Bộ trưởng Quốc phòng: Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản
Hôm 11/01, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh Nhật Bản, và sẽ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cộng sản tuyên bố là của mình.
Những lời nhận xét của ông được đưa ra khi hai quốc gia đồng ý tăng cường hợp tác chiến lược và quân sự trước nhiều thách thức, bao gồm cả sự gây hấn ngày càng tăng của chế độ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc.
Hôm thứ Năm (05/01), Ngoại trưởng Antony Blinken đã công bố sự hợp tác ngày càng tăng sau cuộc gặp giữa ông Blinken, ông Austin, và những người đồng cấp Nhật Bản của họ, Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi Yoshimasa, và Bộ trưởng Quốc phòng Hamada Yasukazu ở Hoa Thịnh Đốn.
Ông Blinken nói rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ đang củng cố một liên minh vốn đã mạnh mẽ, và sẽ tiếp tục chống lại ảnh hưởng xấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên toàn thế giới.
“Thật khó để cường điệu tầm quan trọng của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản,” ông Blinken nói trong một cuộc họp báo chung.
“Trong hơn bảy thập niên, liên minh này là nền tảng của hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bảo đảm an ninh, tự do, và thịnh vượng cho người dân của chúng ta và người dân trên khắp khu vực.”
“Chúng ta đồng ý rằng CHND Trung Hoa là thách thức chiến lược lớn nhất mà chúng ta, các đồng minh, và đối tác của chúng ta phải đối mặt,” ông Blinken nói thêm, đồng thời sử dụng từ viết tắt cho tên chính thức của chế độ này, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nhận xét này được đưa ra sau kết luận của Ủy ban Tư vấn An ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản năm 2023, thường được gọi là đối thoại hai-cộng-hai, giữa các nhà lãnh đạo của bộ ngoại giao và bộ quốc phòng của mỗi bên, do ông Blinken và ông Austin đồng tổ chức.
Hoa Kỳ bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản
Ông Austin tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đi đến một “quyết định lịch sử nhằm tối ưu hóa tư thế của lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản,” trong đó sẽ tăng cường sự hiện diện các khả năng của Hoa Kỳ nhằm củng cố khả năng răn đe để giúp bảo vệ Nhật Bản.
Là một phần của nỗ lực này, ông Austin cho biết, Hoa Kỳ sẽ tổ chức lại Trung đoàn Pháo binh 12 thành Trung đoàn Thủy quân Lục chiến 12, phù hợp với việc tái cấu trúc hiện tại của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu ở các khu vực đổ bộ phân tán chống lại các cường quốc.
Đội hình mới này, ông Austin cho biết, sẽ được trang bị các khả năng tình báo, giám sát, và trinh sát tân tiến, cũng như các hệ thống chống hạm và chống vận tải “phù hợp với các môi trường đe dọa hiện tại và tương lai.”
Ông Austin nhắc lại rằng Hoa Kỳ cam kết bảo vệ đồng minh của mình và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ họ khỏi bị tấn công, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, ông nói, Hoa Kỳ công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với Quần đảo Senkaku như một phần của cam kết này. Nhật Bản đã và đang kiểm soát hầu hết Quần đảo Senkaku, nằm ở biển Hoa Đông, kể từ năm 1895, nhưng Bắc Kinh đã bắt đầu khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo này vào những năm 1970 và gọi nơi này là quần đảo Điếu Ngư.
“Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn đoàn kết trước các hành động gây bất ổn của Trung Quốc,” ông Austin nói.
“Tôi muốn tái khẳng định cam kết chắc chắn của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng toàn bộ khả năng bao gồm cả hạt nhân, và nhấn mạnh rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh chung áp dụng cho Quần đảo Senkaku.”
Điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung năm 1960 giữa hai nước quy định rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị bên thứ ba tấn công. Hiến pháp Nhật Bản giới hạn quân đội của họ chỉ đóng một vai trò chủ yếu là tự vệ. Hơn nữa, trong khi hiến pháp của Nhật Bản không cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, quốc gia này không duy trì bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào do các chính sách lâu đời.
Tăng cường răn đe
Các quan chức của cả hai nước cũng đồng ý tiếp tục công việc của họ về “mở rộng răn đe” và tăng cường liên kết đối tác đa phương và khu vực để bảo đảm sự ổn định và an ninh liên tục của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Blinken nói rằng cả hai quốc gia đang mở rộng nỗ lực hợp tác cùng nhau trong một số lĩnh vực cụ thể.
Ông Blinken nói, “Chúng tôi cam kết duy trì các giá trị chung về dân chủ và nhân quyền, bảo vệ luật pháp quốc tế, tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể giải quyết một mình, như khủng hoảng khí hậu và các loại virus gây tử vong.”
“Đối mặt với những thách thức này và những thách thức khác, hôm nay chúng tôi đã thảo luận về các cách tăng cường phối hợp, bao gồm chỉ huy và kiểm soát theo liên minh, tình báo, giám sát, và trinh sát, sử dụng chung và chia sẻ các cơ sở, cũng như tăng cường các cuộc tập trận song phương.”
Ông Hayashi, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, nói rằng nhu cầu chống lại ĐCSTQ là rất lớn, và chế độ cộng sản này vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự quốc tế.
“Trung Quốc đưa ra một thách thức chiến lược lớn nhất, và chưa từng có,” ông Hayashi nói. “Chính sách ngoại giao nhằm tái tạo trật tự quốc tế để phục vụ lợi ích cá nhân của họ là một mối lo ngại nghiêm trọng đối với liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ và toàn bộ cộng đồng quốc tế.”
Ông Blinken cho biết cuộc họp này “rất hiệu quả và có phạm vi rộng” và sẽ bảo đảm rằng liên minh này vẫn là một nền tảng lâu dài của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times