Các mạng xã hội cập nhật chính sách về ‘thông tin sai lệch’ trước kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2022
Các nền tảng truyền thông xã hội đang đưa ra các chính sách mới để đối phó vấn đề “thông tin sai lệch” khi chuẩn bị trước cho kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2022, tuy nhiên những chính sách này không khỏi gây tranh cãi, vì một số nhà phê bình cho rằng những chính sách của các nền tảng này hoàn toàn có lợi cho Đảng Dân Chủ và các mục tiêu liên quan của đảng này.
Trong một thông cáo báo chí công bố hôm 16/08 với tên “Cách Meta lập kế hoạch cho kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ,” công ty trước đây được gọi là Facebook này đã phác thảo gói các biện pháp nhằm “bảo vệ” các cuộc bầu cử Quốc hội và thống đốc sắp tới ở Hoa Kỳ.
Công ty này đã hạn chế các quảng cáo chính trị trên nền tảng của mình, cấm phát hành các quảng cáo chính trị mới trên Facebook hoặc Instagram trong tuần trước cuộc bầu cử, cũng như cấm chỉnh sửa các quảng cáo chính trị đã được phê chuẩn trước đó.
“Cách tiếp cận của chúng tôi với kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ áp dụng các bài học từ kỳ bầu cử năm 2020 cũng như mở rộng các biện pháp mà chúng tôi đã thực hiện trong kỳ bầu cử giữa kỳ gần đây nhất vào năm 2018,” Meta cho biết trong thông cáo này. “Cách tiếp cận này gồm có các hoạt động bảo mật nâng cao để chống lại sự can thiệp của ngoại quốc và các chiến dịch gây ảnh hưởng trong nước, mạng lưới các đối tác kiểm tra thông tin độc lập của chúng tôi, các biện pháp minh bạch đầu ngành của chúng tôi về quảng cáo và các trang chính trị, cùng với các biện pháp mới để góp phần giữ an toàn cho nhân viên phòng phiếu.”
Công ty này cũng lấy làm hãnh diện vì đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm thấy những nội dung bị những người khiếu nại xem là “thù hận”, tuyên bố rằng họ đã xóa 2.5 triệu bài đăng “gắn liền với thù hận được toàn cầu hóa”, 97% trong số đó được họ khẳng định là do trí thông minh nhân tạo phát hiện ra.
Công bố của Meta được đưa ra ngay sau một công bố tương tự từ Twitter, trong đó trang web có biểu tượng thương hiệu là chú chim này đã khái lược các chính sách của riêng mình về thông tin sai lệch liên quan đến kỳ bầu cử giữa kỳ.
Twitter thông báo rằng họ sẽ bắt đầu thực thi “chính sách liêm chính công dân”, cấm những gì nền tảng này xem là thông tin sai lệch về các quy trình, kết quả, và sự kiện bầu cử. Twitter đã tuyên bố rằng họ sẽ áp dụng lại việc gắn nhãn các bài đăng bị xem là “gây hiểu lầm,” một chính sách được nền tảng này đưa ra năm 2020 và được sử dụng để “kiểm chứng sự thật” đối với cựu Tổng thống Donald Trump.
Twitter cũng thông báo rằng sẽ áp dụng lại “prebunk” (“cảnh báo trước”), một tính năng mà trước kia công ty này đã sử dụng để hiển thị lời nhắc trên dòng thời gian chính và thanh tìm kiếm để hiển thị cho người dùng biết cách trình bày thông tin mà công ty này đồng tình.
Trong đại dịch COVID-19, Twitter đã bị chỉ trích gay gắt vì khái niệm “thông tin sai lệch” của họ, hơn nữa các nhà phê bình tuyên bố rằng công ty này nhắm mục tiêu có chọn lọc vào những người chỉ trích lập luận chính thức về câu chuyện về virus trong khi lại cho phép thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm lan rộng nếu hùa theo quan điểm của Đảng Dân Chủ.
“Các thành viên Đảng Cộng Hòa nhận thấy Các Nền tảng Truyền thông Xã hội hoàn toàn ngăn chặn tiếng nói của phái bảo tồn truyền thống,” ông Trump đăng trên Twitter hồi tháng 05/2020 lúc tài khoản của ông trên nền tảng này vẫn hoạt động bình thường. “Chúng tôi sẽ quy định chặt chẽ, hoặc cấm các nền tảng này, trước khi chúng tôi có thể để điều này xảy ra. Chúng tôi nhận ra những gì họ đã cố gắng thực hiện nhưng thất bại hồi năm 2016. Chúng tôi không thể để một phiên bản phức tạp hơn của chuyện đó xảy ra một lần nữa.”