Các Bức tượng và Biểu tượng đã tạo ra Mục tiêu và Hy vọng như thế nào
Nhà điêu khắc tượng Jonathan Pageau và sức mạnh của các biểu tượng
Điêu khắc gia người Canada, ông Jonathan Pageau đang đưa chủ nghĩa biểu tượng quay trở lại với cuộc sống. Các bức tượng chạm khắc rực rỡ của ông lần tìm về một thế giới cổ xưa mà dường như chỉ phù hợp với những tín hữu Cơ Đốc, dù vậy các biểu tượng này là đại diện cho đỉnh cao của một thế giới điển hình mà tất cả chúng ta đều đang đắm chìm trong đó.
Ông Pageau xem chủ nghĩa biểu tượng như là một liều thuốc giải độc cho thuyết hư vô đang tràn ngập trong thế giới hiện hữu của chúng ta.
Cũng giống như những biểu tượng dẫn hướng các tín hữu Cơ Đốc trong đời sống tâm linh của họ, những biểu tượng thế tục xuyên suốt nền văn hóa truyền thống của chúng ta cũng như vậy – trong các bài hát, các câu chuyện và hình ảnh – có thể dẫn hướng cho chúng ta, trao cho chúng ta hy vọng và mục tiêu sống mỗi ngày.
Ông Pageau đang nỗ lực hết khả năng của mình để truyền tải đến toàn thế giới rằng những biểu tượng có năng lượng của sự sống, tốt đẹp và luôn hiện diện ở xung quanh chúng ta. Chủ yếu nhất, ông chạm khắc các biểu tượng để phục vụ cho tôn giáo cũng như lòng sùng kính của riêng mình.
Tuy nhiên, ông cũng đã tạo ra một cộng đồng trực tuyến phát triển rất mạnh mẽ, nơi mà ông dạy cho mọi người về biểu tượng học, phục hồi thế giới quan tượng hình, và thảo luận với những nhà tư tưởng như ông Jordan Peterson, người mà theo ông Pageau, là đang cố gắng để “phục hồi lại cảm giác có ý nghĩa và giúp đỡ để chữa lành chủ nghĩa hư vô sâu thẳm đang lan tràn vào nền văn hóa hiện nay của chúng ta.”
Nghệ thuật truyền thống của Nhà Thờ
“Biểu tượng học* thật sự là một suối nguồn trí tuệ và là cái nhìn sâu sắc mà Cơ Đốc Giáo đã phát triển trong quá trình hình thành của mình,” ông đã nói như vậy qua điện thoại. Ông đã giải thích rằng trong thiên niên kỷ đầu tiên của Cơ Đốc Giáo, nhà thờ đã phát triển một hệ thống ngôn ngữ hình ảnh thiêng liêng, mặc dù không bắt buộc, nhưng nó đã phổ biến rộng trong khắp thế giới Cơ Đốc.
Những tín hữu Công giáo khi đến thăm các nhà thờ, từ nước Anh cho đến tận đất nước Syria, đều có thể thấu hiểu được nghệ thuật linh thiêng mà họ được thưởng lãm thậm chí là với những phong cách nghệ thuật địa phương khác nhau, bởi vì nơi đó thật sự có một loại ngôn ngữ biểu tượng vượt qua mọi sự khác biệt văn hóa.
Ông Pageau tin rằng biểu tượng học có thể được gọi là nghệ thuật truyền thống của các nhà thờ Cơ Đốc.
Trong suốt thời kỳ Phục Hưng, các nhà thờ Tây phương dần dần rời xa khỏi ngôn ngữ hình ảnh siêu việt thời trung cổ đó và bắt đầu làm ra các loại hình nghệ thuật hiện thực với rất nhiều các cảm xúc và động tác.
Nghệ thuật có mục đích
Ông Pageau gần như đã ngừng việc sản xuất các sản phẩm nghệ thuật. Phát triển hơn lên, ông bắt đầu hứng thú với nghệ thuật thị giác. Sau khi tốt nghiệp từ một trường nghệ thuật, ông bắt đầu sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật hiện đại tuy nhiên lại cảm thấy không được hài lòng lắm.
Ông đã phải đối mặt với hai vấn đề. Đầu tiên, ông là một người theo đạo Tin Lành và sản xuất hình ảnh là điều cấm kỵ. Thứ hai, ông phát hiện rằng nghệ thuật hậu hiện đại chủ yếu là giễu cợt và châm biếm. Tất cả những gì ông muốn sáng tạo ra là những điều thực tế và hữu hình, tuy nhiên, trong thế giới nghệ thuật hậu hiện đại, thì điều đó là bất khả thi.
Một ngày kia, ông đã gom toàn bộ các tác phẩm của mình vứt bỏ đi, và nói với vợ rằng ông sẽ không bao giờ làm nghệ thuật nữa. Người vợ của ông vừa cười vừa nói rằng đó không phải là sự thật, và cô tin rằng ông sẽ lại tiếp tục làm mà thôi.
Rồi sau đó ông đã tìm thấy nghệ thuật của thời kỳ Trung cổ. “Tôi đã thật sự phải lòng đối với loại ngôn ngữ “thị giác” này; tôi nghĩ rằng điều này là siêu thường.” Ông có thể nhìn thấy các điển tích Kinh Thánh trong nghệ thuật. Ông nhận ra cách mà các nghệ sĩ đã tạo ra những mẫu hàm nghĩa mà ông cảm thấy rằng tương tự với môn số học thiêng liêng, nơi mà người ta lấy những phần tử của một hình ảnh và lồng vào một hình ảnh hoàn toàn khác.
Ông Pageau lại trở nên thất vọng vì loại hình nghệ thuật này đã không còn tồn tại nữa. Sau đó ông lại phát hiện rằng ở Chính Thống Giáo Phương Đông*, loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn được bảo tồn và liên tục phát triển.
Nghiên cứu về Chính Thống Giáo Phương Đông, ông Pageau đã được cộng hưởng với những hoạt động và thần học của họ, đặc biệt là cách tiếp cận thần bí hơn của họ đối với Cơ Đốc Giáo – ảnh hưởng quá lớn đến nổi ông thậm chí đã cải đạo sang Chính Thống Giáo Phương Đông.
Việc sáng tạo nghệ thuật theo truyền thống của Chính Thống Giáo Phương Đông đã giải quyết cả hai vấn đề ở trên. “Loại hình nghệ thuật này đã hoàn toàn hòa nhập với kết cấu xã hội. Chúng không phải chỉ là những hình ảnh tùy tiện,” ông nói. Ông nhận thấy rằng ở Chính Thống Giáo Phương Đông có một lý giải tiên tiến về thần học rằng tại sao những biểu tượng này lại tồn tại, và hiện nay ông đang làm ra các vật phẩm với những mục đích linh thiêng: để sử dụng trong nhà thờ hoặc là thờ phượng riêng tư.
Ông Pageau đã tham gia một khóa đào tạo cấp độ đại học về thần học của Chính Thống Giáo Phương Đông cùng với chuyên gia biểu tượng học là Cha Stephen Bigham, người đã hướng dẫn cho ông về ngôn ngữ của các biểu tượng.
Điêu khắc siêu phàm
Ông Pageau đã bắt đầu bằng việc điêu khắc trong thời gian rảnh rỗi vì đó là điều khiến ông yêu thích. Khi vị giám mục nhìn thấy tác phẩm của Pageau, ông đã yêu cầu Pageau làm cho ông một chiếc panagia, là một mặt dây chuyền có hình ảnh của Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng mà những vị giám mục của Chính Thống Giáo Phương Đông thường đeo mỗi khi thực hiện Nghi Thức Phụng Vụ Thánh.
Ông chưa bao giờ làm những vật phẩm kích thước nhỏ như vậy trước đây, vì vậy ông đã liên hệ với một thợ điêu khắc người Serbia, người này đã hướng dẫn cho ông các quy trình thực hiện, cũng mất khoảng vài ngày. Ông Pageau đã cười rất vui vẻ khi người thợ điêu khắc nói rằng “Anh đã rất tàn nhẫn với tôi. Đó là một điều tuyệt vời.” Phản hồi của người hướng dẫn đã giúp cho ông cải thiện kỹ năng hơn.
Cuối cùng, khi ông cảm thấy mình đã làm được tốt nhất có thể, ông đã trao chiếc mặt dây chuyền cho vị giám mục sau nghi thức lễ tế. Ông có vài sai sót trong quá trình làm ra tác phẩm điêu khắc tốt nhất của mình, tuy nhiên hành động của vị giám mục đã ông làm thức tỉnh. Khi vị giám mục mở chiếc hộp ra, ông đã thực hiện một cử chỉ tôn kính, khom mình và cúi chào. Ông Pageau giật mình sửng sốt. “Khi đó vị mục sư không hề nhìn thấy tác phẩm của tôi chút nào … Ông chỉ nhìn thấy Đức Mẹ mà thôi.” Ông chia sẻ.
Đó là tất cả những gì mà ông Pageau mong muốn. Ông nhận ra rằng vị giám mục của mình đều mang theo món vật phẩm mà ông đã làm ra, và chiếc mặt dây chuyền này sẽ luôn đồng hành cùng Ngài trong suốt hành trình tâm linh của Ngài bao gồm cả các buổi nghi lễ tại nhà thờ.
Ông cũng đồng thời nhận ra giá trị của sự tôn kính này “Không có bất kỳ ai thực hiện cử chỉ tôn kính đối với các tác phẩm của danh họa Picasso cả,” ông nói. Để có được sự tôn kính như vậy, ông phải buông bỏ tất cả niềm kiêu hãnh và ham muốn để được sở hữu loại ngôn ngữ của hình ảnh này, buông bỏ tất cả các quan niệm cho rằng chính mình là người làm nên tác phẩm chứ không phải là tác phẩm đến từ thiên đường. Ông đã hân hoan với sự thỏa hiệp đó.
Điêu khắc các biểu tượng
Tranh là thể loại chính trong biểu tượng học của nhà thờ, tuy nhiên các biểu tượng điêu khắc cũng thường được sử dụng vì tính lâu bền của chúng, đặc biệt là những vật phẩm cần phải di chuyển đi nhiều nơi hoặc là các đồ nội thất. Các tín hữu Cơ Đốc cũng sử dụng các bức tượng điêu khắc cỡ nhỏ tại nhà để cầu nguyện hoặc là để nhắc nhở cho họ về vị thánh của mình.
Điêu khắc gia Pageau làm ra các bức tượng chủ yếu là bằng vật liệu gỗ và đá – từ mặt dây chuyền và trang sức cá nhân cho đến bìa Sách Phúc Âm, hộp đựng bảo vật, và các pho tượng nghi lễ, và cả các trang thiết bị nội thất và kiến trúc điêu khắc của nhà thờ. Đối với các tác phẩm bằng đá, ông thường khắc vào trong loại đá xà phòng nhẹ mà ông nhập khẩu từ nước Kenya.
Tác phẩm của nghệ sĩ Pageau có xu hướng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi nghệ thuật Byzantine*, tương tự như các tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại ở Constantinople* trong khoảng thế kỷ thứ 11 và 12. Phong cách Byzantine ngập tràn những hàm nghĩa thần học. Một người chỉ cần nhìn vào các nhà thờ Byzantine thì có thể thấy được các bức tranh khảm nạm màu vàng ánh kim với đầy đủ các biểu tượng Cơ Đốc Giáo và những bức tượng cách điệu hướng về những người thờ phượng, để truyền cảm hứng và làm sâu sắc thêm đức tin của họ. Các nghệ sĩ Byzantine thường trang trí các tác phẩm của họ bằng đá quý, men, kỹ nghệ kim loại, và ngà voi chạm khắc, cho đến tên của một vị nào đó.
Tuy nhiên ông Pageau không phải là một người theo chủ nghĩa thuần túy*. Ông được truyền cảm hứng từ nhiều chủ đề khác nhau của truyền thống Cơ Đốc Giáo, và ông làm nghệ thuật tỏa sáng rực rỡ bằng những gì tốt nhất mà Cơ Đốc Giáo đã ban cho. Ví dụ như, tác phẩm của ông có thể bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật Gothic sơ khai, nghệ thuật Roman, Coptic, Byzantine, và các quốc gia như Nga, Serbia, hoặc thậm chí là những hình ảnh của đất nước Armenia, điều đó phụ thuộc vào việc kết hợp để tạo ra một tác phẩm vừa đẹp mắt vừa có thể dễ nhận biết.
Trong một tác phẩm, ví dụ, ông có thể sử dụng nhiều yếu tố trang trí như kim loại mỹ thuật (một tấm kim loại mỏng, thường là bằng thiếc hoặc có khi là bằng bạc), thường được chạm nổi hoặc khắc chìm các hoa văn. Các nhà biểu tượng học người Nga thì đóng đinh để cố định những mẫu kim loại mỹ thuật này trực tiếp vào bức tượng để làm khung hoặc là làm phông nền cho bức tượng. Trong một tác phẩm khác, ông có thể tìm đến phong cách nghệ thuật Gothic sơ khai của Cơ Đốc Giáo, có nguồn gốc từ Île-de-France (một vùng đất bên ngoài thành phố Paris), có đặc trưng là những hình người duyên dáng với tay chân thon dài và những hình thức biểu hiện giống người hơn là các phong cách trước đó. Một lần nữa, mỗi pho tượng và hình ảnh đều được làm ra để mang người xem đến gần hơn với Chúa.
Nghệ nhân Pageau không tạo ra các bản sao của quá khứ, mà thể hiện tính linh hoạt trong truyền thống biểu tượng. Ông có vẻ như là đang làm ra các biểu tượng để viết các bài thơ kiểu truyền thống. “Bạn có thể nhận ra thể thơ Sonnet*, nó giống với bức tượng đó. Bạn cũng có thể nhận ra một biểu tượng Chúa “Giêsu Hiển Dung” bằng một số yếu tố nhất định, tuy nhiên cũng có một số kỹ xảo để có thể kết hợp tất cả lại với nhau,” ông giải thích.
Nghệ sĩ Pageau hiểu rằng các yếu tố nào nên được sử dụng trong bức ảnh để chuyển tải nội hàm của nó, vì vậy ông có thể thay đổi phong cách và bố cục bao gồm các các yếu tố gây ngạc nhiên khác. Ví dụ, hai biểu tượng truyền thống về hình ảnh Chúa Giêsu hiển dung – những tia sáng thần thánh phát ra từ thân thể Ngài và một vầng sáng hình quả hạnh thẳng đứng, bao quanh Chúa trông giống như một vầng hào quang – cả hai yếu tố đó để thể hiện rằng hình tượng Chúa đang tỏa sáng.
Nghệ sĩ Pageau tự quyết định biểu tượng học của mỗi hình ảnh mà ông làm sau khi hiểu rõ yêu cầu của người bảo trợ. Mức độ phức tạp của thiết kế liên quan trực tiếp đến chi phí. Pageau phác thảo biểu tượng, và thiết kế để cho nhà bảo trợ xem qua. Trợ lý của Pageau sau đó sẽ in dấu bản thiết kế này lên gỗ hoặc đá và dùng tay để chạm khắc các đường viền bao ngoài. Nghệ sĩ Pageau khắc tay các chi tiết và tô điểm thêm cho bức tượng bằng đá khảm nạm, kim loại mỹ thuật, các loại ngọc thạch, như ngọc Lapis Lazuli hoặc ngọc Serpentine, tùy thưộc vào mức độ phức tạp của tác phẩm.
Thỉnh thoảng khi ông Pageau làm việc, ông nhận thấy rằng hầu hết những sự việc bất ngờ diễn ra trong cuộc sống của ông đều có liên quan đến vị Thánh mà ông đang chạm khắc, như thể là vị thánh bằng cách nào đó kết nối với ông. Trong những khoảnh khắc ấy, ông cảm thấy rằng ông đang được đẩy về phía trước, đến gần hơn với đức tin sâu thẳm và huyền bí của mình.
Một giáo sĩ có thể ban phước cho biểu tượng đã hoàn thiện xong, phụ thuộc vào yêu cầu của nhà bảo trợ.
Giải pháp cho chủ nghĩa hư vô
Ông Pageau cho rằng không có bất kỳ thứ gì là tồn tại chỉ vì lợi ích của chính nó; mọi thứ trên thế giới này đều tồn tại vì một lý do nào đó, và mỗi từng thứ trong đó đều hình thành một mạng lưới liên kết mang ý nghĩa to lớn. Chủ nghĩa biểu tượng có thể được nhìn thấy trong mọi cấu trúc của thực tại, và khi chúng ta nhìn thấy được, thì chúng sẽ liên kết với thế giới quan của chúng ta.
Chủ nghĩa biểu tượng chính là “hệ thống hóa các trải nghiệm của chúng ta” ông Pageau nói, và là khuôn mẫu mà chúng ta có thể chú ý đến sự vật. Khi chủ nghĩa biểu tượng được dệt vào trong các bài hát, câu chuyện, và các hình ảnh, và khi được lồng ghép vào càng nhiều, chúng ta thậm chí còn có thể nhận ra được cả hình mẫu của nó.
Ông Pageau giải thích khi mà chúng ta hiểu được rằng mỗi người chúng ta đều có các hoạt động hàng ngày của mình (chúng ta hành động với các mục tiêu mỗi ngày, từ việc mang vớ cho đến các bữa ăn bên gia đình), sau đó chúng ta có thể nhận thấy rằng tôn giáo thật sự đưa chúng ta đến với các mục đích cao cả hơn bằng cách giúp chúng ta tham gia vào những khuôn mẫu khác nhau của thực tại. “Và như thế, biểu tượng học là điều quen thuộc trong cuộc sống của chính bạn,” ông chia sẽ.
Ông thấu hiểu rằng chúng ta được dẫn hướng bởi sự thuần khiết của các hình ảnh tôn giáo, các câu chuyện trong Kinh Thánh, và sự bất hủ của các câu chuyện thần tiên và huyền thoại – đều có chứa đựng các biểu tượng cô đọng – điều đó có thể giúp chúng ta hiểu được những khía cạnh phức tạp hơn trong cuộc sống mỗi ngày của chính mình, đồng thời cũng giúp cho chúng ta phân biệt được chân lý ra khỏi những thứ hỗn tạp còn lại.
“Chủ nghĩa biểu tượng thật sự là lối thoát ra khỏi đầm lầy trong thế giới đương đại của chúng ta.” Ông nói.
Để tìm hiểu thêm thông tin về các tác phẩm nghệ thuật của ông Jonathan Pageau. Hãy truy cập vào trang PageauCarvings.com
Chú thích của dịch giả
Iconography – Biểu tượng học, là một nhánh của lịch sử nghệ thuật, nghiên cứu việc xác định, mô tả và giải thích nội dung của hình ảnh.
Chính thống giáo Đông phương là nhánh Kitô giáo lớn thứ nhì trên thế giới, sau Giáo hội Công giáo Rôma. Là một trong những định chế lâu đời nhất thế giới, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Đông Âu, Hy Lạp, Nga, Kavkaz và Cận Đông]
Nghệ thuật Byzantine là các tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Hy Lạp Kitô giáo của Đế chế Đông La Mã, cùng các quốc gia và các bang được thừa hưởng văn hóa từ đế chế.
Kinh đô của Đế quốc La Mã, của Đế quốc Byzantine / Đông La Mã, của Đế quốc La Tinh và của Đế quốc Ottoman.
Sonnet là một hình thức thơ có nguồn gốc từ nước Ý; Ông Giacomo Da Lentini được coi là người đã phát minh ra thể loại thơ này. Từ tiếng Pháp sonnet có nguồn gốc từ tiếng Ý sonetto. Đến thế kỷ thứ mười ba sonnet được chuẩn hóa thành một bài thơ mười bốn dòng với một luật gieo vần nghiêm ngặt và một cấu trúc nhất định.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times