Không thể coi nhẹ tác động kinh tế của việc công ty ngoại quốc rời khỏi Trung Quốc
Một chuyên gia đầu tư Trung Quốc cho biết, việc phong tỏa COVID nghiêm ngặt của Thượng Hải đã làm suy giảm khả năng thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc của Trung Quốc.
Ông Hoàng Phong (Huang Feng), chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Ngoại quốc Thượng Hải chia sẻ trong một cuộc họp video rằng, tác động của đợt phong tỏa ở Thượng Hải đã tạo ra một môi trường đầu tư ngoại quốc tồi tệ nhất mà ông từng thấy trong 30 năm.
Thượng Hải, trung tâm kinh tế và thương mại của Trung Quốc với dân số hơn 24 triệu người, đã sống trong một đợt phong tỏa hà khắc kéo dài hai tháng kết thúc hôm 01/06.
Ông Hoàng cũng cho biết mức độ sẵn sàng đầu tư của các công ty ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm trong vài năm qua. Không chỉ vậy, họ còn tìm đường đi nơi khác.
Ông Hoàng nói: “Làn sóng di cư ra ngoại quốc của các ngành thâm dụng lao động là một xu hướng và một danh mục khác cũng cho thấy xu hướng tương tự là các ngành thâm dụng vốn và công nghệ”.
Ông nói thêm: “Nếu các doanh nghiệp này rời khỏi Trung Quốc do chuỗi cung ứng và các yếu tố chính trị khác, nó sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông Hoàng trình bày tại sự kiện trực tuyến của Quỹ Nghiên cứu Phát triển Thượng Hải với chủ đề: “Cách Quan Sát Dòng Di Cư Hướng Ra Ngoài Hiện Tại Của Một Số Doanh Nghiệp Ngoại Quốc.”
Cùng tham gia nói chuyện có ông Lý Hưng Kiền (Li Xingqian), Giám đốc Ngoại thương của Bộ Thương mại.
Ông Lý nói rằng một số ngành công nghiệp ở Trung Quốc đã bị mất đơn đặt hàng cho các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc và đồng ý rằng các công ty ngoại quốc đang chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Nhưng ông ấy đã cố gắng coi nhẹ các vấn đề bằng cách mô tả dòng chảy ra ngoại quốc của các đơn đặt hàng là có “tác động hạn chế” và rằng chúng “có thể kiểm soát được theo quy mô.”
Mặt khác, ông Hoàng cho biết không thể bỏ qua tác động của việc dời sang hải ngoại của các công ty ngoại quốc.
Ông nói: “Chúng ta đang nói về ba động lực của nền kinh tế Trung Quốc — tiêu dùng, xuất cảng, và đầu tư, trong đó xuất cảng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà.”
“Nếu những công ty định hướng xuất cảng đó chuyển ra khỏi Trung Quốc, điều đó sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế, bao gồm cả tỷ lệ việc làm.”
Bài diễn văn của Thủ tướng về các vấn đề kinh tế đã bị kiểm duyệt
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người chịu trách nhiệm chính về các chính sách kinh tế vĩ mô, đã triệu tập một hội nghị chuyên đề hôm 06/06.
Cả Tân Hoa Xã và CCTV, đều đưa ra thông cáo báo chí về sự kiện này vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, CCTV đã cắt xén rất nhiều phần trong bài diễn văn của ông Lý, tất cả đều liên quan đến các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.
Ví dụ, ngay sau khi ông Lý bắt đầu bài diễn văn của mình, ông nói rằng các nhà quản lý cảng vừa báo cáo với ông rằng khối lượng vận chuyển tại các cảng lớn của Trung Quốc vẫn chưa trở lại mức bình thường. CCTV đã xóa toàn bộ câu nói này.
CCTV cũng loại bỏ tuyên bố của ông Lý về các biện pháp cụ thể để đối phó với các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như, “cố gắng xóa bỏ các rào cản hậu cần do con người tạo ra” ở một số khu vực nhất định, “hợp lý hóa quy trình phê duyệt” để xây dựng các cơ sở hậu cần hiện đại, “tạo ra một môi trường thương mại quốc tế định hướng thị trường căn cứ theo các quy định của pháp luật” để hồi sinh nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận chính trị sống tại Hoa Kỳ, gần đây đã chia sẻ quan điểm của mình về việc CCTV kiểm duyệt bài diễn văn trên kênh YouTube của ông Lý.
Ông cho thấy rằng những gì CCTV đã loại bỏ đều liên quan đến các vấn đề mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt, cũng như các biện pháp cụ thể được ông Lý đề xướng nhằm giải quyết những vấn đề này.
Ông Trần nói, một nền kinh tế có vấn đề cần được hành động tức thời hoàn toàn khác với cách nhìn nhận của ông Tập Cận Bình và phe của ông Tập, những người luôn tung hô rằng nền kinh tế Trung Quốc đang rất hưng thịnh.
Việc kiểm duyệt này cũng là một dấu hiệu cho thấy sự tranh giành quyền lực giữa các lãnh đạo cao cấp trong nội bộ của Bắc Kinh. Đằng sau các hãng thông tấn nhà nước khác nhau của Trung Quốc là phe của ông Tập hoặc phe chống ông Tập, những người đang sử dụng các mối liên hệ tương ứng của họ trong các cơ quan này để gây ảnh hưởng đến dư luận.
Ông Trần nói, “Điều này càng chứng minh một điều rằng cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang diễn ra rất khốc liệt, đặc biệt là khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ ngày càng tới gần.”
Bên cạnh việc ca ngợi nền kinh tế Trung Quốc, phần lớn các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng biểu dương chính sách “zero COVID linh hoạt” của ông Tập, cho rằng nó mang lại sự chắc chắn hơn cho nền kinh tế Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Cô Jessica Mao là nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2009.