Báo cáo: Triển vọng của các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc xấu nhất trong nhiều thập niên
Theo một cuộc thăm dò thường niên do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) thực hiện tại Thượng Hải, luật pháp mơ hồ, căng thẳng với Hoa Thịnh Đốn về công nghệ, địa chính trị, và nền kinh tế đang chậm lại là những trở ngại chính đối với các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc.
Một báo cáo do AmCham công bố hôm thứ Ba (19/09) cho biết: “Năm 2023 đáng ra phải là năm mà niềm tin và sự lạc quan của nhà đầu tư phục hồi trở lại sau nhiều năm gián đoạn và hạn chế do COVID. Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát năm 2023 của chúng tôi về các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc, thì sự phục hồi đó đã không thành hiện thực và tâm lý doanh nghiệp tiếp tục xấu đi.”
AmCham cho biết thêm rằng những lo ngại — chẳng hạn như môi trường kinh doanh ngày càng tệ hại của Trung Quốc và những nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc — làm giảm sự lạc quan và định hình nên cách các công ty hoạt động ở Trung Quốc như thế nào.
Họ cho biết: “Mặc dù những hạn chế của thời COVID đã kết thúc, tỷ lệ các công ty tự mô tả mình là lạc quan hoặc hơi lạc quan đã chạm mức thấp kỷ lục 52%.”
Đây là mức độ tự tin thấp nhất được ghi nhận kể từ khi “Báo cáo Kinh doanh Thường niên Trung Quốc” của AmCham bắt đầu vào năm 1999.
60% trong số 325 người trả lời xem căng thẳng Mỹ-Trung là một khó khăn kinh doanh chính, ngang bằng với tỷ lệ người trả lời xem sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc là một thách thức đáng kể.
Cuộc thăm dò cho thấy các doanh nghiệp hiện nay thậm chí còn kém lạc quan hơn so với một năm trước khi các quy định “zero COVID” dẫn đến việc đóng cửa toàn bộ nhiều thành phố, mạng lưới giao thông, và hoạt động đi lại trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Cuộc thăm dò cũng cho thấy các công ty Hoa Kỳ đã xem mối đe dọa từ những sự gián đoạn như vậy là một “yếu tố thúc đẩy” để thiết lập cơ sở ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn Hoa Kỳ, với nỗi lo bỏ lỡ cơ hội kinh doanh đã làm lu mờ rủi ro bị kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo China Briefing, hơn 8,600 tập đoàn Hoa Kỳ hiện đang hoạt động tại Trung Quốc, với 1,992 công ty thuộc sở hữu của Hoa Kỳ đang điều hành các công ty con, theo Global Trade Alert.
Sự lạc quan tiếp tục trượt dốc
Tuy nhiên, nhiều công ty Hoa Kỳ cho rằng đà tăng trưởng kinh tế gần đây đã chậm lại hoặc thậm chí đã đảo ngược, khi 60% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng sự cởi mở hơn và khả năng dự đoán tốt hơn trong môi trường pháp lý là những yếu tố quan trọng giúp họ tự tin hơn.
Bên cạnh đó, AmCham cho biết, “Cạnh tranh đã ngày càng trở nên tồi tệ hơn bởi các chính sách ưu ái các công ty địa phương hơn các công ty ngoại quốc và tòa án có xu hướng ủng hộ các công ty Trung Quốc trong các phán quyết bảo vệ tài sản trí tuệ như bằng sáng chế và nhãn hiệu.”
Cuộc thăm dò cho thấy 56% — nhiều hơn 9 điểm so với năm 2020 — số người trả lời cho rằng các doanh nghiệp địa phương đã hưởng lợi từ sự thiên vị này, và nhấn mạnh rằng các quan chức Trung Quốc cần phải tạo ra một môi trường pháp lý dễ đoán hơn mà, trong khi trợ giúp cho các doanh nghiệp địa phương, cũng đồng thời bảo đảm sự đón tiếp của quốc gia này đối với các doanh nghiệp quốc tế.
AmCham cho biết, mặc dù một số vấn đề đã được giải quyết trong các khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư ngoại quốc mà Quốc vụ Viện ban hành hồi tháng Tám, nhưng “liệu những khuyến nghị này có được thực hiện hiệu quả hay không thì còn phải chờ xem.”
Theo những người được hỏi, những thách thức pháp lý khác đang ngày càng trở nên khó khăn gồm có nội địa hóa dữ liệu và các yêu cầu an ninh mạng khác (70%), thiếu bảo vệ tài sản trí tuệ (IP), và thực thi (63%).
Tách rời khỏi Trung Quốc
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ xem mối đe dọa từ những gián đoạn như vậy là “yếu tố thúc đẩy” để thành lập cơ sở ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
AmCham cho biết, trong khi ⅔ số công ty được thăm dò không thay đổi hoặc đang không xem xét việc thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh tại Trung Quốc, thì “cho đến nay sự miễn cưỡng không tiến tới nội địa hóa hoàn toàn nói lên bản chất của các công ty đa quốc gia.”
Các tập đoàn Hoa Kỳ này cũng do dự trong việc trao cho nhân viên tại Trung Quốc nhiều quyền tự chủ hoạt động hơn, và trong một số trường hợp, họ đang rút lại một số quy trình nội địa hóa và loại bỏ một số quyền hạn tại địa phương.
Tuy nhiên, hai lựa chọn phổ biến nhất đối với ⅓ số công ty còn lại vốn đã thay đổi hoặc đang xem xét thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh tại Trung Quốc là chuẩn bị cho việc tách rời/nội địa hóa (44%), và phân chia các hệ thống và tiêu chuẩn giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới (29%).
Tuy nhiên, bằng chứng rõ ràng hơn về sự tách rời có thể được tìm thấy trong một nghiên cứu gần đây của Bloomberg, cho thấy quyền sở hữu ngoại quốc đối với cổ phiếu và nợ (trái phiếu) của Trung Quốc đã giảm khoảng 1.37 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 188 tỷ USD, hay 17%) so với mức đỉnh hồi đầu tháng Sáu năm ngoái tính đến cuối tháng Sáu năm nay.
Theo một ghi chú riêng của Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn mà The Epoch Times xem xét, chứng khoán Trung Quốc đã phải hứng chịu một đợt rút vốn khoảng 15 tỷ USD trong tháng Tám, đánh dấu tháng rút vốn lớn nhất được ghi nhận đối với Trung Quốc.
Tương tự, chứng khoán nợ của Trung Quốc cũng phải chịu một dòng tiền chảy ra trị giá 5.1 tỷ USD.
Áp lực từ phía Hoa Kỳ
Tuy nhiên, báo cáo của AmCham cũng cho biết các vấn đề chính góp phần tạo ra áp lực tách rời này là sự không chắc chắn về định hướng chính sách tương lai của Trung Quốc và sự mơ hồ về định hướng chính sách tương lai của Hoa Kỳ, tiếp theo là thuế quan và các rào cản thương mại, và cuối cùng là khả năng xảy ra chiến tranh vũ trang.
Trong khi 72% số công ty được hỏi nói rằng các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc sẽ thay thế hoạt động của họ ở Trung Quốc, thì số còn lại cảm thấy rằng việc tách rời không cần thiết sẽ gây bất lợi cho các công ty Hoa Kỳ do tách họ ra khỏi một môi trường cạnh tranh.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times