Các nhà bán lẻ Mỹ chuẩn bị đón những người tiêu dùng tiết kiệm hơn, hàng tồn kho tăng cao trong mùa lễ này
Theo các nhà quan sát trong ngành, kỳ nghỉ lễ năm 2022 có thể sẽ không phải là thời điểm tuyệt vời nhất trong năm đối với các nhà bán lẻ Mỹ.
Từ nhu cầu tiêu dùng suy yếu đến hàng tồn kho dư thừa, các đại gia bán lẻ có thể cần phải chuẩn bị cho một quý 4 đầy thử thách, một giai đoạn mờ nhạt có thể dẫn đến báo cáo thu nhập đáng thất vọng.
Khó khăn đầu tiên có thể là việc định giá sản phẩm của họ cho những người tiêu dùng có ý thức về chi tiêu trong môi trường lạm phát và nền kinh tế phát triển chậm lại. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là một hành động tung hứng, vì các công ty phải cân bằng giữa việc phục vụ những người mua sắm có thể chịu đựng được điều kiện kinh tế hiện tại và những khách hàng đang chắt bóp từng xu.
Các cuộc khảo sát ban đầu cho thấy người tiêu dùng đang có kế hoạch chi tiêu ít hơn cho mùa mua sắm dịp lễ năm nay.
Một cuộc thăm dò gần đây của US News & World cho thấy 84% lo ngại về tác động của lạm phát đối với việc tặng quà vào dịp Giáng Sinh này. Kết quả là, 52% người được hỏi dự định chi ít quà hơn và 72% sẽ chi ít hơn 500 USD cho quà tặng.
Tổng cộng 59% người tiêu dùng căng thẳng về việc mua quà tặng trong mùa lễ này vì lạm phát trên diện rộng, một cuộc khảo sát mới từ công ty thương mại bán buôn 4over cho thấy. Nhiều người mua sắm đã chuẩn bị sẵn sàng, với 38% tiết kiệm tiền vào mùa hè này và 40% báo cáo về việc cắt giảm các chi phí khác để tiết kiệm cho việc mua sắm Giáng Sinh, theo cuộc khảo sát.
Những kỳ vọng này có thể không đáng ngạc nhiên, vì người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen mua hàng của họ vào đầu năm nay. Một báo cáo hồi tháng Tư từ Intuit QuickBooks cho thấy 58% đã lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu, chẳng hạn như ăn tối ở ngoài ít hơn (50%), chỉ mua các mặt hàng thiết yếu (44%), và sử dụng ít năng lượng hơn (38%).
Doanh số bán hàng tăng trưởng chậm nhất trong năm?
Một loạt các xu hướng trong toàn cảnh bán lẻ khiến các nhà phân tích thị trường và các nhà bán lẻ dự đoán một quý 4 chậm chạp cho sự tăng trưởng doanh số. Các công ty cho rằng khách hàng của họ đang cắt giảm chi tiêu của mình để mua những mặt hàng thuộc loại nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh giá cả tăng chóng mặt.
TJX Companies báo cáo doanh thu ròng là 11.8 tỷ USD trong quý 2, giảm 2% so với cùng thời điểm một năm trước (2021), do “lạm phát cao lịch sử ảnh hưởng đến chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng.” Burlington Stores đã công bố doanh thu ròng giảm 10% so với cùng thời kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu. Ross Stores tuyên bố rằng doanh số bán hàng có thể giảm tới 4% trong năm nay.
Giám đốc điều hành Ross Stores Barbara Rentler cho biết trong một tuyên bố: “Với kết quả kinh doanh quý đầu tiên của chúng tôi và môi trường kinh tế vĩ mô và địa chính trị ngày càng không chắc chắn hiện nay, chúng tôi tin rằng nên áp dụng khôn ngoan một triển vọng thận trọng hơn cho phần còn lại của năm.”
Mối lo ngại chính về Giáng Sinh là nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Tuy nhiên, theo ông Ryan Turney, người sáng lập Ecommerce Intelligence, “sự đồng thuận chung” giữa các thương hiệu là họ dự đoán một sự suy giảm trong chi tiêu vào năm tới.
Ông nói với The Epoch Times: “Nói chung, chi tiêu của người tiêu dùng có thể bị giảm tốc trên diện rộng ngoài những nhu cầu cần thiết tuyệt đối,” và lưu ý rằng người tiêu dùng có thể “nhạy cảm với giá hơn bình thường” trong năm tới.
Hàng tồn kho dư thừa tăng
Ngày càng có nhiều công ty bắt đầu báo cáo cùng một trở ngại: nguồn cung dư thừa.
Chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom đã cắt giảm dự báo cả năm trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng chậm lại và hàng tồn kho còn thừa.
Mức tồn kho đã tăng gần 10% trong quý trước so với năm ngoái (2021). Mục tiêu của công ty là dọn sạch lượng tồn kho hiện tại vào cuối quý 3.
Macy’s đang trải qua đợt thanh lý lớn và bán hàng dư thừa vì họ có kế hoạch giải phóng hàng tồn kho dư thừa trước mùa mua sắm nghỉ lễ.
“Trong quý này, chúng tôi đã quan sát thấy rằng tất cả các nhà bán lẻ đang làm việc để loại bỏ hàng tồn kho dư thừa của họ, khiến ngành công nghiệp có mức giảm giá vĩnh viễn và mức khuyến mại cao hơn,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Macy’s, ông Jeff Gennette nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp về thu nhập gần đây. “Mức tồn kho trong toàn ngành cùng với sự chậm lại trong chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng đã dẫn đến mức tồn kho tăng cao trong một số danh mục nhất định.”
Target và Walmart là những đại tập đoàn khác đang trải qua tình trạng dư thừa nguồn cung.
Trong quý 2, lợi nhuận của Target giảm 90% do đặt mục tiêu phụ thuộc vào chiết khấu để loại bỏ hàng tồn kho. Giám đốc tài chính Michael Fiddelke nói với các phóng viên rằng công ty đang tích cực giải quyết tình trạng tồn kho và chuẩn bị cho những ngày lễ và nền kinh tế lạm phát, tăng trưởng chậm hơn.
“Nếu chúng tôi không giải quyết vấn đề hàng tồn kho dư thừa của mình, thì chúng tôi có thể tránh được một số khó khăn trong ngắn hạn đối với lợi nhuận, nhưng điều đó sẽ cản trở tiềm năng dài hạn của chúng tôi,” ông Fiddelke cho biết hồi đầu tháng này (08/2022). “Mặc dù lợi nhuận hàng quý của chúng tôi giảm đáng kể, nhưng con đường tương lai của chúng tôi tươi sáng hơn.”
Walmart đã bắt đầu hủy các đơn đặt hàng hàng tỷ USD để cân bằng kho hàng hóa dự trữ của mình. Đại tập đoàn bán lẻ toàn cầu này cũng đang giảm giá các sản phẩm của mình để giảm lượng hàng tồn kho đang tăng lên.
“Mức độ lạm phát thực phẩm và nhiên liệu ngày càng tăng đang ảnh hưởng đến cách khách hàng chi tiêu, và mặc dù chúng tôi đã đạt được tiến độ tốt trong việc bán hết các danh mục hàng cứng, nhưng hàng may mặc ở Walmart Mỹ đang đòi hỏi nhiều giảm giá hơn,” Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon lưu ý trong một tuyên bố. “Chúng tôi hiện đang dự đoán sẽ có nhiều áp lực hơn đối với hàng hóa nói chung trong nửa cuối năm.”
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty đã tăng số đơn đặt hàng sản phẩm của họ để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ và tránh để các kệ hàng trống rỗng. Tuy nhiên, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các nỗ lực kinh doanh: hàng hóa đến quá muộn màng để bán đúng mùa, người tiêu dùng quay sang dịch vụ, và tình trạng bất cân xứng giữa cung và cầu trong hàng tồn kho.
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, tồn kho bán lẻ (không bao gồm xe hơi) đã tăng 0.4% trong tháng Bảy, giảm so với mức tăng 1.5% trong tháng Sáu. Tồn kho bán buôn tăng 0.8%, giảm so với mức 1.9% của tháng trước đó. Doanh số bán lẻ không đổi ở mức 0% trong tháng Bảy.
Tin tốt cho người tiêu dùng?
Các nhà phân tích của Bank of America khẳng định rằng những diễn biến tồn kho tăng mới nhất trong lĩnh vực bán lẻ có thể là tin tốt cho những người tiêu dùng thiếu tiền và lo lắng về tài chính.
“Ở một thái cực, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa tổng hợp đã tích trữ quá nhiều.” các nhà phân tích đã viết trong một ghi chú gần đây (pdf). “Nhưng tin tốt là hàng tồn kho dư thừa có thể gây áp lực giảm lạm phát khi các đại gia bán lẻ hạ giá để thu hút người tiêu dùng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times