Khủng hoảng chi phí sinh hoạt tấn công các gia đình ở Hoa Kỳ
Các kinh tế gia đã gán nhiều tên nhãn vào bối cảnh kinh tế ngày nay: suy thoái, lạm phát đình trệ, hoặc một nền kinh tế đang chuyển sang tăng trưởng chậm hơn.
Dù các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách công gọi nền kinh tế Hoa Kỳ là gì, các dữ liệu và khảo sát người tiêu dùng cho thấy các gia đình đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Mọi thứ đang chồng chất lên trong mọi mặt đối với người tiêu dùng, từ giá thực phẩm tăng cao đến hóa đơn điện nước tăng cho đến chi phí chỗ ở ngày càng tăng. Mặc dù Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng quốc gia không phải đang đối mặt với suy thoái kinh tế, nhưng thực tế lại cảm thấy giống như một cuộc suy thoái đối với hàng triệu gia đình trên toàn quốc.
Người dân Mỹ đã nói rõ rằng họ đang gặp khó khăn về tài chính.
Lạm phát vẫn là nỗi lo chính
Theo báo cáo Giám sát An ninh Tài chính nhóm Thu nhập Trung bình quý 2/2022 của Primerica, lạm phát và khả năng chi trả cho thực phẩm và hàng tạp hóa tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu đối với các gia đình Mỹ. 61% dự đoán nền kinh tế sẽ xấu đi trong năm tới, và 71% đang chuẩn bị cắt giảm chi tiêu không thiết yếu.
Hàng triệu người Mỹ cũng đang sống dựa vào tiền lương.
Theo một cuộc khảo sát mới của Câu lạc bộ Cho vay, 61% người Mỹ sống bằng tiền lương hồi tháng Sáu, tăng so với mức 55% một năm trước. 13% cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được trong sáu tháng qua.
Ông Anuj Nayar, nhân viên y tế tài chính của LendingClub, cho biết trong một tuyên bố: “Thật là một sự khác biệt mà một năm tạo ra. Mùa hè năm ngoái, tất cả chúng ta đều lo lắng về việc nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh như thế nào. Giờ đây, khi lạm phát tiếp tục xu hướng tăng, người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn hơn trong việc quản lý chi tiêu và đang tiêu vào khoản tiết kiệm của họ khi áp lực tài chính gia tăng.”
Bất chấp sự tăng trưởng tiền lương tràn lan trong 18 tháng qua, thu nhập trung bình hàng giờ thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) vẫn ở mức âm 3.6%.
Cuộc Khảo sát về Kỳ vọng của Người tiêu dùng (FRBNY) hồi tháng Bảy của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy 38% gia đình dự đoán rằng tình hình tài chính của họ sẽ tồi tệ hơn trong năm tới.
Vay nợ để giải quyết
Tâm lý suy giảm đối với tài chính cá nhân và nền kinh tế rộng lớn hơn khiến ngày càng có nhiều người Mỹ dự đoán sẽ mắc nợ trong thời gian còn lại của năm và tiến đến năm 2023 trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của LendingTree, 43% người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ gánh thêm khoản nợ mới trong vòng 6 tháng tới. Họ không sử dụng thẻ tín dụng hoặc hạn mức tín dụng cho các mặt hàng phù phiếm. Cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người tiêu dùng đang sử dụng tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu, bao gồm chỗ ở (30%), trường hợp khẩn cấp đột xuất (26%), và chi phí chăm sóc sức khỏe (25%).
Ông Chris Nddie, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty thông tin thương mại kỹ thuật số ClothingRIC, cũng đã nhận thấy nhiều người chuyển sang chương trình mua-ngay-trả-sau (BNPL) để mua ngay cả những mặt hàng căn bản.
Ông Nddie nói với The Epoch Times: “Các dịch vụ như Klarna và AfterPay đang cho phép mọi người mua mọi thứ, từ hàng tạp hóa đến các mặt hàng điện tử bằng nợ. Đây không phải là một kịch bản lý tưởng, bởi vì chồng chất nợ để tài trợ cho việc mua hàng của quý vị không bao giờ là một lựa chọn tốt.”
Nhiều người mua sắm đang sử dụng BNPL, đặc biệt là trong mùa mua sắm tựu trường bận rộn và tốn kém này. Nghiên cứu mới của TransUnion cho thấy hơn ⅓ (37%) người tiêu dùng đã hoặc dự định vay BNPL để thanh toán cho các khoản mua sắm ở trường học của họ.
Các gia đình cũng đang điều chỉnh hành vi chi tiêu của họ, bởi vì 55% dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn cho đồ dùng học tập, từ trang phục đến đồ điện tử.
Bà Cecilia Seiden, Phó chủ tịch mảng kinh doanh bán lẻ của TransUnion, cho biết: “Các gia đình đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, và việc mua sắm cho tựu trường chiếm một khoản chi phí đáng kể so với các chi phí hàng ngày. Khả năng chia đều các khoản thanh toán đó theo thời gian, không tính lãi suất, là một lựa chọn rất hấp dẫn đối với phụ huynh và học sinh, những người vốn đã eo hẹp về tài chính.”
Nhưng trong khi các kế hoạch BNPL là phổ biến trong thời gian này của năm, thì một báo cáo mới lại cho thấy rủi ro lạm phát và suy thoái có nghĩa là công cụ tín dụng đang không phát triển.
Một báo cáo mới từ Morning Consult cho thấy rằng người tiêu dùng đang dự kiến hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng giá nhiều hơn, vì vậy họ đang chuyển sang BNPL “để trả tiền cho một số hàng hóa và dịch vụ.”
Báo cáo đã nêu: “Sự nhất quán mà người tiêu dùng Hoa Kỳ đã sử dụng BNPL để tài trợ cho các giao dịch mua hàng trong suốt năm 2022 cho thấy rằng hình thức thanh toán này có thể đang giúp duy trì một khoảng [chống đỡ] lại mức độ ảnh hưởng của giá và sự thay thế đối với họ, và nên được xem như một chỉ báo về sức mạnh duy trì của BNPL.”
Người tiêu dùng đang thay đổi thói quen mua hàng của họ
Xu hướng nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ nhà ở đến xăng dầu.
Theo các nhà lãnh đạo ngành, thị trường địa ốc đã rơi vào tình trạng suy thoái.
Hồi tháng Bảy, doanh số bán nhà mới đã giảm 12.6% xuống mức hàng năm là 511,000 căn, dữ liệu của Cục điều tra Dân số cho thấy. Con số này thể hiện sự sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 02/2021 và là mức thấp nhất trong hơn 6 năm. Doanh số bán nhà hiện tại cũng giảm 5.9% xuống còn 4.81 triệu căn.
Hoạt động xây dựng nhà ở mới đã giảm trong bối cảnh lãi suất tăng. Tháng trước, số lượng nhà ở bắt đầu và giấy phép xây dựng lần lượt giảm 9.6% và 1.3%.
Mặc dù giá xăng đã giảm xuống dưới 4 USD/gallon, nhưng những người lái xe đã không bị thu hút trở lại trạm xăng. Tỷ lệ tiêu thụ trung bình theo mùa trong 4 tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) hiện tại giống như năm 2020, vì nhu cầu dao động quanh 9 triệu thùng mỗi ngày.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA) hồi tháng Bảy đã cho thấy rằng 64% người Mỹ đã điều chỉnh thói quen lái xe hoặc lối sống của họ do giá nhiên liệu tăng cao. Một số thay đổi bao gồm lái xe ít hơn, kết hợp các công việc lặt vặt, và giảm việc mua sắm hoặc ăn uống bên ngoài.
Người tiêu dùng đang tìm kiếm nhiều giải pháp để giảm bớt nỗi đau lạm phát.
Một cuộc khảo sát về thói quen mua sắm của US News & World Report hồi tháng Bảy đã phát hiện ra rằng 58% người Mỹ đang tìm kiếm phiếu giảm giá ít nhất một lần một tuần. Gần một nửa (44%) người tiêu dùng đang sử dụng các ứng dụng và công cụ trực tuyến để tiết kiệm tiền. Chi phí sinh hoạt cao đã ảnh hưởng đến kế hoạch mua sắm kỳ nghỉ của người tiêu dùng, với 52% dự định chi tiêu ít hơn cho quà tặng trong năm nay so với năm ngoái.
Ngày càng có nhiều người Mỹ thấy các mặt hàng thực phẩm căn bản đắt hơn, các gia đình cắt giảm chi tiêu không thiết yếu của họ và người mua sắm đang chuyển sang các nhãn hiệu chung để tiết kiệm tiền.
Các nhà bán lẻ Hoa Kỳ có thể cần phải chuẩn bị cho sự thay đổi của người mua sắm đã hướng tới quý 4 luôn bận rộn. Walmart và Target đã báo cáo lượng hàng tồn kho tăng cao do nhu cầu giảm, buộc những đại công ty bán lẻ này phải giảm giá, hủy đơn đặt hàng hàng tỷ USD và cắt giảm số lượng container vận chuyển.
Hồi tháng Bảy, tồn kho kinh doanh và bán lẻ lần lượt tăng 1.4% và 1.5%. Doanh số bán lẻ không đổi ở mức 0%.
Tình trạng của người tiêu dùng có thể xấu đi khi bước sang năm mới. Nợ nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn, và tăng trưởng lương dưới 0 là tất cả những yếu tố có thể đè nặng lên người Mỹ vào năm 2023. Thất nghiệp có thể là quân cờ domino tiếp theo đổ xuống chăng?
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).