Các cuộc diễn hành tại Canada kỷ niệm mốc 400 triệu người Trung Quốc thoái ĐCSTQ
Hàng trăm người đã tham dự một cuộc diễn hành qua Khu Phố Tàu ở thành phố Toronto hôm 06/08 để kỷ niệm mốc 400 triệu người Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) và các tổ chức liên đới.
“SanTui,” một cụm từ tiếng Trung có nghĩa là “Tam Thoái”, được nhìn thấy trên các biểu ngữ khi các học viên và những người ủng hộ Pháp Luân Công kỷ niệm dịp này ở Toronto. Các cuộc diễn hành tương tự đã được tổ chức ở Montreal và Calgary.
Tam Thoái đề cập đến việc rút khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản, và Đội Thiếu niên Tiền phong Trung Quốc, nhằm mang lại cho người dân Trung Quốc một con đường tự ly khai khỏi Trung Cộng, vốn có lịch sử sát hại và lừa dối lâu năm.
Phong trào này bắt đầu kể từ năm 2004, khởi phát từ việc The Epoch Times phát hành cuốn sách “Chín Bài Bình Luận về Đảng Cộng Sản” (“Cửu Bình”), trong đó trình bày chi tiết lịch sử của ĐCSTQ và tội ác của đảng này đối với người dân Trung Quốc.
Hôm 03/08, ngày đạt được mốc 400 triệu người, bà Dịch Dung (Rong Yi), chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc Toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã ca ngợi “400 triệu người Trung Quốc dũng cảm” cắt đứt quan hệ với chế độ cộng sản.
“Tam Thoái là phong trào cơ sở lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sự thật mà phong trào này phơi bày đã giúp đánh thức hàng trăm ngàn người Trung Quốc,” bà Dịch nói trong một cuộc họp báo ở khu Flushing, Thành phố New York.
Theo bà Dịch, ước tính có khoảng 80 triệu người Trung Quốc đã thiệt mạng vì những nguyên nhân bất thường do các chiến dịch chính trị khác nhau của ĐCSTQ kể từ khi đảng này nắm quyền vào năm 1949. Những chiến dịch gần đây hơn mà bà chỉ ra bao gồm vụ Thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, cuộc đàn áp liên tục đối với các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, việc bỏ tù hàng triệu người dân tộc thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng, và đàn áp nền dân chủ ở Hồng Kông.
“Sứ mệnh quan trọng nhất đối với nhân loại là giải thể Trung Cộng,” bà nói. “Chỉ bằng cách chấm dứt sự chuyên chế của Trung Cộng, người dân Trung Quốc mới có thể nắm trong tay tự do, hòa bình, và thịnh vượng.”
Nhiều sự kiện khác sẽ được tổ chức tại Canada trong suốt tháng Tám, trong đó có hơn 100 cuộc diễn hành bằng xe hơi sẽ diễn ra ở Toronto, Ottawa, Montreal, Winnipeg, Edmonton, Calgary, và Vancouver.
Một phát ngôn viên tại sự kiện ở Toronto nói với The Epoch Times rằng số người tự ly khai khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới tiếp tục tăng với ước tính khoảng 50,000 đến 70,000 người mỗi ngày.
Cô Mina Comtreras và chồng là anh Wadelfoxelo, những người từ Pennsylvania đến thăm Toronto để kỷ niệm ngày cưới, đã dừng lại xem cuộc diễn hành.
“[Chúng tôi đã biết được] khá nhiều điều mà thế giới đã biết, rằng Trung Quốc là một quốc gia cộng sản và rất nhiều thứ phải thay đổi,” cô Mina nói.
“Điều này thực sự rất đáng buồn,” cô chia sẻ thêm khi nghe nói về các chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc.
Người sống sót sau cuộc đàn áp của ĐCSTQ
Cô Cathy Lin, một giáo viên đại học đến từ tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc hiện đang sống ở Toronto, cho biết người dân Trung Quốc là nạn nhân của các chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ, và phong trào Tam Thoái cho họ cơ hội lùi lại một bước để tự nhận định.
Cô Lin đã cùng hàng ngàn sinh viên tụ tập trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi tháng 06/1989 để kêu gọi dân chủ. Tuy nhiên, cô không chứng kiến vụ thảm sát tàn bạo đối với các sinh viên, và cho biết tuyên truyền của nhà nước khiến cô nghi ngờ hoài nghi về việc xảy ra bất cứ vụ sát hại nào.
“Tôi lớn lên dưới ảnh hưởng của tuyên truyền của ĐCSTQ,… và tôi có niềm tin mù quáng vào Đảng,” cô nói với The Epoch Times.
“Khi nghe tin quân đội nổ súng vào sinh viên, tôi vẫn hoài nghi, vì bố tôi cũng là quân nhân. [Tôi nghĩ], sao quân đội lại có thể nổ súng vào sinh viên chứ? Đó là tin tức mà chúng tôi không có quyền tiếp cận.”
Năm 1995, cô Lin bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện truyền thống Trung Hoa bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”. Được khai truyền vào năm 1992, môn này đã có từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Sự phổ biến như vậy được ĐCSTQ coi là một mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của mình, và vào ngày 20/07/1999, đảng này đã phát động một chiến dịch bức hại sâu rộng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công.
Tháng 10/2000, cô Lin bị bắt khi cô đến Văn phòng Kháng cáo Quốc gia của Bắc Kinh để kêu gọi chính quyền chấm dứt chiến dịch bức hại và cho phép các học viên Pháp Luân Công tự do tập luyện. Cô đã bị kết án ba năm tù vào năm sau đó. Chồng cô cũng bị bỏ tù nhiều lần.
“Trong thời gian đó, các con tôi thấy rằng cha mẹ chúng đột ngột biến mất. Ông bà nội chăm sóc các cháu, nhưng các con tôi không dám hỏi cha mẹ chúng ở đâu vì không muốn làm ông bà buồn,” cô Lin nói.
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Cộng cuối cùng đã khiến tôi nhận ra bản chất tà ác của đảng này,” cô nói thêm. “Và sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua, gia đình tôi thực sự ủng hộ phong trào thoái xuất khỏi Trung Cộng này.”
Cô Lin đã đào thoát sang Canada vào năm 2013. Cô cho biết phong trào Tam Thoái cũng rất quan trọng đối với những người Trung Quốc sống ở Canada.
“Lý do mà chúng tôi kiên trì giảng chân tướng cho người dân Trung Quốc là để cho những người tốt bụng, những người có khả năng tư duy phản biện, có một cơ hội ly khai khỏi ĐCSTQ,” cô nói.
“Mục đích lớn nhất của [phong trào này] là cho phép nhiều người trên khắp thế giới hiểu được bản chất tà ác của chế độ này, và cho họ biết rằng chế độ này đang hủy hoại văn hóa và làm băng hoại đạo đức của toàn bộ xã hội nhân loại.”
Anh Andrew Chen là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.