Các ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng, chính quyền thừa nhận biến thể mới có thể lây lan mạnh
Dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc gần đây dường như đang bùng phát trở lại, trong đó tỷ lệ biến thể XDV đang có xu hướng gia tăng.
Lần đầu tiên chính quyền đề cập đến biến thể XDV
Theo tin tức hôm 30/07 của Tân Dân Vấn Báo (Xinmin Evening News) và Bành Phái Tin Tức (The Paper), gần đây có nhiều cư dân mạng tại Thượng Hải cho biết họ “lại bị dương tính” với COVID-19. Đối với vấn đề này, bác sỹ Hồ Dương (Hu Yang), Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Thượng Hải, cho biết từ tháng 07/2024, số bệnh nhân COVID-19 đến khám đã tăng lên so với trước đây.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Tô Châu cũng thông báo rằng gần đây tỷ lệ nhiễm virus corona đang có xu hướng gia tăng.
Dữ liệu giám sát từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho thấy tỷ lệ phát hiện virus corona ở Trung Quốc trong tháng Sáu có sự gia tăng nhẹ, trong đó tỷ lệ của biến thể JN.1, thuộc nhánh XDV, đang tăng lên.
Theo bác sỹ Hồ Dương, biến thể XDV là một nhánh phụ của JN.1, độc tính của virus này có vẻ như nhẹ hơn, nhưng khả năng lây lan vẫn mạnh, do đó nhiều người đã bị tái nhiễm bệnh. Nhiều người sau khi bị nhiễm virus đều cảm thấy “kiệt sức,” hệ miễn dịch suy giảm.
Gần đây, một kỹ sư ở Thành Đô, Tứ Xuyên đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng đồng nghiệp của anh có một thân nhân trở về Thành Đô thăm gia đình và đã bị nhiễm virus. Mẹ anh ấy có triệu chứng sốt khi trên chuyến bay trở về Canada, sau đó con gái anh ấy cũng gặp các triệu chứng và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Chuyên gia đặt ra nghi vấn khi chính quyền nói rằng phát sốt có thể liên quan đến năm loại virus
Vào tháng 12/2022, sau khi lệnh phong tỏa COVID-19 bất ngờ được dỡ bỏ hoàn toàn, dịch bệnh không kết thúc mà tiếp tục bùng phát từng đợt, khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều người cảm thấy triệu chứng của mình rất giống với COVID-19, như đau họng, ho, sốt, đau nhức toàn thân… Tuy nhiên, các bệnh viện đã ngừng xét nghiệm acid nucleic và xuất hiện thông tin về sự lây lan đồng thời của nhiều loại virus như cúm, virus rhino, viêm phổi mycoplasma, virus hợp bào hô hấp, và virus adeno.
Nhiễm virus adeno là một trong những tình trạng được truyền thông chính thống loan tin. Thông tin đề cập đến một trường hợp: bé gái 5 tuổi, tên là Doanh Doanh (Yingying, hóa danh), vào đầu tháng Bảy bất ngờ sốt cao đến 40 độ C, kèm theo ớn lạnh. Sau khi uống thuốc hạ sốt tại nhà, nhiệt độ giảm xuống khoảng 38 độ C. Nhưng sau nửa ngày, nhiệt độ lại tăng lên 40 độ C.
Trong hai ngày, bé liên tục sốt cao, kèm theo đau họng và sưng đỏ mắt. Gia đình phải đưa bé đến bệnh viện và được chẩn đoán là nhiễm virus adeno.
Ông Tưởng Côn (Jiang Kun), bác sỹ Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Thượng Hải, cho biết “hiện không có thuốc đặc trị virus adeno.”
“Đối với các trường hợp nhẹ, có thể sử dụng các loại thuốc cảm, giải nhiệt. Đối với các trường hợp sốt cao, có thể sử dụng ibuprofen để hạ sốt. Đối với các trường hợp nặng, có thể sử dụng hormone, gamma globulin để giảm phản ứng viêm quá mức và sử dụng kháng sinh phù hợp nếu có nhiễm khuẩn kèm theo.”
Bác sỹ Tưởng Côn cho biết, virus adeno là một loại virus lây lan qua giọt bắn đường hô hấp, phần lớn người nhiễm sẽ gặp các triệu chứng sốt cao, ho, và chảy nước mũi.
Các chuyên gia từ Bệnh viện Thoại Kim (Ruijin) khuyến cáo nếu có triệu chứng sốt vào mùa hè, trước hết nên sử dụng các bộ xét nghiệm đơn giản để tự kiểm tra các nguyên nhân gây bệnh như virus corona, adenovirus, virus cúm, mycoplasma, và chlamydia.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Hoành Hà (Heng He) trước đây đã phân tích rằng theo y học chính thống Trung Quốc, viêm phổi Atypical pneumonia (còn gọi là viêm phổi không điển hình) được định nghĩa là viêm phổi do mycoplasma, chlamydia, virus adeno, và một số vi sinh vật chưa rõ khác gây ra. Viêm phổi Atypical pneumonias thường có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh. Nhiều bệnh nhân thậm chí không cần nhập viện cũng có thể khỏi bệnh.