Các món ăn trong dịp Tết cổ truyền của người Hoa
Cho đến nay, Tết Nguyên Đán vẫn là một ngày lễ quan trọng nhất đối với các gia đình người Hoa và ẩm thực rất được coi trọng trong những ngày này. Hầu hết các món ăn và ẩm thực của dịp Tết Nguyên Đán đều mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc và những lý do độc đáo.
Trong nhiều gia đình người Hoa, có vài món ăn chính sẽ luôn luôn được bày biện trên bàn trong suốt dịp Tết, trong khi một số món khác có thể được thay đổi.
Món ăn chính của Tết Nguyên Đán:
Trước khi sủi cảo ra đời thì hoành thánh đã là một món ăn phổ biến của người Hoa. Từ hoành thánh trong tiếng Trung mang ý nghĩa là sự khởi đầu mới, phát âm nghe như là một thùng ngũ cốc đầy ắp. Đại diện cho một năm mới tốt lành và mùa màng bội thu.
Về sau, hoành thánh được người ta nặn thành hình trăng lưỡi liềm, và làm thành sủi cảo như bây giờ. Truyền thống ăn sủi cảo đã trở nên phổ biến trên khắp Trung Quốc vào thời đại nhà Đường.
Theo phong tục truyền thống, sủi cảo được ăn khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ thời khắc đêm giao thừa. Bởi vì theo phiên âm tiếng Trung, sủi cảo (餃子- giao tử) có thể ám chỉ là giờ nửa đêm, vào thời khắc này mang ý nghĩa là “sủi cảo đón năm mới.” Một số người cũng nói rằng sủi cảo giống như hình dạng của nén bạc, nén vàng được dùng trong hoàng cung Trung Hoa tượng trưng cho gia đình giàu có, thịnh vượng.
Mì dài – Mì dài còn được gọi là mì trường thọ, bởi vì chúng đại diện cho cuộc sống lâu dài và thịnh vượng. Trong quá trình nấu chính không nên để sợi mì bị nát hoặc cắt thành từng miếng. Món ăn này xuất hiện từ sau thời đại nhà Đường, vì trước đó sợi mì không dài và mỏng mà có hình dạng giống như miếng bột lọc mỏng.
Những món ăn phổ biến khác trong năm mới
Ngữ âm được đóng vai trò quan trọng trong việc xác định loại thực phẩm nào sẽ ăn trong năm mới. Ví dụ, từ cá (yú, 魚) trong tiếng Trung có nghĩa là dư thừa, ngụ ý rằng năm mới thịnh vượng. Đầu và đuôi cá nên được để nguyên vẹn, tượng trưng cho cả năm sung túc, no đủ.
Các món ẩm thực có trứng cũng được dùng rất phổ biến vì chúng tượng trưng cho khả năng sinh nở. Đậu phụ hoặc đậu hủ cũng được yêu thích bởi vì nó phát âm nghe giống như “may mắn đến với mọi người.”
Một số đồ ăn vặt như chà là khô và tươi, cách phát tiếng Trung Quốc có nghĩa là “sớm,” ám chỉ mùa xuân đến sớm; Quả hồng khô tượng trưng cho một năm mới đầy suôn sẻ, may mắn; còn bánh tổ có nghĩa là “năm cao,” tượng trưng cho lời cầu chúc ai đó rằng năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.
Chúc mừng năm mới!
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times