Báo cáo: Anh quốc cần đưa ra hướng dẫn cho các hiệp hội sinh viên Trung Quốc về việc ghi danh đại diện ngoại quốc
Một báo cáo cho biết cần phải mau chóng làm sáng tỏ về việc liệu Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) trên khắp Vương quốc Anh có bắt buộc phải ghi danh hoạt động của họ là các tổ chức do thế lực ngoại quốc kiểm soát hay không.
Báo cáo do tổ chức tư vấn Henry Jackson Society công bố cho biết CSSA, một hiệp hội thực tế đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc, đã có thể tránh được sự giám sát bằng cách đóng giả là các hiệp hội sinh viên bình thường, độc lập và tự quản.
Tác giả Anson Kwong đã viết rằng có hơn 90 hiệp hội CSSA trên khắp Vương quốc Anh. Họ là “các chi nhánh của Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc Toàn Anh quốc (CSSAUK), được các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Anh giám sát, và là một phần của hệ thống Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc.”
Báo cáo liệt kê bằng chứng về việc Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại các trường đại học Anh đã tuân theo chỉ thị từ đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc như thế nào, các hiệp hội này vận động chống lại các sự kiện liên quan đến những người bất đồng chính kiến Trung Quốc, bao gồm cả việc gây áp lực lên các trường đại học và tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, cũng như hợp tác với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất trong các chương trình tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ ra sao.
Ông Kwong nhấn mạnh rằng các sinh viên có liên quan, bao gồm cả những người điều hành CSSA, “không nhất thiết phải được xem là những người tự nguyện tham gia.”
Báo cáo cho biết, bất chấp mối liên hệ của họ với ĐCSTQ, CSSA đang “rơi vào những lỗ hổng” liên quan đến giám sát.
Báo cáo cho biết, “Các trường đại học dường như xem mỗi một CSSA là một hiệp hội sinh viên độc lập và do đó, nghĩ rằng hoạt động của họ là vấn đề của liên đoàn sinh viên. Điều này có thể gây ra các vấn đề rộng hơn với CSSA trong khu trường sở — đồng thời cấu trúc đặc biệt của CSSA cũng như mối liên hệ của họ với nhà nước Trung Quốc — đã bị bỏ qua.”
“Trong số 66 [phần trăm] trường đại học đã trả lời yêu cầu theo FOI [Tự do Thông tin] về tài liệu đề cập đến CSSA, được gửi qua thư điện tử tới tất cả 96 trường đại học và viện giáo dục đại học có tổ chức CSSA, 97 [phần trăm] trong số họ cho biết họ họ không nắm giữ tài liệu này vì CSSA tọa lạc trong khuôn viên của họ đã được ghi danh theo liên đoàn sinh viên, đây là một tổ chức pháp lý riêng biệt với trường đại học và không bị chi phối bởi các yêu cầu về Tự do Thông tin.”
Ông Kwong cho biết điều này “có thể sẽ thay đổi sau khi Đạo luật (Tự do Ngôn luận) trong Giáo dục Đại học được thông qua.”
Cơ quan quản lý giáo dục đại học của Anh, Văn phòng Sinh viên (OfS), cũng được đề nghị giám sát nguồn tài trợ ngoại quốc cho các trường đại học, đồng thời “đánh giá mối đe dọa từ các thỏa thuận liên quan đến nguồn tài trợ của ngoại quốc đối với nền tự do học thuật và tự do ngôn luận.”
Ông cũng kêu gọi chính phủ điều tra và ban hành hướng dẫn “như một vấn đề cấp bách” về việc liệu CSSA có nên ghi danh theo Chương trình Ghi danh về Hoạt động Ngoại quốc và Ảnh hưởng Ngoại quốc (FIRS) mới hay không.
Là một phần của Đạo luật An ninh Quốc gia 2023, Bộ Nội vụ đã có quyền thành lập FIRS hai cấp độ.
Theo chương trình này, các đại diện ngoại quốc và các tổ chức cụ thể do thế lực ngoại quốc kiểm soát — ngoài các nhà ngoại giao và gia đình họ — sẽ được yêu cầu báo cáo các hoạt động nhằm gây ảnh hưởng đến chính trị Vương quốc Anh.
Các đại diện của một thế lực ngoại quốc nằm trong cấp độ nâng cao sẽ được yêu cầu ghi danh hầu hết tất cả các hoạt động với một số ngoại lệ hạn chế như dịch vụ nấu ăn hoặc xây dựng cho một phái bộ ngoại giao.
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times