Bồi dưỡng tâm đồng cảm giúp trẻ có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc
Các nhà tâm lý học định nghĩa chỉ số cảm xúc là mức độ hiểu rõ cảm xúc của chính mình và lý giải cảm nhận của người khác, cho đến việc có thể khống chế tình cảm của bản thân. So sánh với chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc còn quan trọng hơn sự thành đạt trong cuộc sống.
Các nghiên cứu cho thấy, tâm đồng cảm là một kỹ năng sống quan trọng, giúp bồi dưỡng các mối quan hệ giao tế tốt đẹp, thành tựu sự nghiệp và là mục tiêu học tập quan trọng. Tâm đồng cảm cũng sẽ giúp con cái hiểu rõ tác hại của việc ức hiếp người khác, đồng thời chủ động từ chối tham gia vào việc lăng nhục ức hiếp đó. Vì vậy, việc giáo dục cho con cái có tâm đồng cảm là nền tảng quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi bắt nạt bạn bè trong trường học.
Một số người cho rằng tâm đồng cảm là tố chất của con người ngay từ khi được sinh ra, nhưng trên thực tế, tố chất này được hình thành thông qua việc bồi dưỡng sau này.
Các phương pháp dưới đây có thể giúp các bậc cha mẹ bồi dưỡng tâm đồng cảm và cảm xúc cho con cái họ.
- Bảo đảm rằng các nhu cầu tình cảm của trẻ được đáp ứng đầy đủ
Để trẻ có thể cảm nhận và bày tỏ sự cảm thông với người khác, trước tiên phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình cảm của chúng. Con trẻ cần phải nhận được sự hỗ trợ tinh thần từ cha mẹ hoặc người chăm sóc; chỉ khi đó chúng mới có thể dành tình cảm cho người khác.
- Dạy trẻ đối phó với những cảm xúc tiêu cực
Đối với những đứa trẻ và cả những người đã trưởng thành, việc xuất hiện các loại tình cảm tiêu cực như đố kỵ tức giận là điều rất bình thường tự nhiên. Tuy nhiên, bậc cha mẹ khi giáo dục trẻ nhỏ thì nên lấy phương pháp tích cực để giải quyết loại cảm xúc này; chỉ như vậy, con trẻ mới có thể phát triển nhiều khả năng mạnh mẽ hơn về trí tuệ cảm xúc và tâm đồng cảm.
- Truyền cảm hứng cho trẻ tự mình trải nghiệm cảm thụ của người khác; hỏi chúng “Con sẽ có cảm nhận như thế nào?”
Trời sinh mỗi đứa trẻ đều có tâm đồng cảm; ngay khi chúng nhìn thấy một ai đó đang đau khổ, thì tâm đồng cảm của chúng sẽ biểu hiện ra, và sẽ nghĩ cách an ủi người đó. Đồng thời, mỗi đứa trẻ đều tự cho mình là trung tâm. Ví dụ, khi một đứa trẻ ở trường mầm non nhìn thấy anh chị em hoặc bạn bè đang chơi mà nó lại lấy đi món đồ chơi đó, thì cha mẹ cần giải thích rõ rằng loại hành vi này sẽ làm tổn thương đến tình cảm và thân thể của người khác. Hãy thử nói như thế này: “Nếu như có ai lấy đi đồ chơi của con, con sẽ cảm thấy như thế nào?” hoặc “Nếu như có người đánh con, con sẽ cảm thấy như thế nào?”
Cha mẹ cần hỏi rõ cảm nhận của con trẻ, đồng thời giúp chúng lý giải cảm nhận của người khác.
- Để giúp trẻ hiểu được cảm xúc và tình cảm, hãy để trẻ nhận biết càng nhiều càng tốt
Nếu một đứa trẻ tỏ thái độ thân thiện với ai đó, ví như an ủi một bạn học hoặc một đứa bé đang khóc, đừng ngại nói với chúng rằng: “Thật tuyệt khi con quan tâm nhiều đến bạn của mình; cha/mẹ tin rằng khi con đối xử tử tế với bạn ấy, bạn ấy cảm thấy vui hơn”.
Khi đứa trẻ không ngoan hoặc biểu hiện tiêu cực, tốt nhất hãy nói cho chúng biết rằng: “Cha/mẹ biết rằng con đang tức giận, nhưng khi con lấy đi đồ chơi mà các bạn đang chơi thì các bạn con rất buồn”.
- Đàm luận về những hành vi tích cực và tiêu cực xung quanh
Từ trong sách vở, tivi và phim ảnh, chúng ta thường tiếp xúc với những ví dụ về việc làm thiện và ác trong cuộc sống. Đàm luận với các con về những hành vi mà bạn nhìn thấy; ví dụ một ai đó khiến cho người khác buồn, khó chịu hoặc một người biểu hiện tựa như rất lợi hại, hoặc ngược lại, một ai đó giúp đỡ người khác, đồng thời khiến cho họ cảm thấy tốt hơn. Thảo luận với các con về các loại hành vi khác nhau và tầm ảnh hưởng của chúng.
- Xây dựng một tấm gương tốt
Hãy là một tấm gương tốt để con cái quan sát hành vi giao tiếp của bạn với những người trưởng thành khác trong cuộc sống, để chúng học cách tương tác với mọi người. Hãy cho chúng xem làm một người thân thiện thì có ý vị gì, hoặc là làm thế nào trở thành một người hòa ái thân thiện và tràn đầy tình yêu thương.
Tác giả: Quỳnh Mai
Biên dịch: Cửu Ngọc