Bất chấp những cuộc thảo luận về thoái vốn, các quỹ hưu trí khu vực công của Hoa Kỳ vẫn đổ hàng tỷ USD vào Trung Quốc
Tòa Bạch Ốc muốn hạn chế các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, nhưng các nhà phê bình cho rằng những nỗ lực này chưa đi đủ xa.
Chính phủ liên bang đã cố gắng hạn chế các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, nhưng những nỗ lực này có thể bị đe dọa bởi các quỹ hưu trí công đang đầu tư hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo dữ liệu gần đây từ Future Union, một nhóm thương mại phi đảng phái, tính đến ngày 30/06/2023, trong ba năm qua các quỹ hưu trí công của Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 68 tỷ USD. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy 72 quỹ hưu trí ở 42 tiểu bang sở hữu ít nhất một quỹ hưu trí công đã được đầu tư vào Trung Quốc hoặc Hồng Kông thông qua nhiều quỹ khác nhau, kể cả trong các lĩnh vực nhạy cảm. 39% đã thực hiện đầu tư trong 12 tháng qua.
Future Union cho biết California và New York là các tiểu bang đóng góp chính.
Quỹ Hưu trí Chung của Tiểu bang New York (NYSCRF) đã dành số tiền mặt lớn nhất trong số tất cả các quỹ hưu trí công cho việc đầu tư vào Trung Quốc: 8.392 tỷ USD.
Tiếp theo là Hệ thống Hưu trí Công chức California (CaIPERS) và Hệ thống Hưu trí Giáo viên Tiểu bang California (CALSTRS) lần lượt đầu tư 7.8 tỷ USD và 5.559 tỷ USD.
Ở những nơi khác tại Hoa Kỳ, Ủy ban Đầu tư Tiểu bang Washington (WASIB) đã đầu tư 5.025 tỷ USD, Hệ thống Hưu trí Nhân viên Trường Công Pennsylvania (PAPSERS) đã phân bổ 3.22 tỷ USD, và Hệ thống Hưu trí và Lương hưu Maryland (MASRPS) đã đổ 3.05 tỷ USD vào các khoản đầu tư vào Trung Quốc.
Nhưng với việc nhiều quỹ hưu trí công của tiểu bang và địa phương phải đối mặt với hàng tỷ USD nợ không được tài trợ, các quan chức có thể sẽ cố gắng theo đuổi mọi con đường có thể để bịt kín những lỗ hổng của họ.
Một nghiên cứu gần đây của Truth in Accounting, “Tình trạng tài chính của các thành phố”, cho thấy nợ lương hưu ở cấp địa phương lên tới gần 176 tỷ USD và chi phí các phúc lợi sau khi kết thúc thời gian làm việc (OPEB), đặc biệt là về chăm sóc sức khỏe, đã vượt quá 135 tỷ USD.
Trong khi đó, không chỉ các quỹ hưu trí công mới đa dạng hóa vào Trung Quốc. Một loạt các trường đại học và tổ chức bất vụ lợi đã cam kết tài trợ cho Bắc Kinh.
Ví dụ, Đại học Michigan duy trì một khoản tài trợ đã đầu tư 1.6 tỷ USD “trong 83 khoản đầu tư.” Đại học Texas đã rót 1.6 tỷ USD vào 29 khoản đầu tư ở Trung Quốc. Đại học California đã đầu tư 1.5 tỷ USD vào gần hai chục khoản đầu tư.
Trong số các quỹ đáng chú ý có khoản đầu tư lớn vào các quỹ tư nhân liên quan đến Trung Quốc, Quỹ MacArthur, Quỹ Carnegie, và Quỹ Andrew W. Mellon là một số cái tên lọt vào danh sách này.
“Bộ luật thuế của Hoa Kỳ cung cấp các đặc quyền để khuyến khích các cá nhân và tổ chức giàu có duy trì các ưu đãi hào phóng và chấp nhận rủi ro để đổi lấy việc bảo vệ tài sản theo các trạng thái miễn trừ thuế hợp pháp,” báo cáo cho biết. “Nhiều quyết định đầu tư của các tổ chức nhân sinh này đã không có nguyên tắc, phản bội lợi ích của đất nước chúng ta khi đầu tư vào các quốc gia đáng lo ngại như Trung Quốc.”
Bất chấp những thảo luận gay gắt về việc thoái vốn khỏi Trung Quốc, nhiều bên vẫn tiếp tục tham gia vào thị trường Trung Quốc.
Các quy định hạn chế của Tòa Bạch Ốc
Mùa hè vừa qua, chính phủ đương nhiệm đã ban hành lệnh cấm đầu tư vào một số lĩnh vực cụ thể của Trung Quốc, đặc biệt là ngành công nghệ, liên quan đến trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, và điện toán lượng tử.
Bộ Ngân khố lưu ý rằng việc đề ra quy định này là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
“Hoa Kỳ được hưởng lợi từ môi trường đầu tư cởi mở và chương trình mới này sẽ không thay đổi điều đó. Chương trình này nhắm mục tiêu hẹp vào các khoản đầu tư vào các công nghệ và sản phẩm có tính nhạy cảm cao nhằm mục đích bảo vệ cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” Bộ Ngân khố cho biết trong một tuyên bố. “Bộ Ngân khố dự đoán sẽ loại trừ một số giao dịch nhất định, bao gồm cả những giao dịch tiềm năng trong các công cụ giao dịch công khai và chuyển khoản nội bộ công ty từ công ty mẹ ở Hoa Kỳ sang các công ty con.”
Biện pháp của Tổng thống Joe Biden là một diễn biến khác trong câu chuyện Mỹ-Trung. Trong khi Tòa Bạch Ốc khẳng định có ý định duy trì mối quan hệ đối tác với Bắc Kinh, thông điệp của chính quyền Hoa Kỳ là vốn của Hoa Kỳ không thể giúp tăng tốc khả năng quân sự của Trung Quốc.
Các nhà quan sát thị trường và các nhà hoạch định chính sách cho rằng những nỗ lực này chưa đi đủ xa.
Ông Robert Kharchatryan, Giám đốc điều hành và người sáng lập công ty tiếp vận quốc tế Freight Right Global Logistics, nói với The Epoch Times, để đạt được hạn chế về đầu tư và thương mại ở Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể cần phải đánh giá một bộ công cụ mà mình có thể sử dụng, “bao gồm giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư nước ngoài, các biện pháp trừng phạt có tính nhắm thẳng, và khuyến khích thoái vốn khỏi các lĩnh vực quan trọng ở Trung Quốc.”
Ông Kharchatryan cho biết thêm: “Những con số này làm nổi bật khoảng cách giữa các cuộc thảo luận thoái vốn và chiến lược tài chính thực tế, cho thấy một cách tiếp cận thận trọng để tách khỏi thị trường Trung Quốc.”
Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới
Ủy ban Đặc biệt Hạ viện đã công bố một báo cáo cho biết mô hình kinh tế của Trung Quốc “không tương thích với WTO.” Do đó, báo cáo của lưỡng đảng khuyến nghị chấm dứt đầu tư vốn cổ phần tư nhân của Hoa Kỳ vào Trung Quốc cũng như đẩy nhanh quá trình thoái vốn.
“Nếu điều này không thể đạt được trong phạm vi giới hạn của WTO, thì cần phải có một nỗ lực đa phương mới của các nền kinh tế thị trường có cùng chí hướng để quay trở lại các nguyên tắc ban đầu,” báo cáo nêu rõ. “Bởi vì hệ thống kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đi ngược lại với các nguyên tắc sáng lập của WTO, nên các hành động nhằm bảo vệ Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu chống lại sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc phù hợp với cam kết của Hoa Kỳ đối với một hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc định hướng thị trường.”
Đã hơn hai thập niên kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO. Ban đầu, người ta tin rằng Bắc Kinh sẽ duy trì và mở rộng những cải tổ theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc hầu như đã từ bỏ các nguyên tắc thị trường và lạm dụng hệ thống WTO bằng cách ngăn chặn các nỗ lực thay đổi các quy tắc của cơ quan quốc tế mà về lý thuyết sẽ nhắm vào Trung Quốc.
Các quan chức Hoa Kỳ tuyên bố họ đang nỗ lực làm việc để thúc đẩy các tổ chức như WTO áp dụng cải cách.
Xuất hiện tại sự kiện của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) mới đây, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai tiết lộ bà và các đồng nghiệp tiếp tục thúc đẩy các chiến dịch cải cách bên trong WTO.
“Đây là một cuộc cải cách thể chế nằm ngay trong nghị trình và chúng tôi đang phải chất vấn các câu hỏi về cải cách một cách rất tích cực,” bà Tai nói. “Chúng tôi đang có những cuộc trò chuyện rất thẳng thắn và khó khăn, và tôi nghĩ cách làm này đã củng cố tầm quan trọng của WTO.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times