Bí ẩn chưa có lời giải: Thất tinh bố trận – Bí ẩn ngàn năm của thạch động Long Du
Hôm nay xin giới thiệu với mọi người một địa điểm du lịch được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 9 của thế giới” – thạch động Long Du.
Vậy hang động này “kỳ lạ” ở chỗ nào?
Thạch động Long Du là một quần thể thạch động ẩn tàng trên núi Phượng Hoàng huyện Long Du, tỉnh Chiết Giang. Hiện nay có 24 động đã được tìm thấy. Mỗi động đều có chiều cao xấp xỉ 30m, tương đương với tòa nhà 10 tầng, không gian bên trong rộng lớn, khí thế khoáng đạt. Bảy thạch động đầu tiên được khai quật thậm chí còn có trình tự sắp xếp giống hệt Thất tinh Bắc Đẩu trên bầu trời. Vậy ai là người đầu tiên đã khai quật những thạch động này? Khai quật vào thời điểm nào? Với mục đích gì? Cho đến nay những điều này vẫn còn là một bí ẩn.
Trên thực tế, thạch động Long Du đã là một bí ẩn kể từ thời điểm nó được phát hiện. Bởi vì những thạch động này được ẩn tàng dưới đầm nước sâu không thấy đáy trong suốt nhiều năm. Hơn nữa bên trong nó hoàn toàn trống rỗng, không cất giấu bất kỳ bí mật võ công hay kỳ trân dị bảo gì. Vậy danh hiệu “kỳ quan thứ 9 của thế giới” này từ đâu mà có?
Đầm không đáy bí ẩn
Câu chuyện bắt đầu từ 32 năm trước.
Tuy được gọi là núi Phượng Hoàng nhưng thực tế nó chỉ là một ngọn đồi hoang vắng, trên đồi không có bất cứ thứ gì. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, dân làng ở dưới chân núi vì để tránh lũ nên đã kéo nhau chạy lên núi. Từ đó họ phát hiện ra trên núi có rất nhiều đầm nước nhỏ. Nước trong đầm rất trong và đầm sâu không thấy đáy. Dưới nước còn có cá, nhờ đó cải thiện được việc ăn uống của mọi người. Cá rất tươi nhưng họ lại không biết chúng từ đâu đến.
Dân làng cảm thấy sống ở nơi này tốt hơn dưới chân núi, ngoài nguồn nước, còn có thực phẩm, vì vậy về sau họ đã định cư tại những đầm nước này. Thời gian trôi qua, những đầm nước này còn có một biệt danh gọi là “đầm không đáy”. Năm 1992, dân làng bắt được một con cá vua quý hiếm, nặng gần 37 cân.
Thôn dân Ngô A Nãi với tư duy linh hoạt của mình lập tức nghĩ đến con cá vua này to lớn như thế này, vậy trong đầm không đáy liệu có đời con cháu của nó hay không? Thử rút cạn nước trong đầm xem sao, không chừng có thể bắt được thêm nhiều cá, và bán được nhiều tiền. Mọi người đừng nhầm lẫn cái tên Ngô A Nãi này, thực ra đây là một người đàn ông trung niên.
Ngô A Nãi nhanh chóng tìm được ba người đồng hành cùng với mình. Bốn chiếc máy rút nước được kéo đến, họ làm hết sức mình, trong lòng đầy tham vọng. Không ngờ, một đầm nước nhỏ với diện tích chỉ 20 mét vuông, nhưng nước trong đó dù có rút như thế nào cũng không rút hết được nước bên trong. Lẽ nào “đầm không đáy” này quả thực là không có đáy và nối liền với Long cung sao? Tâm hiếu kỳ của bốn người đàn ông này trỗi dậy, họ quyết định sẽ “rút đến cùng”.
Kết quả sau bốn ngày liên tục làm việc, cuối cùng cũng chạm được đến đáy của đầm không đáy. Tuy nhiên, điều họ bắt gặp không phải là bầy cá hoảng loạn vùng vẫy, mà là một bậc cấp thông đến một vùng nước sâu hơn. Xem ra dưới nước có báu vật, lẽ nào là một ngôi mộ cổ ngàn năm tuổi? Mọi người nên biết rằng tại vùng Long Du này một vạn năm trước đã có người sinh sống, người Long Du lúc đó đã biết trồng lúa. Có học giả cho rằng, đây là loại lúa được nhân loại trồng sớm nhất được phát hiện tính đến thời điểm này. Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, nơi này từng là đô thành của một nước chư hầu. Với lịch sử lâu dài như vậy, liệu có thể không có vài ngôi mộ cổ chứa đựng báu vật hay sao?
Nghĩ như vậy, bốn người tăng gấp đôi số lượng máy rút nước, họ dốc hết sức làm việc. Đến ngày thứ chín, hai thạch trụ to lớn với hình thù như đuôi cá xuất hiện. Tám ngày sau, vào ngày thứ 17, một cung điện khổng lồ dưới lòng đất đã lộ diện khỏi mặt nước. Bên trong có thạch thất, có những cây cầu đá, có những con đường, thậm chí là ao hồ. Trên bề mặt những bức tường, trần nhà và thạch trụ đều được chạm khắc hoa văn song song hết sức chỉnh tề. Có nơi còn có hình vẽ ngựa, chim và cá. Loài chim này trông rất cổ xưa, tựa như loài chim vào thời đại khủng long. Tuy nhiên, ngoài những thứ này ra, thì cung điện không có bất kỳ thứ gì khác nữa.
Bốn người này vẫn không cam tâm. Họ lại lần lượt rút sạch nước trong sáu cái đầm gần đó. Kết quả không bắt được cá mà lại phát hiện thấy thạch động được chôn vùi dưới lòng đất. Những thạch động này đều trống rỗng, ngoại trừ một tượng đá không đầu được tìm thấy trong động thứ 7 ra, thì không có gì nữa, không có bóng dáng một con cá nào.
Bốn người thất vọng kết thúc công việc. Tuy nhiên, điều họ không ngờ được rằng, bản thân những thạch động trống rỗng này mới thật sự là những báu vật vô giá.
Sau khi tin tức về thạch động được lan truyền, các học giả chuyên gia trong giới khảo cổ, giới kiến trúc, giới sử học đều lần lượt tìm đến thăm dò. Tiến sỹ Trữ Lương Tài, nhân vật hàng đầu trong giới Hán ngữ cổ đại năm đó đã đích thân cầm đèn tiến vào thăm dò. Sau khi ra ngoài, ông nói: “Một cảm giác chấn động to lớn lan khắp toàn thân.” Đối với sự tiên phong vĩ đại của tổ tiên nhân loại, ông cảm thấy kích động đến mức toàn thân phát run. Có chuyên gia thậm chí còn đánh giá rằng thạch động Long Du là “kỳ quan lớn thứ 9 của thế giới” xếp sau Kim Tự Tháp của Ai Cập và sau Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc”.
Đèn điện cổ đại
Vậy những thạch động này thần kỳ như thế nào?
Đầu tiên là việc lấy ánh sáng. Như đã đề cập ở trên, trần nhà và các bức tường xung quanh đều được chạm khắc hoa văn song song, và rất ngay ngắn chỉnh tề. Có chuyên gia giám định nói rằng, những hoa văn này có thể là vết tích do khí cụ bằng đồng lưu lại khi tiến hành đục tường. Khí cụ bằng đồng được sử dụng nhiều nhất là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, do đó những thạch động này có lịch sử ít nhất là 2,000 năm. Tuy nhiên, những thạch động này đều có hình kim tự tháp, miệng hẹp đáy lớn, bên trong tối đen như mực. Ngay cả vào ngày thời tiết quang đãng nhất thì chỉ dựa vào ánh mặt trời chiếu vào từ lối thoát nhỏ gần miệng hang cũng không đủ đáp ứng điều kiện chiếu sáng. Vậy khi người xưa đục những hoa văn này, họ đã sử dụng hệ thống chiếu sáng nào?
Chiếu sáng ư? Chẳng phải có thể sử dụng đuốc hoặc đèn dầu sao? Tuy nhiên, đuốc hoặc đèn dầu sẽ bốc khói sau khi đốt. Khói sẽ lưu lại vết tích trên các tường đá, tên khoa học gọi là muội than. Những muội than này sau khi bám lên sẽ không cách nào xóa sạch được, và chúng sẽ lưu lại đó hàng ngàn vạn năm. Để khai quật được huyệt động lớn như vậy, nếu dùng các phương pháp chiếu sáng thông thường thời cổ đại, thì sẽ để lại rất nhiều dấu tích của muội than lên các bức tường đá xung quanh, không khéo ngay cả trần nhà cũng sẽ bị hun khói. Nhưng trên thực tế, các chuyên gia không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của muội than. Vậy loại vật dụng chiếu sáng nào đã được sử dụng khi đục những động này?
Có người đã nghĩ đến kim tự tháp. Bên trong kim tự tháp cũng có rất nhiều những bức bích họa tinh xảo. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học thắc mắc vẫn là vấn đề chiếu sáng, bởi vì bên trong kim tự tháp cũng giống thạch động Long Du, không hề tìm thấy bất kỳ sự tồn tại nào của muội than. Vậy người xưa đã sử dụng loại đèn gì để có thể vẽ tranh ngay bên trong kim tự tháp tối tăm như vậy?
Các nhà khoa học nghĩ mãi vẫn không tìm được câu trả lời cho vấn đề này. Cho đến một ngày, một bức bích họa đã thu hút sự chú ý của họ. Một vật tổ hình con rắn trên bích họa trông rất giống một bóng đèn. Hơn nữa, hình ảnh loại bóng đèn này cũng từng xuất hiện trong các bích họa cổ khác của Ai Cập. Trong ngôi đền Hathor nổi tiếng của Ai Cập cũng có một bóng đèn mọc ra từ hoa sen giống như vậy. Đó chính là bóng đèn Dendera nổi tiếng.
Một số nhà nghiên cứu đã so sánh và cho rằng đèn Dendera rất giống với bóng đèn hiện đại được làm từ sự kết hợp của các “ống Crookes”.
Ống Crookes là một ống thủy tinh chân không với không khí rất loãng ở bên trong. Hai đầu của ống thủy tinh có các điện cực. Nếu đặt điện áp cao vào các điện cực ở hai đầu, thì sẽ xuất hiện một chùm ánh sáng giữa hai cực, và nó có thể dùng làm đèn chiếu sáng.
Họ giải thích rằng, ống trong suốt hình chóp của đèn Dendera có tác dụng như một ống thủy tinh chân không. Con rắn bên trong ống là dây tóc hình con rắn. Một bên còn có các sợi dây điện nối với nhau. Như vậy, phải chăng người Ai Cập cổ đại hàng ngàn năm trước đã sử dụng nguyên lý tương tự để tạo ra ánh sáng? Rất có thể là như vậy. Trong các video trước chúng tôi đã từng giới thiệu về pin Baghdad từ 2,000 năm trước. Một chương trình truyền hình đã thành công trong việc sử dụng bản sao của loại pin này để mạ vàng một bức tượng nhỏ, mà loại thuốc nước được dùng để mạ điện lại là nước ép nho được ép ngay tại chỗ. Loại nước ép này rất phổ biến vào thời Baghdad cổ đại. Vậy quý vị nói xem người Ai Cập cổ đại phải chăng đã sử dụng được đèn điện? Điều này thật khó nói.
Vậy nói không chừng nền văn minh Trung Quốc lâu đời hơn cả Ai Cập có phải cũng đã từng sử dụng đèn điện?
Kỳ tích kiến trúc
Ngoài ra, những động này cũng tồn tại kỳ tích trong lĩnh vực kiến trúc. Hãy nhìn xem, nhiều động đến như vậy, mặc dù không thông nhau, nhưng khoảng cách giữa các động chỉ có 50cm, vô cùng chuẩn xác. Hơn nữa, trình tự sắp xếp của chúng cũng có quy luật. Bảy động đầu tiên được phát hiện được sắp xếp theo trình tự Thất tinh Bắc đẩu. Tuy nhiên, vào thời cổ đại mấy ngàn năm trước, nếu không có sự trợ giúp của bất kỳ công cụ tân tiến nào, thì ai có khả năng xác định một cách chính xác vị trí cũng như phương hướng của những thạch động nằm sâu dưới lòng đất, nơi chúng không thể được nhìn thấy hay đo đạc được? Lẽ nào người thiết kế có khả năng thấu thị, có thể nhìn xuyên qua bức tường đá chăng?
Có kiến trúc sư cho rằng những cột trụ cao lớn và các mái hình cung cũng được thiết kế hết sức tỉ mỉ, và phù hợp với nguyên lý cơ học. Chỉ vài cột trụ đơn giản có thể chống đỡ cả một huyệt động to lớn. Hơn nữa trải qua thời gian hàng mấy ngàn năm, chúng không hề bị sụp đổ ngay cả dưới áp lực nước cực lớn. Giới kiến trúc ngày nay cũng khó làm được điều này. Vậy các kiến trúc sư cổ đại làm cách nào có thể tính toán chính xác đến như vậy? Lẽ nào bộ não của họ còn linh hoạt hơn cả máy tính?
Càng ly kỳ hơn nữa là, diện tích của những thạch động này đều khá lớn. Có người đã từng tính toán rằng số đá được đào ra từ những thạch động này có thể tích ước chừng lên đến một triệu mét khối. Điều này có nghĩa là gì? Chuyên gia cho rằng, cần 1,000 công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm trong suốt sáu năm liền mới có thể hoàn thành được khối lượng đó. Suy xét kỹ đến việc giữa các hang động này không có sự liên thông, mỗi động lại được đào một cách độc lập, phương hướng và vị trí lại vô cùng chính xác, do đó sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa. Tuy nhiên, một công trình lớn như vậy không hề được ghi chép trong lịch sử Trung Quốc, càng không được nhắc đến trong truyền thuyết dân gian. Lẽ nào nó là một công trình bí mật? Với mục đích không để ai biết?
Căn cứ của người ngoài hành tinh, cung điện dưới lòng đất hay động tàng binh?
Nếu không muốn ai biết thì chắc hẳn nó là một căn cứ quân sự bí mật. Có người đã nghĩ đến bí ẩn chưa có lời giải về nước Việt cổ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Năm đó, Việt Vương Câu Tiễn chiến bại. Vào thời điểm ông âm mưu phục quốc, Long Du đã là vùng đất của nước Việt. Để không bị nước Ngô phát hiện, Câu Tiễn đã cho rèn đúc vũ khí và huấn luyện binh sỹ ngay trong núi sâu. 20 năm sau, ông quả nhiên đã tiêu diệt được nước Ngô bằng đội quân bí mật này. Triết Giang là một vùng đồi núi, được bao bọc bởi các ngọn đồi nhỏ như núi Phượng Hoàng. Năm đó, Câu Tiễn tiến hành huấn luyện bí mật trên ngọn đồi nào cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Những hang động này liệu có phải là “động tàng binh” năm xưa của Câu Tiễn?
Có người từng đến tham quan thạch động lại cho rằng nó không giống như vậy. Bởi vì, những thạch động này được đào theo phương thẳng đứng, không tiện cho một đội quân lớn thường xuyên ra vào. Hơn nữa các bậc cấp cũng rất cao, mỗi bậc cao tầm 50cm, bước một bước cũng rất khó khăn. Nó không giống nơi quân đội ẩn nấp, mà ngược lại nó giống nơi cất giữ đồ vật hơn.
Vậy lẽ nào chúng thật sự là các cung điện dưới lòng đất được các Đế vương thời cổ đại xây dựng? Có người đã tìm thấy một tấm văn bia được viết bởi đại văn học gia nhà Đường – Hàn Dũ, kể rằng vào thời Xuân Thu khi Chu Mục Vương chấp chính, Cù Châu có vị Từ Yển Vương. Sau khi người này qua đời, [dân chúng] đã “đục đá làm thất để thờ cúng Yển Vương”. Việc “đục đá làm thất” này có phải là tạc một cung điện dưới lòng đất, trong lòng núi để ông ta sử dụng sau khi qua đời không?
Tuy nhiên, những thạch động này không những trống rỗng, mà ngay đến cả quan tài hay vật phẩm an táng cũng không có. Cấu trúc của chúng khác biệt hoàn toàn với các ngôi mộ cổ khác được khai quật. Mấu chốt là, Từ Yến Vương chỉ có một, nhưng thạch động lại rất nhiều, hơn nữa các động lại không thông nhau. Như vậy chắc chắn rằng mỗi động đều có một chủ nhân riêng.
Nơi cư ngụ của Tiên nhân
Nói đến đây, có người lại cho rằng, có câu “Núi không phải nhờ độ cao mà vì có Tiên nhân nên mới nổi tiếng”. Những huyệt động này liệu có phải là nơi cư ngụ của Tiên nhân không? Từ xưa, người tu luyện Đạo gia đều tìm đến nơi hoang vắng không người, ẩn nấp trong các sơn động trên núi để chuyên tu. Nơi đây phải chăng là nơi những người tu Đạo tu luyện thành Tiên? Bát Tiên trong truyền thuyết không chừng đã từng cư trú tại đây.
Cũng không phải không có khả năng này! Chỉ là Đạo gia đều là tự mình đơn độc thanh tu, mà đào những hang động này cần đến nhân lực và vật lực rất lớn. Người xuất gia sống đời thanh bần, không giữ tiền tài, vậy ai đã giúp họ đào những động này? Hơn nữa, những động này lại chi chít gần nhau như vậy, lẽ nào Tiên nhân cũng ở tập thể cùng nhau sao? Điều này có vẻ không đúng.
Vậy lẽ nào là người ngoài hành tinh? Truyền thuyết dân gian kể rằng dưới chân núi Himalaya có khả năng có căn cứ địa của người ngoài hành tinh. Nghe nói rằng họ đã khoét rỗng những ngọn núi và đào những sơn động to lớn để đĩa bay có thể cất cánh và hạ cánh ở trong đó. Những thạch động này tuy lớn, nhưng không thể lớn đến mức đĩa bay có thể cất cánh và hạ cánh trong đó. Hơn nữa, miệng hang nhỏ, lại có bậc cấp, ra vào bất tiện, nhìn thế nào cũng không giống như căn cứ địa của đĩa bay.
Có người lại nói, thời thượng cổ chẳng phải có tộc người khổng lồ Khoa Phụ sao? Những thạch động này phải chăng được xây dựng bởi những người khổng lồ? Những bậc cấp cao như vậy chẳng phải được thiết kế dành riêng cho họ sao? Chẳng phải nó vừa khớp với chiều cao 3m của những người khổng lồ này sao? Ngôi đền Hathor của Ai Cập được nhắc đến ở trên cũng rất to lớn. Nhân vật trên các bức bích họa đều được vẽ theo khung xương của người khổng lồ, rất cao lớn.
Trên thực tế, ngoại trừ tộc người Khoa Phụ trong “Sơn hải kinh”, những bức tượng điêu khắc to lớn trên đảo Phục Sinh, Cự Thạch Trận ở Anh quốc, Cự Thạch Trận Gobekli 12,000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ đều lộ ra bóng dáng của người khổng lồ. Ngoài ra còn có một vài động vật nhỏ được chạm khắc trên các tảng đá lớn của Cự Thạch Trận Gobekli. Có người đào lên và nói rằng, con chim ở thạch động số 1 có phần giống với con chim trên thạch trận. Long Du đã có lịch sử một vạn năm. Lẽ nào một vạn năm trước thế giới này từng bị thống trị bởi người khổng lồ? Người khổng lồ Trung Quốc và người khổng lồ Thổ Nhĩ Kỳ có sự qua lại chia sẻ với nhau chăng?
Dù sao đi nữa, những thạch động này được sử dụng với mục đích gì, do ai xây dựng, và xây dựng vào thời gian nào, cho đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời giải. Và đây cũng là một trong những lý do khiến thạch động Long Du hằng năm thu hút lượng lớn du khách đến thăm dò khám phá. Quý vị cũng có thể thử đến đó xem, biết đâu chính quý vị sẽ là người giải đáp được bí ẩn thì sao.
Xem thêm: Bí ẩn chưa có lời giải: Bí ẩn về Huyền Không tự chấn động thế giới
Theo dõi kênh trên Youtube:
https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
Theo dõi kênh trên Ganjingworld:
https://www.ganjing.com/zh-TW/channel/1eiqjdnq7go2dgb6zFtQ9TYK11080c
Tham gia nhóm “Bí ẩn chưa có lời giải” trên Telegram:
Tổ “Bí ẩn chưa có lời giải” thực hiện
Tịnh Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ