Bảo vệ sự tự do cho từng đứa trẻ một
Ngụ ngôn Aesop kể về câu chuyện giữa chó nhà và chó sói như sau:
Một con chó sói bị đói khát, gầy ốm, nó gặp một con chó nhà khỏe mạnh, được ăn uống no đủ. Chó nhà thấy chó sói khó mà có cơ hội sống sót, liền mời chó sói đến trang trại sống cùng với nó. Chó nhà nói: “Cậu sẽ được ăn uống no đủ với nhiều loại thức ăn. Những gì cậu phải làm là sủa khi đánh hơi thấy người lạ, chơi đùa với bọn trẻ của chủ nhân. Cuộc sống thật dễ dàng và thoải mái.”
Chó sói chảy nước miếng khi nghe chó nhà kể về viễn cảnh cuộc sống sắp tới, nhưng nó chợt nhìn thấy chiếc dây quấn quanh cổ chó nhà, liền hỏi: “Cái gì quấn quanh cổ cậu thế?”
“Ồ, đó…”, chó nhà trả lời. “Không có gì. Nó chỉ được sử dụng khi họ xích tôi lại.”
“Cậu phải đeo cái xích? Cậu không được tự do làm những gì cậu muốn hay đi đến những nơi cậu muốn?”
“Không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng tôi không quan tâm.”
“Cảm ơn cậu rất nhiều. Nhưng tôi muốn giữ tự do cho riêng mình”, chó sói nói rồi quay đầu chạy vào rừng.
Trên các chiến trường ngày nay
Câu chuyện ngụ ngôn của Aesop nêu trên là một phép ẩn dụ tuyệt vời cho tình trạng hỗn loạn của các phe nhóm chính trị ngày nay. Một số người Mỹ muốn bảo tồn quyền tự do truyền thống của mình, chính phủ không can thiệp vào cuộc sống và công việc của họ càng nhiều càng tốt. Còn những người khác, như chó nhà trong câu chuyện của Aesop, sẵn sàng đeo chiếc vòng cổ để được chủ nhân chăm sóc. Sự khác biệt về giá trị là vấn đề cốt lõi của các cuộc chiến chính trị ngày nay.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chủ nghĩa tập thể đã giành được sự ủng hộ của người Mỹ trong thế kỷ 21. Như cuộc thăm dò của Gallup năm 2019, số người có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội gia tăng, nhưng số liệu cũng cho thấy quan điểm của người Mỹ về chủ nghĩa xã hội là “phức tạp” và “đa sắc thái”.
Tôi cho rằng những quan điểm về chủ nghĩa xã hội là “phức tạp” và “đa sắc thái” bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, đặc biệt là ở những công dân trẻ của chúng ta. Theo nhóm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, một phần ba thế hệ Millennials (những người sinh trong giai đoạn thập niên 1980 – 1990) tin rằng nhiều người đã bị giết dưới thời George Bush hơn là dưới thời Joseph Stalin. Gần một nửa số thành viên lớn tuổi hơn của thế hệ Z, những người sinh năm 1997 trở về sau, cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho xã hội chủ nghĩa và 1/5 sẽ bỏ phiếu cho người cộng sản lãnh đạo. Nếu điều này là đúng, chúng ta hiểu rằng thế hệ trẻ đã hoàn toàn không biết gì về bóng tối của các phong trào tập thể trong 100 năm qua, những vụ giết hại hàng triệu người trên thế giới, việc bỏ tù hàng triệu người khác và đàn áp những quyền tự do cơ bản nhất.
Những quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản không chỉ đến từ việc tẩy não hoặc thiếu hiểu biết về lịch sử của chủ nghĩa tập thể. Thế hệ trẻ của chúng ta cũng còn thiếu hiểu biết về chủ nghĩa tư bản, Hiến pháp và các quyền tự do truyền thống của Hoa Kỳ.
Tình yêu đất nước của chúng ta đã không còn
Trong cuốn sách “The End of Education” (tạm dịch: Sự kết thúc của giáo dục) xuất bản năm 1995 của Neil Postman, việc sử dụng từ “kết thúc” trong tiêu đề có hai ý nghĩa (mục đích và dự đoán về tương lai của các trường công lập). Postman nghiên cứu một báo cáo đánh giá các mục tiêu giáo dục liên quan đến Hội đồng Quản trị New York. Báo cáo gồm 41 mục tiêu tập trung vào “những gì trẻ em nên làm, nên biết và có thể làm”. Postman lưu ý một mục tiêu không có trong báo cáo là “có được và/hoặc làm sâu sắc thêm tình yêu đất nước của người dân”. Ông viết rằng sự thiếu sót này không có gì lạ, việc “miễn cưỡng đưa lòng yêu nước vào như một ‘giá trị’” là hành động điển hình của các hệ thống trường học trên toàn quốc.
Và cuốn sách đã được xuất bản 26 năm trước đây.
Nhiều người Mỹ thuộc các thành phần chính trị đều tức giận trước văn hóa xóa sổ, sự đúng đắn về chính trị và tâm lý chủ nghĩa tập thể của các phóng viên tin tức dòng chính, các học giả và một số chính trị gia của chúng ta. Nhưng chúng ta quên rằng những người này chỉ đang bắt chước người khác một cách mù quáng. Rõ ràng họ không bao giờ học được tinh thần Mỹ, vẻ đẹp của Giấc mơ Mỹ cũng như thành tựu và lý tưởng khiến quốc gia này trở thành một miền đất của cơ hội. Trên biên giới phía nam của chúng ta, nơi những người nhập cư vẫn đang yêu cầu được nhập cảnh là bằng chứng cho thấy rất nhiều người còn nhìn nhận Hoa Kỳ như một miền đất của cơ hội. Nhưng không ai dám lên tiếng chỉ trích tại nơi nhập cảnh vào Bắc Triều Tiên, Cuba hay Trung Quốc.
Kiên quyết bảo vệ những thứ chúng ta đã có
Là những cá nhân, chúng ta có thể làm gì để cản trở quá trình hướng đến chủ nghĩa xã hội đồng thời thúc đẩy tình yêu dành cho Hoa Kỳ và nền kinh tế tự do?
Chúng ta có thể bắt đầu những điều tốt đẹp từ trong chính ngôi nhà của chúng ta cùng với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là từ con cháu của chúng ta. Ở trong những thành trì vững chắc này, chúng ta có thể dạy và thực hành tính độc lập, trách nhiệm, nền kinh tế tự do và chủ nghĩa yêu nước.
Nền độc lập
Chúng ta cần yêu thương và yêu thương với tất cả nhiệt huyết đối với sự tự do có trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và các quyền tự do khác mà quy luật tự nhiên ban tặng. Chúng ta có quyền tự do suy nghĩ, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp một cách hòa bình, quyền sở hữu vũ khí và cả các quyền tự nhiên khác. Đây không phải là những quyền hạn do bất kỳ chính phủ nào sắp đặt mà là quyền do Chúa ban cho con người.
Người dân Hoa Kỳ đã phải chịu đựng rất nhiều tổn thất, cả những hy sinh và đổ máu trên các chiến trường để gìn giữ những quyền này. Dù là đầu hàng một cách không chính thức đối với bất kỳ chính phủ hay phong trào chính trị nào, đây đều là sự phỉ báng quá khứ, phá hủy hiện tại, và làm tổn hại tương lai của chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cần phải quý trọng, bảo tồn nền tự do và dạy cho con cháu chúng ta các nguyên tắc của đất nước mình.
Trách nhiệm
Tự do đi cùng với trách nhiệm.
Trách nhiệm bao hàm một gánh nặng đối với cả những hành động tốt và xấu của chúng ta. Khi chúng ta kiểm soát được hoàn cảnh, chúng ta có nghĩa vụ kiểm soát được chính mình.
Dạy bảo con trẻ về tính trách nhiệm nên thông qua hành động nhiều hơn lời nói. Khi con trẻ thấy chúng ta chấp nhận hậu quả của các quyết định do chính mình đưa ra thay vì đổ lỗi cho số phận hay cho người khác, chúng ta đang dẫn dắt chúng tiến gần hơn một bước đến tuổi trưởng thành.
Tôi lấy ví dụ về chính gia đình mình, các con tôi lớn lên và chứng kiến vợ tôi và tôi đều làm việc chăm chỉ. Chúng tôi quản lý phòng trọ có phục vụ bữa ăn sáng và một cửa hàng sách, chuyển sách tới khắp khu vực Đông Nam và bán những cuốn sách dạy học tại nhà ở các hội chợ sách. Chúng tôi còn làm thêm nhiều việc bán thời gian khác nhau để kiếm sống. Tôi phải thú nhận rằng, Kris và tôi rất tệ trong việc kinh doanh và quản lý tài chính cá nhân, nhưng 4 đứa con tôi không biết điều này. Chúng chỉ thấy cha mẹ làm việc chăm chỉ, độc lập và chúng đã sao chép tấm gương của cha mẹ. Tôi tự hào nói rằng, đó chính là thành công lớn hơn rất nhiều so với những gì tôi đạt được.
Nền kinh tế tự do
Chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế tự do, không phải là chủ nghĩa tập thể, đã khiến thế giới trở nên phồn thịnh. Những năm trước khi xảy ra đại dịch khiến doanh nghiệp đóng cửa và kinh doanh thất bại, tình trạng nghèo đói trên thế giới và tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ đều có xu hướng giảm dần, thị trường việc làm tăng trưởng đáng kể cho người da đen và người gốc Tây Ban Nha.
Bậc làm cha mẹ chúng ta cần phải dạy cho con trẻ những điều tốt đẹp mà nền kinh tế tự do mang lại cho thế giới và cho tinh thần con người. Chúng ta cần chỉ cho chúng thấy một số chính phủ theo chủ nghĩa tập thể như Venezuela, Cuba và Bắc Triều Tiên đã khiến người dân của họ phải sống trong cảnh khốn khổ và nghèo khó như thế nào.
Chúng ta không cần đến lớp học, không cần đến sách giáo khoa để truyền đạt những bài học này. Bàn ăn có thể trở thành lớp học và các cuộc thảo luận trong từng bữa ăn sẽ là các bài học hàng ngày.
Lòng yêu nước
Bất chấp tất cả các cuộc tấn công vào Hoa Kỳ từ cả bên trong lẫn bên ngoài trong những thập niên vừa qua, trên thực tế, đất nước chúng ta đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho công dân của mình và cho thế giới nói chung hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử.
Chúng ta có hoàn hảo không? Không, chúng ta không hoàn hảo. Chúng ta có phạm sai lầm không? Tất nhiên là có.
Nhưng sự thịnh vượng của người dân và số lượng viện trợ nước ngoài mà chúng ta đã phân phối trên toàn cầu theo thời gian là bằng chứng về thành quả của lý tưởng và giá trị của đất nước chúng ta. Thay vì có những lời lẽ chê bai Hoa Kỳ, chúng ta nên dạy cho con trẻ về niềm tự hào đất nước với những thành quả đạt được và hiểu được cả những thất bại đã có.
Trong cuốn sách “Miền Đất của Hy Vọng: Lời Mời đến với Câu Chuyện Vĩ Đại của Hoa Kỳ” (Land of Hope: An Invitation to the Great American Story) của tác giả Wilfred McClay, cuốn sách có đoạn viết: “Một trong những tội lỗi tệ hại nhất của hiện tại – không chỉ của chúng ta mà của bất kỳ hiện tại nào – là xu hướng hạ thấp quá khứ, điều này rất dễ xảy ra khi ai đó chẳng mấy khó khăn biết được toàn bộ bối cảnh của quá khứ hoặc nắm vững bản chất của những thách thức hiển lộ trong thời đại đó.”
Các em học sinh thường xuyên được dạy những điều tiêu cực về quá khứ của đất nước. Thay vào đó, sách giáo khoa và giáo viên nên giảng dạy lịch sử một cách công bằng. Chúng ta có thể góp phần thực hiện nhiệm vụ này bằng cách giới thiệu cho các em những cuốn sách như “Miền Đất của Hy Vọng” và thông qua các cuộc thảo luận trong gia đình.
Chủ nghĩa tập thể: Một góc nhìn tích cực
Tất nhiên, chúng ta không thể là Robinson Crusoe, sống một mình trên hoang đảo và chỉ cần chăm lo cho cuộc sống của chính mình. Chúng ta sống trong các cộng đồng và trong một quốc gia có lịch sử tình nguyện viên và hiệp hội tích cực ủng hộ những điều tốt đẹp của cộng đồng. Hầu hết chúng ta tin tưởng vào chương trình giáo dục cho các em học sinh, hoạt động giúp đỡ người nghèo, người già, giữ gìn đường phố và thành phố của chúng ta an toàn, bảo vệ lãnh thổ khỏi những kẻ xâm lược và cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Đây cũng chính là chủ nghĩa tập thể. Điểm khác biệt ở chỗ chúng ta tham gia vào những nỗ lực này thông qua các cuộc bầu cử và tự do lựa chọn.
Trước đây, chính phủ không áp đặt ý muốn của mình lên người dân Hoa Kỳ. Những người làm việc cho chính phủ – các chính trị gia và các công chức – được coi là đầy tớ của người dân. Nhưng giờ đây chúng ta đã đảo ngược lý tưởng này.
Đã đến lúc phải thay đổi, chúng ta có thể lại bắt đầu bằng cách dạy cho con trẻ hiểu được sự nguy hiểm của một chính phủ độc tài.
Hãy luôn nhớ chúng ta là ai
Vào ngày 19/04/1775, công nhân và nông dân Hoa Kỳ đã nổ những phát súng đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Cách mạng với các trận đánh tại Lexington Green và Concord. Chúng ta chiến đấu bằng tinh thần cá nhân và tập thể chống lại quân đội Anh, chống lại sự áp bức và việc “đánh thuế không có đại diện”. Cuối cùng, họ bắt đầu chiến đấu cho tự do.
Chúng ta luôn tưởng nhớ những người yêu nước đó vì chúng ta cũng đang đấu tranh để gìn giữ quyền tự do của mình. Tưởng nhớ đến tất cả những người đàn ông, những người phụ nữ mà sự hy sinh và hoài bão của họ đã xây dựng nên đất nước, đồng thời bảo đảm rằng con cái của chúng ta cũng biết đến tên và hành động của họ.
Hãy nhớ rằng đất nước chúng ta luôn là “miền đất của tự do và quê hương của những con người dũng cảm”.
Hãy nhớ rằng chúng ta là những người kế thừa và yêu chuộng tự do.
Minh Vi biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times