Các điều khoản chính trong ‘Đạo luật Chính sách Đài Loan’ của Thượng viện Hoa Kỳ
Hôm 14/09, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Chính sách Đài Loan” sau sửa đổi, trong đó sửa đổi một số điều khoản của đề xướng ban đầu nhưng vẫn giữ lại các điều khoản chính. Các nhà phân tích cho rằng, dự luật này phản ánh cam kết của Quốc hội Hoa kỳ đối với Đài Loan, là sự điều chỉnh toàn diện nhất trong chính sách Đài Loan, cải thiện bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan trong các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự.
Nâng phí tổn chiến tranh
Hôm 14/09, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022” (Taiwan Policy Act of 2022, TPA) với tỷ lệ 17 phiếu thuận-5 phiếu chống. Đây là sự điều chỉnh toàn diện nhất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan kể từ khi “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” năm 1979 có hiệu lực, đánh dấu thời điểm Hoa Kỳ cắt đứt bang giao với Đài Loan. Dự luật năm 2022 này nhằm củng cố bang giao Mỹ-Đài trong các lĩnh vực ngoại giao và quân sự.
Dự luật cũng đã được sửa đổi một phần, nhưng người đưa ra dự luật, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) đã nói với truyền thông rằng, các điều khoản mang tính biểu tượng của phiên bản mới khác với bản dự luật ban đầu, nhưng nội dung chính của dự luật không thay đổi. Ông cho biết, những thay đổi này “không đáng kể” so với các điều khoản viện trợ quốc phòng.
Tiếp theo, Thượng viện sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn diện về phiên bản cuối cùng của dự luật. Hiện tại chưa có phiên bản tương ứng của dự luật này tại Hạ viện. Nếu dự luật được cả hai viện của Quốc hội thông qua, Tổng thống Biden sẽ quyết định có ký thành luật hay không.
Một người am hiểu quy trình của Quốc hội nói với “Financial Times” rằng, Ủy ban Ngoại giao đang làm việc với Ủy ban Quân vụ Thượng viện nhằm đưa một phần quan trọng của dự luật này thành dự luật chi tiêu quốc phòng cần được thông qua, đây là đạo luật lớn duy nhất có khả năng sẽ được Quốc hội thông qua trước cuộc bầu cử giữa kỳ.
Ông Menendez nói, “Chúng tôi thận trọng và có tính chiến lược nhằm giảm bớt mối đe dọa hiện hữu đối với Đài Loan bằng cách nâng phí tổn của hành động chiếm đóng quân sự đối với Đài Loan, từ đó khiến cho việc ĐCSTQ chiếm Đài Loan trở nên quá rủi ro và không thể thực hiện.”
Ông Hoàng Giới Chính (Huang Jiezheng), Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến tranh Chiến lược Trung Hoa, đã nói với Đài Á Châu Tự Do, “Đây là một dự luật toàn diện và tổng hợp có ảnh hưởng toàn diện đến liên kết Hoa Kỳ-Đài Loan. Đây là diễn tiến mới nhất, lớn nhất và có ý nghĩa thực chất nhất trong bang giao Hoa Kỳ-Đài Loan kể từ khi ‘Đạo luật Quan hệ Đài Loan’ được thông qua năm 1979.”
Dự luật này đã thu hút sự phẫn nộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hôm 15/09, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nói rằng, dự luật này vi phạm “Nguyên tắc Một Trung Quốc” và “Ba Thông cáo Chung Trung-Mỹ”, “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, sẽ tạo thành “hậu quả vô cùng nghiêm trọng” đối với mối bang giao Trung-Mỹ, cũng như ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền.
Tài trợ vũ khí trực tiếp cho Đài Loan
Điểm nổi bật nhất trong đạo luật này là tăng cường hợp tác quân sự. “Đạo luật Chính sách Đài Loan” cung cấp 6.5 tỷ USD để tài trợ vũ khí cho Đài Loan và các hỗ trợ khác, đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ tài trợ trực tiếp vũ khí cho Đài Loan.
Đạo luật này cũng thiết lập một gói vay trị giá 2 tỷ USD nhằm giúp Đài Loan mua vũ khí, đồng thời giúp Đài Loan có tư cách tham gia một kế hoạch, kế hoạch này sẽ giúp Đài Loan dự trữ vũ khí trước thời hạn, nhằm ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào với ĐCSTQ.
Đối với phần sửa đổi của đạo luật, trong lĩnh vực quân sự, trước hết, kế hoạch ban đầu dự kiến cung cấp cho Đài Loan 4.5 tỷ USD trong quỹ tài chính đầu tư quân sự ngoại quốc trong bốn năm tới, còn bản sửa đổi nhấn mạnh viện trợ quân sự không ràng buộc, hơn nữa tăng lên 2 tỷ USD vào năm thứ năm.
Đồng minh chính không thuộc NATO
Ngoài ra, đề xướng ban đầu đã trao cho Đài Loan địa vị của một “đồng minh chính không thuộc NATO” (major non-NATO ally, MNNA), nhằm cung cấp cho Đài Loan ưu đãi viện trợ ngoại quốc và xuất cảng vũ khí; phiên bản mới sửa đổi thành “cung cấp đãi ngộ” cho Đài Loan như một đồng minh chính không thuộc NATO.
Ông Ông Minh Hiền (Weng Mingxian), Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế của Đại học Đạm Giang, đã nói với Đài Á Châu Tự do rằng, “Điều này vẫn mang lại cho Đài Loan một vị thế rất quan trọng, và hòn đảo này có thể nhận được sự ưu tiên về quân sự và kinh tế tương tự với Hoa Kỳ và hơn 30 quốc gia NATO. Tuơng lai việc đầu tư quân sự sẽ tăng lên, đồng thời sự hỗ trợ và giao lưu quân sự sẽ tăng lên.”
Ông Diệp Diệu Nguyên (Ye Yaoyuan), giáo sư chủ nhiệm khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học St.Thomas, Hoa Kỳ, cũng phân tích với BBC rằng, các sửa đổi liên quan phản ánh rằng Hoa Kỳ đã áp dụng một biện pháp khá cứng rắn, cho dù Đài Loan không thể có được vị thế của một “đồng minh chính không thuộc NATO” sau sửa đổi, “nhưng vẫn được lợi nhiều, trên thực chất đã phản ánh những cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, Đài Loan rất trân quý.”
Phân tích: Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho Đài Loan
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Trung Quốc Dân chủ, nói với The Epoch Times rằng, “Điều quan trọng nhất là, Hoa Kỳ phải thực hiện các nghĩa vụ an ninh đối với Đài Loan. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ phải coi Đài Loan là một đồng minh quân sự. Tôi nghĩ điều này là có ý nghĩa quan trọng nhất, song vẫn chưa đạt đến mức độ của Hiệp ước Hỗ trợ Quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Đài Loan ký kết vào năm 1954.”
Về liên kết quân sự Hoa Kỳ-Đài Loan, ông Hoàng Giới Chính cũng cho rằng, trong hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã có những mức độ đối đãi khác nhau đối với các đồng minh không thuộc NATO, thực hiện hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Các biện pháp trừng phạt đối với quan chức ĐCSTQ và các ngân hàng quốc doanh, xóa tên Chủ tịch Tập Cận Bình
Financial Times cho rằng, Đạo Luật Đài Loan còn yêu cầu Tòa Bạch Ốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ít nhất năm ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc, nếu Tổng thống Hoa Kỳ xác định rằng ĐCSTQ “đã tiến hành hành vi leo thang xâm lược quy mô lớn” đối với Đài Loan, ví như phong tỏa Đài Loan hoặc chiếm đoạt các đảo xung quanh đảo chính Đài Loan.
Về các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ, đạo luật này tuyên bố rằng, họ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt nếu Bắc Kinh “có hành động leo thang xâm lược quy mô lớn, bao gồm các hoạt động quân sự công khai hoặc bí mật” đối với Đài Loan.
Tuy nhiên, phiên bản sửa đổi đã xóa “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” là đối tượng trừng phạt cao nhất, chỉ liệt kê các quan chức cấp cao và tướng lĩnh quân đội, cố vấn cho chủ tịch nước, nhân sự của các cơ quan ra quyết sách cấp chính phủ.
Ông Diệp Diệu Nguyên cho biết, các sửa đổi liên quan phản ánh cách tiếp cận khá cứng rắn được Hoa Kỳ áp dụng, nhằm ngăn Bắc Kinh đánh giá sai rằng Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền hoặc nhắm vào ông Tập Cận Bình gây hiểu lầm.
‘Phải lập tức hành động’
Thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện nói với Financial Times, “Theo đà tăng cường uy hiếp về ngôn luận và xâm lược quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ), chúng ta phải lập tức hành động để tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan, trước khi quá muộn.”
Về lý do tại sao Hoa Kỳ lại coi trọng Đài Loan đến vậy, ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá Hải quân Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng, Đài Loan có vị trí rất quan trọng trong cuộc đối đầu quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt là vị trí của chuỗi đảo đầu tiên.
Ông cho rằng, “Cho dù ĐCSTQ không tiến hành thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, nhưng chiến lược của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ đã chuyển từ phòng thủ sang tấn công.”
Ông nói: “Nếu một cuộc chiến nổ ra ở Tây Thái Bình Dương, không chỉ Hoa Kỳ, mà một số đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, đều sẽ cùng đồng tâm hiệp lực tấn công và phòng thủ.”
Do Trình Tĩnh và Lạc Á thực hiện
Lâm Nghiên biên tập
Tiểu Minh lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ