Các chiến lược gia dự đoán những điều sẽ xảy đến cho Đảng Dân Chủ
Quyết định của Tổng thống Biden rất giống với các sự kiện năm 1968, khi đến tháng Ba, Tổng thống Johnson tuyên bố rằng ông sẽ không tái tranh cử.
Quyết định rời bỏ đường đua tổng thống của Tổng thống Joe Biden được đưa ra khi chỉ còn một tháng nữa là đến hội nghị của Đảng Dân Chủ, khiến nhiều người băn khoăn về ứng cử viên tiếp theo của đảng này.
Quyết định của Tổng thống Biden rất giống với các sự kiện năm 1968, khi đến cuối tháng Ba, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố rằng ông sẽ không tái tranh cử.
Phó tổng thống của ông Johnson, ông Hubert Humphrey, đã nhận được đủ sự ủng hộ của các đại biểu để nhận đề cử tại hội nghị đảng vào tháng 08/1968 ở Chicago.
Giờ đây, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã nhận được sự tán thành của tổng thống để trở thành đề cử viên.
“Tôi nghĩ sẽ có nhiều cuộc thảo luận trong 48 giờ tới về việc ai có thể là ứng cử viên tiềm năng, và quý vị sẽ nghe thấy một số cái tên được nêu ra,” ông David Carlucci, một chiến lược gia của Đảng Dân Chủ và là cựu thượng nghị sỹ tiểu bang New York, nói với The Epoch Times.
“Nhưng tôi cho rằng bất kỳ ứng cử viên nặng ký nào cũng sẽ nhận ra rằng sẽ khó mà đánh bại bà Kamala Harris trong hội nghị này để có thể cố gắng giành lấy vị trí phó tổng thống.”
Một số cái tên đó bao gồm Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang Michigan Gretchen Whitmer, Thượng nghị sỹ Mark Kelly (Dân Chủ-Arizona), Thống đốc tiểu bang Pennsylvania Josh Shapiro, Thống đốc tiểu bang Maryland Wes Moore, Bộ trưởng Giao thông vận tải Pete Buttigieg, Thống đốc tiểu bang Illinois J.B. Pritzker, cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, và Thống đốc tiểu bang Kentucky Andy Beshear.
Ông Newsom và ông Shapiro đã công khai tán thành bà Harris sẽ dẫn đầu cặp ứng cử viên liên danh tổng thống của đảng vào tháng Mười Một.
“Cuộc chiến lúc này là dành lấy nhóm đang ở giữa, giành lấy vài phần trăm số người vẫn chưa quyết định,” ông Carlucci nói. “Và tôi nghĩ việc có bà Kamala Harris ở đó giờ đây mang lại cho họ cơ hội để thực sự tiếp thêm sinh lực cho một nhóm người mới, và việc nhận được thêm một ít phiếu bầu đó mà chúng tôi cần ở các tiểu bang dao động đó là nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.”
Theo chiến lược gia chính trị Christopher Bruce, vài tuần tới sẽ vô cùng “khó đoán” vì chưa từng có chuyện như thế này xảy ra kể từ năm 1968.
Ông nói: “Đảng Dân Chủ cần phải học tập Đảng Cộng Hòa và đoàn kết lại.”
“Không còn là công chúng hay thậm chí là các thành viên Đảng Dân Chủ nói chung sẽ bầu những người được đề cử của họ nữa—giờ đây, cuộc bầu cử thuộc về các đại biểu,” ông Bruce cho hay.
Ứng cử viên phải có được đa số trong khoảng 4,000 đại biểu ở Chicago. Hiện nay Tổng thống Biden đã rút lui khỏi cuộc đua, các đại biểu không còn cam kết bỏ phiếu cho ông ấy nữa.
“Điều đó có nghĩa là có một hội nghị mở. Mặc dù ông ấy đang ủng hộ bà Kamala Harris, nhưng điều đó vẫn có nghĩa là những đại biểu này có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ai họ muốn,” ông Carlucci nói.
Ông nói thêm rằng có thể là một quá trình mà trong đó, nếu có nhiều ứng cử viên, nếu một người không nhận được đa số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, thì họ sẽ tiến tới vòng bỏ phiếu thứ hai.
Và nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là lần đầu tiên hội nghị của đảng này tiến hành bỏ phiếu lần thứ hai để xác định đề cử viên kể từ năm 1952.
“Tôi không dự đoán sẽ xảy ra một trận chiến. Tôi nghĩ Đảng Dân Chủ sẽ tập hợp lại ủng hộ bà Kamala,” ông Carlucci nói.
Ông Bruce đồng tình và nói rằng nếu bà Harris bị lờ đi, thì “rất nhiều người trong cộng đồng gốc Phi Châu sẽ cảm thấy khó chịu.”
Gần đây, chiến dịch tranh cử Biden-Harris tiết lộ có hơn 91 triệu USD trong quỹ, số tiền này không thể được sử dụng để trợ giúp một ứng cử viên nào khác ngoài bà Harris.
Mặc dù đây không phải là mối lo ngại lớn đối với đảng này nhưng vẫn có thể là một thách thức đối với các ứng cử viên khác.