Bank of America: Chi phí chăm sóc trẻ em ở Hoa Kỳ tăng hơn 30% trong vòng 4 năm
Ngân hàng này cho biết chi phí chăm sóc trẻ em có thể sẽ tăng nhiều hơn nữa do chương trình Ổn định Chăm sóc Trẻ em kết thúc hôm 30/09.
Theo một báo cáo gần đây của Bank of America (BofA) thì so với năm 2019, các gia đình Mỹ hiện đang chi tiêu nhiều hơn 30% cho chi phí chăm sóc trẻ em, trong đó các nhóm thu nhập trung bình và cao chứng kiến mức tăng chi phí lớn nhất trong quý mới đây.
BofA cho biết trong báo cáo ngày 27/10: “Chi phí chăm sóc trẻ trung bình hàng tháng của mỗi gia đình đã tăng đều đặn trong ba năm qua. Tính đến tháng Chín, trung bình một gia đình đã chi hơn 700 USD mỗi tháng, cao hơn 32% so với mức trung bình năm 2019.” Mức tăng lớn nhất trong các khoản thanh toán chăm sóc trẻ em trong quý 3 năm 2023 được ghi nhận ở các nhóm có thu nhập trung bình và cao.
Trong quý 3 năm nay, so với cùng thời kỳ năm ngoái, các gia đình có thu nhập hàng năm từ 100,000 USD đến 250,000 USD phải trả chi phí chăm sóc trẻ em tăng hơn 7%. Đối với tất cả các nhóm thu nhập khác, chi phí đã tăng ít hơn 5%.
BofA suy đoán rằng chi phí chăm sóc trẻ em tăng vọt trong nhóm thu nhập từ 100,000 đến 250,000 USD có thể là do những gia đình như vậy có “hai nguồn thu nhập và do đó phụ thuộc nhiều nhất vào các dịch vụ chăm sóc trẻ em bên ngoài, đồng thời cũng dễ chấp nhận việc tăng giá hơn.”
Ngược lại, “các gia đình có thu nhập hàng năm thấp nhất có thể ít có khả năng chi trả chi phí chăm sóc trẻ em cao hơn, do đó có thể cần phải cắt giảm việc sử dụng các cơ sở chăm sóc trẻ em.”
Các thành phố lớn hơn như Seattle và San Francisco có chi phí chăm sóc trẻ em trung bình cho mỗi gia đình cao nhất, gấp đôi mức trung bình toàn quốc tính đến tháng Chín. Charlotte, Miami, và Orlando là những thành phố có giá cả phải chăng nhất trên toàn quốc.
Xét về mức tăng chi phí chăm sóc trẻ em hàng năm trong tháng Chín, Tampa đứng đầu với mức tăng 12%. Tiếp theo là Atlanta, Orlando, Dallas, và Seattle.
BofA cho biết trong báo cáo: “Theo quan điểm của chúng tôi, nguyên nhân giá chăm sóc trẻ em ở các thành phố phía Nam tăng có thể một phần là do làn sóng di cư vào các thành phố này đang diễn ra, điều này đã gây áp lực tăng lớn hơn lên chi phí chăm sóc trẻ em.”
Trong tương lai, BoFA ước tính chi phí chăm sóc trẻ em sẽ “tăng thêm” khi chương trình Ổn định Chăm sóc Trẻ em hết hạn hôm 30/09. Chương trình này là một phần của Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ năm 2021 và tiến hành trợ cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Ngân hàng cho biết, “Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, điều này có thể có tác động có ý nghĩa đối với người tiêu dùng vì hơn 12% số gia đình ở Mỹ thường xuyên trả phí chăm sóc trẻ em, và bất kỳ sự tăng giá nào hơn nữa đều sẽ gây áp lực không tương xứng lên các gia đình có trẻ nhỏ.”
“Theo một cuộc khảo sát gần đây của Care.com, đối với các bậc cha mẹ trả tiền cho việc chăm sóc trẻ em, 67% đã chi 20% hoặc hơn trong thu nhập gia đình hàng năm của họ cho các dịch vụ đó.”
Thiếu nơi chăm sóc trẻ em
Báo cáo của BofA được công bố trong bối cảnh Đảng Dân Chủ đang thúc đẩy liên bang tài trợ nhiều hơn để giải quyết những lo ngại liên quan đến chăm sóc trẻ em, đề nghị một hệ thống chăm sóc trẻ em được thể chế hóa trị giá 600 tỷ USD do chính phủ điều hành. Tuy nhiên, Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự phản đối trước những kế hoạch như vậy.
Trong phiên điều trần hôm 31/05 trước Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động, và Lương hưu (HELP) của Thượng viện, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana) đã cảnh báo rằng việc chính phủ liên bang đầu tư vào dịch vụ chăm sóc trẻ em có thể sẽ gây ra nhiều tác hại hơn do tăng chi phí.
Ông đưa ra ví dụ về chi phí giáo dục đại học để minh chứng cho quan điểm của mình. Ông nói: “Khi ngày càng có nhiều viện trợ liên bang dành cho các khoản vay sinh viên, chi phí giáo dục đại học đã tăng vọt.”
Theo một báo cáo hôm 03/02 của Hội đồng vì một Nước Mỹ Hùng mạnh (Council for a Strong America), 51% người Mỹ sống trong một “sa mạc” chăm sóc trẻ em, nơi có hơn ba trẻ em dưới 5 tuổi cho mỗi chỗ giữ trẻ được cấp phép.
“Số địa điểm có sẵn là đặc biệt hạn chế đối với các gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, có thu nhập thấp, làm việc theo giờ không theo truyền thống, hoặc sống ở các khu vực nông thôn. Ví dụ, 60% cư dân nông thôn sống trong một sa mạc chăm sóc trẻ em,” báo cáo cho biết.
“Chi phí trung bình của dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh tại trung tâm cao hơn học phí đại học công lập trong tiểu bang ở 34 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn.”
Báo cáo cho biết phần lớn các bậc cha mẹ Mỹ có con nhỏ đều tham gia lực lượng lao động. Báo cáo ước tính có 11.4 triệu trẻ em dưới 3 tuổi ở Mỹ thuộc nhóm 14.1 triệu cha mẹ đang đi làm.
Tiền tiết kiệm cạn kiệt
Theo báo cáo của BofA, chi phí chăm sóc trẻ em ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến các gia đình theo hai cách — chi tiêu giảm và tiền tiết kiệm cạn kiệt.
Báo cáo cho biết: “Kể từ tháng Năm năm 2023, chi tiêu bằng thẻ của các gia đình có khoản thanh toán chăm sóc trẻ em bắt đầu tụt hậu so với phần còn lại của dân số, mặc dù khoảng cách vẫn có vẻ khá khiêm tốn.”
Tính đến tháng Chín năm 2023, trong số tất cả các nhóm thu nhập trong báo cáo, các gia đình gánh chịu các khoản thanh toán chăm sóc trẻ em được phát hiện có mức giảm tiền gửi ngân hàng hàng năm nhanh hơn so với phần còn lại của dân số.
“Nhưng không phải tất cả đều là tin xấu. Khi so sánh với mức năm 2019, ngay cả những gia đình này cũng có khoản tiết kiệm vượt mức đáng kể, số tiền này có thể tiếp tục cung cấp một khoản đệm tài chính.”
Ngân hàng cũng lo ngại rằng chi phí chăm sóc trẻ em tăng cao có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Chi phí cao “có thể khiến một số bậc cha mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc con cái. Cụ thể, trong số các gia đình trả phí chăm sóc trẻ em, số gia đình trong đó hai vợ chồng đều có thu nhập vào năm 2023 là ít hơn so với năm 2019.”
Báo cáo cho biết, trong hai năm qua, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) của phụ nữ trong độ tuổi thích hợp nhất để đi làm (25-54 tuổi) đã tăng lên “mức cao lịch sử.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times