Biên bản họp của Fed: Hạn chót ngày 01/06 của bà Yellen đối với mức trần nợ có thể xảy đến vào ‘vài tuần sau nữa’
Theo biên bản từ cuộc họp chính sách tháng Năm của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), việc không nâng hạn mức nợ một cách “kịp thời” có thể gây rủi ro đáng kể cho hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ nói chung.
Những người tham dự cuộc họp của FOMC đã đánh giá dự báo của Bộ Ngân khố rằng chính phủ liên bang sẽ không thể đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ nợ của mình sớm nhất là vào ngày 01/06 nếu không tăng hoặc đình chỉ hạn mức nợ. Nhưng biên bản này đã tiết lộ rằng ngày X dự kiến có thể xảy ra muộn hơn thời hạn dự kiến của Bộ trưởng Janet Yellen.
“Ngày thực tế mà sự kiện này xảy ra có thể sẽ đến vào vài tuần sau nữa,” biên bản nêu rõ.
“Lợi suất công khố phiếu và chứng khoán có trả lãi đáo hạn trong nửa đầu tháng Sáu tăng đáng chú ý trong bối cảnh có biến động đáng kể.”
Những người tham dự cuộc họp của FOMC cũng đã thảo luận về tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng, cho rằng tình hình đã ổn định. Dòng tiền gửi chảy ra từ các ngân hàng vừa và nhỏ “phần lớn đã dừng lại” hồi cuối tháng Ba và tháng Tư. Việc đóng cửa và mua lại ngân hàng First Republic Bank “được xem như là có trật tự”, mặc dù các nhà đầu tư vẫn tập trung vào những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính.
“Về các lỗ hổng liên quan đến rủi ro tài trợ, các nhân viên đã đánh giá rằng mặc dù căng thẳng tài trợ là đáng chú ý đối với một số ngân hàng, nhưng những căng thẳng đó vẫn ở mức thấp đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung, đặc biệt là do các can thiệp chính thức của Cục Dự trữ Liên bang, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, và Bộ Ngân khố Hoa Kỳ để trợ giúp những người gửi tiền ngân hàng,” biên bản cho biết. “Dòng tiền gửi ngân hàng chảy ra hồi giữa tháng Ba, vốn tập trung ở một số ngân hàng hạn chế, đã chậm lại.”
Các quan chức cũng cho rằng các ngân hàng đang ở vị thế mạnh hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập niên trước.
Biên bản nói, “Xét về đòn bẩy trong lĩnh vực tài chính, trong giai đoạn căng thẳng ngân hàng gần đây, các ngân hàng thuộc mọi quy mô đều tỏ ra mạnh mẽ, với khả năng hấp thụ đáng kể tổn thất, như được đo bằng các tỷ lệ vốn theo quy định cao hơn nhiều so với mức phổ biến trước cuộc Đại Suy Thoái.”
Về tương lai, những người tham dự cuộc họp của FOMC cho rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng trong những quý tới có thể sẽ buộc các tổ chức tài chính phải thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay nhiều hơn mức họ có thể làm chỉ bằng cách tăng lãi suất.
Tuy nhiên, những biến động trong ngành ngân hàng dự kiến sẽ dẫn đến khủng hoảng tín dụng trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt do các đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương. Do đó, các nhà kinh tế làm việc cho chính phủ dự đoán một “cuộc suy thoái nhẹ” vào cuối năm nay, “tiếp theo là sự phục hồi với nhịp độ vừa phải.”
GDP thực được dự báo sẽ giảm tốc trong hai quý tới và sau đó “giảm nhẹ” vào quý 4/2023 và quý 1/2024. Tăng trưởng GDP thực tế năm 2024 và 2025 được dự đoán dựa trên ước tính của các nhà kinh tế này về mức tăng trưởng sản lượng có thể xảy ra.
Thị trường lao động dự kiến sẽ chậm lại, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng trong năm nay, đạt đỉnh vào năm 2024 và giảm dần vào năm 2025.
Các quan chức Fed đang nói gì
Theo biên bản này, các thành viên của FOMC đã kỳ vọng rộng rãi về mức tăng ¼ điểm phần trăm đối với lãi suất quỹ liên bang chuẩn, với một số người nhìn thấy lãi suất này đang ở “mức cao nhất có thể xảy ra đối với chu kỳ thắt chặt hiện tại.”
Thống đốc Fed Christopher Waller không kỳ vọng chiến dịch tăng lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ kết thúc, mặc dù việc tạm dừng tăng lãi suất có thể xảy ra tại cuộc họp chính sách của FOMC vào tháng tới.
“Tôi không ủng hộ việc ngừng tăng lãi suất trừ khi chúng tôi có bằng chứng rõ ràng rằng lạm phát đang giảm xuống theo mục tiêu 2% của chúng tôi,” ông đã trình bày như vậy trong bài nói được chuẩn bị trước tại một sự kiện theo Dự án Dự báo Kinh tế của Đại học California Santa Barbara. “Nhưng việc chúng ta nên tăng hay bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu sẽ phụ thuộc vào cách dữ liệu đến trong ba tuần tới.”
Chủ tịch Ngân hàng Fed Atlanta Raphael Bostic ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất và muốn giữ nguyên mức lãi suất chính sách hiện tại để xác định mức độ ảnh hưởng của các mức lãi suất cao hơn lên nền kinh tế.
Ông Bostic nói với Hội nghị các Thị trường Tài chính năm 2023 của Fed Atlanta rằng, “Chính sách của chúng tôi hoạt động với độ trễ. Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu khi độ trễ đó bắt đầu có tác dụng và quý vị bắt đầu thấy tình trạng thắt chặt xuất hiện.”
Chủ tịch Ngân hàng Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết việc tạm dừng tăng lãi suất vào tháng Sáu có thể là một kịch bản có khả năng xảy ra, nhưng điều đó sẽ không đồng nghĩa với việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 22/05: “Nếu chúng tôi bỏ qua [việc tăng lãi suất] vào tháng Sáu, điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ của mình. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi đang nhận được nhiều thông tin hơn.”
Chủ tịch Ngân hàng Fed Dallas Lorie Logan thừa nhận rằng 10 lần tăng lãi suất liên tiếp của Fed đã cho phép ngân hàng trung ương đạt được một số tiến bộ. Nhưng tiến bộ này có thể là không đủ để khôi phục lại sự ổn định về giá cả.
“Dữ liệu trong những tuần tới vẫn chưa thể cho thấy việc bỏ qua một cuộc họp tăng lãi suất là hợp lý,” ông Logan cho biết tại một sự kiện của Hiệp hội Ngân hàng Texas hôm 18/05. “Tuy nhiên, tính đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa tới lúc đó.”
Trong một bài báo học thuật được đăng tải hôm 23/05, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã viết rằng ngân hàng trung ương còn nhiều việc phải làm để chống lạm phát.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times