Các khoản nợ Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm
Theo dữ liệu được Bộ Ngân khố Hoa Kỳ công bố hôm 15/08, các khoản nợ Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 sau khi giảm xuống dưới mốc 1 ngàn tỷ USD hồi tháng Năm.
Sau bảy tháng liên tục giảm, lượng Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống 967.8 tỷ USD trong tháng Sáu, ít hơn 113 tỷ USD so với tháng Mười Một năm ngoái, theo dòng vốn quốc tế.
Trung Quốc giảm tỷ lệ nắm giữ nợ trong khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát cao, đồng nghĩa với việc bán trái phiếu trước hạn sẽ dẫn đến lỗ vốn.
Giá trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất hiện hành. Được thúc đẩy bởi các lực lượng thị trường theo đuổi các khoản thanh toán lãi suất cao hơn, trái phiếu cũ trở nên kém giá trị hơn khi lãi suất tăng lên do khoản thanh toán lãi suất hiện thấp hơn trái phiếu mới có sẵn trên thị trường.
Tuy nhiên, theo hãng truyền thông doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc Yicai, việc lượng Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm do “Trung Quốc làm ổn định lượng dự trữ ngoại tệ của mình [khi họ tìm cách] đa dạng hóa rủi ro đầu tư ra hải ngoại.”
Ngoài ra, hôm 16/08, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Shanghai Observer cho biết rủi ro nắm giữ nợ của Hoa Kỳ đã tăng lên do Fed tăng lãi suất.
Đáp lại những bình luận của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Lý Tùng Vân (Li Songyun), tiến sĩ kinh tế và chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng tuyên bố về việc tăng rủi ro của việc nắm giữ nợ của Hoa Kỳ là “phi lý”.
Lượng nắm giữ của ngoại quốc đối với Kho bạc Hoa Kỳ đã tăng ròng 5.1 tỷ USD trong tháng Sáu, có nghĩa là trong khi Trung Quốc giảm lượng nắm giữ 13 tỷ USD, các quốc gia khác đã tăng lượng nắm giữ lên tổng cộng 18.1 tỷ USD, bao gồm cả Nhật Bản, tăng thêm 12.6 tỷ USD.
Ông Lý nói: “Dữ liệu mới nhất cho thấy cả Chỉ số Giá tiêu dùng và Chỉ số Giá sản xuất đều giảm trong tháng Bảy, có nghĩa là lạm phát của Hoa Kỳ có khả năng đã đạt đỉnh hoặc đang đạt đỉnh.”
“Hơn nữa, GDP của Hoa Kỳ tăng 2.3% so với cùng kỳ năm ngoái (y-o-y) trong quý thứ hai, trong khi GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Làm sao mà nắm giữ trái phiếu Hoa Kỳ lại có thể rủi ro hơn việc nắm giữ trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ cơ chứ?”
Ông Lý nói thêm rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc đang ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ bằng cách bán trái phiếu Hoa Kỳ và mua đồng nhân dân tệ — tiền tệ của chính nước này — bởi vì “dòng vốn chảy ra đang gây áp lực khiến tỷ giá đồng nhân dân tệ bị mất giá”.
Vốn ngoại quốc ròng chảy ra ngoài
Theo báo cáo của Wall Street Journal ngày 16/08, từ tháng Hai đến tháng Bảy, thị trường trái phiếu Trung Quốc chứng kiến dòng vốn ngoại quốc ròng chảy ra trong sáu tháng liên tiếp, trong đó các nhà đầu tư ngoại quốc đang giảm đi 82 tỷ USD lượng nắm giữ trái phiếu Trung Quốc.
Ông Lý cho biết nhiều yếu tố góp phần khiến đồng nhân dân tệ giảm giá. Các yếu tố như Fed tăng lãi suất, giảm lãi suất ở Trung Quốc do suy thoái kinh tế và lo ngại về các lệnh trừng phạt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì quan điểm trung lập rõ ràng của họ đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ông Lý nói, “Những yếu tố này của dòng vốn sẽ không sớm biến mất. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cố gắng ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ bằng cách hạn chế thu đổi ngoại tệ theo yêu cầu của các doanh nghiệp và cá nhân cũng như bán nợ của Hoa Kỳ để mua nhân dân tệ của Trung Quốc.”
“Mặc dù việc phá giá tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định có thể kích thích xuất cảng, nhưng nó lại gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp nhập cảng và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân”.
Đáp lại tuyên bố rằng Trung Quốc đã ổn định dự trữ ngoại tệ của mình, ông Lý cho biết dự trữ ngoại hối của Trung Quốc “không dồi dào”. Mặc dù con số này vẫn ở mức trên 3 ngàn tỷ USD trong tháng Bảy, “số dư nợ ngoại quốc của Trung Quốc cũng ở mức trên 2.7 nghìn tỷ USD vào cuối tháng Ba”.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (pdf) là 3.1041 ngàn tỷ USD vào cuối tháng Bảy, đã giảm 117.561 tỷ USD kể từ tháng Một.
Ông Lý nói: “Ổn định tỷ giá hối đoái bằng cách tiêu thụ dự trữ ngoại tệ là không bền vững. Mua đồng nhân dân tệ đồng nghĩa với việc thắt chặt thanh khoản, điều này bù đắp ảnh hưởng của việc cắt giảm lãi suất và các chính sách nới lỏng tiền tệ khác. Đồng thời điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Lý nói thêm, “Vì vậy, từ bây giờ, chính phủ Trung Quốc có thể tạo tiền đề tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ giảm giá thêm. Đã có những phân tích dự đoán rằng một đồng dollar Mỹ sẽ đổi được bảy đồng nhân dân tệ vào cuối năm nay, theo báo cáo của Bloomberg.”
Để nới lỏng hơn nữa các điều kiện tiền tệ, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm 10 điểm căn bản đối với lãi suất cho vay trung hạn hôm 15/08, vượt quá kỳ vọng của thị trường.