Nếu các ngân hàng trung ương không giải quyết lạm phát, giảm phát sẽ đến từ một cuộc khủng hoảng
Hầu hết những người tham gia thị trường đều đã ngạc nhiên về 6 tháng qua. Theo Deutsche Bank tổng lợi nhuận của Chỉ số Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ là tồi tệ nhất kể từ năm 1788 . Chứng khoán đóng cửa vào tháng Sáu với một trong những đợt điều chỉnh lớn nhất kể từ năm 2008. Trái phiếu và cổ phiếu đang giảm do lãi suất tăng và việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, không có sự bình thường hóa thực sự như vậy.
Theo Bloomberg, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương chính hầu như không thay đổi và vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại. Ngân hàng Trung ương Âu Châu tiếp tục bỏ qua tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực đồng euro kể từ đầu những năm 1990 bằng cách giữ lãi suất âm. Các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã diễn ra mạnh mẽ hơn, nhưng nó vẫn bơm hàng tỷ USD vào thị trường repo đảo ngược, và tổng cung tiền vẫn ở mức vượt trội.
Tại Hoa Kỳ, tăng trưởng cung tiền (M2) vẫn cao hơn nhiều so với những năm nới lỏng định lượng. Cung tiền M2 đã tăng lên 21.8 ngàn tỷ USD và sự thay đổi hàng năm cho thấy mức tăng 1.3 ngàn tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với con số hàng năm trong giai đoạn mở rộng 2008–2011. Tăng trưởng M2 hàng năm ở Hoa Kỳ là 6,5% vào tháng Năm, và 6.6% ở khu vực đồng tiền chung Âu Châu. Tăng trưởng tiền tệ toàn cầu trong tháng Năm là 9.9% (tất cả các số liệu theo Yardeni Research). Ở khu vực đồng tiền chung Âu Châu, tăng trưởng cung tiền cao hơn ở giữa cái gọi là “Khẩu Bazooka của ông Draghi “ (“Draghi bazooka”), câu nói nổi tiếng “bất kỳ giá nào.”
Các ngân hàng trung ương đã đi từ “bất kỳ giá nào” sang “bất kể ra sao.”
Tôi đã giải thích trong một bài báo trước rằng hàng hóa không gây ra lạm phát, in tiền thì có, và khía cạnh tiền tệ của lạm phát đang không được giải quyết đúng cách. Một hoặc hai mức giá có thể tăng do một cuộc khủng hoảng từ bên ngoài, nhưng phần còn lại sẽ không tăng đồng loạt nếu với cùng một lượng tiền tệ. Từ năm 2012 đến năm 2014, chúng ta đã chứng kiến giá hàng hóa năng lượng tăng cao, tuy nhiên lạm phát được đo bằng Chỉ số Giá Tiêu dùng đã ở mức thấp bởi cung tiền tệ phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy lạm phát lớn về giá tài sản, và các nhà hoạch định chính sách đã không chú ý đến tác động của việc bơm thanh khoản rất lớn lên giá nhà và các thị trường. Khi tiền tệ mới được tạo ra ngừng chuyển sang các tài sản rủi ro và được nhắm mục tiêu vào chi tiêu thường xuyên của chính phủ, thì lạm phát đã tăng vọt.
Các ngân hàng trung ương dường như lo sợ thị trường. Tuy nhiên, tạo ra sự điều chỉnh đối với trái phiếu, cổ phiếu, và tài sản rủi ro sau nhiều năm ở mức cao nhất mọi thời đại thì tốt hơn là dẫn thế giới đến một cuộc khủng hoảng do sức mua của tiền lương và tiền gửi bị phá hủy.
Các nhà hoạch định chính sách nên rất lo ngại đến cái gọi là sự bình thường hóa “thận trọng”, bởi vì việc mở rộng này đã không hề thận trọng. Tốc độ mà họ làm tăng bảng cân đối kế toán và cắt giảm lãi suất là điều họ đáng lẽ phải lo lắng, chứ không phải là sự bình thường hóa.
Niềm tin của người tiêu dùng đang giảm mạnh trên khắp thế giới, tiền lương thực tế đang bị âm và các gia đình đang tiêu tốn những khoản tiền tiết kiệm ít ỏi mà họ có được chỉ để trang trải cuộc sống. Đồng thời, các doanh nghiệp đang phải vật lộn với tỷ suất lợi nhuận yếu hơn do giá đầu vào tăng cao.
Điều tồi tệ nhất mà các chính phủ và cơ quan quản lý tiền tệ có thể làm là để nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, nơi khu vực sản xuất, gia đình, và doanh nghiệp sụp đổ chỉ vì chính phủ và cơ quan quản lý tiền tệ không muốn cắt giảm chi tiêu thâm hụt và thực sự bình thường hóa chính sách tiền tệ. Tới lúc đó, vấn đề sẽ không phải là lạm phát mà là giảm phát đến từ trạng thái ngạt thở của khu vực tư nhân.
Một khi người tiêu dùng và doanh nghiệp suy yếu, doanh thu từ thuế cũng sẽ giảm mạnh, đưa nợ chính phủ lên mức cao mới. Ngay cả những người theo trường phái Keynes cũng nên lo lắng về việc để lạm phát hoành hành, bởi vì kết quả là các chính phủ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khóa thậm chí còn tồi tệ hơn khi khu vực tư nhân lao dốc.
Lạm phát có thể được giải quyết bằng cách giảm các bảng cân đối của ngân hàng trung ương một cách hợp lý, tăng lãi suất, và cắt giảm chi tiêu gây thâm hụt. Nếu các nhà hoạch định chính sách khiến khu vực tư nhân rơi vào khủng hoảng do không hành động, cuộc khủng hoảng sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với năm 2008. Vẫn còn thời gian. Hãy chấm dứt những khuyến khích sai trái của hành động [nới lỏng] tiền tệ quá mức. Làm thế có thể vẫn tạo ra một bước suy giảm nữa trên thị trường, nhưng cuối cùng chúng sẽ phục hồi. [Vì] việc phá hủy các cơ sở kinh doanh và thu nhập khả dụng của các gia đình còn khó khăn hơn nhiều để khôi phục.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.