Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phát hành thêm nợ chính phủ để quản lý thâm hụt ngân sách
Các quan chức Bộ Ngân khố cho biết việc vay nợ số lượng lớn như vậy sẽ giảm dần trong vài quý tới.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đấu giá công khố phiếu lớn để bù đắp lỗ hổng thâm hụt ngân sách.
Hôm 31/01, các quan chức đã thông báo rằng trong ba tháng tới họ sẽ tăng cường quy mô đấu giá để hoàn trả hơn 105 tỷ USD công khố phiếu đáo hạn vào ngày 15/02 do tư nhân nắm giữ. Người ta ước tính rằng đợt phát hành này sẽ tạo ra gần 16 tỷ USD vốn mới từ các nhà đầu tư tư nhân.
Ông Josh Frost, trợ lý bộ trưởng về thị trường tài chính, xác nhận rằng công khố phiếu kỳ hạn 2 và 5 năm sẽ tăng thêm 9 tỷ USD lên mức kỷ lục 70 tỷ USD. Đối với công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn, các quan chức có kế hoạch tăng cường phát hành mới và mở lại quy mô đấu giá thêm 2 tỷ USD nữa để chạm mức 39 tỷ USD. Công khố phiếu kỳ hạn 20 năm sẽ tiếp tục được giữ nguyên, trong khi quy mô phát hành mới cho công khố phiếu kỳ hạn 30 năm sẽ tăng thêm 1 tỷ USD lên mức 22 tỷ USD.
Bộ Ngân khố tin rằng đây sẽ là lần điều chỉnh tăng cuối cùng trong các cuộc đấu giá lãi suất trong vài năm tới vì “những thay đổi tích lũy này sẽ giúp Bộ Ngân khố có vị thế tốt để giải quyết những thay đổi tiềm năng đối với triển vọng tài khóa.”
Ông Frost đã xác nhận trong thông báo, “Dựa trên nhu cầu đi vay dự kiến hiện tại, Bộ Ngân khố không kỳ vọng việc cần thiết phải tăng thêm chút nào nữa về lãi suất danh nghĩa hoặc Trái phiếu Lãi suất Thả nổi (FRN) ngoài những quy mô được công bố ngày hôm nay, ít nhất trong vài quý tới.”
Ông E.J. Antoni, một nhà kinh tế của Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), lập luận rằng các cuộc đấu giá “quy mô lớn đến mức chảy nước mắt” là một phần trong nỗ lực của Bộ Ngân khố nhằm “chuyển sang nợ ngắn hạn trong nỗ lực tuyệt vọng của bà Yellen nhằm giữ cho lợi suất dài hạn ở mức thấp.”
Ông hỏi trên X, trước đây là Twitter, “Câu hỏi duy nhất là ông Powell và các đồng sự sẽ giúp đỡ được đến đâu?”
Sau thông báo của Bộ Ngân khố, thị trường công khố phiếu chìm trong sắc đỏ, với lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 4%. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm giảm xuống còn 4.24%, trong khi công khố phiếu kỳ hạn 30 năm đã giảm 7 điểm cơ bản xuống dưới 4.21%.
Các kế hoạch vay nợ khác
Một bản thông báo về Ước tính các Khoản vay Có thể bán trên Thị trường thứ cấp (Marketable Borrowing Estimates) khác từ Bộ Ngân khố, được công bố hôm 29/01, giải thích cho kỳ vọng của bộ này rằng phần lớn sự bùng nổ trong việc phát hành nợ sẽ giảm bớt.
Trong quý từ tháng Một đến tháng Ba của năm tài khóa 2024, chính phủ liên bang dự kiến sẽ vay 750 tỷ USD, giảm 55 tỷ USD so với dự báo trước đó hồi tháng Mười, “phần lớn là do dự báo về dòng tài chính ròng cao hơn và số dư tiền mặt đầu quý cao hơn.”
Trong quý từ tháng Tư đến tháng Sáu, Bộ Ngân khố dự đoán sẽ chỉ vay 202 tỷ USD, “giả sử số dư tiền mặt cuối tháng Sáu là 750 tỷ USD.”
Đầu năm tài khóa này, Bộ Ngân khố đã vay 776 tỷ USD, phù hợp với ước tính của bộ.
Nhà kinh tế Wolf Richter khẳng định rằng khoản vay của Bộ Ngân khố sẽ cao hơn mức được liệt kê trong ước tính chính thức.
Ông Richter nói: “Số lượng chứng khoán thanh khoản cao ‘thực tế’ của Bộ Ngân khố được bổ sung vào số có từ trước trong quý 3 và quý 4 … không hoàn toàn khớp với mức tăng thực tế của chứng khoán có thể bán trên thị trường thứ cấp.”
Số liệu tổng lượng công khố phiếu được chia thành hai phần: công khố phiếu có thể bán được trên thị trường thứ cấp và công khố phiếu không thể bán được trên thị trường thứ cấp. Công khố phiếu có thể bán được là tài sản mà các nhà đầu tư mua và bán, còn công khố phiếu không thể bán được là tài sản mà các quỹ hưu trí của chính phủ và Quỹ Tín thác An sinh Xã hội mua.
Ông lưu ý: “Bộ Ngân khố đang nói về việc phát hành chứng khoán có thể bán được.”
“Trong ba tháng, chúng ta sẽ biết khoản bổ sung dự kiến 760 tỷ USD cho quý 1 thực sự đã bổ sung bao nhiêu vào chứng khoán có thể bán được trong quý 1. Và trong sáu tháng nữa, chúng ta sẽ biết khoản bổ sung dự kiến 202 tỷ USD cho quý 2 sẽ thực sự bổ sung thêm bao nhiêu vào chứng khoán có thể bán được trong quý 2. Chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét.”
Trong những tháng gần đây, nhu cầu đầu tư ở trong và ngoài nước đối với công khố phiếu dài hạn của Hoa Kỳ khá mờ nhạt.
Cuộc đấu giá trị giá 13 tỷ USD cho công khố phiếu kỳ hạn 20 năm hôm 17/01 chứng kiến các đại lý sơ cấp — các tổ chức tài chính mua nguồn cung còn lại mà các nhà đầu tư không muốn mua — tăng khoảng 17%, cao hơn một chút so với mức trung bình hàng năm là 12%.
‘Dấy loạn’
Nợ quốc gia lên tới 34 ngàn tỷ USD trước khi kết thúc năm 2023. Kể từ đầu năm, mức nợ này đã tăng thêm khoảng 139 tỷ USD, và các nhà kinh tế cảnh báo rằng nợ có thể đạt tới 35 ngàn tỷ USD vào mùa hè.
Với khoản nợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon tin rằng điều này cuối cùng sẽ gây ra một cuộc “dấy loạn” trên thị trường tài chính toàn cầu.
Ngày nay, tỷ lệ nợ trên GDP là khoảng 120%, điều mà ông Dimon mô tả là như một “cây gậy khúc côn cầu”, mặc dù nợ sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2035 khi đạt mức 130%.
“Chúng ta vẫn còn thời gian. Nhưng một khi việc đạt mức nợ đó bắt đầu, thì các thị trường trên khắp thế giới sẽ dấy loạn,” ông nói trong một cuộc thảo luận tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng hôm 26/01. “Đó là một vách đá. Chúng ta nhìn thấy trước vách đá này. Cách khoảng 10 năm. Chúng ta đang đi với tốc độ 60 dặm một giờ.”
Một lý do quan trọng dẫn đến tình trạng dấy loạn có thể xảy ra này là các bên ngoại quốc, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, nắm giữ khoảng ¼, tương đương với 7.8 ngàn tỷ USD, nợ chính phủ Hoa Kỳ.
Dữ liệu gần đây của Bộ Ngân khố cho thấy Nhật Bản đã nâng lượng nắm giữ nợ của chính phủ Hoa Kỳ lên gần 1.128 ngàn tỷ USD. Trung Quốc, quốc gia đang dần giảm lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ, đã bổ sung thêm gần 13 tỷ USD vào tháng Mười Một. Tổng cộng, Bắc Kinh đang duy trì nắm giữ khoảng 782 tỷ USD nợ quốc gia của Hoa Kỳ.
Năm ngoái (2023), Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo nợ quốc gia sẽ vượt quá 50 ngàn tỷ USD vào năm 2033.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times