Các lý do về cấu trúc và thể chế cho tình trạng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc
Kể từ đầu năm 2024, sự chú ý đối với Trung Quốc đã chuyển sang tập trung vào thị trường chứng khoán do tình trạng vỡ nợ và sụp đổ thị trường địa ốc. Dữ liệu kinh tế có vẻ tốt đến mức khó tin: thật khó để dung hòa một bức tranh có tăng trưởng GDP ở mức 5.2% và tỷ lệ thất nghiệp hai con số cộng với một loạt các vụ vỡ nợ. Thị trường rõ ràng là không mấy để tâm đến loại dữ liệu nhân tạo hoặc tin tức sai lệch này. Hơn nữa, chính quyền đã công khai cấm việc bán cổ phiếu, điều vốn chưa bao giờ xảy ra ngày nay ngay cả ở các thị trường mới nổi ở cấp thấp hơn. Xét đến tất cả những yếu tố này, thì mức độ nghiêm trọng là rõ ràng.
Sự sụt giảm gần đây dường như là do dòng vốn tháo chạy hơn là do bất cứ nguyên nhân vĩ mô hay nguyên nhân căn bản nào. Các số liệu vĩ mô trên giấy tờ không hề tệ hơn thời COVID-19. Để trích dẫn một con số đáng tin cậy do thị trường tổng hợp, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) của Trung Quốc gần đây vẫn ở mức khoảng 50. Dù không tốt, nhưng mức khoảng 40 trong thời kỳ COVID-19 là còn thấp hơn thế nhiều. Chúng ta cũng có thể tìm thấy sự cải thiện tương tự trong lĩnh vực xuất cảng, nơi những con số khó có thể quá giả (vì các đối tác thương mại của Trung Quốc có số liệu tương ứng). Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán Thượng Hải hiện nay đang gần như tệ hại như trong giai đoạn dịch COVID-19 vào mùa xuân năm 2020.
Tại sao vốn lại tháo chạy khỏi Trung Quốc? Căng thẳng chính trị của nước này với phần còn lại của thế giới có thể là một lý do nhưng có thể không phải là lý do chính. Tình trạng căng thẳng như vậy đã tồn tại kể từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ vào đầu năm 2018. Mặc dù chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm ⅓ trong năm 2018, nhưng đã phục hồi vào năm 2020. Và mặc dù về mặt bản chất thì bên trong hầu hết các thị trường mới nổi đều ẩn chứa nhiều rủi ro khác nhau, nhưng nhược điểm này lại không tạo thành rào cản đối với sự gia nhập thị trường của phương Tây. Sự suy giảm theo chu kỳ không phải là lý do cho một cuộc tháo chạy rốt ráo bởi vì hẳn là vẫn phải có một số nguồn tài chính dài hạn để mua ở mức thấp nhất của thị trường.
Vì vậy, dòng vốn chảy ra ngoài như vậy phải là do một số thay đổi về mặt cấu trúc hoặc thể chế. Về mặt cấu trúc, dòng tiền chảy ra có nghĩa là Trung Quốc không còn tăng trưởng dân số nữa (mà là suy giảm), không còn là nhà xưởng sản xuất to lớn của thế giới nữa, cũng như không còn được hưởng bong bóng địa ốc dài hạn nữa (mà đang giảm đòn bẩy nợ), và do đó không còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Những thay đổi kinh tế vĩ mô mang tính cấu trúc này không chỉ dẫn đến xu hướng giá xuống kéo dài của thị trường chứng khoán (chỉ số bị trì trệ dài hạn, như được thể hiện từ năm 2007) mà còn có thể dẫn đến một xu hướng giảm kéo dài mới (có thể là từ năm 2021 trở đi, nhưng vẫn chưa được xác nhận).
Nhật Bản là một trong số ít ví dụ cho thấy điều này. Trong biểu đồ dưới đây, chúng ta có thể thấy sự tương đồng trong những chuyển động của chỉ số chứng khoán Nhật Bản và chỉ số chứng khoán Trung Quốc trong hai thập niên từ 2001 đến 2021. Trước đó là thời kỳ “châu Á không bao gồm Nhật Bản” như được thị trường tài chính mệnh danh, khi Nhật Bản suy thoái trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy. Còn giờ đây thì ngược lại, là thời kỳ“châu Á không bao gồm Trung Quốc, và Trung Quốc”, khi xu thế giữa hai thị trường chứng khoán này đã đảo ngược.
Các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản và Trung Quốc
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times