BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Theo các chuyên gia, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong bản đồ mới có liên quan đến những rắc rối trong nội bộ ĐCSTQ
Các chuyên gia cho rằng thời điểm Trung Quốc công bố bản đồ mới cho thấy một cuộc tranh đấu quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền.
NEW DELHI — Bản đồ mới do Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố hôm 28/08 đã tuyên bố chủ quyền đối với nhiều vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thu hút sự phản đối từ tất cả các quốc gia ngoại trừ Nga.
Các chuyên gia cho rằng bản đồ này không chỉ đơn thuần là vấn đề ngoại giao trên bản đồ. Một số người lưu ý rằng thời điểm đưa ra bản đồ này cho thấy cuộc tranh đấu quyền lực giữa các phe phái chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng cách duy nhất để chống lại tham vọng bá quyền của Bắc Kinh là các nước có chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm phải hiệp sức lại để ngăn chặn chế độ này.
Giáo sư Dibyesh Anand, chuyên gia về Trung Quốc và Tây Tạng, đồng thời là trưởng Khoa Khoa học Xã hội tại Đại học Westminster ở London — đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Mặc dù có sự khác biệt lớn giữa các đường vẽ trên bản đồ và đường vẽ trên thực địa, nhưng tầm quan trọng của bản đồ này không thể bị đánh giá thấp.”
“Bản đồ Tiêu chuẩn Trung Quốc Phiên bản 2023” thể hiện các tuyên bố lãnh thổ mà nước này đã đưa ra trước đây cũng như những tuyên bố đối với một số vùng lãnh thổ mới.
Những vùng lãnh thổ này, vốn được được tuyên bố trong bản đồ mới trong sự kiện “Tuần lễ Công khai Nâng cao Nhận thức về Bản đồ Quốc gia,” là thuộc về Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Philippines, và Đài Loan, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia, và Indonesia.
Trong khi việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các vùng đất của Ấn Độ, như Arunachal Pradesh và Aksai Chin, không có gì mới, thì đây là lần đầu tiên ĐCSTQ đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hòn đảo Ostrov Bolshoy Ussuriysky hầu như bị bỏ hoang của Nga, còn được gọi là đảo Hắc Hạt Tử (Heixiazi) hay đảo Great Ussuri.
Theo “Phụ lục Pháp lý Liên quan đến Biên giới phía Đông Trung-Nga” — được Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đương thời Hồ Cẩm Đào ký hồi năm 2004 và được Trung Quốc phê chuẩn hồi năm 2005 — hòn đảo này đã được chia đều cho hai nước sau khi Moscow bàn giao phần phía tây của hòn đảo cho Bắc Kinh vào năm 2008.
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học sống tại Đức, nói với The Epoch Times, “Mũi phía đông của hòn đảo đó, hiện được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hoàn toàn, nằm đối diện với thành phố Khabarovsk ở nơi xa xôi (thuộc vùng Liên bang Viễn Đông) của Nga. Thậm chí còn có một ngôi làng nhỏ có tên là Ussuriskyi của Nga với một cảng sông nho nhỏ ở mũi phía đông của đảo Hắc Hạt Tử, ngay đối diện Khabarovsk. Điều này sẽ biến người Nga sống ở ngôi làng nhỏ đó trở thành ‘người Trung Quốc.’”
‘Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này’
Ngoài các lãnh thổ của Ấn Độ và Nga, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và “đường 10 đoạn” ở phía đông Đài Loan. Kể từ khi bản đồ này được phát hành, thì Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Indonesia, và Philippines đã đệ đơn khiếu nại chính thức phản đối bản đồ này. Nga vẫn chưa có phản ứng gì và Hoa Kỳ gọi hành động này là “trái pháp luật.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết trong một tuyên bố khiếu nại đầu tiên hôm 29/08, “Hôm nay chúng tôi đã đưa ra một lời kháng nghị mạnh mẽ thông qua các hình thức ngoại giao với phía Trung Quốc về cái gọi là ‘bản đồ tiêu chuẩn’ năm 2023 của Trung Quốc, vốn đưa ra tuyên bố đối với lãnh thổ của Ấn Độ.”
Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng biên giới căng thẳng kể từ cuộc xung đột Galwan xuyên Himalaya đẫm máu hồi năm 2020. Cuộc xung đột này ngày càng dẫn đến việc tăng cường quân sự ở cả hai phía của đường biên giới Himalaya dài hàng ngàn dặm.
Ông Bagchi nói: “Chúng tôi bác bỏ những tuyên bố này vì tất cả đều không có cơ sở. Những bước đi như vậy của phía Trung Quốc chỉ khiến việc giải bài toán biên giới thêm nan giải.”
Malaysia đưa ra khiếu nại hôm 30/08, và Bộ Ngoại giao nước này cho biết mọi yêu sách của Trung Quốc đều chỉ là “đơn phương” và tấm bản đồ đó “không thể ràng buộc” nước này.
Sự rạn nứt và chủ nghĩa dân tộc
Các chuyên gia cho biết, bản đồ mới chạm đến tinh thần dân tộc của người dân Trung Quốc và thời điểm phát hành bản đồ cho thấy cái nhìn sơ lược về tình hình nội bộ của ĐCSTQ, nơi các bè phái khác nhau không ngừng giành giật quyền lực.
Ông Lehberger nói, “Bản đồ này phản ánh chính xác về căng thẳng chính trị tại Trung Quốc và phần nào là một loại bằng chứng về chủ nghĩa ái quốc và lòng trung thành tuyệt đối với giáo lý độc đoán của ông Tập. Bộ Tài nguyên ban hành bản đồ này, chứ không phải Bộ Ngoại giao. Vì vậy, đây cũng là một cuộc chạy đua trong nội bộ ĐCSTQ để xem trong số họ, ai là người [trung thành nhất].”
Ông Claude Arpi, một nhà nghiên cứu về Tây Tạng gốc Ấn Độ, tác giả sinh ra tại Pháp, kiêm nhà sử học, tin rằng tấm bản đồ này thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ ĐCSTQ.
Ông Arpi nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Tôi cho rằng ông Tập hiện không phải là người điều khiển ở Trung Quốc và ông ta không có toàn quyền kiểm soát tất cả các bộ. Ông Tần Cương là bằng chứng cho điều đó. Suy đoán duy nhất của tôi là có lẽ một phe phái [đối nghịch với] ông ta muốn làm trầm trọng thêm sự chia rẽ với các quốc gia lân bang bằng cách tái xuất bản tấm bản đồ.”
Bản đồ này được công bố ngay trước khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Ấn Độ và hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 18 tại Jakarta hồi đầu tháng này (09/2023). Ông Arpi tin rằng thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Arpi cho biết: “Việc phát hành bản đồ vào đúng lúc đó giống như một kiểu phá hoại chuyến công du ngoại quốc của ông Tập Cận Bình, đồng thời cho biết thêm rằng mọi thứ dường như không thuận lợi cho ông Tập sau mật nghị Bắc Đới Hà hồi tháng trước. Ông đặc biệt chú ý đến vòng đàm phán biên giới bất thành lần thứ 19 giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi giữa tháng Tám.”
Mật nghị mùa hè ở Bắc Đới Hà, hay “hội nghị thượng đỉnh mùa hè” được tổ chức thường niên từ tháng Bảy đến tháng Tám với sự tham dự của các quan chức cao cấp đương nhiệm và tiền nhiệm của ĐCSTQ. Tại cuộc họp, họ tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức, thảo luận về các chính sách lớn của quốc gia, và thông qua các quyết định lần cuối.
Ông Arpi viết, “Xét đến sự quan tâm của Ấn Độ, thì bản đồ do Trung Quốc công bố gần đây không có gì ‘mới.’ Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ giống như trên bản đồ năm 1960 của họ. Câu hỏi đặt ra là tại sao cần phải nhắc lại những tuyên bố này vào thời điểm các cuộc đàm phán ở Ladakh đã đi đến hồi then chốt.”
Chuyên gia này tin rằng ông Tập không thể tỏ ra yếu đuối bằng cách chấp nhận lập trường của Ấn Độ về vấn đề biên giới.
Ông Arpi cho biết: “Cũng rất có thể là ông Tập Cận Bình không đủ lực để từ bỏ bất cứ thứ gì ở Depsang và Demchok cũng như thừa nhận rằng hồi tháng 05/2020, ông ta đã thay đổi hiện trạng ở Ladakh do các vấn đề nội bộ trong ĐCSTQ.”
Ông nói, việc chế độ cộng sản Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với nhiều quốc gia cùng một lúc bằng cách tái khẳng định lãnh thổ của mình cho thấy khoảng cách giữa những gì ông Tập tuyên bố và thực tế về quan điểm “chính thức” của Bắc Kinh.
Ông Arpi viết, “Khi sự chia rẽ này diễn ra ở Trung Quốc, điều đó thường có nghĩa là có hai quan điểm đối lập nhau mạnh mẽ, quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn (thường do Quân Giải phóng Nhân dân lãnh đạo đưa ra) và ‘quan điểm ngoại giao.’ Một lần nữa, điều đó có nghĩa là có sự chia rẽ sâu sắc trong giới lãnh đạo cao cấp. Điều này sẽ giải thích tại sao ông Tập từ chối [tham dự] các cuộc họp ASEAN và G-20 mà thay vào đó quyết định cử thủ tướng của mình, người còn rất mới mẻ trong lĩnh vực ngoại giao đến dự thay.”
Tuy nhiên, giáo sư Anand cho rằng có những tin đồn về tình hình căng thẳng trong ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ do kinh tế Trung Quốc suy thoái, nhưng với quyền lực tối cao của ông Tập và niềm tin chung của các nhà lãnh đạo rằng sự tồn vong của Đảng là mục tiêu hàng đầu, thì ông có khả năng cao không phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng.
Ông viết trong một thư điện tử, “Ngay từ đầu, ông Tập Cận Bình đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn để lãnh đạo, và tôi cũng thấy những thay đổi này là sự tiếp nối của chủ nghĩa dân tộc đó chứ không phải là sự đứt đoạn với quá khứ.”
‘Trung Quốc có thể bành trướng yêu sách lãnh thổ của mình trong tương lai’
Theo các chuyên gia, bản đồ mới không khớp với bản đồ thực tế của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, từ đó cho thấy ĐCSTQ đã dự định mở rộng các yêu sách lãnh thổ của mình, làm gia tăng các cuộc xung đột ở biên giới.
Ông Lehberger nói: “Không hẳn là có ‘chiến tranh’ gì đó nhưng chắc chắn sẽ có một số cuộc đụng độ vũ trang.”
Ông Anand cho rằng bản đồ mới cho thấy việc lập bản đồ của phía Trung Quốc có phần “hiếu chiến” hơn trước.
Ông Anand nói: “Một khi tuyên bố theo chủ nghĩa tối đa được đưa ra trên một tấm bản đồ chính thức, thì sẽ có lợi thế rất lớn trong các cuộc đàm phán về ranh giới, và người ta có thể hình dung rằng khả quan nhất là Trung Quốc sẽ cứng rắn khi thương lượng và bi quan nhất là họ sẽ gây hấn quân sự trên thực địa.”
Ông Satoru Nagao, một thành viên không thường trực của Viện Hudson, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng bản đồ mới cũng truyền tải thông điệp nếu một quốc gia thách thức lập trường lãnh thổ của Bắc Kinh, thì một cuộc chiến có thể nổ ra.
“Đó là một thông điệp rõ ràng,” ông nói. “Trung Quốc có thể bành trướng yêu sách chủ quyền trong tương lai.”
Theo ông Nagao, Bắc Kinh không tin tưởng bất kỳ nước nào, kể cả đồng minh thân cận là Moscow.
“Bởi vì hiện nay Nga đang phụ thuộc vào Trung Quốc nên Trung Quốc đã mở rộng tuyên bố [của mình] đối với [lãnh thổ Nga] mà không hề do dự. Nga cần phải chiến đấu ở Ukraine. Để làm được điều này, tuyến đường tiếp viện qua Trung Quốc mang một vai trò sống còn,” ông viết.
Thể diện ngoại giao
Các chuyên gia cho biết cách duy nhất để ngăn chặn sự gây hấn trên bản đồ của Trung Quốc và xung đột biên giới là xây dựng các liên minh chiến lược đa phương cùng hợp tác vì thể diện ngoại giao.
“Khi các quốc gia bị ảnh hưởng đưa ra phản đối về mặt ngoại giao nhưng không thực hiện bất kỳ hành động nào [để chống lại Trung Quốc]… thì xem như Trung Quốc thành công. Các quốc gia phản đối dường như không làm được gì nhiều để thông báo cho dư luận thế giới về chủ nghĩa bành trướng trên bản đồ của Trung Quốc.”
Ông Nagao cho rằng vì Bắc Kinh phớt lờ trật tự toàn cầu hiện nay dựa trên luật pháp quốc tế nên các nước có phận sự có thể nhấn mạnh nhiều lần trật tự dựa trên luật lệ trong tuyên bố chung của họ.
“Lần này, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Philippines, [và] Đài Loan đã chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc,” ông nói. “Phản ứng thực sự là các nước xung quanh Trung Quốc phải hợp tác. Họ nên tăng cường sức mạnh quân sự để ngăn chặn yêu sách của Trung Quốc. Nếu một bản đồ như vậy giúp hình thành nên một NATO mới ở châu Á, thì Trung Quốc sẽ không dễ dàng công bố một bản đồ như vậy [thêm một lần] nữa,” chuyên gia này nói.
Ông Nagao cho biết các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương nên hiểu tầm quan trọng của sự hợp tác như vậy nhằm ngăn chặn Trung Quốc cộng sản, một nước có chi tiêu quân sự tăng 76% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 trong khi ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ giảm 10% trong cùng thời kỳ.
“Nếu các nước xung quanh Trung Quốc hợp tác với nhau và sở hữu khả năng tấn công như hỏa tiễn hành trình, thì chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ cần được chia nhỏ theo nhiều hướng. Vì vậy, hợp tác là yếu tố quan trọng để đối phó với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc,” ông viết.
Theo ông Nagao, yêu sách bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh còn bao gồm yếu tố phi quân sự. Ông tin rằng sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc là yếu tố then chốt trợ lực cho hành động gây hấn của ĐCSTQ về mặt quân sự lẫn trên bản đồ, cho phép nước này tăng ngân sách quốc phòng một cách nhanh chóng.
Ông nói: “Vì Trung Quốc giàu có nên Trung Quốc có thể đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, tạo ra nợ cho bên nhận sau đó khống chế họ. Vì vậy, giảm thu nhập của Trung Quốc là [giải pháp] chính yếu để đối phó với chính sách của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đang tập trung vào an ninh kinh tế.”
Theo ông Nagao, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại tự do được thiết lập theo đề nghị của 12 nền kinh tế Thái Bình Dương, và Khuôn khổ Kinh tế Thịnh vượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ giới thiệu hồi năm ngoái nhằm tạo ra các thị trường thay thế và hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ của phương Tây.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times