Bộ Ngân khố Hoa Kỳ trừng phạt công ty Trung Quốc cung cấp thông tin tình báo cho Nga
Một nhà sản xuất vệ tinh Trung Quốc đã bị Bộ Ngân khố Hoa Kỳ trừng phạt hôm thứ Năm (26/01) vì cung cấp hình ảnh vệ tinh cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Một cuộc điều tra sâu hơn đã tiết lộ mối liên hệ sâu sắc giữa công ty Trung Quốc này và ngành công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.
Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Spacety, hay Công ty TNHH Viện Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Thiên Nghi, đã bị cáo buộc cung cấp hình ảnh vệ tinh cho Nga “nhằm hỗ trợ các hoạt động chiến đấu của Wagner ở Ukraine.”
Tập đoàn Wagner là một tổ chức quân đội tư nhân trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tổ chức này đã bị chính phủ Hoa Kỳ chỉ định là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng.
Những mối liên kết với PLA
Nhìn bề ngoài, Spacety có vẻ là một nhà sản xuất vệ tinh thương mại tư nhân nhỏ có trụ sở tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc. Nhưng cuộc điều tra độc lập của The Epoch Times đã phát hiện ra mối liên hệ phức tạp và toàn diện giữa Spacety và quân đội Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Một trong những đối tác chiến lược mà Spacety liệt kê trên trang web của công ty là Học viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc (CALVT), viện nghiên cứu phương tiện phóng và hỏa tiễn hàng đầu của Trung Quốc.
Được Bộ Quốc phòng Trung Quốc thành lập vào năm 1956, giám đốc đầu tiên của CALVT trong những năm 1950 và 1960 là ông Tiền Học Sâm (Qian Xuesen, hay còn gọi là Hsue-Shen Tsien ở Hoa Kỳ), người được coi là cha đẻ của ngành công nghiệp hệ thống hỏa tiễn của Trung Quốc. Sĩ quan chính trị đầu tiên của CALVT là ông Cốc Cảnh Sinh (Gu Jingsheng), một trung tướng PLA.
Ông Tiền từng là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts và Viện Công nghệ California vào những năm 1950. Ông cũng là một cựu đại tá phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã giam giữ ông Tiền vì tham gia vào các hoạt động liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng vào năm 1955, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép ông Tiền quay trở lại Trung Quốc, theo báo cáo là để đổi lấy một số phi công Hoa Kỳ bị PLA bắt giữ trong Chiến tranh Triều Tiên.
Đối tác chiến lược của Spacety cũng bao gồm Công ty TNHH Tập đoàn Điện Tứ Xuyên Cửu Châu (SJEG), một trong những nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc. Các sản phẩm chính của SJEG bao gồm hệ thống dữ liệu và AI quân sự, hệ thống radar quân sự, hệ thống phòng thủ phát hiện mục tiêu tầm thấp và siêu thấp, cũng như thiết bị 5G.
Được thành lập vào năm 1958, SJEG trước đây được gọi là Nhà máy 783, một cái tên được chính phủ Trung Quốc sử dụng để giữ bí mật về danh tính của công ty này với tư cách là một tổ chức quốc phòng. Ban đầu Nhà máy 783 do Liên Xô cung cấp viện trợ tài chính.
Cùng với CALVT và SJEG, trang web chính thức của Spacety cũng cung cấp một danh sách dài các đối tác chiến lược, tất cả đều là những viện nghiên cứu hàng đầu phục vụ ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.
Theo trang web chính thức của Spacety, nhiều nhà quản lý cao cấp của công ty này có các mối liên hệ cá nhân sâu sắc với các chương trình vũ trụ và quân sự của Trung Quốc.
Ông Nhậm Duy Giai (Ren Weijia), giám đốc công nghệ của Spacety, đã đóng một vai trò quan trọng trong các chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, Thần Châu và Thiên Châu, trong hai thập niên qua.
Ông Hùng Thục Kiệt (Xiong Shujie), phó chủ tịch của Spacety, nguyên là phó giám đốc bộ phận thiết kế của Bắc Đẩu, hệ thống vệ tinh dẫn đường của Trung Quốc, là thành phần chính trong hệ thống hỏa tiễn tấn công tầm xa của quân đội Trung Quốc.
Ông Lưu Kinh Dương (Liu Jingyang), một phó chủ tịch khác, tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ Lạc Dương (LGLS) và Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (CPLANDU). LGLS là một trường tình báo quân sự nổi tiếng của Trung Quốc, chuyên đào tạo sinh viên của mình trở thành sĩ quan tình báo cho PLA. CPLANDU là học viện quân sự cấp cao nhất của Trung Quốc, chỉ đào tạo cho các sĩ quan cao cấp của PLA.
Tích hợp quân sự-dân sự
Một trong những đối tác chiến lược mà Spacety liệt kê trên trang web của công ty là nền tảng phát triển Tích hợp Quân sự-Dân sự (MCI) Hồ Nam. Nền tảng MCI, còn được gọi là dự án Hợp nhất Quân sự-Dân sự, là một trong những nỗ lực hàng đầu của chính quyền Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội của họ. Thông qua nền tảng MCI, quân đội Trung Quốc có thể hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức Trung Quốc, những nơi vốn dĩ đã xây dựng được quan hệ với các trường đại học và tập đoàn phương Tây, đồng thời thu được các công nghệ tân tiến từ phương Tây để sử dụng cho mục đích quân sự của Trung Quốc.
Trong thập niên vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào các nền tảng MCI trên các cấp chính quyền và quân đội khác nhau.
Tháng 10/2015, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa MCI trở thành ưu tiên quốc gia trong cuộc họp của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, cơ quan ra quyết định hàng đầu của chính quyền, theo các bản tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó. Định hướng là thiết lập một hệ thống quản lý, điều hành, và hệ thống chính sách toàn quốc cho MCI.
Trung Quốc đã chính thức thành lập Ủy ban Trung ương về Phát triển Hội nhập Quân-Dân sự vào tháng 01/2017, với ông Tập là giám đốc ủy ban.
Các lệnh cấm của Hoa Thịnh Đốn
Chiến lược MCI của chính quyền Trung Quốc đã bị cả chính phủ cựu Tổng thống Trump lẫn chính phủ Tổng thống Biden nhắm đến. Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen một loạt các công ty công nghệ và quốc phòng Trung Quốc hỗ trợ quân đội. Ông Trump đã ban hành một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào một nhóm các công ty liên kết với quân đội Trung Quốc, vốn là một phần của chiến lược MCI. Tổng thống Joe Biden sau đó đã mở rộng danh sách các công ty Trung Quốc thuộc lệnh cấm này.
Spacety được đăng ký tại Trung Quốc theo danh nghĩa một công ty thương mại tư nhân. Nhưng từ danh sách đối tác và lý lịch của các nhà quản lý cao cấp nhất của Spacety, có vẻ như nhà sản xuất vệ tinh nhỏ này là một phần trong nỗ lực MCI của chính quyền.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times