Các nhà lập pháp toàn cầu tưởng niệm 23 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ
Các luật sư bảo vệ Pháp Luân Công cũng bị bức hại
Hôm 20/07, nhân dịp kỷ niệm 23 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các nhà lập pháp trên khắp thế giới đã đưa ra một tuyên bố để tưởng niệm những người bị bức hại dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Liên minh Nghị viện Xuyên quốc gia về Chính sách Trung Quốc (IPAC) cho biết trong một tuyên bố, “Hôm nay đánh dấu lễ tưởng niệm trang trọng về ngày đầu tiên chính quyền Trung Quốc bắt bắt đầu chiến dịch bức hại tàn bạo của mình nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Sau 23 năm, chúng tôi tưởng nhớ tất cả những người ở Trung Quốc đã bị từ chối quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.”
“Trong hơn hai thập niên qua, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, trong đó nhiều người phải chịu những hình thức tra tấn khắc nghiệt nhất và những thông tin xác đáng về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên diện rộng được nhà nước hậu thuẫn.”
IPAC là một nhóm các nhà lập pháp liên đảng quốc tế thúc đẩy các nước dân chủ có lập trường cứng rắn hơn đối với ĐCSTQ và các hoạt động của nước này về thương mại, an ninh, và nhân quyền.
Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992, và kể từ đó đã tiếp cận đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Các bài giảng đều dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đích thân khởi xướng. Vào tháng 06/1999, ông Giang đã ra lệnh thành lập “Tổ Lãnh đạo Giải quyết Vấn đề Pháp Luân Công,” một tổ chức hoạt động ngoài vòng pháp luật của ĐCSTQ, và văn phòng hoạt động của tổ chức này được gọi là “Phòng 610,” với mục đích duy nhất là xóa sổ Pháp Luân Công. Các tổ chức này có thể lạm quyền của cảnh sát và tòa án ở Trung Quốc, đồng thời chỉ đạo các quan chức nhà nước và ĐCSTQ cấp thấp hơn thực hiện các hành vi ngược đãi nghiêm trọng đối với các học viên Pháp Luân Công.
Cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp được thực hiện một cách có hệ thống và trên mọi phương diện, từ việc vũ khí hóa các phương tiện truyền thông nhà nước nhằm vu khống môn tu luyện này và ngăn cản sự ủng hộ của công chúng, cho đến việc áp dụng các phương pháp khác nhau để ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của mình như giam giữ bất hợp pháp, tẩy não, các phương pháp tra tấn tàn bạo, cưỡng bức lao động, và thậm chí thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Bên ngoài Trung Quốc đại lục, ĐCSTQ sử dụng tuyên truyền, kiểm duyệt, và các phương thức bạo lực khác để duy trì bầu không khí đe dọa và sợ hãi.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, ĐCSTQ đã tăng cường bức hại trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mục đích là ngăn không cho các học viên Pháp Luân Công truyền bá tin tức về tình hình thực sự về dịch bệnh virus Trung Cộng ở Trung Quốc. Virus Trung Cộng còn được gọi là virus corona chủng mới, hay SARS-CoV-2.
Trong tuyên bố của mình, IPAC cho biết họ cũng ca ngợi “sự can đảm của tất cả những người dám đứng lên chống lại cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhóm tôn giáo và dân tộc khác ở Trung Quốc, bao gồm cả Phật tử Tây Tạng, Cơ Đốc Giáo, người Duy Ngô Nhĩ, và các nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu theo Hồi giáo khác.”
Các luật sư bị nhắm mục tiêu vì bảo vệ Pháp Luân Công
Các học viên Pháp Luân Công không phải là nạn nhân duy nhất của cuộc bức hại dai dẳng của ông Giang. Trong hơn hai thập niên qua, ĐCSTQ cũng đã đe dọa, tấn công, bỏ tù, và tra tấn nhiều luật sư vì đã tìm cách đại diện cho các học viên Pháp Luân Công vô tội.
“Chúng tôi đặc biệt ghi nhớ đến các luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng) và Thường Vĩ Bình (Chang Weiping), cả hai đều đã bị bỏ tù vì bảo vệ quyền lợi của các tín đồ Cơ Đốc Giáo và các học viên Pháp Luân Công trước tòa, và lãnh đạo nhà thờ tư gia, Mục sư Vương Di (Wang Yi), người đã bị kết án chín năm tù vào tháng 12/2019,” IPAC cho biết trong tuyên bố của mình hôm 20/07.
Ông Cao Trí Thịnh, một luật sư nhân quyền nổi tiếng từng ba lần được đề cử Giải Nobel Hòa bình, đã mất tích kể từ ngày 13/08/2017. Ông Cao, một luật sư tự học và là một tín đồ Cơ Đốc ngoan đạo, có vợ và hai con đã đào thoát đến Hoa Kỳ vào năm 2009. Họ tiếp tục nói cho mọi người biết về sự biến mất của ông. Vợ ông, bà Cảnh Hòa (Geng He), đã nói với Đài Á Châu Tự do vào năm 2021: “Kể từ ngày này trở đi, tôi sẽ coi Lãnh sự quán của ĐCSTQ, nơi gần nhà tôi nhất, là nghĩa trang của ông ấy.”
Ông Thường Vĩ Bình, một luật sư đại diện cho những cá nhân dễ bị tổn thương ở Trung Quốc, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, đã bị cảnh sát tỉnh Thiểm Tây bắt đi vào tháng 10/2020, sau đó bị tra tấn và không cho gặp thân nhân. Một phiên điều trần trước khi xét xử ông Thường đã diễn ra hôm 12/07 tại trại giam huyện Phượng (xưa gọi là huyện Phụng Châu) ở thành phố Bảo Kê.
IPAC cho biết trong tuyên bố của mình: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các chính phủ của chúng ta hãy bước ra và lên tiếng để chấm dứt cuộc đàn áp này. Chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trong việc duy trì quyền con người và quyền tự do tôn giáo của mọi dân tộc ở Trung Quốc.”
Cô Mimi Nguyen Ly đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Cô sống tại Úc. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected]