Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc: Một công cụ của ĐCSTQ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đang mở rộng sự hiện diện của các công ty an ninh tư nhân ở hải ngoại, gây ra mối đe dọa an ninh mới.
Hiệp hội An ninh Trung Quốc có hơn 7,000 công ty an ninh tư nhân (private security company, PSC), trong đó có từ 20 đến 40 công ty hoạt động ở hải ngoại. Các công ty an ninh của ĐCSTQ hoạt động tại các quốc gia trên khắp Trung Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, và dọc theo sông Mê Kông. Có thể kể đến một số tên tuổi lớn nhất như Dịch vụ Vệ sĩ bảo an Hoài Viễn (Huayuan Security Guard), Bảo an Đức Uy (DeWe Security, công ty con của Frontier Services Group niêm yết tại Hồng Kông), Tập đoàn Hoa Tín Trung An (Huaxin Zhongan Group), và Tập đoàn Hộ vệ An Bang (Anbang Save-Guard Group) niêm yết tại Thượng Hải.
Bắc Kinh tuyên bố các công ty an ninh tư nhân này được khai triển ở hải ngoại để bảo vệ các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là những khoản đầu tư liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo ngại rằng các công ty này có liên quan đến ĐCSTQ và có thể được sử dụng để thúc đẩy các mục tiêu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
ĐCSTQ cho rằng việc sử dụng các công ty an ninh tư nhân ở hải ngoại là cần thiết vì không giống Hoa Kỳ, Trung Quốc thiếu mạng lưới căn cứ quân sự ở hải ngoại. Bắc Kinh cho rằng họ sẽ khó có thể nhanh chóng khai triển Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) để ứng phó với các điểm nóng quốc tế và bảo vệ cho lợi ích của Trung Quốc hoặc giải cứu dân thường. Kết quả là, các công ty an ninh tư nhân được xem là cầu nối thu hẹp khoảng cách này. Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty an ninh tư nhân phải do ĐCSTQ nắm giữ toàn bộ hoặc đa số cổ phần. Vì vậy, mối liên hệ với chính quyền này là không thể phủ nhận.
Ngoài việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, các công ty quân sự tư nhân (PMC) tương tự như Tập đoàn Wagner và PSC còn cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một phương tiện đơn giản để khai triển sức mạnh mà không cần phải khai triển lực lượng quân đội hoặc cảnh sát. Điều này mang lại cho chính quyền khả năng chối cãi hợp lý, cũng như tiết kiệm được chi phí nhiều hơn đáng kể so với việc điều động quân đội.
Các đánh giá về mối đe dọa hàng năm của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ và các phân tích của Bộ Quốc phòng thường nhấn mạnh đến khả năng quân sự thông thường của Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐCSTQ đang ngày càng dựa vào các lực lượng phi truyền thống nhiều hơn để đạt được các mục tiêu chính sách. Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP) và lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, từng nằm dưới sự kiểm soát chung của chính quyền/quân đội, giờ đây đã hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của ĐCSTQ và được khai triển ở hải ngoại. Lực lượng Dân quân Hàng hải của Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) là một lực lượng không chính quy khác có khả năng chối cãi hợp lý giúp mở rộng sự vươn dài của ĐCSTQ tới Thái Bình Dương. Việc bổ sung các công ty an ninh tư nhân gần đây càng làm đa dạng hóa các lực lượng quân sự không mặc sắc phục của ĐCSTQ. Cùng nhau, các lực lượng không chính quy này mở rộng đáng kể lực ảnh hưởng và sức mạnh của PLA, đòi hỏi cộng đồng quốc phòng và tình báo Hoa Kỳ phải giám sát và đánh giá chặt chẽ hơn.
Các công ty an ninh tư nhân (PSC) của Trung Quốc được so sánh với các công ty quân sự tư nhân (PMC) kiểu Wagner, nhưng có một số khác biệt đáng kể. Các công ty PMC có thể được sử dụng để huấn luyện quân đội nước ngoài và tiến hành các hoạt động tác chiến chủ động. Ngược lại, các công ty PSC thực hiện các hoạt động an ninh đang diễn ra, mặc dù cả PMC và PSC đều có thể tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang trong thời gian có chiến tranh hoặc xung đột dân sự.
Các công ty PSC của Trung Quốc đang ngày càng chuyển trọng tâm từ việc cung cấp các dịch vụ tư vấn và an ninh thụ động sang chủ động thu thập thông tin tình báo và tiến hành giám sát. Hai PSC của Trung Quốc là Công ty An ninh Quốc tế Hải vệ đội (Overseas Security Guardians) và Tập đoàn Hoa Tín Trung An được phép mang vũ khí, điều mà hầu hết các công ty PSC không được phép thực hiện bên trong Trung Quốc. Các công ty này chuyên cung cấp dịch vụ hộ tống hàng hải cho các tàu Trung Quốc ở vùng biển xung quanh châu Phi. Họ hoạt động thông qua một mạng lưới các “căn cứ tiếp vận hàng hải” có vị trí chiến lược xung quanh Vịnh Aden, Vịnh Guinea, và Nam Phi.
Có ít nhất hai công ty khác của Trung Quốc là Tập đoàn An ninh và Công nghệ Trung Quốc (China Security and Technology Group) và Tập đoàn An ninh Quốc tế Hán Vệ (Hanwei International Security Group) đã được chứng nhận theo Bộ Quy tắc Ứng xử Quốc tế của Hiệp hội Quy tắc Ứng xử Quốc tế (ICOCA) dành cho các Nhà cung cấp Dịch vụ An ninh Tư nhân. Nhưng ngay cả một số ít công ty Trung Quốc đã đạt được chứng nhận quốc tế cũng tụt hậu so với các đối tác châu Âu và Hoa Kỳ về chất lượng.
Các công ty PSC có xu hướng thuê các cựu chiến binh PLA, những người thường có trình độ học vấn thấp và ít biết hoặc không biết tiếng Anh, với trình độ chuyên môn cũng ở mức hạn chế tương tự khi làm việc ở hải ngoại. Những nhân sự này thường được thuê trên cơ sở tạm thời để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể, do đó, tỷ lệ luân chuyển nhân viên là khoảng 65%, rất khó để nhân sự tích lũy kinh nghiệm và cải thiện.
Hồi tháng 07/2016, những hạn chế của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc càng trở nên rõ ràng khi 330 người lao động Trung Quốc bị mắc kẹt giữa các lực lượng dân quân đối địch ở Nam Sudan. Quân đội PLA đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở gần đó đã giao nhiệm vụ giải cứu cho công ty Bảo an Đức Uy. Do nhân viên của Đức Uy không được trang bị vũ khí nên họ không thể bắt đầu quá trình giải cứu cho đến khi lực lượng địa phương giành quyền kiểm soát khu vực và dập tắt xung đột.
Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc bao gồm việc thể hiện mình là một lựa chọn thay thế không mang tính thực dân đối với trật tự quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu. Ngoài ra, ĐCSTQ còn tuyên bố quan điểm của mình là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Vì lý do này, các công ty an ninh tư nhân tạo ra một giải pháp thay thế khả thi cho sự can thiệp của PLA, cho phép ĐCSTQ duy trì ảo ảnh về sự không can thiệp của mình. Nhưng ngược lại, việc cho phép các công ty quân sự tư nhân hoặc công ty an ninh tư nhân thực hiện các mục tiêu quân sự là vi phạm hệ tư tưởng cơ bản của ĐCSTQ, chẳng hạn như “Đảng chỉ huy nòng súng.”
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình đã chứng kiến việc Điện Kremlin sử dụng Tập đoàn Wagner đã quay trở lại “gậy ông đập lưng ông” như thế nào khi cố lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin cố gắng tiến hành một cuộc đảo chính chống lại Moscow. Do đó, tần suất sử dụng các công ty an ninh tư nhân của ĐCSTQ dự kiến sẽ tăng lên, nhưng Bắc Kinh sẽ thận trọng và hoàn thiện dần dần các chi tiết. Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn nên theo dõi chặt chẽ các công ty này đồng thời cung cấp một giải pháp thay thế của Hoa Kỳ.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times