Báo cáo: Truyền thông và nhà ngoại giao của ĐCSTQ dùng mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch về Tân Cương
Một báo cáo mới cho thấy, các nhà ngoại giao và cơ quan thông tấn nhà nước của Trung Quốc đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thao túng dư luận và lan truyền thông tin sai lệch nhằm làm chệch hướng sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Một báo cáo do Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố hôm 20/07 cho thấy kể từ đầu năm 2020, các nhà ngoại giao và thông tấn nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang “sử dụng các chiến lược truyền thông trực tuyến ngày càng tinh vi” để phủ nhận các hành vi vi phạm nhân quyền mà đảng này đã gây ra ở Tân Cương, quê hương của người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Báo cáo có nhan đề “Đánh giá tác động của các hoạt động thông tin của ĐCSTQ liên quan đến Tân Cương,” đã phân tích hơn 613,000 bài đăng trên Facebook và 6.78 triệu lượt tweet và tweet lại trên Twitter đề cập đến “Tân Cương” trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 01/01/2022.
Sự thao túng tích cực của ĐCSTQ trên mạng xã hội
Trong số 400 bài đăng trên Facebook được tương tác nhiều nhất (bao gồm cả lượt tương tác và chia sẻ), 60.3% được đăng bởi các hãng thông tấn nhà nước và các nhà ngoại giao của ĐCSTQ; trong số 1,000 tweet tương tác nhiều nhất (bao gồm cả lượt thích và lượt tweet lại), 5.5% là từ các nhà ngoại giao và thông tấn nhà nước ĐCSTQ, và 4% là từ các tài khoản bị Twitter đình chỉ vì thao túng nền tảng.
Theo báo cáo, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ coi thông tin và thông tin sai lệch là trọng tâm của cạnh tranh địa chính trị và ảnh hưởng đến dư luận quốc tế.
Các tác giả viết, “Thay vì cải thiện cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Turk khác, ĐCSTQ đang đáp lại những lời chỉ trích về hành động vi phạm nhân quyền hiện tại của mình bằng cách phối hợp bộ máy tuyên truyền nhà nước, các cơ quan an ninh và ngành quan hệ công chúng để bịt miệng và định hình những câu chuyện về Tân Cương ở trong và ngoài nước.”
Các nhà nghiên cứu này cũng phân tích 494,710 bài báo đề cập đến Tân Cương được xuất bản bằng hơn 65 thứ tiếng từ ngày 01/01/2021 đến ngày 01/01/2022. Hầu hết được xuất bản bằng Hoa ngữ (55%) hoặc Anh ngữ (35%). Các bài báo Hoa ngữ có nhiều khả năng đưa ra những bình luận tích cực về các chính sách và hành động của chính quyền cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương.
ĐCSTQ đã thực hiện giám sát, giam giữ và “cải tạo” trên quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương trong những năm gần đây với lý do chống bất ổn và chống khủng bố.
Bắc Kinh luôn phủ nhận cáo buộc về [việc thực hiện] “tội ác diệt chủng” ở Tân Cương. Tuy nhiên, các hồ sơ bị rò rỉ của Cảnh sát Tân Cương được công bố hồi tháng Năm đã tiết lộ cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung hàng loạt, bao gồm cả việc hành quyết những người đào tẩu.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng trong khi các nền tảng mạng xã hội đang xóa bỏ ngày càng nhiều các tài khoản giả mạo có liên quan đến các hoạt động gây ảnh hưởng bí mật của ĐCSTQ, thì chính quyền nước này lại đang trưng dụng các nhóm cộng đồng phân tán để định hình nhận thức về Tân Cương trên toàn thế giới.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế nên được mở rộng
Ông Albert Zhang, đồng tác giả của báo cáo trên, lập luận rằng cộng đồng quốc tế không có sự hiểu biết rộng rãi về tác động của chiến dịch thông tin của ĐCSTQ, cũng như chưa giải quyết thỏa đáng những thách thức toàn cầu mà [chiến dịch này] đặt ra.
Ông Zhang nói: “Các chính phủ phải dẫn dắt quá trình hoạch định chính sách này với sự phối hợp của các đồng minh và đối tác cùng chung lợi ích.”
“Các chế độ trừng phạt kinh tế nhắm mục tiêu vào những thủ phạm vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng nên được mở rộng bao gồm cả những người lan truyền thông tin sai lệch và tuyên truyền ở ngoại quốc, những người bịt miệng, đe dọa, và tiếp tục ngược đãi những người sống sót và nạn nhân của vi phạm nhân quyền.”
“Các chính phủ nên gỡ bỏ nội dung tuyên truyền của Trung Quốc và xác định các các nguồn dữ liệu chiến lược — chẳng hạn như khai thác dư luận trên các mạng xã hội có trụ sở tại Hoa Kỳ — đang được khai thác để cải thiện ảnh hưởng và khả năng can thiệp của đảng.”
“Ngoài ra, các chính phủ, các nhân vật xã hội dân sự, các tổ chức tư vấn, và các nhà điều hành mạng xã hội nên xây dựng các biện pháp đối phó và phản ứng đối với các hoạt động thông tin và tuyên truyền của ĐCSTQ, tập trung vào luận điệu về nhân quyền để làm suy yếu và ngăn chặn hoạt động xấu ác của ĐCSTQ.”
Trong một báo cáo khác có tiêu đề “Dừng-Tin-đồn-về-Tân-Cương: Chiến dịch sai lệch thông tin phi tập trung của ĐCSTQ” được phát hành vào cuối năm 2021, ASPI phát hiện ra rằng ĐCSTQ đang tìm cách tác động đến nhận thức của cộng đồng quốc tế về các chính sách Tân Cương của mình, bằng cách xuất bản các video của người Duy Ngô Nhĩ nói rằng họ hài lòng với cuộc sống trong khu tự trị này.
Các tác giả cho biết, “Các chính sách của ĐCSTQ trong khu vực này được ngụy tạo thành các phản ứng chống khủng bố như một cách thức để cố gắng hợp pháp hóa các hành động, trong khi thông tin tiêu cực và lời khai về sự ngược đãi đơn giản là bị từ chối hoặc không được đưa tin.”