Bộ tranh ‘Công vụ của các Tông đồ’ của danh họa Raphael
Kiệt tác hội họa: Nghệ thuật truyền cảm hứng cho chúng ta qua các thời đại
Bộ tranh ‘Công vụ của các Tông đồ’ của danh họa Raphael mô tả cuộc đời của Thánh Paul và Thánh Peter, Tổ phụ của Nhà thờ Công giáo La Mã. Khách tham quan Bảo tàng Victoria và Albert ở London có thể thưởng lãm bảy trong số những bản vẽ cartoon (1) tuyệt vời của danh họa Raphael tại căn phòng Raphael Court mới được tân trang lại.
Phòng trưng bày mở cửa vào năm 2020 nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Raphael. Mặc dù vẫn đóng cửa do đại dịch, bảo tàng đã phát hành một số nội dung kỹ thuật số mới để mọi người có thể thưởng thức các bản vẽ mẫu, bản vẽ sơ bộ với kích thước đầy đủ trước khi bảo tàng mở cửa trở lại, điều này vẫn chưa được công bố.
Bảy bản vẽ cartoon là tất cả những gì còn lại của 10 bức tranh “Công vụ của các tông đồ” được sáng tác vào năm 1513. Giáo hoàng Leo X đã ủy quyền cho Raphael thiết kế một loạt các tranh thảm cho Nhà nguyện Sistine. Những tranh thảm này dự định sẽ được treo trong nhà nguyện vào những ngày lễ long trọng.
Họa sĩ Raphael và xưởng vẽ của ông đã vẽ 10 bản vẽ cartoon có kích thước của tác phẩm thực, cao khoảng 5 x 3.5 m, bằng màu gouache (hay “body color”, màu nước mờ) trên các tờ giấy đã được ghép nối lại với nhau. Các chuyên gia tin rằng chính Raphael đã tô màu nhiều bản vẽ trong số này, đây là việc rất hiếm hoi.
Người thợ dệt nổi tiếng Pieter van Aelst và xưởng của ông tại Brussels đã sử dụng những bản vẽ cartoon này để tạo ra những tấm thảm của nhà thờ Sistine. Mỗi cartoon được cắt thành các dải rộng khoảng 0.9m để chuyển các thiết kế sang vải dễ dàng hơn. Các bộ thảm trang trí tiếp theo được làm từ các bản cartoon ở Flanders.
Bảy trong số các cartoon của Raphael đã đến Anh – tất cả vẫn được lưu giữ trong các khuôn vải – khi Hoàng tử xứ Wales, là Vua Charles I trong tương lai mua chúng. Các cartoon này tiếp tục được sử dụng bởi những người thợ dệt tại Nhà máy Mortlake lành nghề ở phía tây nam London, do người tiền nhiệm của Charles, James I thiết lập.
Chỉ vào cuối thế kỷ 17, theo lệnh của Vua William III, các mảnh cartoon mới được dán lại với nhau thành một bức tranh hoàn chỉnh. Sau đó, chúng được treo trong một phòng trưng bày tại Cung Điện Hoàng Gia Hampton, nơi chúng có thể được thưởng thức toàn bộ bản vẽ.
Để tìm hiểu thêm về bộ cartoon của Raphael và công trình tân trang lại căn phòng Raphael Court của Bảo tàng Victoria và Albert, hãy truy cập VAM.ac.uk
Chú thích của dịch giả:
Cartoon – “cartone” trong tiếng Ý- có nghĩa là giấy, là một bản vẽ phác chi tiết được dùng để chuyển một hình ảnh từ giấy lên tường hoặc thảm.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times