Báo cáo của Biện lý Durham tiết lộ những thiếu sót nghiêm trọng của FBI trong cuộc điều tra cựu TT Trump
Biện lý Đặc biệt phát hiện cuộc điều tra có ‘thiếu sót nghiêm trọng’ và cơ quan này đã không nhận ra do thiên kiến xác nhận
Theo báo cáo của Biện lý Đặc biệt John Durham, FBI đã không thẩm vấn những người có liên quan đến thông tin mà cơ quan này đã sử dụng để mở một cuộc điều tra toàn diện về chiến dịch tranh cử của ông Trump trong khoảng thời gian căng thẳng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Theo ông Durham, người đã dành gần ba năm để điều tra các nguồn gốc của cuộc điều tra mà FBI nhắm vào chiến dịch tranh cử của ông Trump, cơ quan này đã vội vàng mở cuộc điều tra ban đầu dựa trên thông tin tình báo chưa được kiểm chứng từ Úc.
Báo cáo trên nêu rõ việc FBI vội vàng mở cuộc điều tra này và bằng chứng không có giá trị đó được sử dụng làm tiền đề cho cuộc điều tra này là một sự khác biệt so với cách mà cơ quan này giải quyết các cuộc điều tra nhạy cảm về chính trị khác vào năm 2016. Điều đó bao gồm cuộc điều tra về Clinton Foundation — trên thực tế, đã được tạm dừng trước Ngày Bầu Cử năm 2016.
Báo cáo (pdf) rất được mong đợi này cũng đi sâu vào các phương diện gây tranh cãi khác của Crossfire Hurricane, mật danh của FBI cho cuộc điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump. Một bản sao của báo cáo này đã được The Epoch Times thu thập trước khi được phát hành công khai.
Báo cáo này nêu rõ, “Những sự kiện khách quan này cho thấy rằng việc giải quyết các phương diện quan trọng trong cuộc điều tra Crossfire Hurricane của FBI có thiếu sót nghiêm trọng.”
Vị Biện lý Đặc biệt này tiếp tục chỉ trích các lá đơn chứa đầy lỗi của cơ quan này để theo dõi ông Carter Page, cộng sự trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Các đặc vụ FBI đã nộp đơn đề nghị gia hạn các lệnh tòa án cơ mật đối với ông Page mặc dù họ thừa nhận, cả vào thời điểm đó và sau này, rằng họ không có lý do chính đáng để làm như vậy.
Ông Durham kết luận rằng FBI đã không bảo trì “nhiệm vụ quan trọng của mình là tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp.”
Biện lý Đặc biệt này “không khuyến nghị bất kỳ thay đổi toàn bộ nào trong các hướng dẫn và chính sách mà Bộ [Tư pháp] và FBI hiện đang áp dụng.”
Báo cáo này cho biết, “Giải pháp không phải là việc tạo ra các quy định mới mà là phục hồi sự tuân thủ với những quy định cũ.”
“Việc ban hành các quy định và các điều chỉnh bổ sung sẽ được cho biết trong các buổi đào tạo tiếp theo có thể sẽ là một sự thực thi vô ích nếu các nguyên tắc hướng dẫn của FBI về ‘Trung thành, Quả cảm, Liêm chính’ không khắc sâu vào tâm trí của những người đã tuyên thệ sẽ thực thi sứ mệnh của FBI là ‘Bảo vệ Người dân Mỹ và Bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ.’”
Ông Trump, người từ lâu đã lên án cuộc điều tra này là một cuộc săn phù thủy và một trò lừa bịp, đã phản ứng trên Truth Social trước việc công bố báo cáo này.
“Ồ! Sau khi nghiên cứu bao quát, Biện lý Đặc biệt John Durham kết luận rằng FBI lẽ ra không bao giờ nên tiến hành Cuộc điều tra Trump-Nga!” cựu tổng thống này đã viết.
“Nói cách khác, Công chúng Mỹ đã bị lừa gạt, giống như hiện tại họ đang bị lừa gạt bởi những người vốn không muốn nhìn thấy SỰ VĨ ĐẠI vì MỸ QUỐC!”
FBI đã nói rõ với The Epoch Times: “Hành vi trong năm 2016 và 2017 mà Biện lý Đặc biệt Durham đã xem xét là lý do để ban lãnh đạo đương nhiệm của FBI đã thực hiện hàng chục hành động khắc phục, hiện đã được thực hiện trong một khoảng thời gian dài.”
“Giá mà những cải tổ đó được thực hiện vào năm 2016, thì những sai lầm được xác định trong báo cáo này có thể đã được ngăn chặn. Báo cáo này củng cố tầm quan trọng của việc bảo đảm FBI tiếp tục thực hiện công việc của mình với sự nghiêm khắc, khách quan, và chuyên nghiệp mà người dân Mỹ xứng đáng có được và mong đợi một cách chính đáng.”
Mở cuộc điều tra ‘Crossfire Hurricane’
Ông Durham phát hiện rằng FBI đã không nói chuyện với những người cung cấp thông tin được sử dụng để mở cuộc điều tra này.
Báo cáo này nêu rõ rằng cơ quan này cũng không kiểm tra cơ sở dữ liệu của chính mình, kiểm tra các cơ quan tình báo khác, thẩm vấn các nhân chứng quan trọng, hay sử dụng “bất kỳ công cụ phân tích tiêu chuẩn nào thường được FBI sử dụng để đánh giá thông tin tình báo thô.”
Mặc dù không đưa ra một lý do nào cho công việc yếu kém đó, nhưng ông Durham cho thấy “cảm giác thù địch rõ ràng đối với ông Trump” từ ông Peter Strzok, người chuyên trách cuộc điều tra này.
Theo báo cáo này, nếu FBI tuân theo các quy tắc riêng của mình, thì các đặc vụ của cục này sẽ phát hiện ra rằng cả cơ quan này và CIA đều không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Trump hoặc bất kỳ ai trong chiến dịch tranh cử của ông đã từng liên lạc với bất kỳ quan chức tình báo Nga nào vào bất kỳ thời điểm nào trong chiến dịch tranh cử đó.
Báo cáo còn cho thấy việc giải quyết cuộc điều tra về ông Trump là một sự khác biệt so với cách tiếp cận thận trọng mà cục đã áp dụng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ tranh cử của ông Trump. Trong một ví dụ, FBI và Bộ Tư pháp đã hạn chế một cuộc điều tra về Clinton Foundation để có rất ít hoặc không có hoạt động điều tra nào có thể diễn ra trong những tháng trước cuộc bầu cử đó.
Ông Durham nhấn mạnh cách tiếp cận khác biệt mà FBI đã thực hiện đối với thông tin tình báo mà họ nhận được từ một nguồn ngoại quốc đáng tin cậy cho thấy chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã sắp xếp để bôi nhọ ông Trump bằng cách liên kết ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thông tin tình báo này cho biết rằng mục tiêu của chiến dịch tranh cử của bà Clinton là chuyển sự chú ý khỏi vụ bê bối liên quan đến việc bà Clinton sử dụng một máy chủ cá nhân trái phép để truyền các thư điện tử tối mật của chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, “Không giống như việc FBI mở một cuộc điều tra toàn diện về các thành viên vô danh trong chiến dịch của ông Trump dựa trên thông tin thô, chưa được kiểm chứng, trong vấn đề khác này vốn liên quan đến một kế hoạch chiến dịch tranh cử có mục đích của bà Clinton, FBI chưa bao giờ mở bất kỳ loại điều tra nào, hay ban hành bất kỳ nhiệm vụ nào, tuyển dụng bất kỳ nhân viên phân tích nào, hoặc thực hiện bất kỳ kết quả phân tích nào liên quan đến thông tin này.”
“Điều này đã không xảy ra mặc dù thông tin tình báo về kế hoạch của bà Clinton quan trọng đến mức đã khiến Giám đốc CIA phải thông báo cho Tổng thống, Phó Tổng thống, Tổng chưởng lý, Giám đốc FBI, và các quan chức chính phủ cao cấp khác về nội dung của thông tin đó trong vòng vài ngày sau khi nhận được.”
FBI không thể chứng thực được Hồ sơ Steele
Các điều tra viên của ông Durham kết luận rằng các điều tra viên liên bang chưa bao giờ chứng thực được bất kỳ tuyên bố nào trong hồ sơ tai tiếng của ông Steele. Tác giả của hồ sơ này, cựu sĩ quan tình báo Anh Christopher Steele, đã không thể chứng thực được bất kỳ tuyên bố nào ngay cả khi FBI đề nghị trả cho ông 1 triệu USD để làm việc đó.
Tương tự như báo cáo của ông Durham, báo cáo của Biện lý Đặc biệt Robert Mueller vào năm 2019 không bao gồm chứng thực cho các tuyên bố trong hồ sơ Steele.
Chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã trả tiền cho việc biên soạn và phổ biến hồ sơ Steele bằng cách sử dụng một công ty luật làm bình phong. Hồi năm ngoái, chiến dịch tranh cử này và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ (DNC) đã đồng ý nộp các khoản tiền phạt liên bang vì đã che giấu bản chất của các khoản thanh toán cho hồ sơ này.
Ông Steele đã thuê một công dân Nga sống ở Hoa Kỳ, ông Igor Danchenko, để biên soạn các yêu cầu trong hồ sơ này. Giống như ông Steele, ông Danchenko không thể xác nhận bất kỳ tuyên bố nào khi đối mặt với FBI.
Báo cáo viết rằng, “Thay vào đó, ông Danchenko đã mô tả thông tin mà ông ấy đã cung cấp cho ông Steele như là ‘tin đồn và suy đoán’ và là sản phẩm của cuộc trò chuyện bình thường.”
Điệp viên FBI đã ghi âm 3 cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump
Theo ông Durham, FBI đã sử dụng ba điệp viên, hay còn gọi là “những người mật báo,” để nhắm mục tiêu và ghi âm lại lời của các cố vấn trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, trong đó có ông Carter Page, ông George Papadopoulos, và một cố vấn chính sách đối ngoại cao cấp ẩn danh.
Đáng chú ý, các nhà điều tra của ông Durham xác định rằng các bản ghi âm ông Page và ông Papadopoulos bao gồm các tuyên bố có tính chất bào chữa mà FBI đã không tiết lộ cho Bộ Tư pháp (DOJ) và Tòa án Giám sát Tình báo Ngoại quốc. Các tuyên bố được ghi âm của ông Page đã làm mất uy tín các tuyên bố của hồ sơ Steele, trong đó cáo buộc mối liên hệ của ông với cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Paul Manafort. Ông Durham nhận thấy rằng FBI đã không hành động theo những đầu mối đó và không báo cáo với DOJ.
Những phát hiện của báo cáo này theo sau việc ông Durham truy tố thành công và kết án luật sư FBI Kevin Clinesmith, người đã bị kết tội giả mạo một thư điện tử được sử dụng để có được một lệnh theo dõi ông Page.
Hồ sơ có thể là thông tin giả của Nga
Theo báo cáo trên, hồi năm 2008 một cộng sự cũ của ông Danchenko đã thông báo với FBI rằng công dân Nga này cho ông biết rằng ông có quyền tiếp cận những người sẽ trả tiền để có được thông tin mật.
Lời mách nước này đã kích hoạt một cuộc điều tra sơ bộ của FBI hồi năm 2009.
“FBI đã chuyển cuộc điều tra của mình thành một cuộc điều tra toàn diện sau khi biết rằng ông Danchenko được xác định là một cộng sự của hai đối tượng phản gián FBI và trước đó từng liên lạc với Đại sứ quán Nga cũng như các quan chức tình báo Nga đã biết,” báo cáo này nêu rõ.
Thay vì theo dõi cuộc điều tra năm 2011, cơ quan này đã thuê ông Danchenko làm một người mật báo hồi năm 2017 khi họ tiếp tục điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông Durham gợi ý rằng việc FBI không thắc mắc về ông Danchenko có thể đã khiến cơ quan này trở thành nạn nhân của thông tin giả của Nga.
“[Dường như] FBI chưa bao giờ xem xét thích đáng khả năng rằng thông tin tình báo mà ông Danchenko đang cung cấp cho ông Steele — mà theo chính ông Danchenko, một lần nữa, chiếm đa phần đáng kể thông tin trong các báo cáo của Hồ sơ Steele — nói chung là hoặc một phần là thông tin giả của Nga,” báo cáo nêu rõ.
Tuyên bố giả mạo trong hồ sơ Steele đến từ cựu quan chức DNC
Trong thời gian liên quan trước và sau cuộc bầu cử năm 2016, ông Danchenko duy trì một mối quan hệ với ông Charles Dolan, người từng giữ nhiều vị trí trong Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ (Democratic National Committee – DNC), báo cáo nêu rõ.
Hai ông Dolan và Danchenko đều đến Moscow vào mùa hè năm 2016. Ông Danchenko đã nói rằng chính trong chuyến đi đó, ông đã biết được những tin đồn tục tĩu về ông Trump từ các nhân viên của khách sạn Ritz-Carlton ở thủ đô của Nga. Tuy nhiên, các điều tra viên của ông Durham phát hiện ra rằng chính ông Dolan, chứ không phải ông Danchenko, là người đã giao tiếp với nhân viên khách sạn.
Phát hiện này cho thấy rằng một cựu quan chức nổi tiếng của DNC có thể là nguồn cuối cùng đằng sau tuyên bố khoa trương nhất trong hồ sơ Steele.
Ông Dolan cũng nói với các điều tra viên của ông Durham rằng ông đã ngụy tạo một tuyên bố khác trong hồ sơ liên quan đến việc ông Manafort từ chức khỏi chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Mặc dù ông Durham không thể chứng minh rằng một số tuyên bố khác trong hồ sơ đến từ ông Dolan, nhưng cả hai ông Dolan và Danchenko đều liên lạc với cùng một công dân Nga, bà Olga Galkina. Ông Danchenko đã nói với FBI rằng bà Galkina là một nguồn chính cho một số tuyên bố trong hồ sơ đó.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times