Bữa tối Giáng Sinh ở các quốc gia trên khắp thế giới (Phần 2)
Giáng Sinh vốn là ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Jesus, nhưng thuận theo sự giao lưu văn hóa trên thế giới, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, nó đã trở thành một ngày lễ đoàn tụ gia đình và chào đón năm mới. Đồng thời, các nơi trên thế giới cũng hình thành các tập tục Giáng Sinh khác nhau.
Tuy nhiên, cho dù bạn đi đến đâu, một bữa ăn tinh tế và đặc biệt luôn là một phần của Lễ Giáng Sinh. Từ món gà tây quay, món hầm, cá cho đến bánh pudding gạo, bánh trái cây…, các nơi trên thế giới đều thể hiện nét đặc trưng văn hóa của mình thông qua các món ăn.
Tìm hiểu về các món ngon Giáng Sinh ở các nơi trên thế giới cũng giống như một hành trình du ngoạn văn hóa vòng quanh thế giới vậy!
Hà Lan: Buffet nướng ấm áp
Giáng sinh ở Hà Lan có hai ngày, ngày 25 và 26 tháng Mười Hai. Người Hà Lan thích trò chuyện với gia đình, hát những ca khúc mừng Giáng sinh, chơi các trò chơi và thưởng thức nhiều món ăn Giáng Sinh khác nhau.
Một bữa tối Giáng Sinh truyền thống ở Hà Lan thường bao gồm cá hun khói, thịt nai, ngỗng, thỏ rừng hoặc gà tây, kèm theo là rất nhiều rau, bánh Oliebollen, bánh nhẫn hạnh nhân (almond pastry rings), bánh mì Kerstbrood và các món tráng miệng như bánh pudding và kem socola, v.v.
Trong những năm gần đây, thứ rất thường thấy trong bữa ăn Giáng sinh ở Hà Lan là “Gourmetten”, một loại bếp nướng điện gia dụng. Tương tự như lẩu phô mai, mỗi người đều có thể lấy một vỉ nướng nhỏ và chọn nguyên liệu yêu thích để nướng. Ngày nay, hầu hết mọi hộ gia đình Hà Lan đều có một bộ bếp này để đặc biệt dùng cho bữa tối Giáng Sinh, có thể phục vụ tới 20 người cùng một lúc.
Để đáp ứng nhu cầu ăn buffet, trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, các siêu thị ở Hà Lan cũng sẽ bày bán các sản phẩm thịt quý hiếm như gà gô, gà sao, thịt nai, thịt thỏ, thịt đà điểu, thịt kangaroo… Số lượng mỗi loại thịt không nhiều, các bà nội trợ phải nhanh tay nếu không sẽ ra về tay trắng!
Iceland: Món thịt cừu hun khói truyền thống
Trong quá khứ, vì Iceland là quốc gia có vòng Bắc Cực đi qua nên người dân nơi đây đã quen với việc bảo quản thực phẩm bằng cách ngâm chua, hun khói, lên men… Vì vậy cũng đã tạo ra rất nhiều “món ăn kỳ lạ”, chẳng hạn như bánh mì địa nhiệt (bánh mì nướng dưới lòng đất), thịt cừu hun khói, tinh hoàn cừu ngâm chua, xúc xích gan, bánh tiết canh, thịt cá mập lên men, đầu cừu nướng, v.v. Trong số đó, “hangikjöt” là món mà người Iceland nhất định sẽ ăn vào dịp Giáng Sinh, đây là món thịt cừu hun khói với hương vị đậm đà.
Hangikjöt thường được làm bằng thịt cừu non (đôi khi là thịt cừu trưởng thành hoặc thịt ngựa). Thịt sẽ được ướp trong vài ngày trước khi hun khói bằng gỗ bạch dương, cây liễu và cây bách xù trộn với phân cừu và rơm. Sau khi hun khói xong có thể bảo quản được rất lâu. Trong quá khứ người ta thường treo trên bếp lửa, có thể bảo quản hàng tháng trời.
Vào lễ Giáng Sinh, người Iceland sẽ dùng món thịt xông khói cắt lát mỏng với bánh mì Laufabrauð truyền thống và salad đậu Hà Lan, khoai tây và bắp cải đỏ. Laufabrauð là một loại bánh mỏng, giòn, được khắc các họa tiết lên trên, ý tứ là “bánh mì hoa tuyết”. Thông thường cả gia đình sẽ cùng nhau làm bánh và tán gẫu, điều này đã trở thành một hoạt động của gia đình vào dịp lễ Giáng sinh.
Đan Mạch: Một trò chơi rút thưởng cho chè gạo
Vào đêm Giáng Sinh, bữa ăn Giáng Sinh của người Đan Mạch bao gồm một món nướng thịnh soạn với khoai tây luộc, bắp cải đỏ, nước thịt và món tráng miệng yêu thích của họ – chè gạo. Chè gạo có thể ăn nóng hoặc lạnh. Đôi khi nó cũng được phủ hạnh nhân cắt nhỏ, kem hoặc mứt anh đào. Mỗi khi ăn chè gạo, chủ nhà sẽ đặt một trái hạnh nhân đã bóc vỏ vào một trong những chiếc bát. Ai ăn được nó sẽ nhận được một món quà nhỏ tượng trưng cho sự may mắn trong năm tới!
Chè gạo rất tốn thời gian để làm, thông thường người ta sẽ chuẩn bị từ ngày hôm trước. Phương pháp là nấu chín gạo và hạnh nhân, nghiền nhỏ hạnh nhân rồi trộn đều, sau đó nấu nhừ gạo với sữa, vani và đường. Cuối cùng đánh bông kem tươi, trộn cháo gạo sữa với kem tươi rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh, ngày hôm sau khi đưa lên bàn ăn thì trộn với sốt anh đào.
Philippines: Thịnh yến sau Thánh lễ lúc nửa đêm
Philippines đã từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, đồng thời nằm trên con đường thương mại hàng hải trong một thời gian dài, cộng thêm 92% dân số trong nước tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, trong đó Công giáo La Mã là nhiều nhất, chiếm khoảng 81% tổng dân số. Do đó phong tục Giáng Sinh ở đất nước này cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiên Chúa giáo, người dân thường tổ chức lễ Giáng sinh sau Thánh lễ lúc nửa đêm.
Người Philippines thường ăn heo sữa trong các bữa tiệc Giáng sinh, giăm bông Giáng sinh và mì spaghetti cũng là những món ăn phổ biến. Tuy nhiên, cho dù lựa chọn món nào, đều không thể thiếu phô mai Edam (Edam cheese)!
Mexico: Cá tuyết muối khô là món chính
Bữa ăn Giáng sinh của người Mexico thường bắt đầu với món salad trộn gồm rau diếp, củ cải đường và trái cây. Sau đó là một đĩa cá tuyết muối khô với cà chua, ô liu và khoai tây cho món chính.
Cá tuyết muối khô được gọi là “Bacalao” trong tiếng Tây Ban Nha, “Baccalà” trong tiếng Ý và “Bacalhau” trong tiếng Bồ Đào Nha. Khi đến Ma Cao, nó được người Hoa gọi là “Bacalhau”. Bởi vì Giáo hội Công giáo La Mã có nhiều quy định ăn chay khác nhau, chẳng hạn như vào thứ Sáu và đêm Giáng Sinh không được ăn thịt của động vật máu nóng, do đó ở rất nhiều khu vực mà Thiên Chúa giáo hưng thịnh, bao gồm Châu Mỹ Latinh và Địa Trung Hải v.v. cá tuyết muối khô là một món ăn rất quan trọng.
Ghana: Không thể thiếu món Fufu truyền thống
Giáng sinh cũng là một ngày quan trọng ở Phi Châu, nơi có hơn 350 triệu tín đồ Cơ Đốc giáo. Trong đó Ghana, một quốc gia ở Tây Phi, có hơn 70% dân số tín ngưỡng Cơ Đốc giáo. Người dân ở Ghana cũng luôn mong chờ lễ hội này để thể hiện bản sắc văn hóa Giáng Sinh độc đáo.
Bữa ăn Giáng Sinh ở Ghana cũng thể hiện phong cách Tây Phi đích thực. Vào đêm Giáng Sinh, họ thường chuẩn bị gà quay, dê hầm, súp gumbo, v.v. Tuy nhiên, không có bữa ăn Giáng Sinh nào trọn vẹn nếu không có món ăn quốc gia “Fufu”.
Trần Đình thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ