Khi các tiểu bang buông tay, giáo dục tại nhà khởi sắc
South Dakota là hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển nhanh chóng của hình thức giáo dục tại nhà ở Mỹ. Với nguyên tắc là cha mẹ, chứ không phải chính phủ, có quyền quyết định những gì và cách thức mà con em của họ được dạy, trong thập niên qua các gia đình dạy học tại nhà đã lật ngược các quy tắc hiện hành và ngăn chặn các nỗ lực áp đặt các quy tắc mới ở nhiều tiểu bang, trong đó có South Dakota.
Về căn bản, những gì còn lại ở phần lớn Hoa Kỳ ngày nay là một hệ thống danh dự, trong đó các bậc cha mẹ được kỳ vọng sẽ làm tốt công việc mà không cần nhiều ý kiến đóng góp hoặc giám sát. Việc lật ngược các quy định này, cùng với những tác động xấu của việc học tập từ xa trong thời kỳ đại dịch, đã thúc đẩy nhiều gia đình lựa chọn không tham gia các trường công lập để giáo dục con em của họ tại nhà.
Phản ánh một xu hướng mang tính toàn quốc, số trẻ em được học tại nhà ở South Dakota đã tăng hơn 20% trong cả hai năm học vừa qua.
Những người theo chương trình học tại nhà ở tiểu bang Mount Rushmore đã ủng hộ một đạo luật mới nhằm loại bỏ những phần quan trọng trong sự giám sát của tiểu bang và giúp cho các bậc cha mẹ dễ dàng rời khỏi trường công lập. Năm ngoái (2021), Dự luật 177 của Thượng viện đã chấm dứt yêu cầu các bậc cha mẹ thực hiện thông báo thường niên cho một học khu về ý định của mình dạy con tại nhà. Đáng chú ý hơn, học sinh học tại nhà không còn phải thực hiện các bài kiểm tra tiêu chuẩn như học sinh công lập, hay phải đối mặt với sự can thiệp của hội đồng nhà trường nếu các em thi rớt.
“Đó là một chiến thắng lớn cho quyền làm cha mẹ,” ông Dan Beasley, một luật sư đương thời của Hiệp hội Bảo vệ Pháp lý Học tập tại nhà (HSLDA) vốn giúp xây dựng và thông qua luật này, cho biết. “Luật này loại bỏ các quy định không cần thiết và hợp lý hóa quy trình để các bậc cha mẹ có thể đầu tư thời gian vào việc mang đến nền giáo dục tốt nhất có thể cho con em của họ.”
Quyền tự do này trái ngược với sự tức giận của các bậc cha mẹ khi cảm thấy bất lực về cách mà con em của họ được dạy ở các trường công lập. Trong các cuộc chiến gay gắt tại các cuộc họp hội đồng trường, một số nhắm vào việc nới lỏng các tiêu chuẩn tuyển sinh, một số khác nhắm vào những gì họ coi là quảng bá thuyết chủng tộc trọng yếu và quyền của người chuyển giới, trong khi những người khác thì nhắm vào các lớp học tách biệt và sự hiện diện của cảnh sát trong khuôn viên trường. Và theo Đánh giá Quốc gia về Tiến bộ Giáo dục được công bố hồi cuối tháng Mười, thì hầu như tất cả mọi người đều lo ngại về sự sụt giảm nghiêm trọng về điểm số của môn đọc và môn toán vốn dĩ đã rất thấp của học sinh ở hầu hết các tiểu bang trong thời kỳ đại dịch.
Đối với ngày càng nhiều các bậc cha mẹ, giáo dục tại nhà là giải pháp cho những rào cản thể chế của nền giáo dục mà họ tin tưởng. Ngoài việc yêu cầu các bậc cha mẹ [lựa chọn] giáo dục tại nhà phải giảng dạy một số môn chính như toán và Anh ngữ, thì họ có thể tự do lựa chọn nội dung.
Chẳng hạn, môn lịch sử Mỹ có thể hoàn toàn nói về vinh quang của những Tổ phụ Lập quốc và sự thịnh vượng của thị trường tự do, hoặc việc bị áp bức của thổ dân Mỹ và người da màu, cũng như cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng. Đối với nhiều trẻ em học tại nhà, lịch sử được giảng dạy qua lăng kính Cơ đốc giáo, trong khi những đứa trẻ khác thì học theo một chương trình giảng dạy tiêu chuẩn của trường công lập.
Quyền của các bậc cha mẹ so với kiểm soát của chính phủ
Việc thúc đẩy bãi bỏ quy định về giáo dục tại nhà đặt ra những câu hỏi hóc búa về việc làm cách nào cân bằng giữa các quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con cái khi họ thấy phù hợp và trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp cơ hội giáo dục — và bảo vệ trẻ em khi mọi việc diễn ra không theo ý muốn. Trong khi các tòa án Hoa Kỳ bảo vệ các quyền của cha mẹ, với cảnh báo rằng các tiểu bang có thẩm quyền áp đặt các quy định hợp lý để bảo đảm học sinh được giáo dục, thì các quốc gia Âu châu lại làm theo cách khác. Để bảo vệ trẻ em, họ đã áp đặt sự giám sát nghiêm ngặt hơn nhiều đối với việc giáo dục tại nhà.
Các trường hợp lạm dụng trẻ em và bỏ bê việc học tập trong việc giáo dục tại nhà là một mối quan tâm thực sự, đặc biệt là khi các ranh giới bảo vệ được dỡ bỏ. Hầu hết các trường hợp ngược đãi đều do giáo viên ở các trường công lập phát hiện và báo cáo, một biện pháp bảo vệ không giúp ích gì cho trẻ em học tại nhà. Các cựu học sinh học tại nhà thuộc Liên minh Giáo dục Tại nhà Có Trách nhiệm (CRHE) và các nhà nghiên cứu học thuật đã ghi lại hàng trăm trường hợp gây tổn hại cho trẻ em, nhiều trường hợp dẫn đến các cáo buộc hình sự, từ các ca tử vong và lạm dụng tình dục cho đến sự dạy dỗ kém cỏi của các bậc cha mẹ không có khả năng hoặc không hề dạy dỗ con em họ.
Nhưng những lời kêu gọi của CRHE và của các cá nhân khác nhằm bảo vệ các em nhiều hơn lại không nhận được nhiều sự quan tâm ở Hoa Kỳ. Hồi tháng Ba, sau khi nhà lập pháp Sheila Ruth của Maryland đưa ra một dự luật thành lập một hội đồng tư vấn giáo dục tại nhà để thu thập thông tin từ các bậc cha mẹ học sinh học tại nhà để tư vấn cho các quan chức tiểu bang, bà đã bị nhấn chìm trong các cuộc gọi và thư điện tử. Một số nội dung trong đó kinh khủng và đe dọa đến mức văn phòng của bà đã phải gọi cảnh sát. Trong một bài đăng trên Facebook, bà Ruth đã hứa hẹn với những người ủng hộ giáo dục tại nhà rằng bà sẽ để cho dự luật chết đi và cầu xin họ buông tha.
Hiệp hội HSLDA có trụ sở tại Virginia đã dẫn đầu việc phản đối các quy định tại tòa án và các cơ quan lập pháp, thường là phối hợp với các tổ chức địa phương. Hiệp hội này đã giúp đánh bại nhiều yêu cầu, bao gồm cả yêu cầu các gia đình đưa ra thông báo về ý định của họ làm giáo dục tại nhà ở Illinois, yêu cầu học sinh làm các bài kiểm tra tiêu chuẩn ở South Carolina, và yêu cầu các trường học tại nhà phải chấp thuận các cuộc viếng thăm để bảo đảm an toàn cho trẻ em sau khi một trẻ em bị bỏ đói đến chết ở Iowa, theo một bài báo trên Tạp chí Luật Arizona của Elizabeth Bartholet, một giáo sư Luật danh dự tại Harvard.
“Có một bộ phận đáng kể trẻ em học tại nhà có nguy cơ bị ngược đãi nghiêm trọng,’ bà Bartholet cho biết. “Và không có trẻ em học tại nhà nào có được biện pháp bảo vệ vì chúng không được các giáo viên trông nom. Với tôi, điều đó có vẻ sai lầm nghiêm trọng.”
Những người ủng hộ giáo dục tại nhà không phải đối mặt với nhiều sự phản đối chính trị, ít nhất là chưa. Điều này có thể sớm thay đổi. Ít nhất, các nghiệp đoàn giáo viên có một động cơ rõ ràng để trở thành đối đầu: các khu học chánh đã mất đi học sinh, và do đó mất đi nguồn tiền, với tốc độ chưa từng có trong lịch sử trong thời kỳ đại dịch, và một số trẻ em trong số đó sẽ học tại nhà.
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA), hiệp hội nghề nghiệp lớn nhất quốc gia, đã ban hành một nghị quyết vào năm 2021 về cơ bản phản đối việc giáo dục tại nhà. Tổ chức này cho rằng các trường học tại nhà “không thể cung cấp cho học sinh một trải nghiệm giáo dục toàn diện” và kêu gọi các quy định yêu cầu họ phải cơ bản mô phỏng việc giáo dục tại nhà giống như trường công lập. Ngoài điều đó, thì NEA im lặng một cách kỳ lạ đối với việc giáo dục tại nhà và không bị Hiệp hội HSLDA coi là đối thủ.
Ông Robert Kunzman, một chuyên gia về giáo dục tại nhà tại Đại học Indiana cho biết: “HSLDA đã đang có ảnh hưởng rất lớn. Họ đã có thể huy động rất nhiều nguồn lực hợp pháp và các tổ chức cơ sở để đẩy lùi các quy định.”
Một phổ rộng các quy tắc
Theo CRHE, chỉ một số ít các tiểu bang, như Colorado và New York, đã duy trì một bộ quy tắc toàn diện. Các tiểu bang này yêu cầu giảng dạy một danh sách đầy đủ các môn học mà không quy định nội dung thực tế của các khóa học. Họ cũng yêu cầu tổng số giờ giảng dạy hàng năm và các đánh giá chính thức dưới dạng các bài kiểm tra tiêu chuẩn nhằm nỗ lực buộc việc giáo dục tại nhà phải có trách nhiệm. Ở New York, các học khu có thể can thiệp, với sự đe dọa sẽ quản chế việc giáo dục tại nhà nếu học sinh có thành tích kém.
Hầu hết các tiểu bang, chẳng hạn như Texas và Idaho, có nhiều tự do hơn. Họ yêu cầu một danh sách ngắn các môn học được giảng dạy nhưng không yêu cầu đánh giá. Texas cũng nằm trong số hàng chục tiểu bang mà các bậc cha mẹ không cần phải thông báo cho khu học chánh rằng họ đang giáo dục tại nhà.
Theo CRHE, ở sáu tiểu bang, như Mississippi và Utah, không có yêu cầu về môn học, thời gian, hay đánh giá. Cha mẹ hoàn toàn tự do làm theo ý mình.
Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, khi các bang nới lỏng các yêu cầu đối với bậc cha mẹ, số lượng học sinh học tại nhà đã tăng lên đáng kể, ước tính từ khoảng 850,000 học sinh vào năm 1999 lên khoảng 1.7 triệu học sinh vào năm 2016, tương đương khoảng 3,3% dân số trong độ tuổi đi học. Mặc dù các chuyên gia đồng ý rằng giáo dục tại nhà tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch và có thể sẽ tiếp tục như vậy nhưng với tốc độ chậm hơn, không có dữ liệu quốc gia đáng tin cậy nào, với một vài số ước tính vượt quá 3 triệu học sinh vào năm 2021 được coi là bị thổi phồng.
Được tôn giáo và hệ tư tưởng khuyến khích, giáo dục tại nhà đã khởi sắc vào những năm 1960. Những người theo phái bảo tồn truyền thống Cơ Đốc giáo muốn cho con em họ học giáo lý tôn giáo tránh xa sự cám dỗ của các trường công lập, và những người cấp tiến theo chủ nghĩa chống thể chế đã tìm cách nuôi dưỡng con em mình theo lối tư tưởng tự do vốn bị cung cách giáo dục kiểu học vẹt bóp nghẹt.
Trong những năm gần đây, một nhóm gia đình đa dạng hơn, bao gồm một tỷ lệ đáng chú ý là các bậc cha mẹ người Mỹ gốc Phi Châu, đã chuyển sang giáo dục tại nhà vì những mối quan tâm thiết thực hơn: thoát khỏi các trường công lập hoạt động kém, khuôn viên trường không an toàn, tệ nạn bắt nạt, tư tưởng cấp tiến, và phân biệt chủng tộc.
Cùng lúc đó, các trường công lập, với mục đích duy trì ít nhất sự kìm kẹp hạn chế đối với các học sinh học tại nhà, đang ngày càng hỗ trợ các em bằng mọi thứ, từ các lớp học nghệ thuật và âm nhạc đến điền kinh và các công cụ giáo dục trực tuyến. Điều đã xuất hiện là một mô hình kết hợp trong đó học sinh chuyển đổi qua lại giữa giáo dục tại nhà và trường công lập. Ví dụ, một số học sinh khởi đầu việc học bằng giáo dục tại nhà, sau đó các em sẽ vào các trường công lập ở tuổi thiếu niên để theo học các lớp nâng cao hơn mà các bậc cha mẹ không thể dạy.
Dù động cơ giáo dục tại nhà là gì, thì giảm bớt quy định đã khiến kiểu giáo dục này trở thành một lựa chọn dễ dàng hơn nhiều cho các bậc cha mẹ.
“Phong trào giảm bớt các rào cản quy định chắc chắn đã mở ra sự tiến triển cho giáo dục tại nhà cho mọi người thuộc mọi tầng lớp kinh tế-xã hội,” ông Brian Ray, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Giáo dục Tại nhà Quốc gia và là người ủng hộ lâu năm cho biết. “Tôi nghĩ rằng không có bất kỳ nghi ngờ nào về điều đó.”
Câu chuyện thành công ở Missouri
Ở Missouri, bà Kim Quon chỉ phải tuân thủ một ít quy tắc khi bà quyết định cho hai người con của mình học tại nhà để chúng có thể học về đức tin Cơ Đốc giáo theo quan điểm của bà. Tại ngôi nhà ở Quận St. Louis của mình, bà phải dạy 1,000 giờ mỗi năm, trong đó có 600 giờ dạy các môn học chính như toán và Anh ngữ, đồng thời vẫn phải ghi chép nhật ký công việc đã hoàn thành, theo luật giáo dục tại nhà của tiểu bang.
Mặt khác, giống như hầu hết các tiểu bang khác, Missouri thực hiện một cách tiếp cận chủ yếu là giao lại trách nhiệm. Tiểu bang này không kiểm tra những học sinh học tại nhà mà cũng không có cách nào để biết liệu các bậc cha mẹ có đang dạy các em tốt hay không trừ khi có ai đó nộp một báo cáo về việc bỏ bê giáo dục, trong trường hợp đó, Sở Dịch vụ Xã hội có thể tiến hành điều tra. Một phát ngôn viên từ chối cho biết liệu việc bỏ bê giáo dục có phải là mối quan tâm ở Missouri hay không và cho biết sở này không công bố dữ liệu về số lượng đơn khiếu nại mà họ nhận được.
“Đã có những tuyên bố về việc bỏ bê giáo dục, nhưng phần lớn là không hợp pháp,” bà Quon nói. “Hầu hết các bậc cha mẹ cho con học tại nhà đều rất xem trọng công việc [dạy dỗ] của họ.”
Bà Quon chắc chắn đã rất xem trọng công việc này. Sau khi kết thúc các lớp học bắt buộc, các con của bà có rất nhiều thời gian trong ngày để khám phá sở thích của bản thân, đây là một trong những lợi ích lớn nhất của việc học tại nhà. Khối lượng công việc lớn trong việc giáo dục hai đứa trẻ đã trở nên dễ dàng hơn đối với bà Quon bằng cách dựa vào chương trình giảng dạy do các nhóm giáo dục tại nhà, các nguồn trực tuyến, và đại học cộng đồng tạo ra cho các lớp toán nâng cao.
“Tôi không phải là một sinh viên tốt nghiệp đại học,” bà Quon nói. “Vì vậy, quý vị không cần phải là một người thông minh để dạy con tại nhà vì có rất nhiều nguồn và những người sẵn sàng trợ giúp.”
Giáo dục tại nhà đã chuẩn bị cho cả hai đứa con của bà vào đại học. Họ đã đến Đại học Missouri ở St. Louis và học rất tốt, giống như hầu hết những đứa trẻ học tại nhà đang tìm kiếm bằng cấp sau trung học. Con trai bà đã theo học ngành nhân chủng học và đang làm việc tại Bảo tàng Di sản ở Quận St. Charles. Con gái của bà đã có bằng sinh học và đang làm việc tại Thủy cung St. Louis.
Sau khi dạy dỗ các con tại nhà, bà Quon đã được tổ chức Gia đình cho Giáo dục Tại nhà (Families for Home Education-FHE), một nhóm vận động trên toàn tiểu bang, tuyển dụng để điều hành hoạt động của nhóm này ở vùng St. Louis rộng lớn hơn. Mặc dù FHE có 1,200 thành viên, nhưng mạng lưới 10,000 đến 20,000 người hỗ trợ của nhóm này đã nhanh chóng được huy động để tấn công các nhà lập pháp bằng các cuộc gọi và thư điện tử nhằm đánh bại nỗ lực đặt ra các quy định bổ sung về giáo dục tại nhà lần đầu tiên được thiết lập ở Missouri vào giữa những năm 1980. Các nhóm cơ sở giống như FHE có ở mọi tiểu bang.
FHE đã phản đối thành công các đề nghị bắt buộc học sinh bắt đầu đi học từ lúc năm tuổi thay vì bảy tuổi như hiện nay. Hiện tại, nhóm này đang nỗ lực để thay đổi một chương trình học bổng Missouri có thể buộc các học sinh học tại nhà phải thực hiện các bài kiểm tra tiêu chuẩn và cho phép xem xét hồ sơ giáo dục của họ, mà FHE coi là một sự xâm nhập không cần thiết của chính phủ.
“Các nhà lập pháp gần như đã để yên cho chúng tôi,” bà Quon nói. “Tôi muốn nghĩ rằng đó là do sự hiện diện của chúng tôi với tư cách là một nhà vận động hành lang, và chúng tôi đã xây dựng những mối quan hệ đó trong những năm qua.”
Chểnh mảng giáo dục
Sự cống hiến của bà Quon là điều phổ biến ở những đứa trẻ học tại nhà, nhưng điều ít được hiểu hơn là mức độ chểnh mảng việc giáo dục vì hầu hết các tiểu bang đều không thu thập kết quả đánh giá. Đến từ trường Đại học Indiana, ông Robert Kunzman đã có một cách nhìn nhận giai thoại về vấn đề này sau khi dành hàng trăm giờ đồng hồ cùng với hàng chục gia đình ở nhiều tiểu bang để quan sát các phương pháp giáo dục tại nhà của họ.
Giáo sư đã rất ấn tượng với một số hướng dẫn tại nhà — các bài học có cấu trúc và tính định hướng cao cũng như những bài học cho phép tìm tòi và sáng tạo — nhưng ông cũng đã chứng kiến những vấn đề nghiêm trọng: các gia đình hầu như chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ các môn học mà họ cảm thấy thoải mái; một thiếu niên vẫn còn đếm các đầu ngón tay để làm toán; một người mẹ không biết cách giúp con gái mình nói ra các từ ngữ, tạo ra nhiều thất vọng giữa họ; và một bậc cha mẹ coi một tập phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” là một bài học môn lịch sử.
Ông Kunzman, tác giả một cuốn sách về giáo dục tại nhà cho Cơ Đốc giáo cho biết: “Đây là những điều chắc chắn đang diễn ra. “Đó là một tỷ lệ nhỏ những em tự học ở nhà, có lẽ chưa đến một phần tư, trong đó lợi ích giáo dục của trẻ em đang bị bỏ bê đáng kể.”
Những người ủng hộ giáo dục ở nhà có xu hướng gạt bỏ mối lo ngại này. Mặc dù một số ít cha mẹ có thể không làm tốt công việc giáo dục con cái của họ, nhưng bà Quon nói, điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với giáo viên ở các trường công lập, nơi nhiều học sinh tốt nghiệp với kỹ năng kém xa so với mong đợi của một học sinh lớp 12 hoặc bỏ học.
Ông Brian Ray, nhà nghiên cứu có ảnh hưởng được ủng hộ bởi phong trào giáo dục tại nhà, cũng nói rằng ông không quá lo lắng về việc chểnh mảng giáo dục. Một tiến sĩ về giáo dục khoa học và là cha của tám đứa trẻ học tại nhà, ông Ray chỉ ra rằng các nghiên cứu của ông và các nghiên cứu khác nhằm mục đích chỉ ra rằng tự học tại nhà vượt trội hơn đáng kể so với học sinh trường công trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Theo quan điểm của ông, nghiên cứu này ủng hộ lập trường của ông rằng sự giám sát của chính phủ đối với việc tự học tại nhà là không cần thiết.
Tuy nhiên, ông Kunzman và các học giả khác đã chỉ trích những bài báo này là giả mạo sự nghiên cứu. Họ chỉ ra rằng một số nghiên cứu đã được thực hiện và tài trợ bởi HSLDA và nói rằng chúng có những hạn chế về phương pháp luận.
Chẳng hạn như: trong nghiên cứu quốc gia năm 2010 của ông Ray về thành tích trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, những đứa trẻ tự học tại nhà tình nguyện đạt điểm số 86%, cao hơn hẳn mức trung bình quốc gia là 50%.
Nhưng những đứa trẻ tự học trong nghiên cứu này, và trong những nghiên cứu tương tự khác, là một nhóm không đại diện và có đặc quyền: gần như hoàn toàn là người da trắng (97%) và được nuôi dưỡng bởi cha mẹ đã kết hôn (98%) có bằng đại học (64%). Những đặc điểm này có liên quan chặt chẽ đến thành tích học tập cao và không phản ánh nhóm cha mẹ ở trường công lập đa dạng hơn và học thức thấp hơn nhiều.
Ông Ray bác bỏ vấn đề này, nói rằng những đặc điểm này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tự học ở nhà, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ kết quả của ông.
Ông Kunzman, người đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Gia đình Quốc tế cho biết: “Ý tưởng rằng học sinh được giáo dục tại nhà làm các bài kiểm tra tiêu chuẩn tốt hơn đã được những người ủng hộ và giới truyền thông lặp đi lặp lại rất nhiều lần đến nỗi các nhà lập pháp chấp nhận điều đó và giờ đây nó đã được chấp nhận là kiến thức phổ biến.”
Kêu gọi quy định
CRHE và Harvard’s Bartholet không bị thuyết phục bởi những phát hiện của ông Ray. Họ đang vận động cho những gì họ coi là bảo vệ hợp lý cho trẻ em. Họ nói rằng cha mẹ cần thông báo cho các học khu biết nếu các em tự học tại nhà mỗi năm; các em nên được học các môn học giống như các trường công lập; và học sinh nên được đánh giá để bảo đảm rằng chúng đang tiến bộ.
“Chúng tôi nhận được tin nhắn mỗi tuần từ người dân trên khắp đất nước, những người biết một đứa trẻ ở nhà đang bị bỏ bê về mặt giáo dục,” ông Chelsea McCracken, giám đốc nghiên cứu của CRHE cho biết. “Khi không có thông báo hàng năm, các yêu cầu về môn học và đánh giá, thì không có cách nào để các tiểu bang bảo đảm rằng các quyền của trẻ em được bảo vệ.”
Ông Kunzman coi những cải cách như vậy là không khả thi về mặt chính trị. Ông ủng hộ cách tiếp cận khiêm tốn hơn: Yêu cầu trẻ tự học ở nhà làm bài kiểm tra kỹ năng cơ bản về đọc viết và làm toán. Chỉ có vậy. Đề nghị này có thể gặp ít phản đối hơn vì các bậc cha mẹ thường có chung niềm tin rằng, bất chấp sự khác biệt về tôn giáo và chính trị, mọi đứa trẻ đều nên học cách đọc và làm một số bài toán. Bài kiểm tra của ông Kunzman sẽ xác định được những học sinh không học để họ có thể nhận được một số trợ giúp.
Ông Ray cho rằng tất cả các đề nghị về quy định là vô nghĩa. Chỉ cần nhìn vào các trường công lập. “Trong nhiều thập niên qua, các trường công lập đã có những quy định bao gồm cả giáo viên được chứng nhận và kiểm tra,” ông Ray nói. “Và chúng ta có những đứa trẻ mù chữ và không thể làm toán căn bản. Tất cả những bài kiểm tra các trường làm hàng năm không bảo đảm bất cứ điều gì.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times