Quy trình tranh cử vị trí lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ Vương quốc Anh
Việc thủ tướng Boris Johnson từ chức kích khởi phát súng đầu tiên cho cuộc chạy đua thay thế ông làm lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Vương quốc Anh.
Tổng chưởng lý Suella Braverman đã thông báo rằng bà sẽ ra tranh cử trong cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo, trong khi ông Steve Baker — nghị viên thứ yếu (nghĩa đen của từ “backbencher” là nghị viên ngồi hàng ghế sau, tức là nghị viên không nắm chức danh trong chính phủ và do đó phải ngồi hàng ghế sau trong các phiên họp) có ảnh hưởng và là người ủng hộ Brexit trung thành — cũng đã gợi ý rằng ông đang đùa giỡn với ý tưởng tranh cử.
Một số nhân vật lớn trong Nội các cũng được cho là sẽ tham gia tranh cử để thay thế ông Johnson.
Đây là cách mà quy trình phức tạp này dự kiến sẽ diễn ra.
– Ai chủ trì cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo?
Ủy ban năm 1922, một ủy ban quyền lực gồm các nghị viên thứ yếu do Sir Graham Brady chủ trì, có thẩm quyền cao nhất trong việc thiết lập các quy tắc trong bất kỳ một cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo nào của Đảng Bảo Thủ.
Các cuộc bầu cử vị trí lãnh đạo chỉ xảy ra nếu một nhà lãnh đạo Đảng Bảo Thủ từ chức hoặc nếu họ thua trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm giữa các nghị viên.
Giờ đây khi ông Johnson đã từ chức, một cuộc tranh cử quyền lãnh đạo sẽ được tổ chức để chọn ra người thay thế ông làm lãnh đạo Đảng Bảo Thủ.
– Khi nào thì cuộc tranh cử bắt đầu?
Trong bài diễn văn từ chức của mình bên ngoài Downing Street, ông Johnson nói rằng ông đã đồng ý với Sir Graham “rằng quá trình lựa chọn nhà lãnh đạo mới đó nên bắt đầu ngay bây giờ và thời gian biểu sẽ được công bố vào tuần tới.”
Thời gian biểu đó, do Ủy ban 1922 và Trụ sở Chiến dịch của Đảng Bảo Thủ ấn định, có thể sẽ chứng kiến một nhà lãnh đạo mới của Đảng Bảo Thủ được bầu vào vị trí trước hội nghị đảng vào tháng Mười.
Rất khó để biết ở giai đoạn này cuộc tranh cử sẽ kéo dài bao lâu, với thời gian biểu chính xác sẽ được tiết lộ vào tuần tới, nhưng quá trình thay thế bà Theresa May hồi năm 2019 đã mất khoảng 40 ngày.
Một số nghị viên Đảng Bảo Thủ bày tỏ mong muốn đẩy nhanh quá trình để có một nhà lãnh đạo mới nhậm chức càng sớm càng tốt.
– Ai sẽ được bỏ phiếu?
Cả các nghị viên và các thành viên Đảng Bảo Thủ đều đóng một vai trò quyết định trong việc bầu ra nhà lãnh đạo tiếp theo.
Các nghị viên Đảng Bảo Thủ sẽ loại bỏ các ứng cử viên cho đến chỉ còn hai ứng cử viên cuối cùng thông qua một quy trình bỏ phiếu, sau đó các thành viên trong đảng sẽ bầu chọn một trong hai ứng cử viên mà họ mong muốn.
– Quá trình này diễn ra như thế nào?
Nếu có nhiều ứng cử viên, cuộc tranh cử quyền lãnh đạo thường trải qua hai giai đoạn.
Ban điều hành của Ủy ban 1922 cùng trụ sở của Đảng Bảo thủ sẽ xác định các quy tắc và thủ tục về cách một cuộc tranh cử sẽ diễn ra.
Những quy tắc đó, cũng như thời gian biểu, sẽ do chủ tịch Ủy ban 1922 công bố.
Giai đoạn đầu tiên chứng kiến số lượng ứng cử viên giảm dần với một loạt các cuộc bỏ phiếu.
Nếu cần thiết, qua nhiều cuộc bỏ phiếu, các ứng cử viên có số phiếu bầu thấp nhất sẽ bị loại và các nghị viên được bỏ phiếu lại cho đến khi chỉ còn lại hai ứng cử viên.
Ví dụ, trong cuộc tranh cử lãnh đạo năm 2019 để thay thế bà Theresa May, vốn chứng kiến ông Boris Johnson được bầu làm lãnh đạo, ban đầu có 10 ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, với một số vòng bỏ phiếu diễn ra cho đến khi chỉ còn lại ông Johnson và ông Jeremy Hunt.
– Điều gì xảy ra sau đó?
Ở giai đoạn này, hai nghị viên còn lại sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu của các thành viên Đảng Bảo Thủ.
Điều có nghĩa là các thành viên trong đảng sẽ có quyền quyết định về việc ai sẽ là lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ, cũng như thủ tướng tiếp theo.
Một lần nữa, thời gian biểu cho một cuộc thăm dò như vậy, với sự tham gia của các thành viên trên toàn quốc, do Ban điều hành Ủy ban 1922 xác định.
– Liệu ông Boris Johnson có thể tranh cử không?
Ông Boris Johnson sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo đảng. Theo quy định của Đảng Bảo Thủ, một nhà lãnh đạo từ chức thường không đủ điều kiện để tranh cử bất kỳ cuộc bầu cử lãnh đạo nào tiếp theo.