Các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ trích sự áp bức của ĐCSTQ khi có 400 triệu người thoái Đảng
HOA THỊNH ĐỐN – Các nhà lập pháp và chuyên gia đã nêu bật lịch sử bạo lực và tàn sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời ghi nhận một cột mốc mới do một phong trào toàn cầu kêu gọi người dân từ bỏ liên hệ với chế độ cộng sản lớn nhất thế giới này.
Theo Trung tâm Toàn cầu thoái xuất khỏi ĐCSTQ, một tổ chức chuyên giải quyết và theo dõi các tuyên bố trực tuyến bãi bỏ tư cách thành viên ĐCSTQ, số người Trung Quốc cắt đứt liên hệ với các tổ chức cộng sản Trung Quốc đạt hơn 400 triệu người hôm 03/08. Phong trào toàn cầu này được gọi là “tuidang”, có nghĩa là “Thoái Đảng”.
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) nói trong một tuyên bố được gửi qua thư điện tử, “Bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhuốm máu hàng chục triệu người Trung Quốc, vì vậy không có gì lạ khi hơn 400 triệu người dân Trung Quốc đã rời bỏ ĐCSTQ trong hai thập niên vừa qua.”
Ông Burchett, một thành viên của tiểu ban Á Châu của Ủy ban Vấn đề Ngoại quốc của Hạ viện nói tiếp, “Nạn đói lớn do ông Mao gây ra, vụ đàn áp sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và nạn diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đều là bằng chứng cho thấy ĐCSTQ chỉ quan tâm đến việc nắm giữ quyền lực.”
“Sẽ tốt hơn nếu người dân Trung Quốc được một chính phủ đại nghị thật sự và cởi mở, vì vậy tôi hy vọng phong trào Thoái Đảng sẽ phát triển mau lẹ”.
Phong trào ‘tự chữa lành’
Theo ông Ryan, một trong những tác giả của “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” (hay “Cửu bình”), cuốn sách do ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times xuất bản lần đầu tiên năm 2004 đã truyền cảm hứng cho phong trào toàn cầu này, trong những thập niên qua, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đặt nghi vấn về sự đại diện cho nhân dân của ĐCSTQ. Ryan là một bí danh được dùng để bảo vệ danh tính và gia đình của ông ở Trung Quốc.
Ông Ryan mô tả Thoái Đảng như một phong trào “tự chữa lành” và “tự cứu mình”. Theo ông, Cửu Bình đã giúp người dân Trung Quốc thoát khỏi hàng thập niên tuyên truyền của ĐCSTQ đã khắc sâu tư tưởng rằng Đảng ngang hàng với Trung Quốc, và nền văn minh Trung Hoa. Cuối cùng thì người dân đã có thể tách ĐCSTQ ra khỏi dân tộc và quốc gia.
Ông Ryan cho biết trước khi cuốn sách minh họa một cách có hệ thống về lịch sử lừa dối và cách sử dụng đấu tranh quần chúng của Đảng để củng cố quyền lực đối với xã hội, ĐCSTQ đã kiểm soát người dân Trung Quốc và sai khiến tinh thần của họ mà họ không hề hay biết. Tuy bản thân lớn lên trong môi trường này, nhưng ông Ryan cho rằng niềm tin của mình vào Pháp Luân Công đã giúp ông vượt qua sự truyền bá của chế độ cộng sản.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần, bao gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ bài giảng đạo đức lấy các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn làm nền tảng.
Việc áp dụng những nguyên tắc này vào thực tế đã giúp ông Ryan tự giải thoát khỏi sự kìm kẹp của ĐCSTQ đối với tinh thần của mọi người. Ông cho biết, điều này là do Đảng đã có thể thao túng và kiểm soát quần chúng bằng cách lôi kéo những phần bản chất hèn mọn của con người như: tham lam, sợ hãi, và ghen tị. Chiến thuật như vậy được thể hiện rõ ràng nhất trong 100 năm qua, ĐCSTQ liên tục nỗ lực đẩy một nhóm xã hội này chống lại nhóm xã hội khác với lý do không nằm ngoài việc củng cố quyền lực và loại bỏ các mối đe dọa đối với quyền kiểm soát của họ.
Bản thân Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu trong cơn thịnh nộ của ĐCSTQ vào năm 1999, sau khi Đảng xem sự phổ biến rộng khắp của môn tu luyện tinh thần này — đến 100 triệu người đang tu luyện — là một mối đe dọa đối với việc nắm giữ quyền lực. ĐCSTQ đã tìm cách xóa sổ môn tu luyện tinh thần này bằng một chiến dịch bắt bớ, tra tấn, và phỉ báng trong toàn xã hội suốt 23 năm qua và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
“Cho dù người Trung Quốc đã đọc ‘Cửu Bình’ hay chưa, thì họ đã bắt đầu thảo luận về các vấn đề xã hội theo nội dung và logic được trình bày trong cuốn sách,” ông Ryan nói về tác động của cuốn sách. “Sự thay đổi tâm lý của họ cũng quan trọng như hành động thoái Đảng.”
Người dân Trung Quốc đã thoái Đảng hoặc các tổ chức liên đới của đảng này bằng cách gửi các tuyên bố trực tuyến đến Trung tâm Thoái đảng Toàn cầu. Hầu hết đều sử dụng bí danh để làm việc này.
Ông Ryan nói thêm: “Nhóm người Trung Quốc đang trên đường tìm lại bản sắc của mình, một nhóm tách biệt với ĐCSTQ.”
‘Mô phạm’
Đại sứ Andrew Bremberg, chủ tịch của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã nhấn mạnh phong trào thoái Đảng này như một hình mẫu cho sự phản kháng hòa bình chống lại sự áp bức của cộng sản.
Ông nói trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, “Xin chúc mừng phong trào Thoái Đảng đã đạt được một cột mốc mới. Thoái Đảng đang trở thành mô phạm của phong trào xã hội dân sự, hòa bình, nơi các nhà hoạt động chạm được tới lương tri của đồng bào mình và thuyết phục được những người này từ bỏ hệ tư tưởng và sự kiểm soát của chủ nghĩa cộng sản.”
Ông Bremberg tiếp tục: “Những nỗ lực của phong trào chấm dứt sự thống trị của cộng sản này thật đáng ngưỡng mộ, và thế giới tự do phải sát cánh cùng người dân Trung Quốc trong những hành động dũng cảm chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Dân biểu Bill Johnson (Cộng Hòa-Ohio) trong Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện đã hoan nghênh tiến bộ mới nhất của phong trào thoái Đảng này trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử: “Cột mốc của tuần này là một tín hiệu rõ ràng cho ĐCSTQ rằng các cách thức áp bức của họ sẽ không tồn tại mãi mãi, và quyền tự do cá nhân cuối cùng sẽ giành chiến thắng, ngay cả trong đất nước của họ. Đây là bước tiến đối với những người phản đối chủ nghĩa cộng sản và tác hại mà các chính sách của họ gây ra trên toàn cầu.”
Ông Ryan cho biết ông cũng đã nhìn thấy tác động mạnh mẽ của phong trào này ở Hoa Kỳ. Giờ đây, như một thông lệ, đó là giới chức Hoa Kỳ không nhắm mục tiêu vào người dân Trung Quốc hay dân tộc Trung Quốc khi họ chỉ trích ĐCSTQ.
Đảng viên rời khỏi Đảng
Bà Thái Hà (Cai Xia), một cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ưu tú của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, là một Đảng viên.
Hiện sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn, bà Thái, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Một với hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, NTD, đã mô tả hành trình của bà về cách bà ra khỏi Đảng.
Lần đầu tiên bà Thái nghĩ đến việc thoái Đảng là vào năm 2016. Khi đó bà đã nghỉ dạy và đang sống ở Bắc Kinh. Động lực cho sự thay đổi suy nghĩ của bà là những lời tuyên bố của ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một ông trùm bất động sản thẳng thắn ở Trung Quốc, người đã đặt câu hỏi liệu chính phủ và ĐCSTQ có phải là một hay không và chỉ trích việc ĐCSTQ “lấy tiền đóng thuế của người dân nhưng không phục vụ nhân dân.” Đó là phản ứng của ông đối với tuyên bố của Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình rằng “truyền thông là mang họ ‘đảng’” — một thuật ngữ ám chỉ ĐCSTQ.
Được biết đến với cái tên “Nhậm Đại Pháo” (Ren the canon) vì đã lên tiếng chỉ trích Đảng, ông trùm bất động sản này là một “thái tử đảng”, một thuật ngữ chỉ con cháu của các cựu quan chức cao cấp của ĐCSTQ. Vì vậy, nhiều người nghĩ rằng ông Nhậm sẽ gặp rắc rối nhưng sẽ không phải trả một cái giá quá đắt. Tuy nhiên, ông Nhậm đã bị kết án 18 năm tù vào tháng 09/2020 với cáo buộc đút lót sau khi chỉ trích ĐCSTQ vì đã không giải quyết được sự bùng phát dịch COVID-19 ở Vũ Hán, dẫn đến đại dịch toàn cầu.
Bà Thái nói với NTD rằng, năm 2016 trường Đảng đã khiển trách bà vì xuất bản một bài báo ủng hộ ông Nhậm. Bà Thái nói: “Tôi không có tiếng nói vì kỷ luật Đảng ràng buộc tôi, và điều quan trọng nhất là tôi được coi là một đảng viên. Tôi thà từ bỏ tư cách đảng viên của mình để giữ lấy quyền được lên tiếng.”
Sau đó, bà Thái đã chính thức viết đơn xin thoái Đảng. Nhưng bạn bè của bà đã thuyết phục bà không nộp đơn vì nếu làm vậy họ nghĩ bà sẽ bị trả đũa về tài chính, bao gồm cả việc mất lương hưu. Khi ông Nhậm bị kết án 18 năm tù vào năm 2020, bà Thái lại có ý định muốn thoái Đảng. Khi đó, bà đang ở Hoa Kỳ. Một lần nữa, những người bạn của bà ở Hoa Kỳ đã thuyết phục bà không nên thoái Đảng để có thể giữ được khoản thu nhập từ lương hưu của mình.
Nhưng quyết định cuối cùng đã được thực hiện cho bà ấy. Bà đã được khai trừ khỏi Đảng vào ngày 17/08/2020.
Bà Thái chia sẻ, nhận được tin này, bà cảm thấy “nhẹ cả người”.
“Vậy là tôi không còn dính líu gì với Đảng này nữa. Kể từ giờ phút đó, tôi đã không còn liên hệ, không vướng mắc về lợi ích hay kinh tế gì với Đảng đó nữa,” bà nói.
Bà Thái cảm thấy nhẹ nhõm xen lẫn hạnh phúc sau khi bà không còn là đảng viên của ĐCSTQ và được trở về làm một người dân Trung Quốc bình thường. Bà thừa nhận rằng bà đã phải đối mặt với một số khó khăn tài chính vì bị mất lương hưu, nhưng bà có thể khắc phục được vấn đề này.
“Một khi quý vị vào Đảng, quý vị không có quyền tự ý rời khỏi đảng. Họ nghiêm cấm các thành viên thoái Đảng,” bà Thái nói với kênh NTD, cho biết thêm rằng chuyện này không khác nào biến mọi người thành đồng phạm với các hoạt động tội phạm của ĐCSTQ.
Bà kêu gọi mọi người hãy can đảm cắt đứt sợi dây ràng buộc này. Bà Thái nói, hành động thoái Đảng ấy không chỉ giúp giải phóng tâm trí và tinh thần của một người.
Mà còn “cung cấp cho người ta một lớp bảo vệ bổ sung khi Trung Quốc trải qua quá trình chuyển đổi trong tương lai,” bà nói.
“ĐCSTQ là tà ác; điều đó không có nghĩa là 90 triệu đảng viên đều như vậy.”
Từ bỏ lời hứa của họ
Lý do nhiều người Trung Quốc thoái xuất khỏi các tổ chức cộng sản đó là họ muốn thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ và tránh bị coi là một người có liên đới nếu hoặc khi ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm trong hoặc ngoài Trung Quốc.
Những người này cũng bao gồm những người đã từng là thành viên của các tổ chức lãnh đạo nhi đồng thiếu niên của ĐCSTQ: Đội Thiếu niên Tiền phong dành cho nhi đồng ở độ tuổi tiểu học và trung học, kế đến là Liên đoàn Thanh niên Cộng sản dành cho thiếu niên ở độ tuổi trung học phổ thông và trung học cơ sở.
Mặc dù tư cách thành viên trong các tổ chức này không phải là bắt buộc trên giấy tờ, nhưng chúng vẫn có trong thực tế. Những học sinh chưa tham gia hai nhóm này ở một độ tuổi nhất định phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng và thậm chí bị phân biệt đối xử để đủ điều kiện nhận trợ cấp giáo dục.
Với mỗi cấp tịnh tiến từ Đội Thiếu niên Tiền phong trở lên cho đến khi trở thành Đảng viên chính thức, lời hứa của đội viên nâng cấp từ “phấn đấu cho” thành “chiến đấu cho” và cuối cùng là “sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho” ĐCSTQ.
Mặc dù tư cách thành viên của Đội Thiếu niên Tiền phong được cho là kết thúc vào năm 14 tuổi và Đoàn Thanh niên Cộng sản kết thúc vào năm 28 tuổi, nhưng các thành viên không trải qua một quy trình chính thức để hủy bỏ lời hứa của họ với ĐCSTQ. Do đó, bất kỳ ai đã từng là thành viên của Đoàn và Đội đều được khuyến khích gửi tuyên bố thoái khỏi các tổ chức liên đới của đảng này tại Trung tâm Thoái Đảng Toàn cầu.
Điều này giải thích tại sao con số 400 triệu người đã thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ vượt xa số lượng thành viên chính thức của ĐCSTQ là 90 triệu người.
Phong trào này cũng được Dân biểu Bill Posey (Cộng Hòa-Florida), một thành viên của Ủy ban Hạ viện về Khoa học, Không gian và Công nghệ hoan nghênh: “Chúng ta đã dành nhiều thập niên đối đầu trong Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản bởi vì hồi đó chúng ta biết rằng nó là tà ác và có khả năng thực hiện những hành vi rất tàn bạo.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa to lớn đối với nền dân chủ và tự do mà còn đối với cả an ninh quốc gia của chúng ta. Chúng ta phải ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của đảng này trên toàn thế giới và ở chính quê hương mình.”
Cô Terri Wu là một phóng viên tự do tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên viết cho The Epoch Times về giáo dục và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Quý vị có thể gửi lời góp ý đến cô tại [email protected].