Việc Trung Quốc rơi vào bất ổn kinh tế khiến Đài Loan có nguy cơ bị xâm lược cao hơn
Theo ông Kyle Bass, một nhà quản lý quỹ phòng hộ và đầu tư, Trung Quốc đang lâm vào những bất ổn kinh tế nghiêm trọng, khiến cho Đài Loan có nguy cơ bị xâm chiếm cao hơn trong năm nay so với bất kỳ một năm nào khác trước đây.
“Tôi nghĩ rằng năm 2024 là năm có nguy cơ cao nhất mà chúng ta từng chứng kiến trong đời về việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan,” ông Bass nói khi xuất hiện trên chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV được phát hình hôm 11/01.
Ông Bass cho rằng tỷ lệ sinh thấp, khủng hoảng trong các lĩnh vực ngân hàng và địa ốc, nợ chính quyền địa phương, và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là những vấn đề mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang phải đối mặt.
“Vì vậy, quý vị đang thấy cơn bão kinh tế hoàn hảo đó tấn công Trung Quốc vào thời điểm mà những căng thẳng địa chính trị trên thế giới đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên,” ông nói thêm.
Mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc vẫn đầy thách thức, với việc cạnh tranh quân sự và tranh chấp thương mại gia tăng. Hai biến cố xảy ra trong năm 2023 — vụ khí cầu do thám Trung Quốc và căn cứ gián điệp của Trung Quốc ở Cuba — đã làm tăng thêm mối lo ngại cho phía Hoa Kỳ về các mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc đặt ra. Mối bang giao song phương này có thể bị thử thách hơn nữa trong những tháng tới liên quan đến Đài Loan sau khi hòn đảo tự trị này tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp viện vào ngày 13/01.
“Tôi tin rằng những hành động mà ông Tập Cận Bình đã thực hiện trong 12 tháng qua cho chúng ta thấy rằng … ông ấy đang gặp rắc rối thực sự,” ông Bass nói thêm, nhấn mạnh việc ông Tập đã thừa nhận trong bài diễn văn Năm Mới 2024 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp bất ổn.
“Một số công ty đã trải qua khoảng thời gian khó khăn. Một số người khó tìm được việc làm để đáp ứng những nhu cầu cơ bản,” ông Tập nói trong bài diễn văn của mình.
Lãnh đạo ĐCSTQ cũng tái khẳng định ý định chiếm Đài Loan, nói rằng Trung Quốc và Đài Loan “chắc chắn sẽ được thống nhất” và “tất cả người dân Trung Quốc ở cả hai bên eo biển Đài Loan đều bị ràng buộc bởi một nhận thức chung về mục đích cũng như chia sẻ niềm vinh quang trong công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa.”
“Tôi nghĩ sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, không thể biết ông Tập Cận Bình sẽ làm những gì,” ông Bass nói.
“Và vì vậy tôi nghĩ rằng quý vị sẽ chứng kiến … một loạt công việc tái cấu trúc. Tôi nghĩ quý vị sẽ còn chứng kiến nhiều khó khăn kinh tế hơn nữa. Tôi nghĩ quý vị sẽ chứng kiến ông Tập Cận Bình cố gắng thay đổi luận điệu để duy trì quyền lực,” ông tiếp tục.
“Và nếu đúng như vậy thì Đài Loan đang gặp rắc rối thực sự. Và nếu đúng như vậy thì mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc và các khoản đầu tư vào Trung Quốc hiện đang trong tình trạng thực sự bấp bênh.”
Kể từ tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo, đã có hơn 20 khí cầu Trung Quốc bay qua đường trung tuyến ngăn cách Đài Loan với Trung Quốc, trong đó một số bay thẳng qua hòn đảo này.
“Đó là một nỗ lực nhằm tiến hành chiến tranh tâm lý, đồng thời xâm chiếm trực tiếp không phận Đài Loan, và giám sát mức độ sẵn sàng của Đài Loan tại các căn cứ quân sự của họ. Vì thế, trước thềm cuộc bầu cử, Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến,” ông Bass nói.
Tại Đài Loan, Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, đảng đối lập chính Quốc Dân Đảng (KMT), và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), mỗi bên đều giành được một cơ hội cho chức tổng thống và phó tổng thống. ĐCSTQ từ lâu đã nhìn nhận DPP bằng thái độ thù địch, xem đảng này và nghị trình của họ là những rào cản trên con đường “thống nhất” hòn đảo tự trị này. Chính quyền cộng sản Trung Quốc ủng hộ các ứng cử viên Quốc Dân Đảng, vốn ít xem Bắc Kinh là một mối đe dọa hơn đối với an ninh quốc gia của hòn đảo này.
“Nếu ứng cử viên Quốc Dân Đảng giành chiến thắng, tôi nghĩ điều đó sẽ giúp Trung Quốc có thêm chút cơ hội để tiến hành một cuộc thôn tính mềm thay vì một cuộc thôn tính cứng rắn,” ông Bass nhận định.
Khánh Ngọc lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times