Các nhà sản xuất thép Trung Quốc lỗ nặng do nhu cầu suy yếu
Dữ liệu cho thấy chỉ 15% nhà máy thép Trung Quốc vẫn có lãi
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã báo cáo mức thiệt hại đáng kể do nhu cầu suy yếu và giá cả thấp. Dữ liệu công bố hôm 28/06 cho thấy chỉ 15% nhà máy thép Trung Quốc vẫn có lãi, giảm 27% so với quý đầu tiên và giảm 59% so với cùng thời kỳ năm ngoái (2021).
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, gang và thép thô giảm 5.9% và 8.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái; lũy kế xuất cảng và nhập cảng thép lần lượt giảm 16.2% và 18.3%; và việc nhập cảng quặng sắt và tinh quặng sắt đã giảm 5.1%.
Dữ liệu thu thập từ 247 nhà máy thép trên khắp Trung Quốc cho thấy sản lượng sản xuất đã giảm đáng kể do nhu cầu suy yếu và tồn kho dư thừa.
Theo Bộ Tài chính Nhà nước Trung Quốc, trong tháng Sáu, dự trữ từ các nhà sản xuất thép chủ lực của Trung Quốc đạt 20.52 triệu tấn, tăng 2.58 triệu tấn so với tháng Năm và tăng 4.83 triệu tấn so với cùng thời kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục trong tồn kho thép.
Nhu cầu thép nội địa của Trung Quốc giảm mạnh được cho là do các đợt phong tỏa và hạn chế vận chuyển nghiêm ngặt theo chính sách zero COVID của Bắc Kinh. Trong khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải gồng mình để đủ sống, thì thị trường dự kiến sẽ tiếp tục suy thoái.
Theo Baiinfo, một nhà cung cấp thông tin thị trường hàng hóa Trung Quốc, ba lĩnh vực sử dụng thép hàng đầu ở Trung Quốc là xây dựng, máy móc, và sản xuất xe cộ.
Ngành xây dựng sử dụng nhiều thép nhất, chiếm 49%, trong khi sản xuất máy móc và phương tiện lần lượt chiếm 18% và 17%.
Bộ Công nghiệp Luyện kim của Trung Quốc chia lĩnh vực xây dựng thành hai phân ngành chính: phát triển bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng.
Thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã suy giảm kể từ năm 2021 và vẫn đang đi trên quỹ đạo xuống dốc do các biện pháp hạn chế COVID-19 trên quy mô lớn đã làm suy yếu niềm tin của người mua và nhu cầu thị trường.
Với doanh số bán hàng sụt giảm, các khoản nợ ngắn hạn, và thiếu nguồn tái cấp vốn ra ngoại quốc, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Trong nửa đầu năm 2022, gần 500 thay đổi quy định đã được thực hiện tại hơn 180 thành phố trên khắp Trung Quốc nhằm nỗ lực kích thích thị trường bất động sản, theo kênh Sina Finance, thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, những nỗ lực kích thích mạnh mẽ như vậy vẫn không thể đảo ngược xu hướng giảm.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán bất động sản đã giảm 31.5% trong năm tháng đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hoạt động đầu tư và xây dựng mới lần lượt giảm 4% và 30.6%.
Ngoài ra, doanh số bán hàng thương mại và mua lại đất đã giảm lần lượt là 23.6% và 45.7%.
Mặc dù thép thường đi đôi với xây dựng, nhưng sự sụt giảm lớn trong các hoạt động xây dựng đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể việc sử dụng thép trên khắp Trung Quốc.
Theo MySteel, một cơ quan đưa tin về giá thép của Trung Quốc, lượng thép được tiêu thụ bởi các dự án bất động sản ở tỉnh Giang Tây đã giảm khoảng 376,000 tấn trong năm tháng đầu năm, giảm 6.16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ sở hạ tầng và máy móc
Theo Cục Thống kê, Bắc Kinh đã mở rộng ngân sách cơ sở hạ tầng thêm 6.7% trong năm tháng đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực đó, nhiều hoạt động xây dựng theo kế hoạch đã bị tạm dừng do những gián đoạn về hậu cần và vận chuyển theo chính sách zero COVID của Bắc Kinh.
Khi các hoạt động xây dựng suy giảm, nhu cầu về nhiều loại máy móc liên quan đến xây dựng cũng bị ảnh hưởng.
Ví dụ: sản lượng máy xúc của quốc gia này đã giảm 30.5% trong năm tháng đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Máy móc Xây dựng Trung Quốc (CCMA), doanh số bán máy xúc trong nước từ 26 nhà sản xuất trong tháng Tư là khoảng 16,000 chiếc, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, doanh số bán máy xúc cỡ lớn đã giảm 59.9%, trong khi loại vừa và nhỏ lần lượt giảm 69.8% và 57%.
Doanh số bán máy xúc thường tương quan với các dự án xây dựng đang hoạt động. So với năm 2021, sản lượng máy xúc đã giảm 14.5% trong quý đầu tiên và 30.5% trong năm tháng đầu tiên.
Ngoài ra, sản lượng và doanh số bán xe cộng lũy tiến của Trung Quốc cũng lần lượt giảm 9.6% và 12.2% trong năm tháng đầu tiên, dữ liệu của CCMA cho thấy.
Trong khi đó, sản lượng và doanh số bán xe thương mại đã giảm 39.4% và 41.9% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm tháng đầu tiên, với sản lượng và doanh số của tháng Năm lần lượt giảm 47.0% và 50.5%.
Theo CCMA, sự sụt giảm trong sản xuất và doanh số của các loại xe thương mại ở Trung Quốc đã vượt xa so với xe du lịch.
Cô Kathleen Li đã đóng góp bài viết cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và công trình tại Úc.