Các chuyên gia: Hiệu suất và độ tin cậy của phi cơ chở khách sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc C919 vẫn chưa được xác định
Chỉ một tháng sau khi đi vào hoạt động thương mại, phi cơ chở khách C919 được sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc đã tạm thời ngừng cất cánh hôm 29 và 30/06.
Hãng hàng không China Eastern Airlines (CEA) sở hữu phi cơ chở khách C919, chiếc phi cơ duy nhất thuộc loại này đang hoạt động thương mại tại Trung Quốc. CEA đã thay thế các chuyến bay bằng Airbus A320 trong hai ngày.
Theo Flightradar24, một app theo dõi chuyến bay toàn cầu cung cấp thông tin thời gian thực về các phi cơ trên khắp thế giới, hôm 01/07, C919 đã nối lại các chuyến bay theo lịch trình.
Một phi công dày dặn kinh nghiệm cho biết phi cơ trục trặc là chuyện bình thường, nhưng C919 là một sản phẩm mới được lắp ráp từ các bộ phận do nhiều nhà sản xuất ngoại quốc và liên doanh cung cấp.
Vị phi công này cho biết, liệu các bộ phận nhập cảng và sản xuất trong nước có tương thích hay không và liệu các bộ phận cần thiết để bảo trì liên tục là có sẵn hay không sẽ quyết định hiệu suất và độ tin cậy của phi cơ trong tương lai.
Ông Cao Phi (Gao Fei) là một phi công người Mỹ gốc Hoa với 26 năm kinh nghiệm bay và có nhiều kinh nghiệm về văn hóa và quản lý trong ngành hàng không Trung Quốc. Ông cũng có nhiều kinh nghiệm lái phi cơ Boeing 737 ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Cao tin rằng việc tạm dừng bay của chiếc phi cơ này cho thấy những mối nguy hiểm về an toàn của chiếc phi cơ này.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times: “Việc phi cơ gặp trục trặc là bình thường, nhưng thật bất thường khi ĐCSTQ, vì muốn khoe khoang về thành quả của mình, mà đã cho chiếc phi cơ này hoạt động bất chấp các rủi ro về an toàn.”
Theo tờ Asia Times có trụ sở tại Hồng Kông, C919 đã gặp lỗi đảo ngược lực đẩy động cơ trong chuyến bay thử nghiệm hồi tháng Hai năm nay, mà nguyên nhân là do “một số vấn đề ở các bộ phận có nguồn gốc ngoại quốc.”
Sản xuất trong nước hay nhập cảng?
C919 là một loại phi cơ thân hẹp, hai động cơ với 158 đến 192 chỗ ngồi do Tập đoàn Phi cơ Thương mại Nhà nước Trung Quốc (Comac) phát triển và chế tạo. Theo bản tin hôm thứ Hai (10/07) trên Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc, chiếc phi cơ này được thiết kế và chế tạo để cạnh tranh với dòng phi cơ Airbus A320 và Boeing 737.
Được quảng cáo là phi cơ chở khách được sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc, chiếc phi cơ này đã có phiên ra mắt thương mại hôm 28/05/2023, và kể từ đó đã được sử dụng cho các chuyến bay trong khu vực giữa đô thị Thượng Hải phía đông Trung Quốc và thành phố đông dân Thành Đô phía tây nam Trung Quốc ở tỉnh Tứ Xuyên.
Ông Cao Phi, một chuyên gia hàng không giàu kinh nghiệm, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng mặc dù Comac cho biết chiếc phi cơ này được “phát triển độc lập,” nhưng các bộ phận chính là từ nhiều nhà cung cấp khác nhau trên thế giới.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, khoảng 3/5 nhà cung cấp chính của C919 là các công ty Mỹ, và 1/3 các nhà cung cấp là các công ty Âu Châu.
Danh sách của CSIS (pdf) về các nhà cung cấp chính của C919 cho thấy danh sách chi tiết các bộ phận phi cơ và các nhà sản xuất ở hải ngoại của các bộ phận này, bao gồm động cơ LEAP-1C do CFM International Inc., một liên doanh giữa GE Hoa Kỳ và công ty Safran Aircraft Engines của Pháp sản xuất; thiết bị hạ cánh do Liebherr của Đức chế tạo; hệ thống và thiết bị thủy lực của Parker Hoa Kỳ; và các bộ nguồn phụ trợ (APU) do Honeywell của Hoa Kỳ sản xuất.
Theo CSIS, một số nhà sản xuất ở hải ngoại này đã thành lập liên doanh (JV) với các công ty Trung Quốc. Ví dụ, Safran Electrical Power và Comac có một liên doanh tên là SAIFEI. Các thành phần do các liên doanh sản xuất được gọi là “do Trung Quốc sản xuất.”
Một nhà bình luận cho một tổ chức tư vấn của Trung Quốc tin rằng C919 không thể được coi là “sản xuất trong nước.”
Kunlunce, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, đã xuất bản một bài báo hồi tháng Tư, nói rằng các nhà cung cấp Mỹ của C919 chiếm hơn 60% và các nhà cung cấp Âu Châu chiếm 30%.
Nhà bình luận dưới bút danh “Lun Jian Shi Jie” viết: “Nếu mua một đống phụ tùng và lắp ráp thành một chiếc xe đạp, thì quý vị không thể gọi chiếc xe đạp đó là xe tự sản xuất, phải không?”
“Không có bộ phận nào trong ba bộ phận chính của một chiếc phi cơ chở khách — động cơ, hệ thống điện tử hàng không, và thiết bị hạ cánh — được sản xuất trong nước,” nhà bình luận này viết. “Vì các bộ phận cốt lõi thuộc về các nhà cung cấp ngoại quốc, nên C919 phải ngừng hoạt động vì không không có phụ tùng thay thế để sửa chữa.”
Ông nói thêm rằng việc nâng cấp hệ thống điện tử hàng không trong tương lai cũng sẽ tốn rất nhiều tiền.
Những lo ngại về an toàn
Ông Cao cho biết trong cuộc phỏng vấn: “Đã có những lo ngại về độ an toàn và độ tin cậy của C919, như đã thấy cả trong dữ liệu xác nhận trước đây và hiện tại là hiệu suất hoạt động thực tế sau chuyến bay đầu tiên.
“C919 kết hợp nhiều bộ phận khác nhau từ các nhà sản xuất trên khắp thế giới,” ông Cao lưu ý. “Liệu các bộ phận này có tương thích với nhau hay không, hoạt động trên đại thể như thế nào, việc bảo trì được bảo đảm như thế nào, liệu toàn bộ quy trình bảo trì có được thực hiện một cách phù hợp không, và liệu nguồn cung cấp phụ tùng thay thế có được bảo đảm hay không — tất cả đều vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ.”
Ông Cao hỏi, “Ví dụ, các động cơ CFMI và hệ thống điện tử hàng không của Honeywell có thuộc bất kỳ sự kiểm soát kỹ thuật nào của Trung Quốc và Âu Châu không? Có bất kỳ hạn chế nào đối với các bộ phận này không?” và nói thêm rằng có nhiều lo ngại hơn về sự sẵn có của phụ tùng thay thế và vật liệu bảo trì của các nhà sản xuất ngoại quốc.
Sự sẵn có của phụ tùng thay thế của C919 cũng là mối quan tâm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hồi tháng Sáu, tờ SCMP đã đưa tin rằng C919 phụ thuộc vào các bộ phận và công nghệ nhập cảng, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc nào có thể chuyển hướng các sản phẩm hàng không dân dụng do Hoa Kỳ sản xuất sang mục đích quân sự, khi Trung Quốc thực hiện các chiến thuật kết hợp quân sự-dân sự, chuyển công nghệ tối tân của ngoại quốc cho quân đội của nhà cầm quyền này.
SCMP đưa tin, 3/5 nhà cung cấp C919 là các công ty Mỹ và 1/3 khác là các công ty Âu Châu.
Ông Cao nói thêm, “Kỳ thực, không có gì bảo đảm cho một sự ổn định bền vững, đáng tin cậy, và kinh tế của chiếc C919.”
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), một nhà bình luận quân sự và là cựu Trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân của ĐCSTQ hiện sống ở Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự do rằng vụ trục trặc của C919 là một vấn đề “nhạy cảm.”
“Các phi cơ chở khách khác có thể bay miễn là một vụ tai nạn không ảnh hưởng đến an toàn bay, ông Diêu nói, “nhưng một khi chiếc C919 gặp tai nạn, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào [ngành] sản xuất phi cơ của Trung Quốc.”
Theo Nhân dân Nhật báo, hãng truyền thông nhà nước, Comac đã nhận được đơn đặt hàng khoảng 1,200 phi cơ kiểu C919 từ các khách hàng Trung Quốc và ngoại quốc. Comac có hai mẫu khác — ARJ21, một loại phi cơ nhỏ hơn C919, và C929, một phiên bản lớn hơn C919.
Cho đến nay, China Eastern Airlines vẫn chưa đưa ra lời giải thích về vụ thay thế phi cơ này.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Yến.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times