Người tố cáo: Twitter nói dối ông Elon Musk về các tài khoản tự động gửi thư rác
Theo hồ sơ pháp lý do The Epoch Times có được, một người tố giác từng là giám đốc bảo mật của Twitter cho biết rằng, công ty truyền thông xã hội này đã đánh lừa doanh nhân công nghệ Elon Musk về số lượng các tài khoản tự động/giả (bot) trên nền tảng này, với những tác động có thể xảy ra đối với cuộc chiến pháp lý giữa giám đốc Tesla và Twitter.
Ông Peiter Zatko, người đã xuất hiện công khai như là người tố cáo, đã đưa ra một loạt cáo buộc bùng nổ liên quan đến các chính sách an ninh mạng của Twitter trong một tiết lộ được gửi hồi tháng Bảy với các cơ quan quản lý liên bang (pdf), bao gồm cả tuyên bố Twitter “nói dối ông Elon Musk về các tài khoản tự động.”
Tiết lộ của ông Zatko cáo buộc rằng Twitter sử dụng một “số liệu không rõ ràng” được gọi là số người dùng hoạt động hàng ngày có thể tạo ra tiền (mDAU), thay vì một số liệu trước đó về tổng số người dùng hàng tháng thuộc đối tượng chịu những thay đổi lớn, kể cả khi loại bỏ các tài khoản gửi thư rác và tự động.
Tiết lộ này cho biết: “Theo quan điểm của Twitter, ‘mDAU’ là một sự cải tiến vì hãng này có thể xác định công thức mDAU trong nội bộ, và do đó báo cáo những con số sẽ làm yên lòng các cổ đông và các nhà quảng cáo”; và thêm rằng, tiền thưởng điều hành — có thể vượt quá 10 triệu USD— là gắn liền với mức tăng trưởng mDAU.
Tiết lộ cáo buộc rằng, các giám đốc điều hành của Twitter “được khuyến khích tránh tính các tài khoản tự động gửi thư rác là mDAU” để nền tảng này hấp dẫn hơn đối với các nhà quảng cáo. Tiết lộ cũng tuyên bố rằng có “nhiều triệu” tài khoản đang hoạt động không nằm trong tính toán của mDAU vì chúng là tài khoản tự động gửi thư rác hoặc Twitter không nghĩ rằng họ có thể kiếm tiền từ chúng, nhưng sự hiện diện của chúng trên nền tảng này vẫn ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
‘Chúng tôi thực sự không biết’
Theo tiết lộ, với tư cách là người đứng đầu bộ phận bảo mật trước tiên của Twitter, ông Zatko đã hỏi Trưởng phòng Liêm chính của công ty — người chịu trách nhiệm giải quyết việc thao túng nền tảng, gồm cả các bot — số lượng tài khoản tự động gửi thư rác căn bản đã là bao nhiêu.
Phản hồi là: “Chúng tôi thực sự không biết,” theo tiết lộ, trong đó: “công ty thậm chí không thể cung cấp giới hạn trên chính xác về tổng số tài khoản tự động gửi thư rác trên nền tảng.”
Các lý do không thể cung cấp số lượng tài khoản tự động chính xác đã gồm khó khăn trong việc đo lường và “quản lý cao cấp không muốn đo lường chính xác mức độ phổ biến của các tài khoản tự động” bởi vì, như tiết lộ tuyên bố, “họ lo ngại rằng nếu các phép đo chính xác trở thành công khai, thì sự công khai này có thể sẽ làm tổn hại đến hình ảnh và giá trị của công ty.”
Tiết lộ của ông Zatko cũng bao gồm cáo buộc rằng số lượng tài khoản gửi thư rác và tự động thực sự trên Twitter có lẽ “cao hơn một cách đáng kể” so với 5% người dùng có thể thu tiền hàng ngày mà công ty truyền thông xã hội tuyên bố.
Người tố cáo này cũng cáo buộc rằng các giám đốc điều hành Twitter có “rất ít hoặc không có động cơ cá nhân” để đếm chính xác số lượng tài khoản tự động và rằng “sự thiếu hiểu biết có chủ ý này đã thành thông thường.”
Epoch Times đã liên hệ với Twitter để yêu cầu bình luận, nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm phát hành bản tin.
Tiết lộ của ông Zatko có thể mang lại cho nhóm pháp lý của ông Musk nhiều cơ hội hơn trong cuộc chiến pháp lý chống lại Twitter. Hai bên dự kiến sẽ đưa ra xét xử vào tháng Mười tại một tòa án ở Delaware.
Số lượng tài khoản tự động ‘cao hơn đáng kể’?
Ông Musk và Twitter đang phải đối mặt với tòa án về việc ông trùm công nghệ đảo ngược thương vụ chào mua nền tảng truyền thông xã hội này.
Chìa khóa để ông Musk rút lại thỏa thuận là tuyên bố của ông rằng quan điểm lâu đời của Twitter rằng các tài khoản gửi thư rác và tự động chỉ chiếm ít hơn 5% người dùng hàng ngày có thể kiếm tiền là giả dối.
Một phát ngôn viên của Twitter nói với The Washington Post để đáp lại tuyên bố của ông Zatko rằng họ “hoàn toàn đứng vững” với các tuyên bố trước đó của mình về tỷ lệ tài khoản tự động trên nền tảng này.
Twitter đã kiện ông Musk, tìm cách buộc ông phải thực hiện lời đề nghị mua lại trị giá 44 tỷ USD.
Ông Musk đã phản bác, cáo buộc rằng Twitter đã đánh lừa nhóm của ông về cơ sở quảng cáo thực sự của Twitter và cáo buộc Twitter vi phạm hợp đồng và gian lận. Thỏa thuận mua lại bao gồm điều khoản về khoản phí chấm dứt hợp đồng trị giá 1 tỷ USD sẽ được thanh toán bởi bất kỳ bên nào được coi là đã phá vỡ thỏa thuận.
Hồi đầu tháng Tám, ông Musk báo hiệu rằng lời đề nghị mua lại Twitter của ông có thể được thực hiện nếu công ty truyền thông xã hội cung cấp cho ông dữ liệu chính xác về tài khoản người dùng và các tài khoản tự động.
Đáp lại bình luận của một người dùng Twitter, ông Musk viết hôm 06/08: “Nếu Twitter chỉ cung cấp phương pháp lấy mẫu 100 tài khoản của họ và cách chúng được xác nhận là thực sự, thì thỏa thuận sẽ được tiến hành theo các điều khoản ban đầu. Tuy nhiên, nếu hồ sơ trình SEC [Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch] của họ hóa ra là sai nghiêm trọng, thì thoả thuận này không nên tiến hành.”
Ông Musk cũng viết rằng ông muốn thách thức Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal trong cuộc tranh luận về số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này.
Ông Musk viết trong một bài đăng trên Twitter: “Tôi thách thức ông [Parag Agrawal] một cuộc tranh luận công khai về tỷ lệ tài khoản tự động của Twitter. Hãy để ông ấy chứng minh với công chúng rằng Twitter có [ít hơn 5 %] người dùng giả mạo hoặc gửi tin rác hàng ngày! ”
Ông Musk “bị Twitter lừa”?
Twitter đã bác bỏ cáo buộc của ông Musk rằng ông đã bị lừa khi ký thỏa thuận mua lại.
Twitter tuyên bố trong một hồ sơ tòa án hôm 04/08: “Theo ông Musk, ông ấy — nhà sáng lập tỷ phú của nhiều công ty, được tư vấn bởi các luật sư và chủ ngân hàng Wall Street — đã bị Twitter lừa để ký một thỏa thuận sáp nhập trị giá 44 tỷ USD. Câu chuyện đó thật viển vông và trái ngược với thực tế.”
Twitter cũng cáo buộc ông Musk đã tạo ra một “cảnh tượng công khai” để thâu tóm công ty trong khi cáo buộc rằng những bình luận công khai của ông về Twitter đã khiến giá cổ phiếu của Twitter giảm mạnh.
Luật sư của Twitter viết trong đơn kiện: “Thay vì chịu chi phí cho sự suy giảm của thị trường, như thỏa thuận sáp nhập yêu cầu, ông Musk lại muốn chuyển chi phí này cho các cổ đông của Twitter. Kể từ khi ký thỏa thuận sáp nhập, ông Musk đã nhiều lần gièm pha Twitter và thương vụ này, tạo ra rủi ro kinh doanh cho Twitter và áp lực giảm giá cổ phiếu của Twitter.”
Phản đối của ông Musk chống lại Twitter cáo buộc công ty này cố tình đếm sai số lượng tài khoản tự động trên nền tảng “như một phần của kế hoạch đánh lừa các nhà đầu tư về triển vọng của công ty.”
Các luật sư của ông Musk cũng cho rằng việc Twitter dựa vào chỉ số mDAU làm cơ sở để tính toán doanh thu là sai lệch.
Ngoài ra, nhóm pháp lý của ông Musk đã có được trát gọi hầu tòa cựu Giám đốc điều hành Twitter và đồng sáng lập Jack Dorsey trong một nỗ lực để có được các tài liệu và thông tin liên quan đến việc Twitter dùng các chỉ số người sử dụng ngoài số những người sử dụng hoạt động hàng ngày có thể thu tiền, “bao gồm nhưng không giới hạn, những người dùng hoạt động hàng ngày.”
Ông Dorsey vẫn chưa đưa ra bình luận công khai về trát đòi hầu tòa.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘Hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘Hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’