Bạn có biết? Những loại rau trái này còn có tác dụng xua đuổi tà ma
Các nguyên liệu có vẻ bình thường như muối, hành, tỏi v.v. ngoài việc được sử dụng làm thực phẩm, ở các quốc gia khác nhau chúng còn có những phong tục và tác dụng khác nhau. Thế giới vô cùng muôn màu muôn vẻ, chúng ta hãy cùng nhau khám phá nhé!
Muối
Đặt một đĩa muối nhỏ trong nhà hoặc trước cửa tiệm là một phong tục của người Nhật Bản. Phong tục này được cho là bắt nguồn từ thời nhà Tấn ở Trung Quốc, nhằm thu hút phúc lành và khách hàng. Các đền thờ Nhật Bản từ thời cổ đại đều dùng muối để xua đuổi tà ma, họ cho rằng muối có tác dụng thanh tẩy.
Người Hy Lạp cũng dùng muối khi cúng tế Thần linh. Ở Hungary, khi một ngôi nhà mới hoàn thành, người ta sẽ rắc muối bên trong và bên ngoài của ngôi nhà. Ở Nga, bánh mì kẹp muối là một món ăn bày tỏ lòng hiếu khách.
Hành
Ở vùng nông thôn Ai Cập, rất nhiều nông dân xem hành là biểu tượng của chân lý. Trong các cuộc tranh chấp và kiện tụng, họ thường cầm củ hành trên tay và giơ cao để chứng tỏ rằng chân lý nằm trong tay họ, đồng thời phát ra lời thề.
Tỏi
Người Thổ Nhĩ Kỳ có tình cảm đặc biệt với tỏi, họ treo một vài chùm tỏi trước cửa nhà để có thể gặp dữ hóa lành. Người Hungary cũng có tình cảm sâu sắc với tỏi, họ tin rằng tỏi có thể ngăn ngừa bệnh tật, một số người dân nông thôn cũng tin rằng tỏi có thể xua đuổi tà ma. Chính vì lẽ đó, khi phụ nữ mang thai, người ta thường đặt tỏi lên đầu giường để bảo vệ sức khỏe cho hai mẹ con.
Hành tây
Lễ hội hành tây ở Bern là lễ hội hành tây lớn nhất tại Thụy Sĩ, được tổ chức hàng năm vào ngày thứ Hai của tuần thứ tư trong tháng 11.
Những người bán hàng sẽ đến chợ trước lúc bình minh và bán hành tây theo từng dây, dây dài nhất là gần 2 mét. Hành tây cũng được chế tác thành nhiều hình dạng khác nhau, một số được chế thành hình móng ngựa hoặc bánh xe, một số được làm thành “búp bê hành tây”, ngoài ra còn có “bà lão đọc báo”, “nông dân đội nón”, “phù thủy mũ đen” v.v. Trong đó, hành tây hình con lợn, con mèo và côn trùng là phổ biến nhất.
Cà chua
Ở một số quốc gia Âu Châu, cà chua được nam nữ thanh niên tặng nhau như một món quà tình yêu. Tương truyền, cà chua sớm đã là một món quà để bày tỏ tình yêu vào đầu thế kỷ 16. Người ta trồng cà chua trong trang viên và tặng cho người mình thích như một món quà tượng trưng cho tình yêu.
Củ cải đường
Ở Ba Tư cổ đại, củ cải đường được xem là một thứ “không may mắn”, người Saxon đều xem củ cải là biểu tượng để từ chối hôn nhân. Khi một chàng trai đến nhà gái cầu hôn, nếu được dọn một nồi canh củ cải thì tốt nhất là nên biết ý đi về, vì như vậy là biểu thị cho sự vô vọng.
Cà rốt
Món Stamppot với nguyên liệu chính gồm cà rốt, hành tây và khoai tây, là một món ăn quốc dân của người Hà Lan. Vào năm 1574, Tây Ban Nha xâm lược Hà Lan, Hà Lan bị bao vây trong ba tháng. Khi cư dân trong thành phố sắp chết đói, trời đã mưa to giúp hạm đội Hà Lan có thể tiếp cận thành phố một cách thuận lợi, vì vậy quân đội Tây Ban Nha đã không chiến mà bại. Người trong thành vội vã ra khỏi thành tìm thức ăn, trong các doanh trại quân Tây Ban Nha họ chỉ tìm thấy một ít khoai tây, cà rốt và hành tây. Họ đổ ba loại thức ăn này vào một cái nồi lớn rồi nấu lên, và cho rằng đây là “món ăn ngon nhất trong đời”. Sau chiến tranh, quốc gia này đã gọi đây là “món ăn quốc dân”. Vào ngày 03/10 hàng năm, mỗi gia đình sẽ nấu món ăn này để tưởng nhớ lịch sử.
Nho
Khi người Tây Ban Nha đoàn tụ với gia đình trong đêm giao thừa, vào đúng 12 giờ, lấy tiếng chuông nhà thờ làm tiếng báo hiệu, họ sẽ cùng nhau ăn nho. Mỗi lần rung chuông phải ăn một trái, cần ăn liên tiếp mười hai trái để năm mới có thể suôn sẻ thịnh vượng. Mỗi trái nho còn mang những ý nghĩa khác nhau như “bình an”, “hòa thuận”, “tránh nạn”, “trừ bệnh”, v.v.
Chuối
Trong Phật môn, chuối được gọi là “trái cây của trí tuệ”. Đại văn hào người Anh Shakespeare đã ca ngợi chuối là “trái táo ở Thiên Đường”.
Paella
Paella (cơm thập cẩm) là một món ăn phổ biến ở vùng Valencia và khắp đất nước Tây Ban Nha. Món ăn này được làm từ gạo, động vật có vỏ, tôm, cá và đậu v.v., rất được du khách nước ngoài yêu thích.
Chu Tuệ Tâm thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ