Bệnh dịch bạch hầu ở Việt Nam
Sáng 8/7, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 8 ổ dịch tại 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk R’lấp. Tổng số ca dương tính với bệnh bạch hầu là 28, trong đó, 2 ca tử vong đều ở huyện Đắk Glong.
Hiện ổ dịch thứ 8 tại bản Bu Ndoh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) đã phát hiện 3 ca dương tính, nhiều người nghi vấn đang được kiểm tra y tế, lấy mẫu để điều trị. Hơn 300 người dân tại bản cũng được cách ly hoàn toàn đến ngày thứ bảy.
Chính quyền địa phương đã lập các chốt kiểm soát tại các ngả đường vào xã để tẩy trùng, khử độc, đảm bảo an toàn chung.
Trước đó Truyền thông Việt Nam tối 7/7 dẫn thông tin về cuộc họp khẩn về dịch bạch hầu của Bộ Y tế diễn ra từ chiều cùng ngày. Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết căn bệnh đã xuất hiện tại tỉnh thứ 5, tổng số ca bệnh đã tăng lên 63, cao gấp 3 trung bình hàng năm và dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh mới.
Ông Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết ngày 7/7, khu vực Tây Nguyên đã tăng 10 ca so với ngày 6/7. Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số lên 25 ca. Tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, nâng tổng số lên 15 ca. Tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên 22 ca.
Ông Long nhận định tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước. Diện mắc bệnh rộng hơn, đối tượng mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, không riêng trẻ em đặc biệt tỷ lệ tử vong khá cao.
Bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, tiếp xúc gần, và tiếp xúc trực tiếp người bệnh; biến chứng nguy hiểm nhất là viêm cơ tim, suy tim, gây ngừng tim… WHO đánh giá bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%.
Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tập trung phòng ngừa như phòng ngừa dịch virus Trung Cộng. Trước mắt, bộ này sẽ triển khai chủng ngừa cho toàn bộ trẻ em ở 4 tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh nguy có cơ cao là Quảng Nam, Quảng Ngãi để ngăn ngừa bệnh, dự kiến bắt đầu từ ngày 9/7.
Trong đó, trẻ 2-4 tháng tuổi tiêm vaccine 5 trong 1, trẻ 18-22 tháng tuổi, trẻ 5-7 tuổi tiêm vaccine 3 trong 1 do Việt Nam sản xuất, người lớn sẽ tiêm vắc xin Td ngừa bạch hầu – uốn ván giảm liều, với liều bằng 1/5 của trẻ em.
Ông Long cũng yêu cầu cần phải điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Ví dụ, trong xã có người mắc bệnh thì lập tức mọi người trong xã phải uống thuốc dự phòng. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả những xã có người mắc bệnh (hạn chế ra vào, ra vào vùng dịch phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần)…
Tính tới ngày 7/7, Việt Nam công bố ghi nhận tổng cộng 63 ca bệnh bạch hầu, tại 5 tỉnh: Kon Tum (22 ca), TP.HCM (1 ca), Gia Lai (15 ca), Đắk Nông (25 ca), Đắk Lắk (1 ca). Các ca bệnh xuất hiện rải rác từ đầu năm 2020, tăng nhanh từ tháng 6 đến nay.
Trong đó, từ ngày 21/6-5/7, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2); 1 ca (20 tuổi) tại TP.HCM đã bình phục.
Theo Tiến Sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vi khuẩn bạch hầu có khả năng đề kháng cao và tồn tại không chỉ ở người mắc bệnh mà cả người lành mang vi khuẩn nên bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở nơi chưa từng xuất hiện bệnh trước đó.
Nguyễn Sơn thực hiện