‘Bản Đồ Nuôi Dạy Con’: Cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Shefali
Lời khuyên từ một nhà tâm lý học lâm sàng về cách tạo dựng mối quan hệ ‘căn bản’ giữa cha mẹ và các con
Là một nhà tâm lý học và tác giả có cuốn sách bán chạy nhất, cô Shefali Tsabary đã trở thành một nguồn thông tin đáng tin cậy của các bậc cha mẹ tìm kiếm sự khích lệ trên hành trình cố gắng nuôi dạy con vui vẻ và khỏe mạnh. Cuốn sách mới của cô, “Bản Đồ Nuôi Dạy Con: Các Giải Pháp Từng Bước Để Tạo Dựng Mối Quan Hệ Căn Bản Giữa Cha Mẹ và Con Cái Một Cách Có Ý Thức” (“The Parenting Map: Step-by-Step Solutions to Consciously Create the Ultimate Parent-Child Relationship”), được mô tả là một cẩm nang nuôi dạy con. Vào thời điểm mà áp lực đối với cha mẹ và các con dường như đang ở mức đỉnh điểm, tôi đã xin lời khuyên từ tiến sĩ Shefali về cách giáo dục con tốt nhất. Dưới đây là phần chia sẻ của cô.
The Epoch Times: Điều gì đã truyền cảm hứng cho cô để viết cuốn sách “Bản Đồ Nuôi Dạy Con”?
Tiến sỹ Shefali Tsabary: Các bậc cha mẹ trên toàn thế giới đang trong tình trạng bối rối, thất vọng, và quá tải. Tôi đã cống hiến sự nghiệp của mình để giúp các bậc cha mẹ cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc nuôi dạy con. Đây là lý do tôi viết cuốn sách này.
Tất cả các bậc cha mẹ đều cần sự giúp đỡ, và đây là quyển cẩm nang mà mọi bậc cha mẹ đều mong ước có được khi con lọt lòng. Đó là cuốn sách hướng dẫn về cách nuôi dạy con có ý thức. Trong 20 bước, tôi phác thảo tất cả các phương pháp và công cụ mà cha mẹ có thể sử dụng để nâng cao khả năng nuôi dạy con có ý thức. Mỗi bước đều có các bài tập thực hành giúp cha mẹ xây dựng mối dây liên kết chặt chẽ hơn với con và cho phép các con phát triển thành những người mạnh mẽ và kiên cường.
The Epoch Times: Thế giới gần đây đã trải qua một số thử thách, và cả cha mẹ, con cái dường như đang cảm thấy áp lực rất lớn. Điều gì khiến cô lo lắng nhất về việc nuôi dạy con ngày nay?
Cô Shefali: Yếu tố đáng lo ngại nhất trong việc nuôi dạy con hiện đại ngày nay là mức độ phân tâm quá cao mà chúng ta thấy xung quanh. Nhân tố quan trọng nhất để nuôi dạy con phát triển lành mạnh là sự hiện diện và kết nối của cha mẹ, tuy nhiên hiện nay, điều này dường như đang gặp thách thức khi cha mẹ bị công nghệ và truyền thông xã hội làm cho sao lãng và chiếm lấy tâm trí. Cha mẹ càng ít hiện diện và chú tâm trong những năm đầu đời của con, thì càng có nguy cơ cao con lớn lên cảm thấy không xứng đáng được yêu thương và trở nên lo lắng.
The Epoch Times: Ngày nay, các báo cáo về sự gia tăng [mức độ] lo lắng, trầm cảm, và thậm chí tự tử ở trẻ em thường khiến các bậc cha mẹ bận lòng. Cô cho rằng đâu là nguyên nhân gây nên xu hướng đáng lo ngại này?
Cô Shefali: Việc sống cô lập gia tăng và giảm kết nối xã hội thường là gốc rễ của những căn bệnh này. Trẻ em phát triển lành mạnh khi các em được bao bọc trong các mối quan hệ khắng khít, bền chặt. Khi không có được những điều này trong cuộc sống, các em sẽ trở nên vô cùng lúng túng và trong thâm tâm, các em thấy mình không có giá trị. Các em cảm thấy như thể bản thân không xứng đáng để cha mẹ chú ý và tập trung vào mình. Và các em dễ bị ảnh hưởng từ các tác động và can thiệp bên ngoài.
The Epoch Times: Một mối lo ngại lớn khác của nhiều bậc cha mẹ là tác động của mạng xã hội lên các con. Cô có khuyên các bậc cha mẹ nên đặt ra những giới hạn nào, nếu có, cho con của họ (và có lẽ, với cả chính họ) khi nói đến mạng xã hội?
Cô Shefali: Tôi đặc biệt khuyến nghị các bậc cha mẹ nên áp dụng chính sách “KHÔNG MÀN HÌNH CHO ĐẾN KHI CON BƯỚC VÀO TUỔI VỊ THÀNH NIÊN,” và thậm chí sau đó, cần có những giới hạn và hướng dẫn nghiêm ngặt để con tuân theo. Bộ não của con không thể hoạt động thông qua sự kích thích liên tục mà các thuật toán [của mạng xã hội] mang đến. Chúng cướp đi nhu cầu chơi đùa, tĩnh lặng, buồn chán, và sáng tạo tự nhiên của con chúng ta.
The Epoch Times: Cuốn sách “Bản Đồ Nuôi Dạy Con” tập trung vào ý tưởng về mối quan hệ căn bản giữa cha mẹ và con cái. Điều đó là thế nào?
Cô Shefali: Mối quan hệ căn bản giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ mà ở đó cả hai bên đều cảm thấy họ được tôn vinh và được nhìn nhận. Đó là một mối quan hệ kết nối và tôn trọng nhau thay vì mối quan hệ kiểm soát và có thứ bậc.
The Epoch Times: Một điều cô muốn mọi bậc cha mẹ cần thấu hiểu là gì?
Cô Shefali: Đó chính là, trẻ em không phải là tài sản hay đồ vật mà chúng ta có thể kiểm soát hoặc điều khiển, mà thay vào đó, các con ở đây để có được quyền tự chủ về tinh thần và phương hướng của mình. Một khi chúng ta thừa nhận tâm hồn độc lập của con, chúng sẽ có thể phát triển và bay cao.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times