Các nhà phân tích Wall Street và Trung Quốc đánh giá trận tái so tài giữa ông Biden và ông Trump
Với việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024 khiến một cuộc tái tranh tài với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trở thành điều khó tránh khỏi trong cuộc bầu cử tháng Mười Một tới, các nhà phân tích Wall Street và Trung Quốc đang đánh giá khả năng cựu tổng thống trở lại Tòa Bạch Ốc và trù tính các phản ứng tiềm năng của họ.
Một số nhà đầu tư đã bắt đầu thử vận may bằng cách đầu tư theo trường hợp người nào thắng, mặc dù có nhiều biến số cần xem xét trong khi dự đoán tác động của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 đối với thị trường chứng khoán, lãi suất trái phiếu, và tỷ giá hối đoái. Phần lớn các nhà đầu tư cũng tin rằng, về lâu dài, các yếu tố thị trường như chính sách của Hệ thống Dự trữ Liên bang, chu kỳ kinh doanh, và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ quan trọng hơn, [có tác động nhiều hơn kết quả bầu cử].
Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đang thu hút sự chú ý đáng kể của các nhà phân tích với xu hướng rõ ràng sớm một cách bất thường về những ứng cử viên có tiềm năng, và sự đối đầu bất thường giữa một tổng thống đương nhiệm, ông Joe Biden, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, và vị cựu tổng thống mà ông Biden đã đánh bại bốn năm trước.
“Cuộc bầu cử năm 2024 có thể là một sự kiện thị trường lớn do sự khác biệt về chính sách giữa các ứng cử viên,” Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đa quốc gia và nhà cung cấp dịch vụ tài chính, trình bày trong một ghi chú gửi cho khách hàng mà The Epoch Times xem được. “Mặc dù kinh nghiệm năm 2016 và 2020 cho thấy có thể còn quá sớm để cuộc bầu cử có tác động lớn đến thị trường, nhưng trước thực tế là ông Trump và ông Biden đều là những người nổi danh, cuộc bầu cử này có thể tác động đến thị trường sớm hơn những năm bầu cử trước.”
Các động lực về chính sách xung quanh cuộc bầu cử năm 2024 của Hoa Kỳ thực sự độc đáo so với những năm khác. Thứ nhất, thực tế rằng một tổng thống đương nhiệm đang dẫn trước theo các cuộc thăm dò và một cựu tổng thống đang tìm cách tái tranh cử có nghĩa là Tổng thống Biden có nhiều khả năng thực hiện các quy định có lợi cho ông ấy, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải thỏa hiệp về các vấn đề mà ông ấy thường phản đối.
Nhưng nếu Tòa Bạch Ốc sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ chính sách lớn của các tổng thống đương nhiệm, thì dường như các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa có thể ít có xu hướng công bố các biện pháp chính sách mới hơn, một thực tế mà cùng với những chiến thắng đáng kể của ông Trump ở Iowa và New Hampshire, có thể sẽ mang lại cho ông Donald Trump ảnh hưởng lớn hơn trong Đảng Cộng Hòa, Goldman Sachs lưu ý.
Theo ngân hàng đầu tư này, trong khi hệ quả của chính sách trong thời gian bầu cử là rõ ràng, thì việc các ứng cử viên sẽ tập trung vào những vấn đề gì trước cuộc bầu cử là vẫn chưa rõ. Ví dụ, về chính sách kinh tế, ông Donald Trump dự kiến sẽ ưu tiên cắt giảm thuế, đặc biệt là đối với các công ty, nhưng Tổng thống Biden có thể thu hút sự ủng hộ bằng cách đề nghị mở rộng các khoản trợ cấp sử dụng tiền có được từ việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu.
Bên cạnh đó, Goldman Sachs cho biết thêm, mặc dù ông Donald Trump ít có khả năng nhấn mạnh một ý tưởng quan trọng khác có thể gây chia rẽ — áp mức thuế quan 10% trên diện rộng — nhưng nếu ông ấy nhấn mạnh ý tưởng này, thì việc đó sẽ đưa ra một tín hiệu rõ ràng rằng ông ấy có ý định áp đặt mức thuế quan này nếu đắc cử.
Do đó, nhà phân tích Ben Snider của Goldman Sachs nhận xét rằng trong khi các động lực vĩ mô và vi mô khác có nhiều khả năng ảnh hưởng cổ phiếu hơn là chính trị trong những tháng tới, thì một số cách thức mà thị trường chứng khoán thường diễn biến trong năm bầu cử cũng là đáng lưu ý.
Ông Snider viết, “Đầu tiên, trong những năm bầu cử tổng thống thì lợi nhuận từ vốn cổ phần nhìn chung yếu hơn một chút so với mức trung bình. Thứ hai, tăng trưởng thu nhập thường thúc đẩy lợi nhuận trong năm bầu cử tổng thống. Và thứ ba, kết quả của năm bầu cử thậm chí còn có xu hướng tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa, quy định, và thương mại toàn cầu, mặc dù cuộc bầu cử này diễn ra chậm hơn bình thường [về phương diện đó].”
Quyền kiểm soát bị phân chia
Goldman Sachs không phải là ngoại lệ khi cho rằng cuộc bầu cử tháng Mười Một là bất thường; ông Gennadiy Goldberg, người đứng đầu chiến lược lãi suất Hoa Kỳ tại TD Securities có trụ sở tại New York, đã viết trong một ghi chú hôm 30/01: “Chu kỳ bầu cử sắp tới có thể sẽ là một trong những chu kỳ thú vị nhất trong ký ức gần đây khi toàn bộ khối cử tri có sự phân cực cao sẽ tham gia bỏ phiếu hôm 05/11.”
Ngoài ra, ông kỳ vọng rằng Đảng Cộng Hòa có thể “giành lại” Thượng viện và ông Donald Trump có thể tái đắc cử tổng thống, nhưng “sự chia rẽ quyền kiểm soát” có thể tồn tại giữa Thượng viện và Hạ viện.
Theo ông Goldberg, nếu cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng và thành công trong việc thực hiện vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế năm 2017, thì các mức thuế giảm có thể mang lại lực đẩy lớn cho thị trường chứng khoán, trong khi những lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc có thể triệt tiêu một số động lực này.
Ông lưu ý rằng việc cắt giảm thuế cũng có thể làm tăng mối lo ngại về thâm hụt ngân sách gia tăng và tác động đến giá công khố phiếu bằng cách làm tăng chi phí lãi suất bổ sung để bù đắp cho kỳ hạn (term premium) — thước đo mức bồi thường mà các nhà đầu tư muốn khi sở hữu trái phiếu dài hạn.
Công ty xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo hôm 22/01 rằng họ dự đoán thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ sẽ vẫn ở mức cao trong năm nay, và những chính sách tài khóa cũng như tác động quản trị của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ là rất trọng yếu đối với xếp hạng nợ của Hoa Kỳ.
Năm ngoái (2023), Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của chính phủ Hoa Kỳ từ mức cao nhất AAA xuống mức AA+, với lý do suy thoái ngân sách và các cuộc thảo luận về mức trần nợ lặp đi lặp lại vào phút chót.
Do đó, theo ông Goldberg, trong khi giá trị hợp lý của công khố phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 3.5%, thì thâm hụt tăng mạnh và một cuộc hạ cánh kinh tế nhẹ hơn rốt cuộc có thể khiến lãi suất vẫn ở mức cao.
Tương tự như vậy, ông viết, “kỳ vọng về mức thâm hụt cao hơn kéo dài có thể làm chậm lại bất kỳ sự gia tăng nào trong các mức chênh lệch [hoán đổi].”
Chênh lệch hoán đổi là chênh lệch giữa thành phần cố định của một hợp đồng hoán đổi và lợi tức của một loại công khố phiếu có cùng kỳ hạn, và dữ liệu này phản ánh kỳ vọng của thị trường cũng như nhận thức về rủi ro liên quan đến rủi ro tín dụng và thanh khoản.
Tác động địa chính trị
Cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp tới cũng có thể là thời điểm then chốt cho mối bang giao Mỹ-Trung, dựa trên thực tế là mối bang giao song phương đã căng thẳng trong vài năm qua. “Đối với Trung Quốc, điều không chắc chắn lớn nhất vào năm 2024 là liệu ông Donald Trump có quay trở lại nắm quyền ở Hoa Kỳ hay không,” ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Greater China của ANZ, đã viết trong một ghi chú cho khách hàng mà The Epoch Times xem được hôm thứ Hai (05/02).
Ông nói thêm: “Chúng ta biết rằng cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều sẽ có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.”
Theo TDS Securities, khi liên lạc quân sự giữa hai nước được nối lại, chính phủ ông Biden đã cố gắng hàn gắn mối bang giao Mỹ-Trung. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan vẫn ở mức cao sau việc ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến đắc cử, một sự kiện cũng có thể làm căng thẳng thêm mối bang giao Mỹ-Trung.
Mối quan hệ của ông Donald Trump với Trung Quốc cũng là một mối quan hệ nhiều trắc trở, với nhiều đợt xung đột thương mại dẫn đến việc áp dụng các mức thuế mới. Ông Trump đã hứa sẽ ban hành các mức thuế lớn hơn và sâu rộng hơn nhiều so với những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ trước — một mức thuế quan 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế quan 10% đối với tất cả hàng hóa nhập cảng từ tất cả các nước, nếu ông được trở lại làm tổng thống.
Trợ giúp cho Ukraine và Israel cũng nằm trong nghị trình, với việc Tổng thống Biden ủng hộ sự giúp đỡ nhiều hơn trong khi Đảng Cộng Hòa chắc chắn muốn cắt giảm viện trợ.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times