc sẽ tạo nên một sự khác biệt cho cha mẹ cô Quách.
Ông nói: “Việc lên tiếng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tra tấn, giam giữ tùy tiện, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức là vô lương tâm và không thể chấp nhận được.”
“Sự giúp đỡ từ cơ sở, cùng với việc các chính phủ lên tiếng, sẽ giúp chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.”
Cha mẹ của cô Quách có nguy cơ bị thu hoạch nội tạng
Cô Quách nói với The Epoch Times rằng một trong những mối quan tâm lớn nhất của cô là khả năng cha mẹ cô có thể bị đưa vào chương trình thu hoạch nội tạng của chế độ ĐCSTQ, mà theo các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ), đang nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, và các tín đồ Cơ Đốc Giáo bí mật ở Hoa lục.
Cô Quách nói: “Nếu cha mẹ tôi bị kết án trong một thời gian dài, thì họ chắc chắn sẽ phải làm xét nghiệm máu, khám xét nội tạng và những kết quả của họ sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu để công an biết nhóm máu của cha mẹ tôi.”
“Nội tạng của họ sẽ bị thu hoạch một cách cưỡng chế nếu máu của họ phù hợp với một số bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng. Những thủ thuật như vậy diễn ra mà không cần gây mê toàn thân, thường khiến người hiến tặng tử vong và tôi hoàn toàn có thể mất đi cha mẹ của mình.”
Trong một thông cáo báo chí, bảy báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ mối lo ngại sâu sắc và báo động về thông tin đáng tin cậy rằng các tù nhân lương tâm bị cưỡng bức xét nghiệm máu và khám nội tạng mà không có sự đồng ý sau khi cung cấp thông tin đầy đủ để tạo thuận tiện cho việc phân bổ nội tạng sống ở Trung Quốc.
Họ cho biết, “Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc dường như nhắm vào các nhóm thiểu số dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo cụ thể bị giam giữ, thường không được giải thích lý do bắt giữ hoặc đưa ra lệnh bắt giữ, tại các địa điểm khác nhau.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times