Các chuyên gia tiết lộ động cơ đằng sau việc ĐCSTQ cố gắng ‘tinh giản bộ máy chính quyền’
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, nhiều tỉnh và thành phố dồn dập ra sức “tinh giản bộ máy chính quyền,” thực hiện cấu trúc gọn nhẹ và cắt giảm số lượng chức vị lãnh đạo. Các chuyên gia cho rằng có ít nhất hai động cơ lớn đằng sau hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 05/01, nhiều tỉnh trong đó có Hồ Bắc, Tứ Xuyên liên tiếp tổ chức đại hội vận động cải cách cấu trúc, yêu cầu thực hiện cải cách cấu trúc trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện và mọi bộ phận, đồng thời đẩy mạnh tinh giản biên chế, chuẩn hóa số lượng các chức vị lãnh đạo.
Trước đó, tỉnh Quý Châu đã tổ chức một hội nghị liên quan và đề nghị bảo đảm cải cách cấu trúc cấp tỉnh được thực hiện vào cuối tháng Một, cải cách cấu trúc cấp thành phố và cấp huyện hoàn thành vào cuối tháng Bảy.
Bắc Kinh yêu cầu nỗ lực tinh giản nhân viên biên chế và tiêu chuẩn hóa số lượng chức vị lãnh đạo các nơi. Cam Túc yêu cầu nỗ lực thực hiện biên chế tối ưu hóa các vị trí việc làm và quản lý “gọn nhẹ số lượng chức vị lãnh đạo.” Tỉnh Vân Nam cũng đề nghị tinh giản, chuẩn hóa, và điều chỉnh tối ưu cấu trúc các cơ quan nghị sự và điều phối, tinh giảm biên chế nhân viên và chuẩn hóa số lượng chức vị lãnh đạo trong các cơ quan.
Tính đến nay, hơn 10 tỉnh và thành phố gồm Giang Tây, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thiên Tân, Hồ Nam, Quý Châu, Thượng Hải, Hà Bắc, Cam Túc và Vân Nam đã khai triển công tác cải cách cấu trúc.
Có thông tin cho rằng nỗ lực tinh giản bộ máy chính quyền từ trên xuống này nhằm thực hiện “kế hoạch cải cách cấu trúc” do ĐCSTQ ban hành vào tháng Ba năm ngoái. Kế hoạch này yêu cầu cải cách cấu trúc ở cấp trung ương phải được hoàn thành trước cuối năm ngoái, và ở cấp địa phương sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Chuyên gia: Có quá nhiều quan chức, không đủ khả năng trả lương
Về vấn đề này, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một học giả đang sống ở Úc, phân tích: “Hiện tại, ĐCSTQ không còn tiền. Để vận hành bộ máy quan liêu đồ sộ như thế cần có khoản chi rất lớn. Bởi vì trước khi cắt giảm, một số thành phố cấp tỉnh có ba mươi hoặc năm mươi phó thị trưởng. Quan chức thực sự quá nhiều, và họ không thể nuôi nổi nữa.”
“Trong ba năm xảy ra dịch bệnh ở Trung Quốc, ĐCSTQ thực hiện phong tỏa một cách cực đoan. Sau khi tình hình dịch bệnh nới lỏng thì kinh tế không có hy vọng phục hồi. Kể từ năm ngoái, từ chính quyền trung ương đến địa phương đều không có tiền. Trước đây, nhiều chính quyền địa phương dựa vào việc bán đất hoặc thu các loại thuế khác nhau, nhưng bây giờ đều đã đóng cửa. Muốn duy trì một bộ máy quan liêu lớn như vậy, tất phải giảm bớt số người trong cấu trúc.”
Kể từ khi bước sang năm 2023 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc rơi vào suy thoái toàn diện. Các công ty địa ốc, tổ chức quản lý tài sản ủy thác, … đều hỗn loạn. Thị trường địa ốc và chứng khoán khó có thể phục hồi. Nguy cơ khủng hoảng tài chính sắp bùng nổ. Các chính quyền địa phương thậm chí còn nợ nần chồng chất.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thừa nhận rằng không ít chính quyền địa phương đã phá sản. Số liệu từ ĐCSTQ cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2023, nợ của chính quyền địa phương đã vượt quá 40 ngàn tỷ nhân dân tệ.
Tháng 05/2023, ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs ước tính tổng nợ chính phủ của ĐCSTQ khoảng 23 ngàn tỷ USD (khoảng 168 ngàn tỷ nhân dân tệ).
Ông Lý Nguyên Hoa cho biết, “Rất nhiều chính quyền địa phương đã phá sản. Một số chính quyền địa phương đã vay tiền dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để đạt thành tích chính trị. Đó là tiền ngân hàng, cuối cùng vẫn phải hoàn trả. Còn có trái phiếu được phát hành, và trái phiếu này cuối cùng cũng được người khác đổi mua, vài năm nữa cũng cần phải hoàn tiền.”
“Hiện tại, một số chính quyền địa phương đang bán quyền kinh doanh ở các danh lam thắng cảnh. Ví dụ, chính quyền Tứ Xuyên đã chuyển nhượng quyền kinh doanh 30 năm của Khu thắng cảnh Lạc Sơn và bán đại tượng Phật ở Lạc Sơn. Điều này có nghĩa là chính quyền không còn thứ gì để bán được nữa. Vì vậy, đối với toàn bộ ĐCSTQ mà nói, cùng với nền kinh tế suy thoái, khắp mọi nơi đều xảy ra vấn đề. Thứ mà họ không muốn thay đổi, thì rốt cuộc cũng phải thay đổi.”
“Quan chức quá nhiều là một nỗi lo”
Hơn mười năm trước, số liệu nghiên cứu của các giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ cho thấy, tỷ lệ quan chức trên công dân của ĐCSTQ là 1:18, nghĩa là cứ 18 người dân nuôi một quan chức. Thậm chí tệ hơn. Chẳng hạn ở huyện Hoàng Long, tỉnh Thiểm Tây, 9 nông dân nuôi một quan chức. Cho đến nay, tình trạng “nỗi lo vì quan chức quá nhiều” của ĐCSTQ vẫn chưa được giải quyết.
Học giả Lý Nguyên Hoa tiết lộ, cách đây hơn 20 năm, khi ông còn làm việc tại Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Trung ương của Bộ Giáo dục Trung Quốc, viện này có tới 49 phó giám đốc. Nguyên nhân chính là các quan chức thuộc Bộ Giáo dục không có nơi khác để sắp xếp vị trí, được bổ nhiệm làm phó giám đốc tương đương với phó Cục và có thể dùng xe hơi.
Ông nói: “Tinh giảm nhân viên sẽ bị chỉ trích. Nhiều quan chức khi còn tại vị có nhiều quyền lực và lợi ích khác nhau. Nếu bây giờ cắt giảm những người này, họ chắc chắn sẽ oán giận. Nhưng hiện tại, bộ máy quan liêu đồ sộ này không thể hoạt động bình thường được, không có tiền để giúp nó hoạt động. Nếu ĐCSTQ muốn tiếp tục tồn tại thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm cấu trúc.”
Các chuyên gia phân tích động cơ thực sự đằng sau việc tinh giản bộ máy chính quyền của ĐCSTQ
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư ở Bắc Kinh và là Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Canada, cho rằng có hai động cơ lớn đằng sau những nỗ lực nhằm “tinh giản bộ máy chính quyền” hiện tại của ĐCSTQ:
Thứ nhất, ĐCSTQ hiện đang phải đối mặt với tình hình tài chính vô cùng khó khăn. Trước mắt không thể vận hành bộ máy chuyên chế này một cách bình thường, cho nên phải cắt giảm một số nhân sự, và chỉ sử dụng nguồn tài chính hạn chế này cho “cán dao” [cơ quan cốt cán]. Họ dùng nó cho hệ thống Công-Kiểm-Pháp [Cục Công an, Viện kiểm sát và Tòa án] để có thể duy trì chế độ độc đảng ở mức tối đa có thể.
Thứ hai, khi có quá nhiều cán bộ lãnh đạo sẽ không có lợi cho việc thực hiện các quyết sách của chế độ độc tài ĐCSTQ, đặc biệt là việc duy trì thể chế ổn định, thể chế đàn áp. Chẳng hạn khi gặp vấn đề lớn, các quyết sách được đưa ra cần phải thương lượng, tổ chức các hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ để thảo luận. Lúc đó có thể có một số ý kiến, quan điểm khác nhau, bất lợi cho hiệu suất vận hành.
Ông Lại Kiến Bình nói: “Nếu không có nhiều cán bộ lãnh đạo như vậy, thì ĐCSTQ có thể phát huy tối đa việc sử dụng ‘một tiếng nói và một người quyết định,’ từ đó có thể đưa ra nhiều quyết sách lớn. Dù là triệu tập cảnh sát hay điều động cảnh sát vũ trang, tóm lại, nó có thể phát huy hiệu quả tối đa các công cụ thống trị của mình.”
Ông cho rằng điều này cũng cho thấy ĐCSTQ hiện đang trong tình trạng người người oán trách. Chế độ độc tài đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh tử. Vì vậy, nó cần phải tăng cường hiệu suất của nền thống trị chuyên chế, cần có đủ năng lực ứng phó kịp thời, nhanh chóng và đầy đủ trong trường hợp khẩn cấp.
“Đối với người dân Trung Quốc, điều này sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn, tình trạng nô dịch sẽ càng trở nên sâu sắc hơn.”
Ông Lại phân tích: “Vì ĐCSTQ từng có nguồn tài chính tương đối nên đã nuôi dưỡng một số lượng lớn các quan chức dư thừa và hoạt động kém hiệu quả. Ở một mức độ nhất định, đó là lãng phí nguồn lực kinh tế và tài chính, hiệu suất của cơ chế quyết sách sẽ thấp hơn. Nhưng bây giờ họ đã dùng hết mọi nguồn lực vào việc duy trì sự ổn định. Đối với dân chúng mà nói, họ sẽ càng mất tự do, không được bảo vệ nhân quyền, dù gặp bất công lớn đến đâu cũng không thể chống lại. Cho nên, tình cảnh của dân chúng sẽ càng khốn đốn hơn, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn.”
Trước mắt, Trung Quốc đang phải đối mặt với làn sóng phá sản, sa thải, thất nghiệp ở hầu hết các ngành nghề. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ không tìm được việc làm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đang tuyển dụng nhân viên duy trì sự ổn định như nhân viên bảo vệ, nhân viên duy trì an ninh mạng Internet với mức lương cao.