Bất chấp nỗi sợ suy thoái, Hoa Kỳ bổ sung 372,000 việc làm trong tháng Sáu, vượt các ước tính
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã có thêm 372,000 việc làm trong tháng Sáu, cao hơn mức ước tính của thị trường là 250,000. Mặc dù tăng trưởng việc làm vượt quá kỳ vọng trong tháng Sáu, nhưng mức tăng việc làm tích lũy trong tháng Tư và tháng Năm ít hơn 74,000 so với mức được báo cáo trước đó.
Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại trong những tháng tới do lo ngại suy thoái gia tăng.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố hôm thứ Sáu (08/07), số việc làm phi nông nghiệp đã tăng 372,000 trong tháng, so với 384,000 trong tháng Năm. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 3.6%.
Các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, giải trí và khách sạn, và chăm sóc y tế đều có mức tăng trưởng việc làm đáng chú ý trong tháng trước.
Thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.3% so với tháng trước, trong 12 tháng qua thu nhập hàng giờ tăng 5.1%. Tăng trưởng tiền lương thấp hơn tỷ lệ lạm phát 8.6%, có nghĩa là nhân viên đang mất tiền khi chi tiêu của họ tăng nhanh hơn.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm nhẹ xuống 62.2% vào tháng Sáu, vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Việc làm của khu vực tư nhân đã phục hồi lại những việc làm đã bị mất ròng do đại dịch gây ra và nhiều hơn 140,000 việc làm so với hồi tháng 02/2020, trong khi việc làm của chính phủ có ít hơn 664,000 việc làm, theo BLS.
Việc làm trong lĩnh vực giáo dục và dịch vụ y tế tăng cao nhất trong tháng Sáu, với 96,000 việc làm mới.
Việc làm trong các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh tăng 74,000. Và hoạt động giải trí và khách sạn đã tạo ra 67,000 việc làm, khi việc mở rộng các dịch vụ ăn uống và đồ uống tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, so với mức độ trước đại dịch, số người ở trong lĩnh vực giải trí và khách sạn giảm 1.3 triệu người, tương đương 7.8%.
Mức tăng trong tổng số việc làm phi nông nghiệp trong tháng Tư đã được điều chỉnh giảm 68,000 xuống 368,000, trong khi mức thay đổi của tháng Năm được điều chỉnh giảm 6,000 xuống 384,000. Theo BLS, sau những sửa đổi này, việc làm trong tháng Tư và tháng Năm thấp hơn 74,000 so với các báo cáo ban đầu.
Theo một loạt dữ liệu việc làm được công bố trong tuần này, thị trường lao động nóng hổi đang có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đạt mức cao nhất trong 7 tháng là 235,000 trong tuần kết thúc hôm 02/07, vượt dự báo của thị trường là 230,000. Mức trung bình bốn tuần, loại bỏ sự biến động hàng tuần, đã tăng đều đặn hàng tuần kể từ đầu tháng Tư. Số đơn thất nghiệp tiếp tục cũng tăng lên 1,375 triệu trong tuần kết thúc hôm 25/06.
Một dữ liệu BLS trước đó đã nhấn mạnh rằng số lượng việc làm đã giảm xuống còn 11.254 triệu vào tháng Năm, giảm từ 11.7 triệu vào tháng Tư. Số người Mỹ bỏ việc trong tháng Năm cũng giảm nhẹ xuống còn 4.27 triệu người, giảm so với mức 4.327 triệu người của tháng trước.
Hơn nữa, các công ty Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch cắt giảm hơn 32,500 việc làm khỏi bảng lương của họ vào tháng trước, con số cao nhất kể từ tháng 02/2021. Con số này cũng tăng gần 59% so với cùng thời điểm một năm trước.
Ông Andrew Challenger, Phó chủ tịch cao cấp của Challenger, Grey & Christmas, Inc., cho biết trong một tuyên bố: “Các nhà tuyển dụng đang bắt đầu phản ứng với áp lực tài chính và nhu cầu chậm lại bằng cách cắt giảm chi phí. Trong khi thị trường lao động vẫn còn thắt chặt, sự thắt chặt đó có thể bắt đầu giảm bớt trong vài tháng tới.”
Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West Economics, đã kiểm tra chỉ số quản lý mua hàng phi sản xuất (PMI) mới nhất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), cho thấy sự giảm sút trong việc làm, giảm từ 50.2 trong tháng Năm xuống 47.4 vào tháng Sáu. Điều này diễn ra sau khi chỉ số PMI sản xuất của ISM cũng cho thấy việc làm giảm sút, từ 49.6 trong tháng Năm xuống 47.3 vào tháng Sáu.
Trong khi các công ty lớn bắt đầu cắt giảm nhân viên, các doanh nghiệp nhỏ đang giảm quy mô lực lượng lao động với số lượng lớn. Theo dữ liệu của ADP vào tháng Năm, các doanh nghiệp nhỏ đã cắt giảm 91,000 việc làm.
Deutsche Bank lo ngại rằng sự suy yếu trên diện rộng của nền kinh tế Hoa Kỳ có thể xâm nhập vào thị trường lao động trong năm nay.
Ngân hàng viết trong một báo cáo nghiên cứu vào đầu tuần này: “Nếu điều đó xảy ra, một cuộc suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn cho đến nay có thể sẽ chuyển thành một cuộc suy thoái truyền thống hơn, làm phức tạp thêm kế hoạch thắt chặt của Fed. Động lực này có thể làm ngắn chu kỳ tăng của Fed trước khi họ đạt được kỳ vọng lãi suất cuối cùng hiện tại của chúng ta.”
Mức độ yếu kém này của thị trường lao động không hoàn toàn nằm ngoài dự đoán.
Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng việc đó chắc chắn sẽ làm hạ nhiệt thị trường việc làm đang nóng. Thông thường, một môi trường lãi suất tăng làm giảm hoạt động kinh doanh, có nghĩa là các công ty có thể thuê ít nhân công hơn hoặc cung cấp phiếu hồng (thông báo cho nghỉ việc) cho nhân viên. Tại một diễn đàn của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) ở Sintra gần đây, chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói Bồ Đào Nha rằng “không có gì bảo đảm” tổ chức này có thể chống lại lạm phát tăng cao mà không làm tổn hại đến thị trường việc làm.
Ông Bryce Doty, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Sit Fixed Income, cho rằng Fed muốn ít việc làm hơn.
Ông viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Năm: “Mọi thành viên của Fed đều dự đoán rằng việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và cuối cùng sẽ làm giảm lạm phát. Ý thức chung phổ biến là tình trạng thiếu lao động trầm trọng đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên vật liệu và dịch vụ trên toàn bộ nền kinh tế, điều này đã thúc đẩy lạm phát. Mở rộng lực lượng lao động của đất nước là giải pháp hiển nhiên.”
Theo Tóm tắt các Dự báo Kinh tế của Fed, được cập nhật trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng trước, dự báo tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 3.7% cho năm 2022, 3.9% cho năm 2023 và 4.1% cho năm 2024.
Trong khi đó, đối với ngày càng nhiều công ty và nhà kinh tế ở Wall Street thì Hoa Kỳ đang trên bờ vực suy thoái. Một số người tin, bao gồm cả Tập đoàn đầu tư Wells Fargo, rằng Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái kinh tế, nói với Bloomberg rằng tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể cao hơn các ước tính trước đó của họ. Nhóm này dự đoán rằng trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 4.3% và sau đó là 5.2% vào cuối năm 2023.
Cô Jill Gonzalez, một nhà phân tích tại WalletHub, một ấn phẩm tài chính cá nhân, cho biết nếu điều kiện việc làm xấu đi trong bối cảnh suy thoái và lạm phát, hoàn cảnh của hàng triệu người Mỹ có thể “trở thành thảm họa”.
Cô nói trong một tuyên bố: “Một cuộc suy thoái tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ thất nghiệp đáng kể. Mất việc không bao giờ là tốt, nhưng khi quý vị kết hợp nó với lạm phát cao như vậy, nó thực sự có thể trở thành thảm họa. Ngay cả những người Mỹ đang có việc làm cũng đang phải vật lộn để có đủ tiền mua những thứ thiết yếu như thực phẩm và xăng. Nếu những con số đó tăng lên trong khi nhiều người thất nghiệp hơn, chúng ta có thể thấy một nền kinh tế đang suy thoái sâu.”
Trong quý đầu tiên, nền kinh tế giảm 1.6%. Ước tính GDPNow của Ngân hàng Fed Atlanta cho thấy nền kinh tế đã giảm 1.9% trong quý thứ hai.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.