Bí ẩn chưa có lời giải: Bí ẩn sinh tử của Dương Quý Phi
Bài viết này giới thiệu hai mỹ nhân tuyệt sắc. Họ là người trong cùng một gia tộc, sống cách nhau cả ngàn năm lịch sử. Cả hai đều có tài năng nghệ thuật thiên phú, đều kết hôn vì tình yêu nhưng cuối cùng có kết cục hoàn toàn khác nhau.
Câu chuyện bắt đầu từ một tin tức được lan truyền có tính bùng nổ vào năm 2002. Cô Yamaguchi Momoe, nữ hoàng vĩnh cửu nổi tiếng của Nhật Bản đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng tổ tiên của cô là Dương Quý Phi.
Ai cũng biết, năm đó Dương Quý Phi còn đang ở độ tuổi thanh xuân rực rỡ phải bỏ mình dưới chân dốc Mã Ngôi và không để lại người con nào. Vậy sao nàng lại có hậu duệ? Chẳng lẽ, Dương Quý Phi năm đó không mất, nàng chạy về phía đông, sau đó sang Nhật Bản, định cư ở đó và kết gia lập thất, sinh con sao? Điều này có thể không? Chúng ta hãy giải mã bí ẩn này.
Câu chuyện của nghệ sĩ Yamaguchi Momoe
Chúng ta trước tiên hãy nói về cô Yamaguchi Momoe. Vào thập niên 1970, Yamaguchi Momoe là ngôi sao nổi tiếng khắp Châu Á ở cả ba lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và ca hát. Trong đó, tài nghệ ca hát vượt trội hơn cả, cô thực sự là tài năng thiên phú.
Trên mạng internet có một đoạn video được lưu truyền rất rộng rãi, đó là bài hát “Tình yêu ở Yokosuka”. Trong một diễn đàn âm nhạc có trình độ cao là trận so tài âm nhạc giữa đội đỏ và đội trắng của Đài truyền hình NHK của Nhật Bản năm 1976, khi đó cô Yamaguchi Momoe mới 18 tuổi, hát chung bài hát này với ca sĩ Đặng Lệ Quân, 24 tuổi. Diễn xuất của ca sĩ Đặng Lệ Quân rất hoàn mỹ nhưng khả năng của Yamaguchi Momoe cũng không hề thua kém. Phần biểu diễn của hai người được nhận xét là ngang tài ngang sức. Tài năng ca hát của Yamaguchi Momoe lúc đó không hề tầm thường. Trên thực tế, không ít ca khúc kinh điển của Hoa ngữ vào thập niên 80, 90 như “Gió tiếp tục thổi”, “Mạn Châu sa hoa” đều được cô Yamaguchi Momoe thể hiện.
Nghệ sĩ Yamaguchi Momoe không chỉ hát hay mà ngoại hình cũng rất xinh đẹp. Trong mấy năm đóng phim ngắn ngủi, cô đã diễn không ít vai tuyệt thế giai nhân. Mỗi bộ phim đều là tác phẩm kinh điển của màn bạc. Khí chất thanh tao, thuần khiết lại càng khó có người bắt chước được. Năm 1984, bộ phim truyền hình “Huyết nghi” do cô sắm vai chính đã tạo hiệu ứng chấn động sau khi phát sóng tại Trung Quốc. Hình tượng thiếu nữ Hạnh Tử bị bệnh máu trắng do cô diễn xuất đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Cho đến nay, nghệ sĩ Yamaguchi Momoe vẫn là một trong những người Nhật Bản có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc.
Thế nhưng từ rất sớm, vào năm 1980, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, cô Momoe đã tuyên bố giải nghệ quy ẩn. Cô kết hôn cùng ‘người tình màn ảnh’ Tomokazu Miura. Từ đó, cô trở thành bà chủ gia đình, chuyên tâm lo tề gia nội trợ và không quay trở lại ngành giải trí. Năm đó cô mới 21 tuổi.
Nhưng tâm tình Momoe có thể thực sự ‘tĩnh lặng như nước’ và từ bỏ sự nghiệp ca hát yêu thích của mình không? Mọi người đều không tin. Những lời kêu gọi mong muốn cô quay trở lại vẫn không dứt, nhưng cô ấy không bao giờ dao động. Sau khi giải nghệ, cô không tham gia các sự kiện truyền thông và gần như không tiếp nhận phỏng vấn. Tuy nhiên, điều thú vị là làng giải trí vốn luôn thích cái mới và bài xích cái cũ lại rất ‘chung tình’ với Yamaguchi Momoe. Ngay cả khi cô đã rời xa làng giải trí trong một thời gian dài, bất kỳ tin tức nhỏ nào về cô cũng có thể dễ dàng xuất hiện trên trang nhất của báo chí truyền thông.
Vì vậy, quay lại thời điểm lan truyền tin tức vào năm 2002, có người nói, phải chăng cô Yamaguchi Momoe muốn lợi dụng sự nổi tiếng của Dương Quý Phi để thổi phồng lượng truy cập? Người nói điều này ắt vì không hiểu về cô Momoe. Chưa nói đến việc cô ấy vốn không muốn lăng xê, nhưng nếu muốn nổi tiếng, chỉ cần cô sẵn sàng nhận phỏng vấn cũng đủ để xuất hiện trên mặt báo, không cần mượn danh người khác.
Nhà họ Dương ở Chiết Giang
Vậy thì, cô Yamaguchi Momoe có phải là hậu duệ của Dương Quý Phi không? Phóng viên đã dày công tìm hiểu và tìm thấy một số manh mối.
Tổ tiên của cô Yamaguchi Momoe thực sự là người họ Dương. Tuy nhiên, họ không phải là hậu duệ của Dương Quý Phi, mà có nguồn cội từ gia tộc họ Dương ở Khê Đầu, trấn Sa Liễu, huyện Tam Môn, tỉnh Chiết Giang, gần bờ biển Hoa Đông. Theo một tin tức từ trang Sina.com, vào năm 2003, một phóng viên của “Báo Tân Dân buổi chiều” đã đến làng họ Dương ở Khê Đầu để tìm hiểu thực tế. Người này nhìn thấy trong gia phả họ Dương ghi chép như thế này: “An Lôi, tự Nhữ Bình, hiệu Minh Châu, đi Ninh Ba rồi mất tích.”
Vị tiên sinh Dương Minh Châu này đã mất tích trong một cơn bão vào năm Sùng Trinh thứ hai đời nhà Minh (tức năm 1629). 357 năm sau, vào mùa xuân năm 1986, hai người Nhật Bản là ông Yoshimichi Koken và ông Mitsutomo Yamaguchi mang cuốn gia phả họ Dương được biên soạn vào năm Khang Hy thứ 29 (tức năm 1690) đến làng tìm kiếm tổ tông. Hóa ra, năm đó ông Dương Minh Châu trôi dạt trên biển đến núi Yaeyama thuộc quần đảo Ryukyu, sau đó ở lại đó sinh sống. Ông trở thành một thầy giáo dạy chữ Hán rất được kính trọng ở địa phương, lập gia thất và lưu lại rất nhiều hậu duệ. Lúc ấy, ông vẫn mang họ Dương. Khi quần đảo Ryukyu thuộc về Nhật Bản, ông liền đổi họ. Người con trưởng đổi họ Dương thành Koken, người con thứ đổi thành họ Yamaguchi. Vào tháng 2 năm 1998, gia tộc Koken và Yamaguchi ở Nhật Bản đã nhập lại vào gia phả họ Dương ở Khê Đầu, chính thức nhận tổ quy tông.
Câu chuyện này rất thú vị phải không? Có thể Yamaguchi Momoe biết chuyện này nên mới nói mình là hậu duệ của Dương Quý Phi. Nhưng không biết ở đây có nhầm lẫn khi phiên dịch hay không, ý Yamaguchi Momoe muốn nói năm đó có lẽ là cô ấy và Dương Quý Phi cùng gia tộc họ Dương thì đúng hơn.
Mộ Quý Phi ở Nhật Bản
Tại sao lại nhắc đến họ Dương, có phải cô ấy nghĩ đến Dương Quý Phi không? Bởi vì Dương Quý Phi thật sự rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Từ trước đến nay, ở Nhật Bản rất tôn sùng văn hóa của Đại Đường. Dương Quý Phi được thừa nhận là biểu tượng sắc đẹp của nhà Đại Đường, nghiễm nhiên cũng được tôn kính. Vì thế, ở Nhật Bản có đền miếu thờ cúng bà, có “Hội nghiên cứu Dương Quý Phi”, có diễn kịch Nōgaku ca ngợi câu chuyện tình yêu giữa vua Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Kịch Nōgaku là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống có tính đại biểu nhất ở Nhật Bản. Thậm chí, còn có cả mộ của Dương Quý Phi.
Mộ Dương Quý Phi nằm ở một làng chài bên bờ biển Nhật Bản có tên là Kutsu (Cửu Tân). Người dân ở đây tin chắc rằng, năm đó Dương Quý Phi không mất đi mà ngồi trên “thuyền không mũi” và phiêu dạt theo sứ thần sang Nhật Bản. Người ta nói rằng, nàng đã chiết tự chữ Dương đổi tên thành “Bát Mộc” (tiếng Nhật là “Yagi”) và bắt đầu cuộc sống mai danh ẩn tính. Nhưng không lâu sau, Quý Phi qua đời. Mọi người mai táng nàng trong sân vườn. Đây là ngôi mộ Quý Phi mà mọi người nhìn thấy hiện nay.
Bức tượng bằng ngọc trắng của Dương Quý Phi đứng lặng im ở trung tâm khuôn viên, tóc búi cao, thân đứng hơi nghiêng, mặt hướng ra biển, khuôn mặt không chút biểu cảm, để lại cho người xem sự tưởng tượng vô hạn.
Như vậy, có thể mộ phần là có thật. Nhưng, người nằm trong mộ là ai, hoặc giả trong mộ có thi hài hay không, điều này rất khó nói.
Vượt biển sang Nhật Bản?
Như vậy, Dương Quý Phi thật sự vượt biển đến Nhật Bản sao? Hãy xem sử sách ghi chép như thế nào.
Chính sử ghi chép, lúc ấy Dương Quý Phi được chôn cất sơ sài ở ven đường, vật tùy thân là một cái túi thơm. Sau khi bình định được cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng từng bí mật phái người tới cải táng mộ phần sao cho có chút thể diện. Sau khi trở về, người được phái đi đã báo cáo rõ sự tình. Sử sách có hai kiểu ghi chép. Trong “Cựu Đường thư” viết: “Da thịt đã hư hoại, túi thơm vẫn còn,” nhưng “Tân Đường thư” lại chỉ nói: “Túi thơm vẫn còn,” không nhắc đến di thể người bên trong như thế nào. Điều này khiến mọi người có tưởng tượng xa vời.
Trước tiên, nói một chút vì sao lại có hai quyển Cựu Đường thư và Tân Đường thư. Mọi người đều biết, ở Trung Quốc thông thường đều là triều đại sau chỉnh sửa sách lịch sử của triều đại trước. “Cựu Đường thư” được biên soạn vào thời kỳ Hậu Tấn, tức trong thời Ngũ Đại Thập Quốc, sau thời nhà Đường. Vương triều Hậu Tấn tương đối đoản mệnh, trong nước luôn rối loạn bất an, nên việc ghi chép lịch sử của triều đại trước không chân xác. Chỉ trong thời gian bốn năm đã vội hoàn thành “Cựu Đường thư” nên việc soạn chép có phần sơ sài.
Đến thời Đại Tống, Tống Nhân Tông không vừa ý, nói sách sử này viết ra, muốn văn chương không có văn chương, muốn sự thật lịch sử không có sự thật lịch sử, tản mát rời rạc, không có chương pháp, bèn hạ lệnh soạn viết lại. Về sau, đại văn hào Âu Dương Tu dẫn đầu một nhóm người trong thời gian 17 năm biên soạn lại một bản mới, chính là “Tân Đường thư”.
Cho nên, hậu thế đa phần cho rằng “Tân Đường thư” đáng tin cậy hơn “Cựu Đường thư”. Ví như, chuyện Dương Quý Phi đã từng là Thọ vương phi, trong Cựu Đường thư” không ghi chép, nhưng trong “Tân Đường thư” đề cập đến. Vậy tại sao trong “Tân Đường thư” không có một chữ nào nói về di thể của Dương Quý Phi còn ở trong mộ hay không? Chẳng lẽ phía sau có điều gì bí ẩn?
Trong bài thơ nổi tiếng “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị có câu “Mã Ngôi pha hạ nê thổ trung, bất kiến ngọc nhan không tử xứ” (Trong đất bùn dưới dốc Mã Ngôi, không thấy nhan sắc ngọc ngà, chỗ nàng mất trống không). Câu thơ này cùng với đoạn ghi chép trong sử liệu “chợt nghe trên biển có núi Tiên… Trong đó rất nhiều Tiên nữ thướt tha. Có một người tự là Thái Chân, da trắng như tuyết không khác gì hoa,” đã tạo thành chứng cứ xác thực cho thuyết Dương Quý Phi vượt phía đông đến Nhật Bản. Dương Quý Phi trước khi tiến cung từng xuất gia làm Đạo cô. Thái Chân chính là pháp hiệu của nàng năm đó. Trong thơ nói Dương Quý Phi làm Tiên nữ ở núi Tiên trên biển. Núi Tiên trên biển này, không phải là Nhật Bản mà người ta thường gọi là Đông Doanh sao?
Tin tức cứ như vậy truyền đi truyền lại, giả thuyết về việc Dương Quý Phi đến Nhật Bản bắt đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, có người đột nhiên nói, thơ ca nói riêng, sáng tác văn học nói chung có tính khoa trương, tưởng tượng, nhưng không thể đem chúng làm tư liệu lịch sử. Người năm đó xử tử Dương Quốc Trung và yêu cầu ban cái chết cho Dương Quý Phi là Đại tướng quân Trần Huyền Lễ. Ông là người cùng với Huyền Tông giành lại giang sơn từ tay Võ Tắc Thiên. Mọi người không dễ bị lừa như vậy.
Nghê thường vũ y
Rất nhanh sau đó lại có người kiến nghị phương án giải quyết, đưa ra thuyết pháp “thoát kiếp phi thăng” của Đạo gia. Trung Hoa vĩ đại có một đặc điểm rất khác biệt so với các nền văn minh cổ xưa khác là tương đối khoan dung về tín ngưỡng. Đạo gia của Trung Hoa cùng Phật gia từ phương Tây truyền đến không bài xích nhau. Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử đều được tín kính, sùng ngưỡng. Năm đó, Hoàng đế Huyền Tông cùng Dương Quý Phi tương đối thiên vị Đạo gia. Khúc nhạc “Nghê thường vũ y khúc” nổi tiếng thiên cổ do Hoàng đế Huyền Tông sáng tác chính là để diễn tấu khi cúng tế Lão tử ở Thái Thanh cung.
Khúc nhạc này tương truyền là Tiên nhạc mà năm đó Huyền Tông mộng du đến Nguyệt cung có được. Huyền Tông gặp được Tiên nữ xinh đẹp ở đó, luôn nhớ mãi không quên. Về sau Hoàng đế gặp được Dương Ngọc Hoàn liền kinh động như gặp Thiên nhân. Dương Ngọc Hoàn lần đầu tiên diện kiến vua tại Hoa Thanh trì, Huyền Tông liền sai người diễn tấu khúc nhạc “Nghê thường vũ y khúc” để đón tiếp nàng. Về sau, Huyền Tông lại vì Dương Quý Phi chế định ra điệu múa Nghê thường vũ y. Dương Quý Phi cũng là một vũ đạo có tài năng thiên phú. Nàng nhảy múa thực sự nhẹ nhàng chẳng khác nào Tiên nữ giáng trần. Hãy xem đại thi nhân Lý Bạch năm đó hình dung như thế nào về vẻ đẹp của Dương Quý Phi:
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung, xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi quần ngọc sơn đầu kiến, hội hướng dao đài nguyệt hạ phùng.
(Thanh Bình nhạc)
Trong thơ nói, mây muốn biến thành xiêm áo của Quý Phi, hoa muốn trở thành dung mạo của Quý Phi. Vẻ đẹp của nàng như bông hoa mẫu đơn ngậm sương trong gió xuân ấm áp bên cạnh đình trầm hương. Nếu không phải lên núi Tiên Quần Ngọc mới có thể nhìn thấy các tiên nữ thướt tha, thì nhất định chỉ có dưới ánh trăng tại Dao Đài mới có thể gặp được nữ Thần Tiên.
Bài thơ này là năm đó khi Lý Bạch đang giữ chức Hàn Lâm được Huyền Tông triệu kiến vào cung và ra lệnh cho ông sáng tác thơ trước mặt Dương Quý Phi. Sự tài tình của Lý Bạch cùng vẻ đẹp của Quý Phi đều ở trong đó. Khi đó, Lý Bạch đã làm bạn với hai người họ được một thời gian dài. Huyền Tông viết khúc nhạc mới nào, nhất định ông sẽ tìm Lý Bạch để sáng tác lời. Bài “Thanh bình nhạc” chính là một bài như thế. Nhạc của Huyền Tông, thơ của Lý Bạch, vũ điệu của Dương Quý Phi, lúc ấy đều được đánh giá là trác tuyệt. Huyền Tông đối với ái phi tài sắc vẹn toàn của mình càng hết mực sủng ái, muốn gì được nấy. Đáng tiếc điều này cũng là khởi đầu cho mầm mống tai họa về sau.
Trở lại câu chuyện ở trên, bởi vì hai người đều tín phụng Đạo giáo, Dương Quý Phi lại là nhân vật giống như Tiên nữ, còn xuất gia làm Đạo cô, cho nên có người liền nói, Dương quý phi có phải là dùng phép “thi giải” ‘ve sầu thoát xác’ của Đạo gia hay không? “Thi giải” nói đến chính là chướng nhãn pháp của Đạo gia. Mọi người đều cho rằng người này đã mất, nhưng di thể đặt ở chỗ đó không phải là thi thể thật, mà là dùng một vật phẩm biến hóa mà thành. Ví như nói, một cái túi thơm chẳng hạn. Sau khi chôn quan tài xuống đất, vật phẩm này liền biến đổi trở về nguyên dạng.
Cho nên tại sao ở mộ Quý Phi khi mở quan tài chỉ thấy túi thơm không thấy người? Chính là nguyên nhân này. Quý vị cảm thấy lời giải thích này có thể tiếp nhận hay không?
Mối hận kéo dài
Ngàn năm qua, chuyện liên quan tới sinh tử của Dương Quý Phi năm đó luôn được mọi người thảo luận sôi nổi kịch liệt. Nhưng mọi người có suy nghĩ vấn đề từ góc độ của Dương Quý Phi hay không?
Trên thực tế, trong “Tân Đường thư” ghi chép, Dương Quý Phi sau khi nghe tin An Lộc Sơn tạo phản, nàng cảm thấy bản thân có lỗi, liền đi tìm Huyền Tông xin được ban chết. Huyền Tông đương nhiên không đồng ý. (“Phi liên tiếp xin chết, Hoàng đế có ý ngăn cản, thế mới dừng lại.”) Từ đây có thể thấy, có lẽ Dương Quý Phi năm đó vì thành toàn cho Hoàng đế nên đã tiếp nhận lụa trắng tự nguyện nhận lấy cái chết. Có người phân tích nói, Dương Ngọc Hoàn mặc dù ỷ lại việc được sủng ái mà sinh lòng kiêu ngạo, nhưng dù sao cũng không phải giống như yêu tinh Ðát Kỷ. Chuyện trái phải rõ ràng trước mặt, nàng vẫn tự hiểu rõ.
Bất kể như thế nào đi nữa, sinh ly cũng tốt, tử biệt cũng được, cuộc sống những năm tháng cuối đời của Hoàng đế Huyền Tông chắc chắn trải qua trong cô độc. Ông tìm người vẽ một bức tranh Dương Quý Phi rồi treo ở biệt điện. Mỗi ngày sớm tối đều đến xem một chút. Đôi khi chỉ nhìn chân dung bức họa một chút, nước mắt ông đã tuôn trào. Dẫu rằng giai nhân đã thành Tiên tử thì đôi bên cũng đã mãi mãi cách xa.
Một ngàn năm sau, lại có một cô nương họ Dương mới trưởng thành. Cô có nhan sắc tuyệt mỹ, cũng có tài năng thiên phú hơn người, tuổi còn nhỏ đã nhận được muôn vàn sự ái mộ. Về sau, cô được gả cho một người đàn ông bình thường. Họ một đời không cãi nhau, hôn nhân vượt qua 40 năm, đến bây giờ vẫn vững như bàn thạch, ra ngoài vẫn cư nhiên tay trong tay.
Vị cô nương này chính là Yamaguchi Momoe. Trong bảng xếp hạng các cặp vợ chồng được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản, chỉ cần vợ chồng Momoe có trên danh sách thì vị trí đứng đầu bảng mãi mãi đều là họ, vĩnh viễn đều không có dị nghị. Có người nói, trên thế giới này nếu quả thật có Thần Tiên quyến thuộc thì đó chính là vợ chồng Yamaguchi Momoe và Tomoka Yamaura. “Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành,” thệ ước này năm xưa Hoàng đế Huyền Tông và Dương Quý Phi chưa thể cùng nhau giữ trọn, thì đôi vợ chồng người Nhật Bản bình thường này đã thực hiện được rồi.
Nếu như để quý vị lựa chọn, quý vị muốn một tình yêu mãnh liệt như Dương Quý Phi hay mong muốn có hạnh phúc đơn sơ giống như cô Yamaguchi Momoe?
Đăng ký kênh Youtube:
https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
Đăng kí kênh Ganjing Word:
https://www.ganjing.com/zh-TW/channel/1eiqjdnq7go2dgb6zFtQ9TYK11080c