Các cuộc tấn công của Hamas và sự phản công của Israel đã chia rẽ châu Phi, với việc một số chính phủ từ chối lên án những hành vi khủng bố tàn bạo
Những quốc gia đồng minh với phương Tây lên án bạo lực, trong khi đó nhiều quốc gia trên khắp lục địa đang đổ lỗi cho Israel.
JOHANNESBURG, Nam Phi — Theo Giáo sư Anthoni van Nieuwkerk, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Phi, phản ứng của các quốc gia Phi Châu khác nhau trước tình trạng bạo lực leo thang ở Israel và Gaza phụ thuộc vào quá trình lịch sử, thực trạng kinh tế hiện tại, và các liên minh của họ với các cường quốc thế giới.
Ông nói với The Epoch Times rằng: “Những tuyên bố của châu Phi sau cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas và cuộc phản công của Israel, gần như là hình ảnh phản chiếu của các mô típ mà chúng tôi đã thấy ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine.”
“Các quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của các đảng phái có truyền thống chống phương Tây đang quy trách nhiệm cho Israel và phương Tây về tình hình này — giống như cách họ đã quy trách nhiệm cho Ukraine và phương Tây về cuộc xâm lược bất hợp pháp của [Tổng thống Vladimir] Putin.”
“Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên, ít ra đối với tôi, là một số chính phủ ở châu Phi không lên án sự tàn bạo, sự vô nhân đạo tuyệt đối mà Hamas đã thể hiện.”
“Hầu như có thể họ nghĩ rằng nếu họ làm điều này thì họ đang phản bội chính nghĩa tự do của người Palestine.”
“Hamas không đại diện cho chính nghĩa tự do của người Palestine. Hamas tuyên bố mục tiêu là tiêu diệt Israel và tàn sát người Do Thái.”
Bà Sanusha Naidu, nhà phân tích chính trị tại Viện Đối thoại Toàn cầu ở Pretoria, đồng tình với quan điểm của ông Van Nieuwkerk.
Bà nói với The Epoch Times rằng: “Tôi chưa thấy bất kỳ phản ứng hợp lý nào từ các quốc gia vốn có truyền thống chống Israel và ủng hộ Palestine.”
“Tôi chưa từng nghe bất kỳ nhà lãnh đạo nào công khai nói điều gì đó như ‘Chúng tôi ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine. Nhưng chúng tôi lên án sự kinh hoàng mà Hamas gây ra cho những người Israel vô tội; chúng tôi lên án việc tàn sát phụ nữ, trẻ em, và trẻ sơ sinh.”
“Chúng tôi lên án hành vi cưỡng gian phụ nữ Israel trên đường phố Gaza. Cũng giống như cách chúng tôi lên án việc Israel sát hại những người Palestine vô tội ở Gaza bằng các cuộc không kích bừa bãi.”
Ghana, Kenya, và Rwanda là ba trong số ít các quốc gia Phi Châu đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng cho Israel.
Tổng thống Kenya William Ruto, người tự thể hiện mình là một đồng minh chủ chốt của phương Tây, và đất nước của ông từng hứng chịu rất nhiều tổn thất trong quá khứ vì các cuộc tấn công khủng bố, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt “những thủ phạm, những ai tổ chức, những ai cung cấp tài chính, những nhà tài trợ, những người ủng hộ, và những người tạo thuận tiện cho cuộc “khủng bố tàn ác” của Hamas.
Ông Helmoed Heitman, một nhà sử học quân sự và là cựu cố vấn chống nổi dậy của Lực lượng Phòng vệ Nam Phi, cho biết trong số tất cả các quốc gia Phi Châu cận Sahara, Kenya có nhiều lý do nhất để “khinh miệt” chủ nghĩa khủng bố và ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Ông nhắc lại vụ al-Qaeda đánh bom đại sứ quán Hoa Kỳ ở Nairobi năm 1998, khiến 212 người, chủ yếu là người Kenya, thiệt mạng.
“Kể từ đó, Kenya và Hoa Kỳ đã có một mối liên kết rất bền chặt, và Kenya tiếp tục phải trả giá đắt cho mối bang giao tốt đẹp với Hoa Thịnh Đốn, và đặc biệt là vì quốc gia này đã hợp tác với các lực lượng của Mỹ trên khắp Đông Phi và vùng Đông Bắc Phi (Sừng châu Phi) để chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố al-Shabaab,” ông Heitman cho biết.
Al-Shabaab, một tổ chức chiến binh Hồi giáo dòng Sunni liên kết với Al-Qaeda và có nguồn gốc từ Somalia, thường xuyên thực hiện các hành động khủng bố ở Kenya kể từ khi quân đội Kenya phát động các chiến dịch chống lại tổ chức này ở Somalia hồi năm 2011.
Năm 2013, các chiến binh al-Shabaab đã xông vào Trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi, sát hại 67 người đang mua sắm. Năm 2015, họ đã sát hại 148 sinh viên và nhân viên Kenya trong một cuộc tấn công vào Đại học Garissa ở miền bắc Kenya. Một vụ đánh bom của al-Shabaab năm 2019 ở Nairobi đã khiến 21 người thiệt mạng. Năm 2020, các chiến binh al-Shabaab đã tấn công một phi trường ở Kenya và bắn tử vong 3 công dân Hoa Kỳ.
Vào ngày 04/07/1976, những kẻ cực đoan Palestine đã cướp một chuyến bay của hãng hàng không Air France từ Tel Aviv đến Paris và buộc các phi công phải chuyển hướng đến phi trường Entebbe ở Kampala, Uganda. Lãnh đạo đương thời của Uganda, ông Idi Ami, đã biết về hoạt động này, và quân đội của ông đã trợ giúp những kẻ khủng bố đó.
Sau hai ngày bế tắc, lực lượng đặc nhiệm của Israel — được các binh sĩ Kenya trợ giúp — đã tấn công phi trường, cuối cùng triệt hạ 45 binh sĩ Uganda và tất cả những kẻ không tặc, đồng thời giải cứu 102 con tin.
Ba con tin và một lính biệt kích Israel đã thiệt mạng. Quân nhân Israel thiệt mạng duy nhất này là ông Yonatan Netanyahu, anh trai của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông Amin đã thực hiện một cuộc trả thù ngay tức khắc và khủng khiếp đối với Kenya vì đã trợ giúp quân đội Israel. Ông ta đã ra lệnh cho quân đội của mình tàn sát tất cả những người Kenya cư trú ở Uganda, và 245 người đã bị sát hại; hơn 3,000 người đã đào thoát khỏi đất nước này.
Bà Naidu cho biết sự ủng hộ hiện tại của Kenya đối với các hành động của Israel ở Gaza và việc nước này lên án mạnh mẽ đối với Hamas “cũng nên được nhìn qua lăng kính của chính phủ ông Ruto khi xét đến sự tiến bộ về kinh tế của Kenya mà phần lớn có liên quan đến Hoa Kỳ.”
Nairobi và Hoa Thịnh Đốn hiện đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại quan trọng nhất trong lịch sử Kenya, một thỏa thuận mà cuối cùng có thể khiến ngân khố của nền kinh tế Đông Phi này tăng lên hàng trăm triệu dollar mỗi năm.
Một trong những điều kiện mà chính phủ Tổng thống (TT) Biden đặt ra để thỏa thuận này được hoàn tất là Kenya ủng hộ các lợi ích chính trị và thương mại của Israel.
Các chính phủ ở Bắc Phi, nơi mà cho đến nay Hồi Giáo là tôn giáo chiếm ưu thế và người dân là những người ủng hộ trung thành cho nền độc lập của người Palestine, đã lên án các cuộc tấn công nhắm vào thường dân Israel, và họ còn cho rằng Tel Aviv phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì nước này đã “đàn áp” người Palestine.
Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Hoa Kỳ, Morocco đã xây dựng mối giao hảo với Israel trong những năm gần đây. Vua Mohammed VI đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Liên đoàn Arab để thảo luận về cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Bộ Ngoại giao Morocco là cơ quan đầu tiên ở Bắc Phi lên án sự tàn bạo của Hamas. Tuy nhiên, đồng thời, họ cho biết là họ đã “liên tục cảnh báo về hậu quả của sự bế tắc chính trị đối với hòa bình trong khu vực và trước những nguy cơ khiến căng thẳng sau đó thêm phần bế tắc.”
Tuyên bố của bộ này có đoạn: “Đối thoại và đàm phán vẫn là cách duy nhất để đạt được một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề Palestine, trên cơ sở các nghị quyết theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc của hai quốc gia, như đã thỏa thuận ở cấp độ quốc tế.”
Ngược lại, một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Algeria lại kịch liệt bài xích Israel, nói rằng họ đã ghi nhận “với mối lo ngại sâu sắc về sự leo thang của cuộc xâm lược man rợ xuất phát từ chủ nghĩa phục quốc Do Thái chống lại Dải Gaza, vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng chục trẻ em vô tội của người dân Palestine, những người đã ngã xuống như những vị tử vì đạo trước việc chủ nghĩa phục quốc Do Thái ngoan cố chiếm đóng trong khi áp đặt chính sách áp bức và đàn áp lên những người dân Palestine dũng cảm.”
Algeria kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác “bảo vệ người dân Palestine khỏi sự tàn bạo và tội ác đã trở thành dấu ấn của sự chiếm đóng của chủ nghĩa phục quốc Do Thái trên các vùng lãnh thổ của người Palestine.”
Chính phủ của Tổng thống [Algeria] Abdelmadjid Tebboune cho biết: “Việc chấm dứt những nỗi kinh hoàng và bi kịch do cuộc xung đột này gây ra chắc chắn sẽ đòi hỏi sự tôn trọng các quyền dân tộc hợp pháp của người dân Palestine và việc thành lập nhà nước độc lập của họ ở biên giới năm 1967 với Al-Quds [Jerusalem] là thủ đô của họ.”
Chính phủ Tunisia cho biết họ ủng hộ người dân Palestine “vô điều kiện.” Họ công nhận quyền tự vệ [của người Palestine] và quyền “đòi lại vùng đất [mà người Palestine] đã bị tước đoạt.”
Djibouti, cũng là một quốc gia thành viên của Liên đoàn Arab, cho biết Israel “phải chịu trách nhiệm về sự leo thang đang diễn ra do hành động gây hấn liên tục và vi phạm liên tục các quyền của người dân Palestine cũng như các thánh địa của họ.”
Ai Cập, quốc gia thường đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính phủ Israel và Palestine trong quá khứ, đã có phản ứng ôn hòa hơn. Họ kêu gọi Hamas và Israel thể hiện sự “kiềm chế tối đa” và cảnh báo về “mối nguy hiểm nghiêm trọng” của một cuộc xung đột trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Van Nieuwkerk, có lẽ phản ứng của Nam Phi được cho là quan trọng nhất khi nước này tự định vị mình là ứng cử viên Phi Châu có nhiều khả năng nhất cho chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tiến sĩ Frank Lekaba, giảng viên về chính trị Phi Châu và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wits ở Johannesburg, cho biết “lập trường chống Israel” của Nam Phi phần lớn được hình thành từ cuộc tranh đấu chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Đại hội Dân tộc Phi Châu (A.N.C.) đang cầm quyền.
“ANC đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc tuyên bố Israel là một quốc gia phân biệt chủng tộc, vì cách mà nước này đối xử với người Palestine. Họ nói rằng Israel phân biệt đối xử với người Palestine dựa trên sắc tộc (Arab) của họ, và gọi Dải Gaza là nhà tù lớn nhất thế giới.”
Ông Lekaba nói với The Epoch Times rằng: “Họ [Nam Phi] xem cuộc tranh đấu giành quyền tự quyết và đất đai của người Palestine giống như các cuộc tranh đấu trước đây của họ. Điều quan trọng hơn là họ xem Hamas là một phong trào của những người tranh đấu cho tự do, chứ không phải là một tổ chức khủng bố.”
Chính phủ Nam Phi đã từ chối lên án việc Hamas tấn công Israel.
Cơ quan Quan hệ Quốc tế (DIR) của nước này khẳng định “cuộc xung đột” là kết quả của việc Israel “tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp đất đai Palestine, tiếp tục mở rộng khu định cư, xúc phạm Nhà thờ Hồi Giáo Al Aqsa và các thánh địa Thiên Chúa Giáo, cũng như sự áp bức liên tục đối với người dân Palestine.”
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phải mất bốn ngày mới đưa ra tuyên bố về cuộc tấn công, điều mà ông bị lên án gay gắt, ngay cả bởi các nhóm ủng hộ Palestine.
Trong đó, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh các tiến trình nhằm thành lập một nhà nước Palestine “có thể tồn tại được.”
Ông Ramaphosa viết: “Suy nghĩ của chúng tôi hướng về tất cả gia đình và người thân của các nạn nhân trong thời điểm đầy khốc liệt của cuộc chiến này. Chúng tôi vẫn hết sức lo ngại trước sự leo thang tàn khốc trong cuộc xung đột Israel-Palestine và những hành động tàn bạo đối với thường dân.”
“Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và hãy kiềm chế. Điều quan trọng là tất cả những người cần sự trợ giúp nhân đạo khẩn cấp đều nhận được những nhu yếu phẩm cơ bản trợ giúp cho cuộc sống và nỗi đau khổ của con người cần được xoa dịu.”
Chính phủ của ông tin rằng họ đang ở “vị thế tốt” để đóng vai trò hòa giải cuộc xung đột này.
Tổng giám đốc Cơ quan Quan hệ Quốc tế (DIR) thuộc Bộ Ngoại giao Nam Phi, ông Zane Dangor, nói với The Epoch Times rằng chính phủ của ông sẵn sàng tham gia vào bất kỳ tiến trình nào nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa các lực lượng Israel và Hamas.
“Chúng tôi đang hợp tác với Chính quyền Palestine, chứ không phải với bất kỳ ai khác trong giai đoạn này, nhưng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với bất kỳ bên tham gia nào để chúng tôi có thể trợ giúp bằng mọi cách có thể nhằm hướng tới một nền hòa bình hợp lý và lâu dài, và các cuộc đàm phán cần phải diễn ra trước,” ông nói.
“Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là loại hòa bình này chỉ có thể thực hiện được nếu Israel rút các lực lượng khỏi lãnh thổ Palestine và ngừng cho phép người Do Thái định cư ở Bờ Tây.”
Bà Elizabeth Sidiropolous, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, nói với The Epoch Times rằng lời đề nghị của Pretoria “cũng hay nhưng có lẽ còn quá sớm.”
“Mối quan hệ tốt đẹp của chính phủ Nam Phi với Hamas không có gì là bí mật,” bà nói. “Cùng với các bên khác, họ có thể sử dụng những điều đó đó để đóng một vai trò tích cực. Nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ không được giải quyết chỉ vì một đảng như A.N.C. thân thiện với Hamas. Điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực quốc tế có sự tham gia của nhiều nhóm và Liên Hiệp Quốc sẽ phải đứng ra để đóng một vai trò quan trọng.”
Phó chủ tịch Hội đồng đại biểu Do Thái của Nam Phi, ông Zev Krengel, cho biết sự “thân cận” của chính phủ ông Ramaphosa với cả Hamas và Ai Cập mang lại “cơ hội” để nước này thực hiện vai trò hòa giải.
Nhưng ông nói với The Epoch Times rằng có một “vấn đề” là “Israel không nhìn nhận Nam Phi là công bằng, bởi vì thực tế là như vậy.”
“Chỉ vài tháng trước, Nam Phi đã hạ cấp đại sứ quán của mình ở Tel Aviv nhưng vẫn duy trì phái đoàn lớn của mình tại Ramallah [ở Bờ Tây]. Họ tỏ ra không mấy đồng cảm với những người Israel bị Hamas tàn sát.”
Ông Roelf Meyer, một cựu quan chức hàng đầu của chính phủ da trắng cuối cùng ở Nam Phi, thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước này, cho biết “sự ủng hộ rầm rộ của A.N.C. đối với chính nghĩa của người Palestine và sự đồng cảm với Hamas” trong thời gian gần đây đã thể hiện điều đó một cách mạnh mẽ.
“Cách duy nhất mà tôi thấy Nam Phi đóng một vai trò khả thi là tìm được những cộng tác viên có thể lắng nghe tiếng nói của người Israel. Họ có một mối quan hệ nội bộ với Hamas. Nhưng trước tiên, mọi việc phải lắng xuống,” ông Meyer, người hiện đứng đầu Sáng kiến Chuyển đổi có trụ sở tại Johannesburg, tổ chức đã làm trung gian cho các cuộc xung đột trên toàn thế giới, cho biết.
Bà Naidu tin rằng Nam Phi sẽ không được cộng đồng quốc tế tin tưởng để làm trung gian vì quốc gia này cũng “liên kết vững chắc” với Iran, quốc gia mà Israel cáo buộc là đã giúp đỡ Hamas sắp xếp và thực hiện vụ tấn công.
Gần đây, Nam Phi — cùng với Trung Quốc và Nga — đã vận động hành lang thành công để Iran trở thành một thành viên thường trực của khối BRICS gồm các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Pretoria đặc biệt khó chịu trước việc các nước phương Tây liên kết Iran với cuộc tấn công của Hamas.
Một quan chức chính phủ cao cấp nói với The Epoch Times với điều kiện ẩn danh rằng: “Việc Iran liên quan theo bất kỳ cách nào với cuộc tấn công này là rất nguy hiểm. Có phải chúng tôi cũng sẽ liên quan đến vụ tấn công này vì trước đây chúng tôi đã cung cấp sự trợ giúp về mặt tinh thần, công cộng, và vật chất cho người Palestine trong cuộc tranh đấu vì tự do của họ không? Phương Tây gọi chúng tôi là những kẻ khủng bố khi chúng tôi tranh đấu cho tự do, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chúng tôi không quên những khoảng thời gian đó.”
Ông Van Nieuwkerk cho biết lập trường của các nước Phi Châu về cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza là “rất quan trọng” trên toàn cầu, vì lục địa này chiếm gần 1/3 số phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc, nơi các Nghị quyết về cuộc bạo lực này có thể sẽ sớm được đưa ra tranh luận trong thời gian tới.
Ông nhớ lại: “Chúng ta đã chứng kiến những gì xảy ra vào tháng 03/2022 khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án việc Nga xâm lược Ukraine.”
Nghị quyết yêu cầu “Liên bang Nga rút toàn bộ các lực lượng quân sự của mình ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.”
Có sự chia rẽ về phiếu bầu của các quốc gia Phi Châu: 28 trong số 54 quốc gia Phi Châu có đại diện tại Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, trong khi gần 82% các quốc gia ngoài Phi Châu đã bỏ phiếu tán thành.
Trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, gần 50% là các quốc gia Phi Châu, bao gồm Algeria, Angola, và Nam Phi. Tám quốc gia Phi Châu, bao gồm Cameroon, Ethiopia, và Maroc, đã không bỏ phiếu. Một quốc gia Phi Châu, Eritrea, đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này, điều mà chỉ có Belarus, Nga, Bắc Hàn, và Syria mới thực hiện.
Bà Naidu nói: “Tôi tin chắc rằng khi một nghị quyết về tình hình giữa Israel, Hamas, và Gaza được đưa ra, thì kiểu bỏ phiếu trong số các quốc gia Phi Châu sẽ xảy ra theo những cách giống như chúng ta đã thấy trong cuộc bỏ phiếu về vấn đề Ukraine.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times