Tỷ lệ tiết kiệm giảm, nợ tiêu dùng tăng do lạm phát ảnh hưởng đến tài chính gia đình
Với tình trạng lạm phát giá cả tràn lan đang ăn mòn ngân sách của các gia đình, người tiêu dùng Mỹ đang tiết kiệm ít hơn, và sử dụng nợ để trang trải chi phí cuộc sống, và mất niềm tin vào nền kinh tế.
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), vào tháng Tư, tỷ lệ tiết kiệm gia đình đã giảm xuống 4.4%, từ mức 6.2% vào tháng Ba. Đây là mức thấp nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái 2008-2009. Trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình Mỹ chỉ dưới 35% một chút.
Báo cáo tín dụng hàng tháng của Cục Dự trữ Liên bang đã nhấn mạnh rằng tín dụng tiêu dùng đã tăng 38.07 tỷ USD trong tháng Tư, cao hơn ước tính thị trường là 35 tỷ USD. Con số này giảm so với mức tăng 47.34 tỷ USD trong tín dụng tiêu dùng vào tháng Ba.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã lưu ý rằng tín dụng quay vòng, bao gồm nợ thẻ tín dụng, đã tăng 17.77 tỷ USD. Nợ không quay vòng, chẳng hạn như các khoản vay mua xe hơi và của sinh viên, tăng 20.3 tỷ USD. Nhìn chung, tín dụng tiêu dùng tăng 10.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái (2021).
Tổng cộng, tín dụng quay vòng đã tăng gần 20% trong tháng Tư lên 1.103 ngàn tỷ USD, vượt kỷ lục trước đại dịch là 1.1 ngàn tỷ USD. Điều này được thúc đẩy bởi số dư thẻ tín dụng tăng lên 841 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022.
Theo một cuộc khảo sát mới của WalletHub, một trang web tài chính cá nhân, khoảng 33 triệu người dân Mỹ nghĩ rằng họ sẽ nợ thẻ tín dụng nhiều hơn vào cuối năm nay.
Cô Jill Gonzalez, nhà phân tích của WalletHub, cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ có mức tăng ít nhất 100 tỷ USD nợ thẻ tín dụng trong năm. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét mức giá tăng mà người tiêu dùng đang phải đối mặt và mong muốn chi tiêu ngày càng tăng của họ.”
Một nghiên cứu riêng của Fed cho thấy giá trị tài sản gia đình giảm lần đầu tiên sau hai năm trong quý đầu tiên. Trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Ba, giá trị tài sản ròng của các gia đình đã giảm 0.4% xuống còn 149.3 ngàn tỷ USD, do sự sụt giảm 3 ngàn tỷ USD của cổ phiếu. Nhưng sự sụt giảm định giá cổ phiếu trên bảng cân đối tài sản của các gia đình đã được bù đắp bởi sự gia tăng giá trị địa ốc là 1.6 ngàn tỷ USD.
Báo cáo lưu ý rằng bảng cân đối tài sản của các gia đình vẫn ổn định trong ba tháng đầu năm 2022 vì chúng cao hơn khoảng 32.5 ngàn tỷ USD so với mức trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, các khoản thanh toán lãi suất có thể bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong tài chính cá nhân của các gia đình, Viện Brookings cảnh báo. Năm ngoái, một nửa số gia đình Mỹ có khoản nợ thẻ tín dụng quay vòng đã trả 111 tỷ USD phí và lãi suất.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang đang trong lộ trình tăng lãi suất, thì chi phí đi vay và các khoản thanh toán nợ sẽ tăng lên trong những năm tới. WalletHub dự đoán rằng sự gia tăng sắp tới của ngân hàng trung ương đối với lãi suất chuẩn của Fed sẽ làm tăng thêm 3.2 tỷ USD phí lãi suất vào năm tới. Con số này thêm vào con số 4.9 tỷ USD mà Fed gây ra thông qua các nỗ lực thắt chặt chính sách trước đó.
Cuộc khảo sát về kỳ vọng người tiêu dùng của Ngân hàng Fed ở New York phát hiện ra rằng việc gia tăng nợ, lãi suất cao hơn và lạm phát gia tăng khiến khoảng một phần ba người dân Mỹ kỳ vọng tình hình tài chính gia đình của họ sẽ xấu đi trong năm tới. Hơn một nửa cũng tin rằng năm tới sẽ khó có được tín dụng hơn.
Tâm lý người tiêu dùng cũng đã sụp đổ trong môi trường kinh tế này.
Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm xuống 50.2 trong tháng Sáu, giảm từ 58.4 hồi tháng Năm. Kỳ vọng của người tiêu dùng giảm mạnh xuống 46.8, trong khi điều kiện hiện tại giảm xuống 55.4.
Về mặt lạm phát, người tiêu dùng đã nâng kỳ vọng một năm và ba năm lên lần lượt là 5.4% và 3.3%.
Cô Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng, giải thích: “Tâm lý người tiêu dùng giảm 14% từ tháng Năm, tiếp tục xu hướng giảm trong năm ngoái và chạm giá trị thấp nhất được ghi nhận, tương thích với mức đáy chạm tới vào giữa cuộc suy thoái năm 1980.”
Các gia đình thậm chí có thể chịu nhiều áp lực tài chính hơn khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn mức thị trường dự kiến trong tháng Năm.
Tháng trước (05/2022), tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đã tăng lên 8.6%, cao hơn mức dự báo của thị trường là 8.3%, theo Cục Thống kê Lao động ( BLS ). Đây là số liệu cao nhất trong 41 năm.
Lạm phát tăng vọt cũng đang tác động đến tăng trưởng tiền lương.
Bất chấp thị trường lao động sôi sục, người lao động đang phải vật lộn để được hưởng mức lương trả thêm. Trong tháng Năm, thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.3% theo tháng lên 31.95 USD. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát đang tăng nóng như hiện nay, mức tăng lương thực tế ít nhất là -2%.
Ông Christian Hoffman, giám đốc danh mục đầu tư và giám đốc điều hành tại Thornburg Investment Management, cho biết các thành phần thiết yếu của báo cáo CPI đang không có các chỉ số cho thấy giá đang chậm lại.
Ông Hoffman viết trong một ghi chú nghiên cứu ngay sau khi Báo cáo lạm phát tháng Năm đã được công bố: “Các yếu tố chính của lạm phát như thực phẩm, năng lượng, và nhà ở cho thấy dấu hiệu không suy giảm và giá cả phương tiện đã qua sử dụng đáng thất vọng, mặt hàng vốn đã cho thấy một số tiềm năng giảm nhẹ trong những tháng gần đây, vừa qua đã có dấu hiệu tăng trở lại.”
Ngoài những lo ngại về lạm phát, những lo ngại về nền kinh tế rộng lớn hơn cũng đang trở thành vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng, theo nhiều cuộc khảo sát trong những tuần gần đây.
Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Conference Board (CB) đã giảm xuống 106.4 trong tháng Năm, giảm từ 108.6 vào tháng Tư. Chỉ số Kỳ vọng, đánh giá triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng đối với điều kiện kinh doanh, thu nhập và thị trường lao động, cũng giảm xuống 77.5 vào tháng trước, giảm từ 79.00.
Bà Lynn Franco, Giám đốc cao cấp về các chỉ số kinh tế tại The Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “Với Chỉ số Kỳ vọng suy yếu hơn nữa, người tiêu dùng cũng không thấy trước được nền kinh tế sẽ khởi sắc trong những tháng tới.”
“Trong khi đó, ý định mua xe hơi, nhà cửa, thiết bị gia dụng lớn, và nhiều thứ khác tất cả đều dần nguội lạnh—có thể là sự phản ánh của lãi suất tăng và người tiêu dùng chuyển hướng từ các mặt hàng có giá trị lớn sang chi tiêu cho dịch vụ. Các kế hoạch đi nghỉ cũng giảm bớt do giá cả tăng. Thật vậy, lạm phát vẫn là tâm điểm của người tiêu dùng, với kỳ vọng lạm phát của họ trong tháng Năm hầu như không thay đổi so với mức tăng của tháng Tư. Nhìn về phía trước, kỳ vọng giá tăng và lãi suất tăng thêm sẽ tiếp tục gây rủi ro giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong năm nay.”
Một cuộc khảo sát của CNBC + Acorns Invest in You hồi tháng Tư cho biết 80% người trưởng thành nghĩ rằng nền kinh tế đang tiến tới suy thoái trong năm nay.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).