Các gia đình Mỹ chật vật tiết kiệm trong nền kinh tế lạm phát
Một báo cáo mới cho thấy các gia đình ở Hoa Kỳ đang ngày càng gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền khi chi phí sinh hoạt tiếp tục ảnh hưởng đến người Mỹ.
Theo khảo sát Tài chính và Chi tiêu Gia đình của Morning Consult trong tháng Bảy, tỷ lệ người trưởng thành còn dư tiền sau khi chi trả các khoản chi tiêu hàng tháng đã giảm đối với tất cả các mức thu nhập.
Có ít hơn 40% gia đình thu nhập dưới 50,000 USD cho biết họ còn tiền sau khi trang trải các khoản chi phí của mình vào cuối tháng. Con số này giảm 6% so với cùng thời điểm một năm trước.
60% gia đình kiếm được từ 50,000 USD đến 99,999 USD còn dư tiền, giảm từ mức gần 70% vào tháng 07/2021. Gần 80% người Mỹ có thu nhập hàng năm trên 100,000 USD còn dư tiền sau khi thanh toán các chi phí của họ, giảm 5% so với một năm trước.
Ngoài ra, có sự thay đổi ròng 2% về số gia đình có chi phí hàng tháng lớn hơn thu nhập. Người Mỹ có thu nhập trung bình và cao cũng có mức tăng lần lượt là 4% và 2%.
Báo cáo nêu rõ: “Không chỉ những người trưởng thành dưới ngưỡng thu nhập này liên tục ít có khả năng tiết kiệm hàng tháng hơn, mà tỷ lệ số người cho biết họ còn tiền hàng tháng đã có xu hướng thấp hơn trong năm qua. Mô hình này đặc biệt đúng đối với những người có thu nhập trung bình, những người mà khả năng trang trải chi phí của họ bị thu hẹp một cách rõ rệt nhất — chưa nói đến tiết kiệm — vào tháng Bảy.”
Mặc dù người tiêu dùng đã được ca ngợi vì tích lũy được nhiều khoản tiết kiệm trong đại dịch virus corona, nhưng một loạt dữ liệu cho thấy những khoản tiết kiệm này đang bị bốc hơi do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Lạm phát có làm bốc hơi tiền tiết kiệm không?
Tháng trước (07/2022), cuộc khảo sát Wealth Watch mới nhất của New York Life cho thấy 36% số người được hỏi cho biết đã rút trung bình 617 USD từ khoản tiết kiệm của họ trong nửa đầu năm 2022. Thế hệ X, dân số sinh ra từ 1965 đến 1980, rút hầu hết tiền tiết kiệm mỗi ngày, trung bình là 644 USD.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy 30% người Mỹ “không chắc chắn” và 29% “lo lắng” về tài chính của họ. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn là mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng, tiếp theo là chi phí chăm sóc sức khỏe và sự phục hồi kinh tế quốc gia. 89% đang lo lắng về một cuộc suy thoái.
Ông Aaron Ball, Phó chủ tịch cấp cao, Trưởng bộ phận Giải pháp Bảo hiểm, Dịch vụ, và Tiếp thị tại New York Life, cho biết trong một tuyên bố: “Bức tranh tài chính đối với nhiều người Mỹ đã thay đổi đáng kể kể từ đầu năm, và chúng tôi thấy kỳ vọng tích cực của nhiều người Mỹ về tài chính của họ vào năm 2022 đang bắt đầu mờ nhạt.”
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), với tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 8.5% và tăng trưởng lương thực tế ở mức âm 3.6%, các chuyên gia thị trường không ngạc nhiên khi tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm xuống 5.1% trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức tư vấn tín dụng American Consumer Credit Counseling đã phát hiện ra rằng 40% người tiêu dùng không có khả năng xoay xở để chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm của họ. Gần ⅕ (19%) cho biết họ phải cắt giảm tỷ lệ tiết kiệm và 23% cho biết không hề có khoản tiết kiệm khẩn cấp nào.
“Đại dịch, chiến tranh ở hải ngoại và các sự kiện thế giới khác đã có những tác động chưa từng có đối với xã hội của chúng ta về mặt tài chính gia đình,” ông Allen Amadin, chủ tịch và giám đốc điều hành của American Consumer Credit Counseling, cho biết. “Người tiêu dùng đã trải qua nhiều giai đoạn tài chính khác nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn, buộc họ phải xoay chuyển nhiều lần thể theo thách thức.”
Khi giá hàng hóa và dịch vụ cănn bản tiếp tục tăng cao, nhiều gia đình đang phải gánh nợ.
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây của LendingTree cho thấy 43% người Mỹ trông đợi vào nợ trong sáu tháng tới. Điều này đặc biệt rõ rệt ở những người trẻ tuổi và các bậc cha mẹ có con nhỏ.
Trong tháng Sáu, tín dụng tiêu dùng đã tăng 40.15 tỷ USD, vượt qua mức ước tính thị trường 25 tỷ USD. Điều này thể hiện mức tăng tín dụng tiêu dùng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng Ba. Tín dụng quay vòng, bao gồm cả thẻ tín dụng, tăng 14.8 tỷ USD. Tín dụng không quay vòng, bao gồm các khoản vay mua xe hơi và vay sinh viên, tăng thêm 25.36 tỷ USD.
Với lãi suất tăng, việc trả nợ sẽ trở nên khó khăn hơn và tín dụng trở nên khó tiếp cận hơn. Theo Khảo sát về Kỳ vọng Người tiêu dùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, 57% nói rằng sẽ khó có được tín dụng hơn một năm kể từ bây giờ. Hơn nữa, xác suất trung bình của việc không thể thanh toán khoản nợ tối thiểu trong ba tháng tới vẫn tăng cao, ở mức gần 11%.
Số liệu thống kê của WalletHub cho thấy chi phí nợ thẻ tín dụng hiện tại đã tăng lên tới 14.5 tỷ USD do việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.
“Điều tốt nhất mọi người có thể làm để giảm thiểu tác động của việc tăng lãi suất của Fed là thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng của họ càng nhanh càng tốt. Lãi suất thẻ tín dụng nhanh chóng phản ứng với những thay đổi của Fed, làm cho nợ hiện có ngay lập tức đắt hơn,” cô Delaney Simchuk, nhà phân tích của WalletHub, cho biết trong báo cáo.
Dữ liệu của JD Power cho biết, các điều kiện có thể không được cải thiện khi mức độ hài lòng chung của người Mỹ với các điều kiện tài chính của họ đạt mức thấp nhất trong 12 tháng. 64% số người nói rằng họ không có tình hình tài chính lành mạnh.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).