Bê bối chôn vùi chiến công của ông Boris Johnson
Thủ tướng Anh từ chức trong bê bối, được tiếp sức bởi giới truyền thông cánh tả Anh, những người thuộc phái bảo tồn truyền thống ích kỷ, và chính bản thân ông
Vì tôi sẽ gửi bài từ Vương quốc Anh trong vài tuần tới, tôi nghĩ tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình về việc ông Boris Johnson từ chức, liên quan đến một cơ hội lớn bị bỏ lỡ và một quyết định không thể bao biện.
Một mặt, chúng ta sẽ đề cập đến việc ông ấy đã trao cho giới truyền thông cánh tả Anh một vụ bê bối kịch tính như thế nào thông qua sự ngu ngốc tự gây ra cho bản thân. Mặt khác, chúng ta sẽ thảo luận về việc ông Johnson đã bỏ lỡ một cơ hội kinh tế quan trọng để tăng cường thương mại của Anh hậu Brexit.
Hai sự kiện này có thể chính là những yếu tố quyết định thời gian tại vị của ông.
Tìm kiếm câu trả lời
Vụ bê bối dẫn đến việc ông Johnson từ chức là việc ông bổ nhiệm Nghị viên Chris Pincher làm phó lãnh đạo đặc trách kỷ luật hồi tháng Hai, mặc dù ông được cho là đã biết trước về tiền sử lâu dài bị cáo buộc của ông Pincher là động chạm thân thể của những người đàn ông khác.
Trong vài ngày qua, đã có nhiều suy đoán về những gì ông Johnson biết về ông Pincher và thời điểm mà ông ấy biết điều đó. Câu chuyện đó tiếp tục tiến triển, nhưng có vẻ như quá khứ của ông Pincher đã được nhiều người biết đến.
Ý tưởng rằng ông Johnson không hay biết về quá khứ của ông Pincher chỉ đơn thuần là không đáng tin. Vậy tại sao vị thủ tướng này lại bổ nhiệm một người như vậy?
Sự việc có thể chỉ đơn giản là việc hoàn trả một đặc ân chính trị. Nhưng dù là gì đi nữa thì nó cũng không khôn ngoan. Việc từ chức sau đó của ông Johnson là một kết cục đáng buồn cho nhiệm kỳ thủ tướng của ông, vốn lẽ ra còn có thể hơn thế rất nhiều.
Cưỡi làn sóng Brexit lên đỉnh cao quyền lực
Hãy nhớ rằng ông Johnson đã trở lại nắm quyền vào năm 2019 với chiến thắng lớn nhất kể từ sau chiến thắng của bà Margaret Thatcher vào năm 1987. Ông Johnson có nghĩa vụ nghiêm túc là hoàn thành Brexit một cách dứt điểm.
Brexit là một cơ hội an toàn và mạnh mẽ cho ông Johnson. Đó là nguyện vọng của người dân Anh để rời khỏi Liên minh Âu Châu. Ông Johnson đã tận dụng việc Thủ tướng Đảng Bảo Thủ Theresa May không đạt được thỏa thuận Brexit để trở lại nắm quyền, khi ông cam kết sẽ hoàn thành nó.
Ông Boris đã thực hiện lời hứa đó — ít nhất là nửa đầu của lời hứa.
Trên thực tế, không nghi ngờ gì về việc ông Johnson đã rút Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh Âu Châu. Nhưng việc rời đi và từ bỏ một mối liên kết thương mại là một chuyện, còn việc thay thế nó bằng một mối liên hệ mới lại là một chuyện khác. Về khía cạnh đó, ông Johnson không thể — hoặc không muốn — đưa ra một hiệp định thương mại thay thế cho hiệp định mà Anh vừa rút khỏi.
Lựa chọn tốt nhất vào thời điểm đó là đàm phán một hiệp định thương mại tự do sâu rộng với Hoa Kỳ. Ông Johnson đã có một cơ hội nhỏ nhoi nhưng chắc chắn để làm điều đó với cựu Tổng thống Donald Trump nhưng đã không tận dụng được.
Đây thực sự là một cơ hội khá tốt để thay thế thỏa thuận thương mại của EU bằng một thỏa thuận thuận lợi hơn với Hoa Kỳ. Chính phủ ông Trump chắc chắn sẽ ủng hộ việc thực hiện một thỏa thuận thương mại song phương với Vương quốc Anh.
Trên thực tế, thỏa thuận này có thể sẽ có lợi cho cả đôi bên.
Hãy cùng thỏa thuận
Hãy nhớ rằng vào thời điểm đó, chính phủ ông Trump đang hoàn toàn chuyên tâm vào việc độc lập thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc trên một số phương diện.
Thuế quan áp lên hàng trăm tỷ sản phẩm của Trung Quốc đã được thi hành, đây là một biến chuyển lớn trong chính sách. Hoa Kỳ cũng đang gây sức ép buộc Âu Châu và các đồng minh khác tẩy chay Huawei, đại công ty sản xuất thiết bị mạng và điện thoại của Trung Quốc vốn là một nguồn đánh cắp dữ liệu cho Bắc Kinh.
Trên quy mô rộng hơn, các công ty sản xuất của Hoa Kỳ và phương Tây đã bắt đầu hồi hương (reshoring) hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia gần với thị trường chính của họ hơn (nearshoring) để đối phó với chi phí lao động tăng cao, hoạt động đánh cắp dữ liệu, chi phí vận chuyển, và các yếu tố tiêu cực khác của Trung Quốc.
Nói tóm lại, Hoa Kỳ chắc chắn có tâm trạng để ký kết các thỏa thuận thương mại mới.
Tầm nhìn của chính phủ ông Trump vào thời điểm đó là thiết lập và củng cố liên kết đối tác mới với Vương quốc Anh và Âu Châu đồng thời làm suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính phủ ông Johnson lẽ ra đã có thể đưa nỗ lực Brexit của họ lên đỉnh cao của thành công bằng một thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một hiệp định thương mại đa giai đoạn không nằm ngoài tầm với
Vậy ông Johnson đã làm gì?
Ông đã để mặc cho các cuộc đàm phán thương mại tự do trượt khỏi tầm tay.
Không phải tất cả cùng một lúc, mà là trong khoảng thời gian hơn mười tháng hoặc lâu hơn trước cuộc tổng tuyển cử năm 2020 ở Hoa Kỳ. Tất nhiên, một hiệp định thương mại đầy đủ và toàn diện giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có lẽ sẽ không thể hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn như vậy — nhưng một hiệp định nhiều giai đoạn vẫn có thể được tạo ra.
Một thỏa thuận như vậy có thể cho phép hệ thống hóa một số điểm căn bản về lợi ích chung, với một lịch trình thỏa thuận cho các giai đoạn đàm phán tiếp theo cho các lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm hơn trong tương lai.
Một hiệp định khung nhiều bước như vậy sẽ tương tự như những gì chính phủ ông Trump đã đặt ra cho Trung Quốc.
Về mặt chính trị, ông Johnson có thể sẽ bị lên án một cách vô tội vạ là đầu hàng người Mỹ về mặt thương mại. Nhưng ông ấy vẫn sẽ bị lên án về mặt chính trị cho dù ông ấy có làm gì đi chăng nữa. Đó là bản chất của báo chí cánh tả Anh.
Nhưng với một hiệp định thương mại tự do, ít nhất ông ấy có thể bảo đảm một số lợi thế thương mại lẽ ra đã có thể có lợi cho Vương quốc Anh trong thời điểm kinh tế khó khăn này.
Anh lẽ ra có thể ở vị thế tốt hơn hiện tại
Có thể lập luận rằng, suy cho cùng, ông Johnson sẽ có vị thế thương mại mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ so với với Liên minh Âu Châu vì lý do đơn giản là thương mại song phương có thể linh hoạt và có lợi hơn thương mại đa phương, vì trong đó lợi ích quốc gia phải được xem xét.
Nhưng do không bảo đảm được một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ khi có cơ hội, Vương quốc Anh ngày nay vẫn chưa có một hiệp định như vậy.
Hơn nữa, chính phủ Tổng thống Biden không vội vã để thực hiện một hiệp định như vậy.
Thành công lớn nhất dưới sự lãnh đạo của ông Johnson là thực hiện lời hứa hoàn thành kế hoạch Brexit như đã được người Anh bỏ phiếu.
Ông ấy đã làm được điều đó.
Nhưng khi nói đến việc đưa ra bất kỳ thỏa thuận thương mại hậu Brexit nào có giá trị — đặc biệt là khi ông ấy có cơ hội đạt được một thỏa thuận lớn với Hoa Kỳ — ông ấy đã không nắm bắt được cơ hội khi nó ở trước mặt mình, cho dù điều đó có liên quan đến việc nỗ lực nhiều hơn trong các cuộc đàm phán hoặc trở nên linh hoạt hơn trong một số lĩnh vực.
Đáng buồn thay, tai tiếng dường như là một phần của tất cả các chính phủ ở mức độ này hay mức độ khác. Trong trường hợp của ông Johnson, hành động cuối cùng của ông trên cương vị thủ tướng cũng là một trong những vụ bê bối, khi ông từ chức mà không có động cơ chính đáng.
Liệu một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ có giải quyết được tất cả các thách thức kinh tế của Anh?
Tất nhiên là không, nhưng nó đã có thể khá hữu ích.
Ông Johnson có biết về quá khứ của ông Pincher trước khi bổ nhiệm ông này vào vị trí cao của ông ta không?
Nếu ông ấy có biết, và dường như điều này có vẻ rõ ràng, thì sự khinh bỉ mà ông ấy đang nhận được là xứng đáng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông James R. Gorrie là tác giả của “The China Crisis” (“Cuộc Khủng Hoảng Trung Quốc”, NXB Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông hiện đang sinh sống tại Nam California.